Ngoại trưởng Antony Blinken gọi vụ khinh khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ là động thái “không thể chấp nhận được” trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington phản ứng thái quá và cảnh báo có thể đáp trả.

Đằng sau vụ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc

Một khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ cho là do thám đã bị nhắm trúng sáng 4/2 sau khi chính quyền Tổng thống Biden ra lệnh bắn hạ vào lúc nó đang lơ lửng trên bầu trời Đại Tây Dương ở phía Đông Myrtle Beach thuộc Nam Carolina giữa bối cảnh các nghị sĩ Mỹ kêu gọi hành động khẩn cấp trước khinh khí cầu bí ẩn trên.

Khinh khí cầu bị bắn hạ ngày 4/2 được phát hiện lần đầu tiên khi nó đi qua Montana đầu tuần này. Ảnh: AP

Tiêm kích của Không quân Mỹ đã bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc vào lúc 14h30 phút (giờ địa phương) ngày 4/2, Tổng thống Biden xác nhận, đồng thời cho biết ông đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc bắn hạ nó "sớm nhất có thể" mà không gây thương vong cho những người ở trên mặt đất.

Việc bắn hạ khinh khí cầu trên do tiêm kích F-22 Raptor thực hiện, xuất kích từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia. Tiêm kích này đã bắn hạ khinh khí cầu bằng 1 tên lửa cách bờ biển Nam Carolina khoảng 6 hải lý, Reuters dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao cho biết.

Theo AP, các quan chức Nhà Trắng cân nhắc kế hoạch bắn hạ khinh khí cầu mà họ cho là do thám khi nó đi qua Nam Calirona và vào vùng biển liên bang. NBC dẫn lời một nhà khí tượng học cho biết ông đã nhìn thấy khinh khí cầu khổng lồ ở Charlotte, Bắc Carolina sau khi nó được phát hiện ngày 3/2 ở thành phố Kansas và St. Louis.

Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - người đã phải hoãn lịch trình tới Bắc Kinh tuần này sau vụ khinh khí cầu, cho biết bước đầu tiên là phải loại bỏ khinh khí cầu trên khỏi không phận liên bang, đồng thời gọi động thái của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được và vô trách nhiệm" cũng như vi phạm luật pháp quốc tế.

Dư luận Mỹ sau vụ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc

Về phía dư luận Mỹ, Thống đốc bang Arkansas - ông Asa Hutchinson cho biết "hành động gây hấn của Trung Quốc" không thể chấp nhận được, cũng như khẳng định khinh khí cầu này cần bị bắn hạ. Ông cũng cho rằng việc khôi phục các mảnh vỡ sẽ cung cấp câu trả lời về việc Trung Quốc đã sử dụng các thiết bị do thám gì khi tiến hành động thái trên.

Tuy vậy, một số quan chức cho rằng việc bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ở vùng biển liên bang khi nó đi qua bờ biển của Carolina quá nguy hiểm. Theo một cựu phi công Hải quân nhận định trên Business Insider, việc bắn hạ nó "rất khó khăn" và có thể gây nguy hiểm cho những người trên mặt đất.

Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder thông báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng khinh khí cầu trên có kích cỡ bằng 3 chiếc xe bus, lơ lửng ở độ cao hơn 18.000m, song không gây ra "mối đe dọa với những người trên mặt đất".

Một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định việc trì hoãn bắn hạ khinh khí cầu cho phép Lầu Năm Góc theo dõi nó khoảng 1 tuần và hiểu thêm về khả năng thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng phản bác những chỉ trích của đảng Cộng hòa khi những người này cho rằng lẽ ra ông nên ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc ngay sau khi nó xuất hiện ở không phận Mỹ. Khi được báo giới hỏi về thông điệp Mỹ muốn gửi tới Trung Quốc sau vụ bắn hạ khinh khí cầu, Tổng thống Biden đã không trả lời.

Bloomberg đưa tin, các quan chức Mỹ đã biết về sự xuất hiện của khinh khí cầu trên khi nó vào không phận Mỹ ngày 28/1 nhưng không tiết lộ công khai cho tới khi nó được phát hiện một lần nữa trong không phận Mỹ ở Idaho và Montana. Tổng thống Biden được cho là đã cân nhắc bắn hạ nó nhưng được các cố vấn quân sự khuyến cáo không nên làm vậy.

Lầu Năm Góc cũng xác nhận một khinh khí cầu thứ hai của Trung Quốc đã được phát hiện tối 3/2 (giờ địa phương) ở Colombia và Venezuela song không cung cấp thêm thông tin chi tiết sau khi các hãng tin ở Costa Rica ghi nhận việc một khinh khí cầu dường như xuất hiện ở quốc gia Nam Mỹ này hôm 2/2.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định khinh khí trên không phải một phần của chiến dịch do thám mà là một khinh khí cầu thời tiết dân sự. Trong phản ứng công khai đầu tiên về vụ bắn hạ khinh khí cầu, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ phản ứng thái quá và cảnh báo có thể đáp trả.

Dù vậy, ông Ryder phủ nhận tuyên bố trên và nói rằng "chúng tôi biết đó là một khinh khí cầu do thám" cũng như nó đã "vi phạm không phận Mỹ và luật pháp quốc tế".

Lợi thế của khinh khí cầu

Một báo cáo năm 2009 gửi tới Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ và Trường Cao đẳng Tham mưu cho biết, các khinh khí cầu có một lợi thế lớn hơn so với các vệ tinh là chúng có thể quét một khu vực rộng lớn ở độ cao thấp. Ngoài ra, chúng cũng như có nhiều thời gian tại một khu vực mục tiêu bởi chúng di chuyển chậm hơn vệ tinh, The Guardian cho hay.

"Trong những thập kỷ qua, các vệ tinh là câu trả lời. Nhưng bây giờ, khi các vũ khí laser và vũ khí động lực học được sử dụng để nhắm vào các vệ tinh, mối quan tâm đến việc sử dụng khinh khí cầu đã quay trở lại", John Blaxland, Giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Australia cho hay. Còn theo The Guardian, mặc dù khinh khí cầu khó có thể "do thám liên tục như vệ tinh" nhưng chúng rẻ hơn và dễ khôi phục hơn nhiều. Phóng một vệ tinh vào không gian có thể mất tới hàng triệu USD.

Blake Herzinger - chuyên gia về chính sách quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Viện Doanh nghiệp Mỹ thì cho biết mặc dù các khinh khí cầu di chuyển chậm nhưng không phải lúc nào chúng cũng dễ bị phát hiện./.

Kiều Anh/VOV.VN