Phần Lan và Thụy Điển đang chờ đợi Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ-hai thành viên còn lại trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)-phê chuẩn đơn xin gia nhập liên minh quân sự này của họ. Điều đáng lo ngại là cho đến nay, Ankara còn chưa ấn định thời điểm phê chuẩn đơn của hai quốc gia Bắc Âu.

Theo The Washington Post, nửa năm sau Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6-2022, việc gia nhập liên minh này của Phần Lan và Thụy Điển vẫn đang bị cản trở. Hiện nay, 28/30 thành viên NATO đã phê chuẩn đơn xin gia nhập của Helsinki và Stockholm.

Trong khi Hungary thông báo sẽ phê duyệt khi Quốc hội nước này họp vào tháng 2 năm tới, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về thời điểm chấp nhận để hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều khả năng có thể trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống ở nước này dự kiến diễn ra vào giữa năm sau.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cầm đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan ngày 18-5-2022.

Ảnh: AFP

Hồi tháng 5 năm nay, Phần Lan và Thụy Ðiển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Động thái này được đánh giá là bước ngoặt khi hai nước chấm dứt nhiều thập kỷ trung lập. Theo quy định, kết nạp thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả 30 nước thành viên NATO. 

Mong muốn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển được phần lớn các nước thành viên NATO nhanh chóng ủng hộ bởi lẽ hai quốc gia này đã có mối liên hệ với NATO qua Hiệp định Đối tác vì hòa bình (PPP), một chương trình hợp tác song phương giữa NATO và các đối tác khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Ngoài ra, nếu gia nhập, Helsinki và Stockholm sẽ giúp tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự và khả năng răn đe của NATO.

Tuy nhiên, nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển ban đầu đã vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara cáo buộc hai nước này là nơi chứa chấp nhiều tổ chức khủng bố. Đến tháng 6 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Ðiển đã ký thỏa thuận, trong đó Ankara ủng hộ hai nước Bắc Âu gia nhập NATO. Đổi lại, Helsinki và Stockholm cam kết giải quyết các đề nghị của Ankara về trục xuất và dẫn độ nghi phạm khủng bố cũng như dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.

Tại cuộc thảo luận gần đây với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói rằng Stockholm đã thực hiện nhiều bước phù hợp với thỏa thuận về việc gia nhập đã được 3 nước ký hồi tháng 6. Trong đó, có cả những thay đổi trong hiến pháp của Thụy Điển nhằm thắt chặt quy định chống khủng bố.

Đây là một yêu cầu quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, Stockholm cũng tuyên bố chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ và đã dẫn độ một người đàn ông người Kurd bị cáo buộc có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Ankara xem là tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Phần Lan vẫn chưa tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara.

Sau nhiều tháng chờ đợi, NATO đã mất kiên nhẫn trước động thái trì hoãn của Ankara. Các quan chức NATO bắt đầu gây áp lực công khai lên Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến thăm tới thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi đầu tháng 11 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định rằng Phần Lan và Thụy Điển đã thực hiện tốt thỏa thuận của mình.

“Đã đến lúc chào đón Phần Lan và Thụy Điển với tư cách là thành viên đầy đủ của NATO”, ông Stoltenberg nhấn mạnh tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Bà Gonul Tol, một học giả Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ), nhận định: “Áp lực đang gia tăng từ phương Tây. Khi Thổ Nhĩ Kỳ khiến liên minh phải chờ đợi, các quan chức không muốn để ông Erdogan sử dụng lá bài gia nhập NATO để đạt được những nhượng bộ khác”.

Sự chậm trễ của Thổ Nhĩ Kỳ đang cản trở các ưu tiên của NATO. Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ để NATO chờ đợi cũng đặt Mỹ vào thế khó khi Washington đang tìm cách duy trì liên minh ủng hộ Ukraine trước thách thức về giá năng lượng cao và sức ép chính trị trong nước. 

Ông Soner Cagaptay, học giả về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về chính sách Cận Đông, kỳ vọng Tổng thống Erdogan sẽ phê chuẩn đơn xi  n gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm tới sau khi tối đa hóa lợi ích chính trị từ các nhượng bộ của Helsinki và Stockholm. Bên cạnh đó, ông Cagaptay cũng cho rằng giới chức Mỹ có thể phải vào cuộc để giúp các bên đạt thỏa thuận cuối cùng, dù họ muốn đứng ngoài cuộc tranh luận để tránh gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo qdnd.vn