Tóm tắt: Hầu hết những người bài bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin thường lập luận rằng thế giới ngày nay đã phát triển vượt bậc, mọi thứ đều đã khác, hệ thống Tư bản chủ nghĩa đã thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được so với thời C.Mác nghiên cứu, do đó Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lạc hậu, tư tưởng C.Mác không còn phù hợp. Nhưng, những lời chống đối ấy đã cố tình lờ đi sự thật: Chủ nghĩa Mác - Lênin là vũ khí phê phán sâu sắc nhất, khoa học nhất đối với những bất công, bất bình đẳng. Đó là hệ tư tưởng phản biện duy nhất đã và đang làm thay đổi thế giới theo hướng ngày càng công bằng và tốt đẹp hơn. Điều đó cũng có nghĩa, chừng nào xã hội còn những bế tắc, khủng hoảng, bất công thì chừng đó Chủ nghĩa  Mác - Lênin vẫn tiếp tục trường tồn và phát triển.

Từ khóa: Chủ nghĩa Mác - Lênin

Khác với tất cả các học thuyết trước đó hoàn toàn chỉ là nhận thức thế giới, với Chủ nghĩa Mác - Lênin vấn đề không chỉ là nhận thức, mà điều quan trọng là phải cải tạo thế giới, nghĩa là làm cho thế giới thay đổi, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đó là sự vĩ đại, đỉnh cao của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà cho dù có điên cuồng bài bác, chống phá nhưng những người chống đối, phủ nhận học thuyết Mác - Lênin vẫn không thể tìm thấy lý do chính đáng để biện minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin là khoa học về nhưng quy luật phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống lại áp bức, bất công; về xây dựng xã hội tiến bộ xã hội Xã hội chủ nghĩa. Học thuyết của các ông được kế thừa, chắt lọc, tổng hợp và sáng tạo từ nhiều nguồn tri thức nhân loại và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Trên thực tế, không phải học thuyết nào cũng có thể thu nhận được những giá trị tinh túy từ nhiều nguồn tri thức khác nhau để sáng tạo nên một học thuyết cách mạng và khoa học như Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là những giá trị văn minh của nhân loại được tích tụ trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Hơn nữa, các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lênin không bao giờ coi lý luận của mình là độc tôn chân lý, mà luôn mong muốn được cọ xát với các quan điểm lý luận khác, là quá trình phát triển, tự vượt qua chính mình trên cơ sở khoa học. Nhằm đấu tranh cải tạo thế giới, các ông chủ trương đưa lý luận thâm nhập vào quảng đại quần chúng nhân dân, trước hết là giai cấp công nhân, lấy giai cấp công nhân làm vũ khí vật chất, đồng thời giai cấp công nhân lấy học thuyết Mác - Lênin làm vũ khí tinh thần trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Linh hồn và sự sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin chính là phương pháp luận khoa học, những đòi hỏi đổi mới và sáng tạo không ngừng. Những nguyên lý đó không chỉ đúng trong thế kỷ trước, trong thế kỷ này mà còn đúng cho những thế kỷ mai sau vì đó là những quy luật khách quan. Bằng việc chỉ ra quy luật vận động khách quan của xã hội, những nhiệm vụ lịch sử cần giải quyết để từng bước xóa bỏ áp bức, bất công, giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội, học thuyết Mác - Lênin có giá trị trường tồn và sức sống bền vững trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Cuộc sống giờ đây đã khác xa trước. Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI với cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ Tư đi cùng với đời sống vật chất ngày càng cao. Giờ đây, những điều tưởng chừng như hiển nhiên trong cuộc sống hôm nay, như trẻ em được đến trường; phụ nữ được giải phóng và bình đẳng với nam giới; người lao động làm việc 8 giờ một ngày; y tế được chăm sóc toàn dân; giáo dục được phổ cập; người nghèo được quan tâm; người có hoàn cảnh đặc biệt được chia sẻ... tất cả những điều tưởng chừng như hiển nhiên ấy không phải ngẫu nhiên có được, mà sự thật chính là nhờ C.Mác và những nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng ta phải biết ơn C.Mác và những nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lênin, bởi chính họ đã đấu tranh, mang đến, gieo mầm để những điều tốt đẹp đó được phát hiện, “đâm chồi, nảy lộc” và giờ hiển hiện khắp hành tinh. Thực tế, tại thời điểm C.Mác và Ph.Ăngghen viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, ở khắp Châu Âu và Hoa Kỳ, trẻ em từ 5 đến 14 tuổi phải làm việc phổ biến trong các nhà máy, hầm mỏ, thậm chí các em phải làm những công việc nặng nhọc với thời gian lên đến 12 giờ/ngày. Khi ấy, giới tư bản chỉ tập trung làm giàu trong số ít, còn đại bộ phận người dân lao động không được họ chăm lo, bảo vệ trước những bất công, khốn khó. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen đã không khoan nhượng trước tình trạng bất công ấy, các ông yêu cầu giáo dục miễn phí cho trẻ em trong các trường học công và xóa bỏ bóc lột trẻ em trong các nhà máy. Các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khởi xướng và bắt nhịp cho dàn đồng ca khắp thế giới để ngăn chặn, chấm dứt lao động trẻ em và đưa trẻ đến trường. Cũng chính vào thời điểm đó, những người phụ nữ ở các nước Châu Âu và Hoa Kỳ vốn có địa vị thấp kém hơn so với đàn ông. Họ bị coi như những nô lệ trong gia đình, thậm chí bị coi như món hàng mua bán của giới tư sản. C.Mác và Ph.Ăngghen đã tố cáo gay gắt sự bất công ấy và quan trọng hơn, các ông không chỉ vạch trần nguồn gốc của sự bóc lột tư bản đối với nữ giới mà còn chỉ ra con đường giải phóng phụ nữ thành công. Đó là một tầm cao tư duy, đầy tính nhân văn mà tại thời điểm đó tư tưởng nhân loại chưa thể vươn tới. Dự báo của C.Mác về việc đấu tranh rút ngăn thời gian lao động từ 14, 15 giờ/ngày xuống còn 8 giờ/ngày trở thành mục tiêu quan trọng được tuyên bố trong Quốc tế Cộng sản I, sau này tiếp tục được nêu trong Quốc tế Cộng sản II, để rồi từ ngày 01 tháng 5 năm 1890, Quốc tế lao động đầu tiên với quy mô toàn thế giới đã hiệp lực, cùng đấu tranh biến ngày làm việc 8 giờ trở thành hiện thực.

