Cùng với sự phát triển lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, những năm qua, các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được xây dựng đồng bộ trong toàn quân và hoạt động tương đối ổn định, góp phần nâng cao chất lượng đời sống chính trị, văn hóa tinh thần của bộ đội. Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại trong thời gian tới, việc củng cố, xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở các đơn vị đứng trước những yêu cầu mới cao hơn, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp trong Quân đội cần có tư duy nhận thức mới để từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả.   

Để thực hiện mục tiêu, phương hướng xây dựng Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại theo lộ trình đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội xác định: “Công tác tư tưởng - văn hóa trong Quân đội phải góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị gắn bó máu thịt với nhân dân, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thi đua khen thưởng”1. Trong đó, việc phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhận thức sâu sắc vai trò của các thiết chế văn hóa đối với đời sống chính trị - tinh thần của bộ đội, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã luôn quan tâm lãnh đạo chỉ đạo tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, trong đó có các thiế chế văn hóa cơ sở. Ngày 29-10-2020, hội nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương đã xác định chủ trương quy hoạch thiết chế văn hóa trong Quân đội đảm bảo chính quy, tinh gọn, thống nhất. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 3672-QĐ/BQP ngày 24-11-2020 về Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Tổng cục Chính trị đã ban hành Hướng dẫn số 285-HD/CT ngày 15-01-2021 về việc triển khai thực hiện hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội. Nhờ vậy, các thiết chế văn hóa cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, phát huy được công năng, góp phần tích cực vào xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh ở các đơn vị cơ sở.

Theo đó, “Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở gồm 3 cấp (nhà văn hóa, câu lạc bộ, phòng Hồ Chí Minh) có nhiệm vụ giúp các đơn vị thực hiện hiệu quả công tác văn hóa ở cơ sở”2. Những năm gần đây, hệ thống thiết chế văn hóa ở các đơn vị cơ sở đã khẳng định vị trí vai trò và phát huy chức năng trong tổ chức, xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 100% các đơn vị cấp sư đoàn và tương đương có tổ chức nhà văn hóa, cấp trung đoàn và tương đương có câu lạc bộ, cấp tiểu đoàn và tương đương có phòng Hồ Chí Minh. Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, hầu hết các thiết chế văn hóa đã thực sự là một chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố, như: Cơ sở vật chất; bộ máy tổ chức, nhân sự; quy chế hoạt động; nguồn kinh phí cùng các hoạt động văn hóa quần chúng sôi nổi được tổ chức thực hiện trong khuôn khổ của mỗi thiết chế ấy. Hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ, phòng Hồ Chí Minh đã được đầu tư xây dựng chính quy, có diện tích đủ lớn cho các hoạt động sinh hoạt tập thể, đảm bảo trang trí thống nhất về mặt khánh tiết cũng như các trang, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt, học tập, văn hóa, giải trí của bộ đội. Các đơn vị đều quan tâm xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ, cụ thể phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của mình; kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và kiêm nhiệm công tác trong các thiết chế văn hóa; tạo điều kiện về cả thời gian, vật chất, tinh thần để các thiết chế văn hóa phát huy được công năng trong tổ chức thực hiện nhiêm vụ.

