Nếu điểm danh những quốc gia chi mạnh cho vũ khí nhập khẩu chắc chắn sẽ không thể bỏ qua cái tên Ấn Độ. Trong nhiều năm, Ấn Độ là nước nhập siêu các sản phẩm quốc phòng.

Giai đoạn 2011-2015, số tiền Ấn Độ mua vũ khí nước ngoài nhiều gấp đôi giai đoạn 2006-2010, theo tạp chí Forbes. Riêng ở giai đoạn 2013-2017, Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 12% kim ngạch nhập khẩu toàn cầu. New Delhi luôn là thị trường được Mỹ và Nga săn đón cho các hợp đồng vũ khí béo bở.

Những thay đổi dần xuất hiện sau khi New Delhi quyết định “tự đứng trên đôi chân của mình” trong ngành sản xuất vũ khí. Còn nhớ trong sự kiện cách đây không lâu, Thủ tướng nước này Narendra Modi cho biết, một quốc gia như Ấn Độ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Hệ thống tên lửa Akash do Ấn Độ sản xuất. Ảnh: Foreign Policy

Do đó, chính phủ đã đưa ra các biện pháp nhằm thay đổi tình trạng này kể từ năm 2014. Chính quyền của Thủ tướng Modi muốn Ấn Độ đóng một vai trò mới, mang tính dẫn đầu trong thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới.

Cách đây khoảng 4 năm, sản xuất trong nước của Ấn Độ mới chỉ đáp ứng 35% nhu cầu của lực lượng vũ trang, buộc nước này phải tìm kiếm 65% nguồn cung còn lại từ nước ngoài. Nhưng đến năm nay, 70% ngân sách quốc phòng của Ấn Độ đã được dành cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí trong nước.

 Chưa kể, Ấn Độ ngày càng cho thấy triển vọng sẽ sớm vươn lên hàng ngũ những cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Chỉ trong vòng 5-6 năm, xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ đã tăng lên 6 lần. Trong tài khóa 2021-2022, quốc gia 1,4 tỷ dân đã thu về gần 1,64 tỷ USD tiền xuất khẩu vũ khí và công nghệ quốc phòng. Đây là con số cao nhất mà Ấn Độ từng có được. Chưa dừng lại ở đó, nước này còn đặt mục tiêu đưa con số đó lên 5 tỷ USD vào năm 2025.

Hiện nay, Ấn Độ đang cung cấp thiết bị và dịch vụ quốc phòng “Made in India” cho hơn 75 quốc gia trên thế giới. Dữ liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, khoảng 50% vũ khí và trang thiết bị quốc phòng xuất khẩu của Ấn Độ giai đoạn 2017-2021 có điểm đến là nước láng giềng Myanmar, tiếp theo là Sri Lanka với 25% và Armenia là 11%.

Hồi tháng 1 vừa qua, Ấn Độ đã đánh dấu một cột mốc quan trọng hiếm có khi giành được đơn đặt hàng trị giá 375 triệu USD để cung cấp 3 khẩu đội tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho Philippines. Hợp đồng xuất khẩu vũ khí này được dự đoán sẽ mở đường cho nhiều giao dịch tương tự với Philippines, cũng như với các quốc gia khác trong ASEAN, qua đó giúp Ấn Độ chắc chân trong tốp 25 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu toàn cầu.

Đánh giá về những chuyển đổi tích cực của Ấn Độ, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chính quyền của Thủ tướng Modi đã tập trung tăng doanh số xuất khẩu quốc phòng để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, đặc biệt là mở rộng quy mô cũng như tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm vũ khí, khí tài “Made in India”.

Ngoài mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng trong nước nâng tầm phủ sóng của vũ khí Ấn Độ cũng góp phần giúp New Delhi gia tăng ảnh hưởng trên bàn cờ địa chính trị thế giới, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, đây cũng được coi là một trụ cột trong nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí tài quân sự nhập khẩu từ nước ngoài.

Thủ tướng Modi từng chia sẻ, việc phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu khiến Ấn Độ rơi vào tình cảnh éo le. Đôi khi quá trình chuyển giao kéo dài, một số vũ khí khi tới tay New Delhi đã trở nên lỗi thời so với mặt bằng chung của thế giới. Do vậy, Thủ tướng Modi nhận định tăng cường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu sẽ giúp Ấn Độ vừa tiết kiệm ngân sách, vừa đáp ứng được yêu cầu về nâng cao năng lực phòng thủ và đối phó với những thách thức an ninh.

Theo qdnd.vn