Chủ nghĩa tư bản mà các thế lực phản động, cơ hội hết lời ca tụng không phải đi lên từ tờ giấy trắng. Nhìn lại lịch sử, để có thành tựu như hôm nay, Chủ nghĩa tư bản đã để lại trên con đường đi của mình biết bao khổ đau, mồ hôi, xương máu của những con người lương thiện. Đó là những cuộc xâm lược, xâm lăng, xâm chiếm, đô hộ, cướp bóc, bóc lột của Đế quốc thực dân bên trong cái vỏ bọc “khai sáng”, “văn minh”, “bình đẳng”, “bác ái”... Với tham vọng và bản chất hiếu chiến, xâm lược, Chủ nghĩa tư bản đã gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho nhân loại, bao nhiêu người da đỏ, da đen, da vang bị giết, bao nhiêu người lao động bị đánh đập, hành hạ, bóc lột đến tận xương tủy, bao nhiêu người lính bỏ mạng nơi chiến trường... để họ xây dựng chế độ như ngày nay.

Nơi nào có áp bức, tất yếu nơi đó có đấu tranh. C.Mác đã phê phán gay gắt Chủ nghĩa tư bản, nói rõ quá trình hình thành, tồn tại và những mâu thuẫn nội tại của nó, chỉ rõ muốn thay đổi xã hội, muốn có một chế độ tốt đẹp thay thế Chủ nghĩa tư bản thì phải tiến hành cuộc cách mạng Vô sản, cuộc cách mạng đó phải do giai cấp công nhân đứng lên làm chủ. Chính bởi sự vạch trần và phê phán đến tận cốt tử Chủ nghĩa tư bản mà Chủ nghĩa tư bản trở lên thù hận Chủ nghĩa Mác - Lênin, thậm chí họ còn coi Chủ nghĩa Mác - Lênin là một “bóng ma” cần phải trừ khử. Thế nhưng, chính những người trong giới tư bản cũng phải thừa nhận sự thật rằng sự phê phán của Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khiến Chủ nghĩa tư bản tự biến đổi, tự sửa chữa những sai lầm, khiếm khuyết của chính mình, như xây dựng các nhà nước phúc lợi hay tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhằm điều hòa mâu thuẫn xã hội, mâu thuấn giai cấp. Bởi thế, "con người trong xã hội hiện đại, dù là những người theo Chủ nghĩa Mác hay những người phê phán C.Mác cũng gắn chặt với C.Mác. Sẽ không thể có tương lai nếu không có các di sản của C.Mác". Và, "Chủ nghĩa Mác giống như bác sỹ, khi mà cơ thể khỏe mạnh sẽ không để ý, song một khi Chủ nghĩa tư bản gặp vấn đề nghiêm trọng thì Chủ nghĩa Mác lại phát huy tác dụng phê phán vốn có của mình. Chính C.Mác đã thúc đẩy những thay đổi tích cực của các nước tư bản".

Nghiên cứu hoạt động chống phá, bài bác Chủ nghĩa Mác - Lênin của một số đối tượng thù địch, có thể thấy rằng họ chỉ tập trung phê phán 3 người sáng lập là C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin mà tách rời tư tưởng, thậm chí dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn để đối lập tư tưởng của họ với những người tiếp nối về sau. Họ cố tình lời đi sự phát triển của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong hơn một thế kỷ qua mà chỉ nhằm vào mục tiêu chứng minh Chủ nghĩa Mác - Lênin là lỗi thời, giáo điều, hay xa rời thực tiễn. Cách suy luận đó là hoàn toàn siêu hình và đặc biệt sai lầm, bởi tiếp nối C.Mác, V.I.Lênin khắp thế giới có nhiều nhà tư tưởng kiệt xuất đã nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và mang tới thành công. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng tài tình Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn mà còn cống hiến, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tạo nên những tư tưởng tầm vóc, những cuộc cách mạng “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”, đẩy lùi những xâm lược, nô dịch, áp bức, bất công để thiết lập lên nền tảng cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Hơn 90 năm đấu tranh anh dũng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình và đã dẫn dắt cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thành công hơn 36 năm đổi mới làm biến đổi về chất của một đất nước bị bóc lột, tàn phá đến quyệt quệ, bị cô lập, đơn độc sau chiến tranh trở thành một quốc gia đang phát triển, có thể chế chính trị ưu việt và ổn định, tự tin hội nhập, phát triển cùng thế giới. Chính sự nối tiếp một cách biện chứng và bản chất sáng tạo, luôn luôn phát triển làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng khẳng định vị thế và sức ảnh hưởng của mình trong thời đại mới.

