Thượng tướng PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng (thứ năm từ phải sang) và các học viên lớp Đào tạo Cao cấp chỉ huy tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược khóa 11.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trước yêu cầu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, ngày 21/2/1976, Bộ Quốc phòng ra Quyết định 38/QĐ-QP thành lập Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Ngày 3/1/1977, Học viện tổ chức lễ khai giảng khóa học đầu tiên và được chọn là Ngày Truyền thống của Học viện Quốc phòng.

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương và nhân dân cả nước; cùng với sự nỗ lực, bền bỉ phấn đấu, Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện-đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước thuộc diện Trung ương quản lý. Từ ngày thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 400 lớp, với 18 loại hình đào tạo và 53 đối tượng học viên. Hàng vạn cán bộ cấp cao đã tốt nghiệp tại Học viện, trong đó có hơn 1.000 đồng chí trở thành tướng lĩnh Quân đội, hơn 500 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng và đại biểu Quốc hội. Nhiều đồng chí sau khi tốt nghiệp tại Học viện Quốc phòng đã trở thành các nhà khoa học nổi tiếng, cán bộ cấp cao giữ những trọng trách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Học viện đã nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài khoa học có giá trị cao; tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng nhiều vấn đề về chiến lược quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng và hiệu quả. Thường xuyên chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng những yêu cầu mới ngày càng cao; xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch, vững mạnh tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, Học viện vững mạnh toàn diện, chính quy, tiên tiến, mẫu mực, phát triển bền vững, vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng cạnh tranh giữa các nước, nhất là các nước lớn ngày càng gay gắt, phức tạp.  Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta với âm mưu, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện, quyết liệt hơn. Trước xu thế phát triển giáo dục, đào tạo của đất nước, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự điều chỉnh, xây dựng quy hoạch hệ thống các nhà trường Quân đội theo hướng xây dựng nhà trường thông minh, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cao đối với công tác giáo dục, đào tạo, đòi hỏi Học viện cần xác định tầm nhìn chiến lược, có những định hướng mới về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển Học viện Quốc phòng xứng đáng là trung tâm huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học quốc phòng, an ninh, quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia, ngang tầm với học viện quốc phòng, viện nghiên cứu quốc phòng của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Thời gian tới, Học viện Quốc phòng xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/2/2019 của Quân ủy Trung ương “Về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện hội đủ “Tâm, tầm, trí, đức”, vừa là nhà giáo, vừa là nhà khoa học giỏi, những chuyên gia đầu ngành về quốc phòng, an ninh, quân sự của quốc gia; đồng thời, là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược giỏi để sẵn sàng đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, chỉ huy ở các đơn vị trong toàn quân. Phấn đấu đến năm 2025 đội ngũ giảng viên ở Học viện Quốc phòng có khả năng làm tốt nhiệm vụ trong môi trường quốc tế.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện, đi vào chiều sâu, vững chắc, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện-đào tạo. Tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” lên một bước mới. Chủ động đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với từng đối tượng; quyết liệt thực hiện “3 thực chất” (dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất), gắn với “2 thiết thực” (nội dung thiết thực và phương pháp thiết thực), đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, “lấy giảng viên làm động lực”, “lấy học viên làm trung tâm”, tăng cường tương tác, trao đổi, thảo luận, tập bài, nghiên cứu thực tế trên các địa bàn chiến lược, các điểm nóng về quốc phòng, an ninh, giúp học viên nâng cao kiến thức, tầm tư duy chiến lược; có khả năng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, dự báo được tương lai và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn theo chức trách, cương vị công tác; chú trọng làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho Quân đội và cho đất nước. Đồng thời, tích cực, chủ động mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác quốc tế về đào tạo, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. 

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển khoa học quốc phòng, quân sự, nghệ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của đất nước. Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo, lấy nghiên cứu khoa học làm cơ sở giảng dạy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo. Tăng cường nghiên cứu phát triển lý luận quốc phòng, quân sự, nâng tầm cao mới của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam; bổ sung, điều chỉnh cách đánh mới khi địch sử dụng vũ khí công nghệ cao và các loại hình tác chiến mới. Chủ động nghiên cứu nắm chắc tình hình, nâng cao khả năng dự báo chiến lược, những vấn đề mới về quốc phòng, an ninh, quân sự, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, góp phần cung cấp luận cứ khoa học tầm chiến lược về quốc phòng, an ninh, quân sự cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng, Nhà nước hoạch định hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại theo mô hình học viện thông minh thích ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung xây dựng, ứng dụng hệ thống chỉ huy, điều hành qua mạng; quản lý, kiểm tra đánh giá chất lượng huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học; đánh giá địa bàn tác chiến, sa bàn điện tử, xây dựng văn kiện trên bản đồ số. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mô phỏng trong huấn luyện, diễn tập. Đẩy mạnh việc số hóa các giáo trình, tài liệu, công trình khoa học, xây dựng thư viện điện tử kết nối với các học viện, nhà trường, các trung tâm nghiên cứu khoa học của Bộ Quốc phòng, bảo đảm nguồn tư liệu phong phú để cán bộ, giảng viên, học viên khai thác thông tin phục vụ huấn luyện-đào tạo và nghiên cứu khoa học. Xây dựng Học viện Quốc phòng là trung tâm diễn tập cấp chiến dịch, chiến lược có khả năng kết nối với các cuộc diễn tập thực binh, diễn tập khu vực phòng thủ của các quân khu, quân đoàn, tỉnh (thành phố) và diễn tập của Bộ, giúp học viên trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm thực tế; đồng thời, là trung tâm hội nghị, hội thảo hợp tác quốc tế, có khả năng kết nối, làm việc, tổ chức hội nghị trực tuyến với các học viện quốc phòng, viện nghiên cứu quốc phòng các nước trên thế giới.