Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đã mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhưng ngay sau đó, vận mệnh đất nước lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khi “giặc đói”, “giặc dốt”, đặc biệt là giặc ngoại xâm đang đe dọa nghiêm trọng nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong tình thế ngặt nghèo đó, đêm ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến để hiệu triệu toàn dân đứng lên cầm vũ khí đánh đuổi kẻ thù xâm lược: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”1. Đáp lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí: Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, cả dân tộc ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau chín năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân ta đã đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”2.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng tinh thần toàn quốc kháng chiến vẫn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh; có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, để lại nhiều bài học quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là đối với vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sau 35 tiến hành công cuộc đổi mới, “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới”3. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn. Nhiều nước tăng ngân sách quốc phòng, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới, các loại hình tác chiến mới dẫn đến chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt hơn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn, nhất là trên Biển Đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến xung đột. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình”, kích động ly khai, bạo loạn lật đổ; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhằm chống phá nước ta ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện hơn... đặt ra cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc yêu cầu mới khó khăn, phức tạp hơn. Do đó, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ toàn quốc kháng chiến để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn cho thấy, ngay sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi, đất nước ta lại phải đối mặt với nhiều thử thách. Để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và thành quả cách mạng, ngày 11-11-1945, Đảng ta đã tuyên bố tự giải tán, nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật để làm mất mục tiêu chống phá của địch. Đồng thời, với tinh thần Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện triệt để phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; vừa kiên quyết giữ vững mục tiêu độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; vừa thực hiện sách lược hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc nhằm phân hóa, cô lập và loại bớt kẻ thù, để có thêm thời gian củng cố chính quyền cách mạng và chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài.

Hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chống phá nước ta với những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó nhận diện; đối tượng, đối tác của nước ta luôn chuyển hóa, biến đổi hết sức khó lường, rất dễ làm cho ta rơi vào mơ hồ, mất cảnh giác đòi hỏi phải giữ vững sự lãnh đạo của Đảng mới có thể đề ra được những chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”4.

Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; kiên quyết ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch.

Hai là, thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác, dự báo, đánh giá đúng tình hình; đề ra quyết sách chính xác, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách hòa hoãn, nhân nhượng với địch để ngăn không cho cuộc chiến tranh xảy ra, nhưng thực dân Pháp đã bất chấp mọi nỗ lực, thiện chí của ta để quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Do nắm chắc âm mưu, dã tâm đen tối của chúng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra đường lối kháng chiến kiến quốc đúng đắn sáng tạo, tranh thủ tối đa thời gian hòa hoãn để làm tốt mọi công tác chuẩn bị, chủ động đưa cả nước bước vào cuộc kháng chiến, đẩy kẻ thù vào thế bị động, bất ngờ, tạo tiền đề để kháng chiến thắng lợi. Do đó, đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và còn nguyên giá trị vận dụng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã chỉ rõ: Chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng các tình huống phức tạp có thể xảy ra, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo, biên giới, các địa bàn chiến lược. Hoàn thiện các phương án bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, không để bị động bất ngờ. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”5. Đặc biệt, Nghị quyết số 24-NQ/TƯ ngày 16-4-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam khẳng định: Thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt... giữ trong ấm, ngoài êm, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh phương hướng: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”6; đồng thời, nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược, “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”7. Điều này cho thấy, Đảng ta vận dụng sáng tạo bài học từ toàn quốc kháng chiến vào tình hình mới.

Ba là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh với “thế trận lòng dân” vững chắc; lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng nhất để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hiện nay, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh với thế trận lòng dân vững chắc là yếu tố cốt lõi nhất, đảm bảo cho trong ấm, tạo ra sức mạnh răn đe, ngăn chặn nguy cơ, hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ cho ngoài êm. Do đó, phải: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”8.

Đồng thời, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, trước hết, tập trung phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; bảo đảm cho lực lượng này luôn luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, chú trọng xây dựng Quân đội có tổ chức hợp lý, tinh, gọn, mạnh, có sức mạnh chiến đấu cao, vũ khí, trang bị hiện đại; nâng cao khả năng phòng thủ, tác chiến tầm cao, tầm xa, khả năng kiểm soát vùng trời, vùng biển, đảo xa bờ, tác chiến ban đêm, sẵn sàng đánh thắng trong các tình huống xung đột và chiến tranh. Đồng thời, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao. Nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng tạo sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường đối ngoại quốc phòng, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa vạch trần dã tâm đen tối của thực dân Pháp và chiến tranh xâm lược phi nghĩa của chúng; vừa nói rõ cho quốc dân đồng bào và toàn thế giới biết vì sao ta phải kháng chiến và tính chất chính nghĩa của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Do đó, càng về cuối cuộc kháng chiến, chúng ta càng nhận được nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, điều này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hiện nay, để giữ cho trong ấm, ngoài êm, thêm bạn, bớt thù, cùng với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với chiến lược đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, có nguyên tắc, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục quán triệt sâu, rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù 75 năm đã trôi qua, những bài học về giữ vững sự lãnh đạo của Đảng; sử dụng mọi biện pháp, sách lược, thời gian hòa hoãn có thể; nhận định, dự báo đúng tình hình; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế... của Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong tình hình mới.

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 534.

2. Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb CTQG, Hà Nội, 1976, tr. 55 - 56.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr. 25.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr. 160 - 161.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 149.

6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, tr. 156, 159, 157.