Nhờ vậy, các thiết chế văn hóa cơ sở ở đơn vị đã phản ánh đầy đủ diện mạo văn hóa quân sự ở mỗi đơn vị; thực sự là nơi để bộ đội hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần đồng thời cũng trở thành chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa ấy. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ là lực lượng nòng cốt trong các thiết chế văn hóa cơ sở đồng thời cũng trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, cổ động, giáo dục chính trị - tưởng, hoạt động văn hóa quần chúng, ở đơn vị cơ sở. Các thiết chế văn hóa cũng trở thành nơi thực hiện các cuộc vận động chính trị lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội ở đơn vị; là lực lượng tiên phong đấu tranh với cái xấu, cái sai, các quan điểm, hành vi gây tác hại đến văn hóa, lối sống xã hội chủ nghĩa; ngăn chặn các sản phẩm văn hóa xấu độc, đồi trụy xâm nhập vào đơn vị; gạn đục, khơi trong,  xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh thực sự là cái nôi để đào luyện nhân cách người quân nhân cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở trong Quân đội những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Việc xác định mô hình của từng loại hình thiết chế văn hóa ở mỗi cấp chưa được cụ thể, thống nhất dẫn đến những lúng túng nhất định trong khâu tổ chức thực hiện. Một số đơn vị chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến việc xây dựng hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các thiết chế văn hóa. Công tác xây dựng tổ chức, biên chế nhân lực cho thiết chế văn hóa còn có nhiều bất cập. Việc bồi dưỡng nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho lực lượng nòng cốt của các thiết chế văn hóa chưa được tiến hành thường xuyên và đạt hiệu quả mong muốn.

Những năm tới, các thiết chế văn hóa cơ sở cần được tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện và phát huy tốt vai trò của mình trong xây dựng môi trường văn hóa quân sự ở đơn vị, thiết thực góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Theo đó, các đơn vị trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục thống nhất về quy hoạch tổng thể, tổ chức, biên chế, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quản lý, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở trong toàn quân.

Tổng cục Chính trị cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đầu mối trực thuộc trong toàn quân xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tổng thể về hệ thống thiết chế đơn vị mình theo đúng chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phù hợp với đặc điểm, tính chất nhiệm vụ của từng đơn vị. Quá trình triển khai cần đảm bảo sự thống nhất cao từ tên gọi, đến tổ chức biên chế. Phấn đấu 100% các sư đoàn, học viện, nhà trường, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có nhà văn hóa; 100% đơn vị cấp trung đoàn và tương đương có câu lạc bộ; 100% các tiểu đoàn đủ quân, các đại đội làm nhiệm vụ chiến đấu độc lập, đồn biên phòng có phòng Hồ Chí Minh. Thống nhất việc xây dựng các tổ, đội, nhóm công tác trực thuộc các thiết chế văn hóa nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động văn hóa quần chúng ở đơn vị cơ sở. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phải được thực hiện theo quy chuẩn thống nhất ở mọi cấp. Việc đảm bảo trang, thiết bị, phương tiện, văn hóa phẩm, sách báo... cho từng thiết chế văn hóa phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư 138-TT/BQP, ngày 10-11-2020 Quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở Quyết định số 3672-QĐ/BQP của Bộ Quốc phòng và Hướng dẫn số 285/HD-CT của Tổng cục Chính trị, các đơn vị cần chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng  quy chế hoạt động của từng thiết chế văn hóa (chức năng, nhiệm vụ, nội quy hoạt động của thiết chế; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, của cán bộ, nhân viên, các tổ công tác hoạt động trong từng thiết chế) và xây dựng các kế hoạch hoạt động thường xuyên, định kỳ của các thiết chế văn hóa cơ sở.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý điều hành của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên đối với xây dựng, hoàn thiện và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở.

Xây dựng, hoàn thiện, phát huy công năng của các thiết chế văn hóa nằm trong tổng thể công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng văn hóa nói chung, xây dựng môi trường văn hóa nói riêng ở đơn vị cơ sở. Đây cũng là một nội dung, biện pháp đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và sự quản lý, điều hành của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên vừa là yêu cầu vừa là điều kiện để các thiết chế văn hóa cơ sở phát huy được vai trò của mình trong đời sống văn hóa - tinh thần của mỗi đơn vị.

Cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp cần đổi mới tư duy, nhận thức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và quản lý, điều hành hoạt động của các thiết chế văn hóa theo hướng chính quy, thống nhất, nền nếp, có chất lượng, hiệu quả thiết thực, tất cả vì một đời sống văn hóa, tinh thần trong sạch, lành mạnh, vui tươi, giàu tính nhân văn trong đơn vị. Cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát đúng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc; kịp thời biểu dương những bộ phận, tổ công tác có cách làm hay, hoàn thành tốt nhiệm vụ đi đôi với chấn chỉnh, uốn nắn những biểu hiện coi nhẹ hoạt động của thiết chế văn hóa cùng những hành động lệch lạc trong quá trình tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò năng động, sáng tạo của cán bộ chủ trì các cấp, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị trong việc chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa. Quan tâm bổ sung cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số trong việc nâng cấp các phương tiện phục vụ hoạt động văn hóa tinh thần ở đơn vị.

