Ngày 3-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố nội các mới của Chính phủ nước này, qua đó phần nào hé mở tư duy mới có thể dẫn tới sự thay đổi chính sách cả về đối nội và đối ngoại của chính trị gia lão luyện này.

Theo Daily Sabah, hai vị trí quan trọng hàng đầu trong nội các mới thu hút sự quan tâm của dư luận là chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao-được trao cho ông Hakan Fidan, người đứng đầu Tổ chức Tình báo quốc gia (MIT) và chiếc ghế Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính do ông Mehmet Şimşek đảm nhiệm. Ông Mehmet Şimşek từng được giới chuyên môn đánh giá cao khi giữ chức Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính rồi Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2009-2018. Hai vị trí quan trọng khác là Phó tổng thống được trao cho ông Cevdet Yilmaz-một nhà quản lý kinh tế và Bộ trưởng Quốc phòng do tướng Yasar Guler đảm nhiệm. Hàng loạt vị trí chủ chốt khác trong nội các mới cũng đã được bổ nhiệm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong buổi lễ nhậm chức ở Ankara, ngày 3-6.

Trước đó, cùng ngày, ông Erdogan đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm kỳ 2023-2028 trong một buổi lễ trang trọng, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia cùng hàng loạt quan chức cấp cao từ 78 nước và các tổ chức quốc tế như: Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg...

Al Jazeera nhận định, mọi diễn biến xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc thành lập nội các mới của chính quyền nước này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Đó là bởi những tác động to lớn của nó không chỉ giới hạn trong nội bộ quốc gia có quân đội mạnh thứ hai NATO mà còn tác động đáng kể đến an ninh châu Âu và Trung Đông.

Chính quyền Tổng thống Erdogan-nhà lãnh đạo tại vị lâu năm nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong hai thập niên cầm quyền đã đưa quốc gia này trở thành một nhân tố toàn cầu; thực hiện những chính sách hiện đại hóa đất nước thông qua các siêu dự án xây dựng cầu cảng, sân bay; kiến tạo ngành công nghiệp vũ khí có bước tiến vượt bậc; thực hiện tiến trình đàm phán để gia nhập Liên minh châu Âu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giúp hàng triệu người dân thoát nghèo; bãi bỏ quy định bắt buộc phụ nữ đeo khăn trùm đầu, được quyền làm việc trong khu vực công và tự do theo học đại học...

Tuy nhiên, chính sách kinh tế điều chỉnh lãi suất thấp mà chính quyền Tổng thống Erdogan theo đuổi trong nhiệm kỳ trước đã gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao. Phản ứng chậm của chính quyền sau vụ động đất kinh hoàng ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 50.000 người thiệt mạng hồi đầu năm nay cũng khiến nội các cũ của ông Erdogan chịu nhiều chỉ trích. Vì những lẽ đó, công chúng đang mong ngóng, dõi theo những động thái thay đổi chính sách mà các tân bộ trưởng nội các mới có thể thực hiện nhằm đưa quốc gia này thoát khỏi vũng lầy kinh tế-xã hội.

Trong lĩnh vực đối ngoại, với vị trí chiến lược nằm ở ngã tư nơi giao nhau giữa châu Á và châu Âu, với một nền công nghiệp quốc phòng gần đây có nhiều bứt phá ngoạn mục, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên như một cường quốc khu vực và một trung tâm hòa giải toàn cầu, song cũng là một đối tác không hề “dễ chơi”.

Bất chấp việc là một thành viên NATO, Ankara không chấp nhận hùa theo Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt khốc liệt với Moscow. Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vun đắp quan hệ hòa hảo với Nga và các quốc gia vùng Vịnh, mặt khác tích cực thể hiện vai trò hòa giải quốc tế, tăng cường sức mạnh mềm thông qua các hoạt động ngoại giao. Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến hành lang ngũ cốc Biển Đen, giúp giải phóng hàng triệu tấn lúa mì bị tắc nghẽn do tác động từ chiến sự Nga-Ukraine, góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Dư luận còn nhớ, Ankara từng ngăn chặn nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan với cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu này dung túng cho các lực lượng khủng bố người Kurd. Động thái này là một ví dụ điển hình về cách Ankara thúc đẩy lợi ích quốc gia, bất kể các cấu trúc liên minh hiện có. Đó cũng là lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời cầm quyền của ông Erdogan được mệnh danh là "cơn đau đầu kinh niên" của phương Tây, như AP mô tả. Liệu nội các mới của chính quyền Ankara có tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, không liên kết, với trọng tâm là duy trì quyền tự chủ chiến lược trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng? Câu hỏi đó cần có thời gian để được hồi đáp.

Theo qdnd.vn