Sức sống trường tồn của Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ bởi tính logic, khoa học mà còn mang đậm tính nhân văn, nhân bản trong mục tiêu, đích đến, trong đó nổi bật là sự hiện tồn những giá trị tốt đẹp của Chủ nghĩa xã hội. Nhiều người cho rằng Chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, nhưng thực chất thuật ngữ đó bắt đầu xuất hiện trước lúc C.Mác sinh ra hơn 100 năm. Ngay từ thế kỷ thứ VII, VIII các nhà tư tưởng ở phương Đông đã mơ về một xã hội không còn người lầm than, khổ cực, không còn người lê la nơi hang cùng, xóm vắng. Nhưng làm thế nào để xây dựng được một xã hội như vậy thì các nhà tư tưởng lúc đó chưa tìm ra con đường, thế cho nên người ta gọi đó là Chủ nghĩa xã hội không tưởng. Chỉ đến khi C.Mác và Ph.Ăngghen phát hiện ra cơ sở lịch sử để thực hiện lý tưởng Xã hội chủ nghĩa thì Chủ nghĩa xã hội mới không còn là một bóng ma. Các ông tìm thấy ở đó lực lượng, điều kiện mà những người trước đó không tìm thấy. Với Tuyên ngôn Đảng Cộng sản năm 1848, Chủ nghĩa xã hội được khẳng định là một thực thể, một sự tồn tại có thật và đang lớn lên từng ngày, trở thành lực lượng khuynh đảo thế giới, cân bằng lại thế giới đương đại đang trong thời của bờ vực rạn vỡ. Sự ra đời của Chủ nghĩa xã hội khoa học mang đầy tính cách mạng, khoa học chứ không “viển vông”, “giáo điều”, “xa rời thực tiễn” như lời các đối tượng phản động, thù địch rêu rao, chống phá.

Chủ nghĩa xã hội liệu có xa xôi đến mức không tưởng? Thực ra không cần tìm kiếm đâu xa, chỉ nhìn rất gần xung quanh chúng ta, rất nhiều người dù thành đạt hay chưa thành đạt vẫn dành thời gian chung tay xây dựng những chương trình từ thiện. Dù là chủ doanh nghiệp hay cán bộ, nhân viên thỉnh thoảng lại chi ra một số tiền cho hoạt động thiện nguyện. Đều đặn những bữa cơm cho người bệnh, những xuất ăn cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ…với hành động rất chu đáo và tận tâm của những người thiện nguyện cho dù họ chưa phải đã giàu có, cho dù thế giới đang khủng hoảng hay nền kinh tế khó khăn. V.I.Lênin gọi những người quan tâm đến lợi ích của những người bà con xa là những con người của Chủ nghĩa xã hội. Ở Việt Nam, sự tự nguyện, tự giác chăm lo cho người khác đang trở thành phong trào, ngày càng nhân lên với nhiều mô hình phong phú. Trong kinh tế thị trường ai cũng vất vả kiếm sống, nhưng chia sẻ cho nhau bằng tấm lòng vị tha, nhân ái thì không phải xã hội nào cũng có. Những tấm lòng thiện nguyện ấy, họ có lẽ chưa hiểu đầy đủ về Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản nhưng họ đã có hành động đầy nhân văn của con người Xã hội chủ nghĩa mà Chủ nghĩa Mác - Lênin hướng tới.

Chủ nghĩa xã hội (chính xác là thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội) mới tồn tại, phát triển được hơn 100 năm kể từ khi Cách mạng tháng Mười nổ ra. Nếu nhìn rộng ra, Chủ nghĩa tư bản đã có tới tận 500 năm lịch sử. Thế nên, nếu chỉ nhìn vào sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu những năm 90 của thế kỷ trước mà vội vàng cho rằng Chủ nghĩa xã hội đã cáo chung thì hoàn toàn sai lầm. Chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa cộng đồng, tư tưởng cộng đồng không dễ gì bác bỏ, tiêu vong được. Thực tế, sau khi chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Hệ thống Chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, mặc dù một số chính trị gia và học giả tư sản dùng nó làm cái cớ để chế nhạo, bài bác Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thậm chí họ cho rằng: “Học thuyết Mác là sản phẩm của giữa thế kỷ XIX, do vậy đem đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI nếu không lạc hậu, thì cũng chẳng thể là khoa học”. Hay với lối “tư duy lập lờ” họ máy móc cho rằng “chủ nghĩa Mác - Lênin là ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không phù hợp với Việt Nam”, và rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là sai lầm”... Từ những chiêu trò không mới, một số đối tượng thù địch, phản động điên cuồng dùng mọi thủ đoạn bới móc, bài bác Chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm xuyên tạc, phủ nhận, phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản. Nhưng, trái với mong muốn của họ, các quốc gia có chế độ Xã hội chủ nghĩa và phong trào Xã hội chủ nghĩa trên thế giới vấn tiếp tục phát triển. Những ảo tưởng của họ về sự “tan vỡ” của Chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ và phong trào Xã hội chủ nghĩa thế giới, tư tưởng Xã hội chủ nghĩa vẫn còn đó, vẫn trở thành niềm tin mà nhân loại cần lao đang hướng tới.