Ba là, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên, lực lượng nòng cốt cho các thiết chế văn hóa cơ sở ở đơn vị.

Các thiết chế văn hóa cơ sở của các đơn vị trong Quân đội chỉ có thể phát huy được công năng khi thực sự trở thành một bộ phận không thể thiếu hợp thành môi trường văn hóa của đơn vị. Điều đó chỉ có thể được thực hiện thông qua sự hoạt động tích cực, nhiệt tình, giàu sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên, lực lượng nòng cốt. Vì vậy, Quân đội cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cả về phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ này. Theo đó, cán bộ, nhân viên chuyên trách tại các thiết chế văn hóa cơ sở phải được đào tạo cơ bản. Các đơn vị có kế hoạch lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu trên các mảng công tác văn hóa quần chúng để cử đi đào tạo chuyên sâu để làm lực lượng nòng cốt. Bên cạnh đó, các đơn vị có thể tuyển dụng những thanh niên được đào tạo cơ bản ở các trường văn hóa, nghệ thuật có chuyên ngành phù hợp để làm cán bộ, nhân viên phụ trách các thiết chế văn hóa cơ sở. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, nhân viên nhà văn hóa, câu lạc bộ và lực lượng nòng cốt tham gia các tổ công tác chuyên trách của nhà văn hóa, câu lạc bộ, phòng Hồ Chí Minh. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng nòng cốt các thiết chế văn hóa ở các cấp theo hướng đổi mới, tiếp cận các công nghệ hiện đại trên lĩnh vực văn hóa, với những nội dung thiết thực, sát với điều kiện thực tiễn của đơn vị.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở ở đơn vị phù hợp với yêu cầu phát triển thực tiễn.

Các thiết chế văn hóa phải không ngừng phát triển, hoàn thiện, ngày càng trở thành trung tâm của môi trường văn hóa quân sự tại đơn vị cơ sở. Muốn vậy, từng thiết chế văn hóa cơ sở phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của mình phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa của đối tượng cán bộ, chiến sĩ có năng lực nhận thức ngày càng tốt hơn; đồng thời trong điều kiện sự phát triển vũ bão của công nghệ truyền thông và công nghiệp văn hóa hiện nay.

Nội dung hoạt động của các thiết chế văn hóa cần bám sát thực tiễn đời sống chính trị - xã hội trong nước và quốc tế; gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị và các nhiệm vụ công tác đột xuất được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao, nhất là nhiệm vụ tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Xây dựng các chương trình hoạt động của thiết chế văn hóa với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh tại đơn vị; kết hợp chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, hoạt động của các thiết chế văn hóa cũng cần hướng vào thực hiện các chuẩn mực của con người Việt Nam mới, xây dựng các phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ. Tăng cường ứng dụng các thành tựu chuyển đổi số, công nghệ mô phỏng, công nghệ 5G, vào nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa tại đơn vị. Tích cực học hỏi các mô hình, kinh nghiệm, cách làm hay của các đơn vị văn hóa trong và ngoài Quân đội để không ngừng sáng tạo ra những hình thức hoạt động mới hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo bộ đội tham gia, tạo nên đời sống văn hóa phong phú, sinh động và thấm đẫm giá trị nhân văn.

1. Quân ủy Trung ương, Báo cáo chính trị của Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Hà Nội, 2020, tr. 25.

2. Bộ Quốc phòng, Cổng thông tin điện tử/Thông tin - dịch vụ/Văn hóa  thể thao/Thiết chế văn hóa /Các TCVH trong QĐ.