Hiện nay, đấu tranh trên không gian mạng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều năm qua, toàn Đảng và toàn dân ta nói chung, trong đó có Quân đội nói riêng đã rất tích cực, chủ động và đấu tranh có hiệu quả trong “cuộc chiến” này. Nội dung đấu tranh trên không gian mạng rất rộng lớn, đa dạng, phong phú, có những vấn đề các thế lực thù địch chống phá ta đã từ lâu, nhưng chưa đạt được mục tiêu nên hiện nay lợi dụng mạng xã hội chúng tiếp tục tung ra để chống phá. Sự chống phá của các thế lực thù địch không chỉ ở hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước; mà còn chiống phá ở cả những vấn đề cụ thể liên quan đến nhu cầu, lợi ích trực tiếp hàng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vì vậy, nội dung đấu tranh trên không gian mạng cần phải được đổi mới, khắc phục tư tưởng bảo thủ, giáo điều, sự trùng lặp, sự dàn trải, nhàm chán làm giảm hiệu quả đấu tranh. Đổi mới nội dung đấu tranh trên không gian mạng thực chất là xác định, lựa chọn nội dung đấu tranh cho phù hợp, cho đúng đắn, khoa học đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn đang đặt ra.

Một là, nội dung đấu tranh cần tập trung vào những vấn đề lý luận cơ bản thuộc về hệ tư tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nội dung công tác đấu tranh trên không gian mạng hiện nay, đòi hỏi phải tích cực, chủ động, kiên quyết nhằm vạch trần những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đấu tranh với những nội dung xuyên tạc, phủ nhận bản chất, mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc, phủ nhận vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và lực lượng vũ trang; xuyên tạc lịch sử, truyền thống của đất nước, của Đảng nhằm . Đấu tranh phản bác những luận điệu đòi “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Đấu tranh phê phán, khắc phục những nhận thức sai trái, lệch lạc, những tư tưởng, tàn dư tác động đến ý thức, hành vi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đấu tranh bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng, lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, định hướng tư tưởng, hành động đúng đắn; nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, bản lĩnh chính trị, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đường lối đổi mới của Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, khả năng miễn dịch, sức đề kháng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, khắc phục tình trạng chủ quan, mơ hồ mất cảnh giác, hoài nghi, dao động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xã hội và trong lực lượng vũ trang hiện nay.

Hai là, nội dung đấu tranh phải được đổi mới mạnh mẽ, tập trung vào những vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm của xã hội. Nội dung đấu tranh phải cập nhật những vấn đề rất cụ thể trong cuộc sống thường ngày, hướng vào những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, nhất là những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, những thời điểm nhạy cảm chính trị (đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, kỷ niệm các ngày lễ lớn, lấy ý kiến xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Hiếp pháp, pháp luật của Nhà nước…); đảm bảo tính thuyết phục, không máy móc, giáo điều và tổ chức tuyên truyền, giải đáp đúng và trúng, có sức thuyết phục cho các đối tượng trong xã hội. Phải linh hoạt, chủ động, nhanh nhạy, kịp thời phản bác lại những luận điểm bóp méo, thổi phồng và vu cáo của kẻ địch, vạch trần động cơ, ý đồ đen tối của chúng, chú ý không đi vào đấu tranh với một cá nhân, một con người cụ thể mà tập trung vào đấu tranh làm thất bại những quan điểm thể hiện lập trường giai cấp, quan điểm chính trị của các thế lực thù địch; những vấn đề tiêu biểu cho những quan điểm sai trái, lệch lạc của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã hội.

Ba là, nội dung đấu tranh vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng vừa đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nội dung đấu tranh trên không gian mạng hiện nay phải hướng vào thực hiện được mục tiêu là giữ vững được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, giữ được chế độ xã hội chủ nghĩa, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và lực lượng vũ trang, thực hiện mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…; đồng thời, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. 

Do vậy, cần tập trung lựa chọn những vấn đề về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay; nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là những nội dung về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; những vấn đề về cơ chế lãnh đạo của Đảng, cơ chế quản lý của Nhà nước đối với xã hội; những vấn đề về chính sách của Đảng và Nhà nước, về thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở…

Thường xuyên bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng trong Đảng và xã hội; thường xuyên nghiên cứu thu thập dư luận xã hội, nắm bắt đúng và trúng dư luận xã hội; nắm bắt thái độ, niềm tin, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để lựa chọn, xác định nội dung đấu tranh phù hợp.

Bốn là, nội dung đấu tranh vừa khẳng định tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vừa phê phán, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch. Nội dung đấu tranh trên không gian mạng hiện nay không chỉ đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, vu cáo, bịa đặt của các thế lực thù địch, các quan điểm sai trái, lệch lạc của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân mà còn phải khẳng định tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Để thực hiện nội dung này, các cấp cần làm tốt công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc lao động, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra, góp phần làm sâu sắc hơn những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục trong hoạt động lý luận, tuyên truyền; chủ động định hình, thiết lập hệ thống khung lý luận, luận cứ, luận điểm đấu tranh tư tưởng, lý luận khoa học, sẵn sàng tuyên truyền và đáp trả những quan điểm sai trái, thù địch.