Nhân loại đã đi qua rất nhiều chặng đường lịch sử và Chủ nghã xã hội cũng đã trải qua những bước thăng trầm tất yếu, điều đó cho thấy sức sống của một lý tưởng không hề bằng phẳng. Các thế lực thù địch công kích, bài bác đã đành, nhưng chính ngay từ nội tại bản thân nó cũng phải đấu tranh để tồn tại và phát triển. Con đường đi tới thành công sẽ có rất nhiều gập ghềnh, thử thách. Trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội, nhân loại cũng phải tìm tòi, thử nghiệm, điều chỉnh, sửa chữa, thậm chí trả giá cho những thất bại. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa Cộng sản không phải là một lý tưởng hay một khuân mẫu để chạy theo, đối với chúng tôi Chủ nghĩa Cộng sản là sự vận động của đời sống hiện thực”. Thực tiễn ngày càng chứng tỏ hơn tư tưởng của C.Mác trong đời sống hiện đại. Chủ nghĩa xã hội xuất phát từ tính chất xã hội hóa của quá trình sản xuất hiện đại, gắn với quá trình sản xuất là quá trình mở rộng thị trường, quá trình mở rộng quy mô sản xuất, quá trình mở rộng sản xuất. Chính vì vậy ngay trong thời kỳ Chủ nghĩa tư bản phát triển thì Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn giữ nguyên giá trị của nó bởi tính quy luật, coi đó là tính quy luật của xã hội loài người. Chiếc máy bay Boeing mang nhãn hiệu Hoa Kỳ nhưng có tới 5 triệu linh kiện của hơn 16.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ với 6 quốc gia trực tiếp sản xuất và 80 quốc gia cung cấp chi tiết, nhiên liệu. Đó chính là quá trình toàn cầu hóa, tiền đề vật chất cho Chủ nghĩa xã hội mà C.Mác đã dự báo.

Thế giới đã thay đổi nhưng thực tiễn xã hội cũng như sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ không đưa ra được bất kỳ bằng chứng xác thực nào để bác bỏ nguyên lý căn bản của triết học Mác - Lênin. Hơn thế nữa, đi ngược về các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong thế kỷ này, tức là trên 150 năm học thuyết Mác - Lênin ra đời, người ta buộc phải nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng đương thời, bởi C.Mác đã mô tả hoàn toàn chính xác về quy luật phát triển của Chủ nghĩa tư bản. Sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với tư tưởng C.Mác cũng ngày càng tăng như một đơn đặt hàng của lịch sử. Người ta thấy C.Mác đã cứu Chủ nghĩa tư bản bởi các chính trị gia tư sản tìm thấy câu trả lời từ những chỉ giáo, dự báo chính xác của C.Mác.

