Phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng lan rộng ở nước Mỹ và trên thế giới, nhưng giới quân sự hiếu chiến vẫn tiếp tục đòi tăng quân, ráo riết chuẩn bị cuộc phản công chiến lược lần thứ ba. Chiến trường miền Nam Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp và Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 14 (tháng 1-1968) quyết định: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới-thời kỳ giành thắng lợi quyết định.

Trung ương Đảng chỉ rõ: Ta không thể tiến tuần tự, đánh theo cách đánh như các năm trước mà phải tạo ra bước nhảy vọt bằng cách chọn hướng tiến công chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, độc đáo, giáng một đòn đau đớn nhất đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Phương châm chiến lược là kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng trên diện rộng ở cả 3 vùng chiến lược, kết hợp tổng công kích với tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự Mỹ-ngụy, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta; làm lung lay ý chí xâm lược, buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược, xuống thang chiến tranh.

Bộ đội ta hành quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu 

Hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu, ta tập trung đánh thẳng vào thành phố, thị xã, thị trấn, nơi tập trung các cơ quan đầu não của địch; các sở chỉ huy, kho tàng, hậu cứ, sân bay, bến cảng... Trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế. Không gian tiến công không chỉ một vài vùng mà là toàn miền Nam, tiến hành đồng loạt trên quy mô rộng lớn. Thời gian tiến công vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân.

Thực hiện sự chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, ta triển khai một loạt hoạt động nghi binh từ trước Tết Mậu Thân. Trên mặt trận ngoại giao, tháng 12-1967, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố phóng thích hai tù binh Mỹ để họ trở về đoàn tụ với gia đình nhân dịp Noel. Cử chỉ này của Chính phủ ta khiến một số quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ chủ quan, nhận định: Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã từ bỏ hy vọng chiếm được miền Nam trong một tương lai gần! Điều này, theo họ thì khả năng đàm phán trực tiếp với đại diện miền Bắc Việt Nam đang hé mở.

Tiếp đó, tại buổi chiêu đãi đoàn ngoại giao ở Hà Nội ngày 30-12-1967, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ngỏ ý: Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ đi vào đàm phán với Chính phủ Mỹ một khi phía Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Tín hiệu ngoại giao này càng làm cho chính quyền Mỹ bị phân hóa giữa phái chủ chiến và phái chủ hòa, sức ép đòi ngừng ném bom miền Bắc để mở đường đi vào đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa lập tức tăng lên mạnh mẽ trong chính quyền, nhân dân Mỹ và trên thế giới.

Trên mặt trận quân sự, bắt đầu từ cuối năm 1967, ta lần lượt mở một số chiến dịch ở vùng ven biên giới khu vực Tây Nguyên và duy trì bình thường các hoạt động quân sự ở vùng ven đô thị, vùng nông thôn đồng bằng, làm cho địch phán đoán sai. Chúng cho rằng, ta không còn khả năng mở các chiến dịch ở đồng bằng như trước.

Đêm 20-1-1968, LLVT ta bất ngờ nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh (Quảng Trị), uy hiếp mạnh tuyến phòng thủ đường số 9 của địch, đánh lạc hướng, thu hút và vây hãm nhiều lực lượng chiến đấu Mỹ tại đây. Trên chiến trường nước bạn Lào, từ ngày 12 đến 27-1-1968, bộ đội Pathet Lào và Quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch Nậm Bạc, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó.

Sau khi đã căng kéo lực lượng địch, đêm 30-1-1968 (đêm Giao thừa), quân và dân ta ở miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy tại 4/6 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lỵ, tiến công vào hầu hết các cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy. Nhiều trận đánh gây chấn động nước Mỹ, như: Trận tiến công tòa đại sứ Mỹ, bộ tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn, Dinh Độc Lập, đài phát thanh; tiến công và làm chủ Huế 25 ngày đêm, tổ chức ra chính quyền cách mạng, đánh hàng trăm trận phản kích... gây cho địch nhiều thiệt hại. Tại các vùng nông thôn, LLVT địa phương hỗ trợ nhân dân nổi dậy, phá tan từng mảng hệ thống kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn, xã, giành nhiều thắng lợi quan trọng.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, giáng đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, từng bước "phi Mỹ hóa chiến tranh”, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bắt đầu rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận ngồi đàm phán với ta tại hội nghị Paris.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 khẳng định nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta, nhất là đã chủ động quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng đúng đắn quy luật của chiến tranh nhân dân, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, chọn đúng phương hướng tiến công, sử dụng đúng lực lượng, chọn đúng thời cơ, làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, động viên tinh thần, quán triệt quyết tâm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.