Những năm qua, hoạt động lừa đảo, đánh cắp lòng tin, chiếm đoạt tài sản đã phát sinh theo xu hướng ngày càng gia tăng, công khai dưới lớp vỏ của những biến tướng khác nhau, gây tác động tiêu cực trong xã hội. Trong đó, thủ đoạn mạo danh, lợi dụng uy tín của quân đội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và danh dự của cán bộ Quân đội nói chung, nhân cách người quân nhân cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nói riêng. Do đó, nhận diện, phơi bày và khắc phục thủ đoạn này là một vấn đề thời sự, mang tính cấp thiết, luôn cần sự vào cuộc của mọi tổ chức, mọi cá nhân trong Quân đội hiện nay.

Hoạt động mạo danh, lợi dụng uy tín của tổ chức, cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật được các đối tượng thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, trên nhiều lĩnh vực. Song, các đối tượng thường thực hiện các thủ đoạn tương ứng như sau:

Một là, tạo lập tài khoản mạng xã hội, đăng tải trái phép thông tin, hình ảnh khám, chữa bệnh của một số cơ sở thuộc các bệnh viện trong quân đội và tự xưng là bác sĩ có uy tín đế thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân.

Thủ đoạn này, các đối tượng đã mạo danh một số bệnh viện của quân đội, như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Viện Y học cổ truyền Quân đội và mạo danh là bác sĩ có tay nghề cao trong các bệnh viện này để thực hiện các hoạt động thẩm mỹ viện, bán thuốc không rõ nguồn gốc một cách công khai, trái phép nhằm chiếm đoạt lòng tin và tài sản của nhân dân. Đây là hoạt động lợi dụng uy tín của Quân đội để thực hiện các hành vi trái pháp luật, gây hậu quả trực tiếp cho người dân, qua đó, gây ảnh hưởng đên uy tín của quân đội nói chung và một số bệnh viện trong Quân đội nói riêng.

Điển hình như: Đầu năm 2020, nhóm đối tượng thuộc Công ty TNHH Why Not VN do Mai Thanh Tú làm Giám đốc đã tạo lập tài khoản facebook Viện Y Học cổ Truyền Quân Đội - Khoa Tiêu hóa sử dụng thông tin, hình ảnh về hoạt động khám chữa bệnh và tự xưng là bác sĩ Hoàng Trung Hiếu, bác sĩ Thu Hà của Khoa Ngoại chung/Viện Y học Cổ truyền Quân đội để tạo lòng tin đối với người bệnh rồi thực hiện hành vi quảng cáo, tư vấn, bán thuốc điều trị bệnh Trĩ với giá cao (thuốc Tu Trĩ Linh, loại thuốc này không rõ nguồn gốc, nhưng được gắn mác do Viện Y học Cổ truyền Quân đội sản xuất).

Hai là, tạo lập tài khoản mạng xã hội mạo danh là cán bộ Quân đội để đăng tải, phát tán tài liệu có nội dung xuyên tạc kích động chia rẽ đoàn kết nội bộ, hạ uy tín cán bộ cấp cao trong Quân đội.

Các đối tượng lập tài khoản mạng xã hội mạo cán bộ Quân đội bằng cách sao chép ảnh thật hoặc chế ảnh, đăng tải ảnh đại diện cùng với những thông tin minh chứng (đối tượng chúng hướng đến mạo danh là những cán bộ cấp cao, có uy tín) và đăng tải tài liệu có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và bôi nhọ các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo các cấp trong Quân đội. Sau đó, phát tán rộng rãi tài liệu đó trên không gian mạng, kèm theo nhiều bình luận trái chiều, chống phá quân đội, kích động tâm lý hoài nghi, gây mất đoàn kết nội bộ, bôi nhọ, hạ uy tín cán bộ Quân đội, làm méo mó hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực chất thủ đoạn này là giả mạo facebook của người khác để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục người thứ ba.

Ba là, tự xưng là cán bộ Quân đội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó bôi nhọ danh dự quân nhân, bóp méo hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồˮ

Thủ đoạn này là các đối tượng mang mặc quân phục, sau đó tự xưng là cán bộ thuộc biên chế ở một đơn vị cụ thể trong Quân đội để thực hiện các hành vi sai trái, như: Tạo lập các mối quan hệ tình cảm ngoài pháp luật; tự xưng có mối quan hệ rộng, có khả năng tác động để chạy việc, luân chuyên vị trí công tác, qua đó chiếm đoạt tài sản của nhân dân…

Gần đây, không gian mạng đã xuất hiện nhiều vụ việc mạo danh, lợi dụng uy tín của Quân đội để đánh lừa niềm tin của nhân dân (các quảng cáo trên mạng xã hội facebook: Đào tạo lái xe Bộ Quốc phòng; quân trang quân đội chính hãng). Thậm chí, có một số đối tượng đã gắn biển kiểm soát quân sự (biển số đỏ) cho phương tiện ô tô cá nhân để thực hiện hành vi trái với quy định của pháp luật.