Cho đến hôm nay nội tại của các nước Tư bản, đằng sau sự hào nhoáng thì con người đang phải đối diện với không ít những bất an, bất lực, bất công. Tệ phân biệt chủng tộc, khoảng cách giàu nghèo, xung đột, khủng bố, bạo lực và bất ổn chính trị xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức toàn cầu. Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị Tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ, tự do" mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào "99 chống lại 1" diễn ra ở Mỹ hồi đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản. Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Chính tại nước Mỹ, một đất nước điển hình, được ca tụng như là tấm gương trong giới tư bản cũng đang phải đối phó với tình trạng ngay cả tầng lớp trung lưu cũng bị áp bức và nghèo hóa. Có hơn 40% đối tượng lao động tại Mỹ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Một người có việc làm nhưng không hề có khoản tiền tiết kiệm nào, nếu mất việc thì trong một thời gian ngắn sẽ không còn một xu dính túi để chi trả cho sinh hoạt, đó là chưa kể những người vô gia cư, những người phải làm 2 - 3 công việc cùng một lúc và bị kiệt sức… Và cũng chính ở đó sự an hòa, bình yên, người với người sẻ chia của xã hội Xã hội chủ nghĩa lại là chân trời người dân khao khát vươn tới. Câu trả lời đã rõ ràng, Chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết Mác - Lênin chưa bao giờ là lỗi thời cho dù là đối với các nước Xã hội chủ nghĩa hay Tư bản chủ nghĩa. Thậm chí học thuyết Mác - Lênin càng ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết đối với thế giới ngày nay.

Lý luận về Chủ nghĩa xã hội không có một con đường tuyệt đối, không có con đường chung mà chỉ có phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin là chung nhất, vì mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Nhưng, đi lên Chủ nghĩa xã hội sẽ là mục tiêu của xã hội loài người và con đường đi đến mục tiêu đó có rất nhiều con đường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Không có một công thức nào cả, không có một sắc lệnh từ trên ban xuống y hệt như thế mà phải tùy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mình để đi tới Chủ nghĩa xã hội”. Lựa chọn con đường nào là quyền của mỗi quốc gia, dân tộc. Người ta có thể nghi ngờ, nhưng rõ ràng ở Việt Nam hiện nay phát triển theo con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng. Chính trong nội tại con người Việt Nam đã mang lý tưởng Xã hội chủ nghĩa, là con người mang tâm tính Xã hội chủ nghĩa. Một đất nước ổn định về chính trị, yên bình về xã hội, an toàn về quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư phải là một nước Việt Nam của con người Xã hội chủ nghĩa.

Để có một chế độ xã hội tốt đẹp phải trải qua quá trình xây dựng. Đó là con đường tất yếu mà xã hội nào cũng phải trải qua. Chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm là độc lập, tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Ba mục tiêu mà chúng ta hướng tới đó là độc lập, tự do và hạnh phúc. Độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, đó là mục tiêu sống còn cuối cùng. Một nước Xã hội chủ nghĩa tức là một nước có cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Giáo sư, Tiến sỹ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Để đạt được mục tiêu ấy con đường đi lên của chúng ta không phải là con đường Tư bản đã đi, mà là đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Khi đất nước đã bước qua những năm tháng chiến tranh, đói khổ; khi cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của dân tộc được củng cố lớn mạnh, trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiến lên một bước mới: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của Chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên định, kiên trì theo đuổi.

Có thể thấy rõ ràng rằng, không phải học thuyết càng mới thì càng có giá trị. Một học thuyết trong lịch sử đối với đương thời không phải nó cũ hay mới, ra đời trong thời đại nào mà căn bản nhất ở chỗ học thuyết đó có tính chân lý hay không. Ai mà cho rằng Chủ nghĩa Mác - Lênin là lỗi thời thì người đó có cái nhìn công thức, cứng nhắc, không động. Cái lý luận bao giờ cũng sống động, không đứng yên một chỗ. Lý luận luôn luôn được nạp thêm năng lượng từ cuộc sống và cuộc sống luôn luôn biến đổi. Lý luận đứng im thì lý luận sẽ chết. Chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã liên tục đi trên con đường không bằng phẳng. Hơn 100 năm qua tư tưởng của các nhà kinh điển đã vượt qua thử thách của thời đại cũng như sự công kích, chống phá của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, bất chấp mọi công kích, bôi nhọ, xuyên tạc, Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn vững vàng phát huy và mãi mãi trường tồn trong thời đại mới./.

Tài liệu tham khảo:

1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995

2. Jacques Derrida, Những bóng ma của Mác, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994  

3. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022.

4. Phùng Hữu Phú, Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016

5. Tery Eagleton, Tại sao Mác đúng,  Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012