TÓM TẮT:

Chuyển đổi số (CĐS) trong giảng dạy và học tập Tiếng Anh ngày càng trở thành xu thế tất yếu. Chuyển đổi số đảm bảo các cá nhân có thể phát triển việc dạy và học Tiếng Anh một cách bền vững, toàn diện và đáng tin cậy. Trên cơ sở lý thuyết chung về chuyển đổi số, bài viết tập trung phân tích thực trạng dạy và học tiếng Anh trong Học viện từ đó đưa ra các giải pháp liên quan, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh đối với đội ngũ giảng viên và học viên tại Học viện Quốc phòng trong thời kỳ CĐS.

ABSTRACT

Digital transformation in teaching and learning English is increasingly becoming an inevitable trend. Digital transformation ensures that individuals can develop teaching and learning English in a sustainable, comprehensive and reliable way. On the basis of the general theory of digital transformation, the article focuses on analyzing the current situation of English teaching and learning in the Academy, thereby offering relevant solutions to improve the quality of English teaching and learning for  lecturers and students at the National Defense Academy in the context of the digital transformation.

Từ khóa: Chuyển đổi số, giảng dạy, học tập, Tiếng Anh.

Key words: Digital transformation, teaching, learning, English

Đặt vấn đề:

Tiếng Anh từ lâu đã là công cụ giúp các cá nhân hay tổ chức muốn vươn mình ra thế giới, bởi làm chủ được Tiếng Anh mới có thể chủ động trong giải quyết công việc, nó cũng là cầu nối giúp hiểu biết thêm nền văn hóa và tri thức trên toàn cầu. Hiện nay, có 2 hình thức học Tiếng Anh: hình thức học truyền thống và hình thức học dựa trên sự hỗ trợ, tham gia của công nghệ. Với hình thức học truyền thống, người học tiếp thu Tiếng Anh một cách thụ động từ giảng viên. Với cách học dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ trong thời kỳ CĐS, người học sẽ chủ động học tập theo năng lực của mình, thiết bị kết nối (máy tính, internet, điện thoại,…) sẽ hỗ trợ việc học tập, nhắc nhở học tập, hỗ trợ kết nối tới các nguồn học liệu ở mọi lúc mọi nơi,...

Trong những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành một số Chỉ thị, Nghị quyết về nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong hệ thống các nhà trường Quân đội. Vấn đề là làm thế nào để cán bộ, giảng viên, học viên có được nhận thức đầy đủ và có được cách thức dạy và học mang lại kết quả tốt trong học Tiếng Anh. Bài viết này đưa ra những đánh giá về thực trạng việc dạy và học Tiếng Anh tại Học viện Quốc phòng, trên cơ sở đó gợi mở một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên, nhà trường trong thời kỳ CĐS.

Nhiệm vụ dạy và học Tiếng Anh trong Quân đội

Xác định rõ vai trò của Tiếng Anh đối với cán bộ Quân đội trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 09/11/2016 về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong hệ thống nhà trường Quân đội; Chỉ thị số 105/CT-BQP ngày 26/5/2020 về việc tăng cường học tập Tiếng Anh và tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; và Kế hoạch số 1844/KH-BQP ngày 27/5/2020 về việc thực hiện Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập Tiếng Anh cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” trong Quân đội. 

Các văn bản chỉ đạo nêu trên của Bộ Quốc phòng đã khẳng định rằng:  Học Tiếng Anh là một nhiệm vụ của mọi quân nhân trong Quân đội. Việc xác định học Tiếng Anh là nhiệm vụ làm mỗi cán bộ (người học) có thái độ nghiêm túc, tích cực, quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ; Học Tiếng Anh đóng vai trò là một trong những giải pháp để Quân đội tiến lên chính quy, hiện đại; Nhiệm vụ học Tiếng Anh là nội dung mang tính dài hạn, cần được đầu tư, quan tâm đúng mức; bởi lẽ tiếng Anh nói chung và tiếng Anh nói riêng là một công cụ quan trọng và rất cần thiết cho cán bộ Quân đội chủ động cập nhật xu hướng, nghiên cứu, phân tích, dự báo diễn biến tình hình thế giới, thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng an ninh và làm chủ trang thiết bị khí tài hiện đại.