Nhìn chung, đối tượng thực hiện các thủ đoạn này rất đa dạng, nhưng có điểm chung là sự coi thường pháp luật, công khai hoạt động phi pháp, gây tác động tiêu cực trong xã hội, làm cho nhiều người cả tin đã rơi vào cảnh tiền mất, tật mang, làm méo mó hình ảnh người quân nhân cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội.

Thủ đoạn mạo danh, lợi dụng uy tín của Quân đội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tồn tại trong những năm qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân cơ bản là:

Một là, trong xã hội luôn luôn tồn tại một bộ phận trong mọi tầng lớp nhân dân vì lợi ích, bất chấp pháp luật, coi thường và cố tình vi phạm pháp luật.

Những đối tượng này có trình độ văn hóa, trình độ học vấn khác nhau, nhưng cơ bản là nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp, thất nghiệp, có đối tượng cờ bạc, nghiện ngập,... Do đó, những đối tượng này không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để tồn tại, kéo theo sự đồng hành của những hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, vấn đề mạo danh, lợi dụng uy tín của bất cứ cá nhân, tổ chức nào trong xã hội đều có thể xảy ra ở những đối tượng này.

Hai là, cơ chế xử lý các đối tượng mạo danh, lợi dụng uy tín của Quân đội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật còn nhiều vướng mắc cần được thão gỡ, nhất là khung hình phạt chủ yếu dừng lại ở mức độ răn đe (chủ yếu là xử lý hành chính, các vụ việc mang tính chất tội phạm hình sự thì hình thức xử lý chưa thực sự tương xứng với tính chất vụ việc).

Mặc dù những năm gần đây, hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, thể hiện tính dân chủ, nghiêm minh, quy định chi tiết các khung hình phạt đối với các loại đối tượng vi phạm pháp luật. Song, vấn đề mạo danh, lợi dụng uy tín của Quân đội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật chưa có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các hình thức xử phạt chưa thực sự có tính triệt tiêu mầm mống vi phạm từ trong tư tưởng của các đối tượng, dẫn đến tồn tại những hành vi lách luật, cố tình vi phạm ở mức thông thường mạo danh quân đội, vi phạm pháp luật nhưng không để lại các chứng cứ phạm tội có yếu tố hình sự, chỉ bị xử lý hành chính.

Ba là, trong xã hội còn tồn tại một bộ phận nhân dân có tâm lý dùng tiền để đổi lấy tương lai cho người thân, nhưng lại cả tin, chưa có khả năng nhận diện, kiểm chứng tính đúng, sai của sự việc.

Trong xã hội hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều người, nhiều gia đình có tâm lý bao bọc, sẵn sàng chi tiền để đổi lấy tương lai tốt đẹp cho người thân. Tâm lý này đưa đến sự cả tin, không kiểm chứng tính đúng sai, thật giả khi gặp được đối tượng thỏa mãn nhu cầu nên dẫn đến bị lừa, khi gặp cơ quan chức năng để trình báo thì đã tiền mất, tật mang. Bên cạnh đó, trình độ hiểu, nắm pháp luật của nhiều người, nhiều gia đình còn hạn chế, nên các đối tượng dễ dàng thực hiện những hành vi mạo danh, vi phạm pháp luật.

Để hạn chế và khắc phục thủ đoạn mạo danh, lợi dụng uy tín của Quân đội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hiện nay, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội cần thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, cơ quan chính trị, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan đơn vị trong Quân đội, nhất là đơn vị cơ sở cần quan tâm thường xuyên đến công tác dân vận, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, lực lượng thuộc quyền tăng cường tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; âm mưu, phương thức, thủ đoạn mạo danh, lợi dụng uy tín của Quân đội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hai là, các cơ quan chuyên trách bảo vệ và thực thi pháp luật trong Quân đội cần thường xuyên làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài Quân đội trong việc tuần tra, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng và trên thực địa, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng mạo danh, lợi dụng uy tín Quân đội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; làm tốt công tác nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đề xuất bổ sung hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đấu tranh với các loại đối tượng này.

Ba là, phát huy vai trò của lực lượng bảo vệ an ninh tại các đơn vị cơ sở trong Quân đội trong công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đóng quân thực hiện tốt công tác thống kê tình hình địa bàn và tuyên truyền, giáo dục nâng cao cảnh giác cho quần chúng nhân dân; thường xuyên vạch trần âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mạo danh, lợi dụng uy tín của Quân đội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên các phương tiện truyền thông; thúc đẩy toàn dân tự giác thực hiện phong trào tố giác tội phạm, qua đó giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ồn định lòng dân, giữ vững uy tín của Quân đội và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thủ đoạn mạo danh, lợi dụng uy tín của Quân đội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã, đang và sẽ còn tồn tại trong xã hội. Hoạt động này đã tác động tức thời đến niềm tin và tình cảm của nhân dân đối với Quân đội, nhân cách người quân nhân cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, tăng cường nhận diện, phơi bày và khắc phục các thủ đoạn này là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong Quân đội, nhất là quần chúng nhân dân để sự dối trá, lừa đảo không làm hoen ố hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam.