Những năm gần đây, mạng xã hội đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Hiện nay có hàng trăm mạng xã hội khác nhau, phổ biến như Facebook, Youtube, Instagram, Zalo, Tiktok…

Mạng xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực như: cho phép tìm kiếm thông tin dễ dàng; gặp gỡ, giao lưu, gắn kết cộng đồng, trao nhận, chia sẻ tình cảm; tìm kiếm việc làm, quảng cáo, kinh doanh và giải trí. Sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra những giá trị mới, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người dùng nếu thiếu cảnh giác. Người dùng mạng xã hội có thể bị xâm phạm đời tư, có nguy cơ lừa đảo về kinh tế, mất an toàn cho cá nhân và gia đình; dễ bị đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội như trộm cắp, chiếm đoạt tài sản, bắt cóc tống tiền… Đặc biệt, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng tiện ích này, biến nó thành công cụ đắc lực để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Không khó để nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong và ngoài nước, các phần tử bất mãn, cơ hội trong việc chống phá Đảng, Nhà nước: Tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm tạo ra khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên của Đảng, cũng như trong toàn xã hội, để từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, tiến tới làm tan rã Đảng Cộng sản Việt Nam; luôn tìm mọi cách vu khống, xuyên tạc, bịa đặt khi cho rằng Đảng và Nhà nước ta vi phạm về các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; hay như lợi dụng các ngày lễ lớn, các hoạt động quan trọng của Đảng, Nhà nước. Tác hại của những thông tin xấu độc trên mạng xã hội do các thế lực thù địch, phản động tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây mất đoàn kết trong Đảng và rộng hơn, nguy hiểm hơn là gây mâu thuẫn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Hệ lụy của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị băng hoại, văn hóa dân tộc bị tầm thường hóa, đánh mất bản sắc, an toàn xã hội bị đổ vỡ, thì sẽ tác động mạnh đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận không nhỏ các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ - đối tượng thường xuyên tiếp cận với mạng xã hội.

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2018, của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” xác định, đấu tranh phòng, chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Để phát huy vai trò của cán bộ, giảng viên Học viện Quốc phòng trong chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên mạng xã hội cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, quần chúng. Nội dung giáo dục tập trung vào: Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhận diện làm rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, của các đối tượng xấu trên Internet và mạng xã hội; những vấn đề, sự kiện mà chúng lợi dụng xuyên tạc, mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin xấu, độc. Tổ chức trao đổi và làm rõ về thông tin xấu độc để mọi người nâng cao nhận thức, nhận diện được thông tin xấu, độc, có ý thức tự phòng vệ và ý thức ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cơ quan, khoa, hệ phải đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ. Thông qua sinh hoạt của tổ chức đảng, cấp ủy chủ động cung cấp thông tin, giải tỏa dư luận đối với những luồng thông tin trái chiều, bịa đặt trên mạng xã hội; đấu tranh phê phán những biểu hiện dao động, mơ hồ hoặc phụ họa theo những thông tin, quan điểm sai trái. Thực hiện phương châm “mỗi đảng viên là một tuyên truyền viên của Đảng”, cán bộ, đảng viên phải là người trực tiếp tuyên truyền cho gia đình và quần chúng nhân dân nơi cư trú, làm rõ bản chất sai trái, tính chất nguy hiểm của các thông tin sai trái, bịa đặt. Từ đó định hướng dư luận theo hướng tích cực, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, hình thành sức “tự đề kháng” trước các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Ba là, cán bộ, giảng viên cần chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên internet, mạng xã hội. Bản thân từng cán bộ, giảng viên phải thật sự có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, có niềm tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Không ngừng nghiên cứu, học tập và quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần thấy được rằng, việc phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng giảng viên phải là công việc thường xuyên, liên tục và đi trước một bước, bởi lẽ cán bộ, giảng viên Học viện có làm tốt khâu này thì mới có thể làm tốt công tác tuyên truyền đối với học viên. Với phương châm chỉ đạo công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu; không để “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu biên soạn các tài liệu chuyên khảo, tham khảo để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu tranh cho các đối tượng học viên. Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, ý thức tự giác, thành hành động tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm sai trái.

Bốn là, cán bộ, giảng viên cần có thói quen tự giác nghiên cứu lý luận, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tổng kết thực tiễn để nâng cao nhận thức. Hiện nay, Học viện đã đáp ứng cơ bản đầy đủ các phương tiện, thông tin, tài liệu; vận hành tốt hệ thống thư viện, trang website và cổng thông tin điện tử của Học viện phục vụ cho nghiên cứu, học tập, giảng dạy của cán bộ, giảng viên, học viên và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, bên cạnh việc đăng các bài viết trên các tạp chí in, điện tử trong và ngoài quân đội thì cần tăng cường viết bài để đăng trên website và cổng thông tin điện tử của Học viện, nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác trước những quan điểm lệch lạc, sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, xem đó là công việc cần thiết, thường xuyên đối với mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện.

Đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng là một việc hết sức khó khăn và phức tạp. Vì vậy, từng cán bộ giảng viên cần nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu, tích cực trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những việc làm cụ thể, đây vừa là trách nhiệm những cũng là niềm tự hào đối với mỗi cán bộ giảng viên Học viện Quốc phòng.

 

Trung tá, ThS Nguyễn Xuân Vinh

Giảng viên Khoa lý luận Mác-Lênin, HVQP