Thực trạng giảng dạy và học tập tiếng Anh ở Học viện Quốc phòng

Trước yêu cầu thực tế đặt ra, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng giao lưu quốc tế, an ninh quốc phòng, đối ngoại quân sự, v.v công tác giáo dục đào tạo cần coi trọng việc giảng dạy và học tiếng Anh, nhất là tiếng Anh trong các học viện, trường trong Quân đội. Chấp hành Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Học viện Quốc phòng đã tích cực triển khai, với các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong toàn Học viện trên các mặt cụ thể như sau:

Về công tác quản lý

 Học viện đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác quản lý ngay từ khi có Chỉ thị 89 với những giải pháp cụ thể như đã ra Nghị quyết chuyên đề về việc dạy và học Tiếng Anh; ban hành Chỉ thị về việc dạy và học Tiếng Anh và Quy định về trình độ Tiếng Anh bắt buộc đối với cán bộ, giảng viên và học viên. Từ năm 2018, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện ban hành quy định về tăng cường tạo lập môi trường học tập tiếng Anh tại mỗi đơn vị, như tự học theo phong trào của các tổ chức quần chúng (thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh). Bên cạnh đó, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo cũng đã làm quyết liệt hơn như tăng cường kiểm tra huấn luyện đối với cán bộ giảng dạy Tiếng Anh; chỉ đạo sát sao việc xây dựng đề thi đáp án môn Tiếng Anh theo Khung năng lực tiếng Anh 6 bậc dành cho Việt Nam. Bộ môn tiếng Anh, Khoa Trinh Sát đã nghiên cứu xây dựng chương trình môn học tiếng Anh theo định hướng của Chị thị sát với yêu cầu đào tạo của Học viện, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu chung của Bộ Giáo dục, đào tạo và hoạt động quân sự; tiến hành biên soạn, bổ sung tài liệu, giáo trình Tiếng Anh, nhất là giáo trình tiếng Anh chuyên ngành.

Với các biện pháp sát đúng, và sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy Ban Giám đốc Học viện, công tác dạy và học tiếng Anh đã đi vào nền nếp, có chất lượng hơn; tinh thần tự giác học tiếng Anh của cán bộ, học viên toàn Học viện đã được nâng lên; phong trào học tiếng Anh đã dần lan tỏa trong toàn đơn vị, khơi dậy động cơ học tập tích cực, nâng cao hứng thú của học viên.

Về đổi mới phương pháp giảng dạy và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh

Để đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ giảng dạy và học tập tiếng Anh trong thời kỳ chuyển đổi số, đòi hỏi phải đổi mới toàn bộ công tác dạy và học Tiếng Anh từ chương trình, nội dung, phương tiện dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá nhất là phương pháp và hình thức tổ chức dạy và học môn tiếng Anh phù hợp với đánh giá theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam và phù hợp với đặc thù quân sự. Phương pháp giảng dạy đã chuyển hẳn từ phương pháp thuyết trình, thông báo, tiếp nhận (truyền đạt kiến thức ngôn ngữ thụ động) sang hướng dẫn học viên chủ động tư duy trong quá trình tiếp cận tri thức, dạy cho học viên phương pháp tự học, tự thu nhận thông tin một cách có hệ thống, tăng cường tính chủ động của học viên trong quá trình học tập và sinh hoạt; chú trọng năng lực giải quyết vấn đề, năng lực học tập cá nhân hay học tập theo nhóm; kết hợp sử dụng phương tiện dạy học truyền thống và hiện đại để khai thác tối đa khả năng học tập của học viên.  

Công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cũng được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Học viện đã cử giảng viên tiếng Anh đi học tập các khóa học trong nước và ngoài nước nhằm nâng cao về trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với việc dạy và học tiếng Anh trong tình hình mới.

Mọi cán bộ, giảng viên trong Bộ môn tiếng Anh đều ý thức sâu sắc đối với nhiệm vụ được giao. Các giảng viên  rất nỗ lực cố gắng tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) và phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, hoạt động phương pháp, bồi dưỡng giáo viên cũng đã được Khoa và Bộ môn tiến hành thường xuyên, nghiêm túc với hình thức đa dạng như dự giảng, kiểm tra giảng, thảo luận, trao đổi phương pháp và kỹ năng đứng lớp. Do đó, phương pháp giảng dạy đã có những bước chuyển biến rõ nét, hiệu quả và chất lượng đi theo hướng giảng dạy tích cực.    

Công tác bảo đảm cơ sở vất chất cho dạy và học

Hiện nay, Học viện đã xây dựng được giảng đường chuyên dùng hiện đại với các phần mềm dạy học và kiểm tra tiên tiến, được trang bị đầy đủ các thiết bị nghe nhìn như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác, và các phần mềm dạy học tiếng Anh. Các tài liệu, giáo trình về tiếng Anh cũng được trang bị tương đối đầy đủ, nhất là giáo trình học đã được mua giáo trình gốc, đáp ứng tốt cho công tác dạy học tiếng Anh của Học viện.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan là vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong việc học tiếng Anh. Thực trạng cho thấy, đối với cán bộ, học viên trẻ mới ra trường có khả năng và trình độ tiếng Anh thường tốt hơn cán bộ, học viên có thâm niên nhiều năm. Họ được tiếp xúc với tiếng Anh trong thời gian dài, hơn nữa tiếng Anh là một môn học bắt buộc đối với chương trình phổ thông hiện nay. Vì vậy, chất lượng học tiếng Anh của đối tượng trẻ có phần vượt trội hơn. Mặc dù vậy, cũng có nhiều bất cập đối với đối tượng này: Khi vào học tập tại học viện, do chương trình môn học và môi trường học tập nên việc tiếp xúc với tiếng Anh khá hạn chế. Các môn học chuyên ngành thường có thời gian dài, trình độ khó cao, do đó học viên cần nhiều thời gian hơn để học tập, ít có thời gian dành cho Anh Văn. Ngoài ra, chất lượng đầu vào tiếng Anh của các học viên không đều, có những học viên gần như mất gốc tiếng Anh. Do đó, việc giảng dạy cũng như học tập có nhiều khó khăn nhất định. Chất lượng tiếng Anh chỉ nâng lên ở một bộ phận nhỏ, phần lớn tiếng Anh của học viên đều ở trình độ khá thấp.  Khi tốt nghiệp ra trường công tác, cán bộ và học viên gặp phải những bất lợi cho việc học Tiếng Anh như phải nắm bắt công việc mới, khối lượng công việc nhiều, thường đan xen các thời gian trong ngày, do đó, không có thời gian ổn định để học tiếng Anh. Đặc biệt, đối với cán bộ quân sự quản lý chiến sĩ hay học viên, phải duy trì các chế độ trong ngày, trong tuần, khó có thời gian để học tiếng Anh một cách hiệu quả. Ngoài ra, do công việc chuyên môn, các cán bộ trẻ phải giải quyết nhiều mối quan hệ xung quanh, từ công việc, gia đình, tình cảm cá nhân. Thêm vào đó, việc không thường xuyên dùng tiếng Anh, không tiếp xúc với tiếng Anh trong công việc cũng là một điều hạn chế đối với đối tượng này. Đối với đối tượng cán bộ công tác nhiều năm, có những khó khăn sau. Phần lớn đối tượng này có trình độ tiếng Anh thấp hơn, đặc biệt có những đồng chí hầu như mất gốc do không học tiếng Anh từ nhỏ hoặc không tiếp xúc với tiếng Anh bao giờ dẫn đến khả năng tiếp thu cũng như ôn luyện tiếng Anh của đối tượng này cực kì hạn chế. Đồng thời, trong quá trình được học tiếng Anh, do chưa thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với tình hình hiện nay, vì vậy mà một số cán bộ chưa tích cực trong học tập, ôn luyện.

4. Xu hướng chuyển dịch trong dạy và học Tiếng Anh thời kỳ chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong dạy và học là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Bên cạnh đó, chính nhờ sự tác động của công nghệ số đã cho thấy CĐS làm thay đổi tích cực tới quá trình dạy, học nói chung và việc học tiếng Anh nói riêng, nên hiện nay có thể nhận thấy xu hướng chuyển dịch trong dạy và học tiếng Anh như thể hiện trong Hình 1.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, dạy và học tiếng Anh nói riêng, chuyển đổi số không chỉ là số hóa bài giảng, hay ứng dụng các phần mềm vào soạn giáo án, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công. Giúp thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được tính chủ động, khả năng tư duy, sáng tạo với chất lượng và hiệu quả cao. Việc đưa chuyển đổi số vào hoạt động dạy và học đã dần thay đổi mô hình lớp học tập trung đã dần chuyển sang các mô hình dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập và cơ sở quyết định sự thành công của giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Nói cách khác, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới mô hình, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên, giúp người dạy và người học phát huy tối đa khả năng tư duy, tính sáng tạo, chủ động, tích cực trong hoạt động dạy và học. Như vậy, khi thực hiện chuyển đổi số, toàn bộ các hoạt động giáo dục và đào tạo được tổ chức, thực hiện và quản lý sẽ thay đổi.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Học viện trong thời kỳ chuyển đổi số.

Một là, giải pháp về mô hình tổ chức học tiếng Anh

“Mô hình tổ chức học tiếng Anh” được đề xuất từ việc xác định học tiếng Anh là một nhiệm vụ quan trọng của cán bộ Quân đội hiện nay cũng như trong thời gian tới, bên cạnh việc hiểu và ứng dụng linh hoạt công nghệ CĐS, cùng với việc nắm bắt sự thay đổi về xu hướng, cách học tiếng Anh, nắm rõ đặc điểm của người lớn học tiếng Anh. Mô hình tổ chức triển khai nhiệm vụ học tiếng Anh cho cán bộ Quân đội trong thời đại số, gồm 4 nhân tố như sau:

Nhân tố “Vai trò người đứng đầu”

Trong một tổ chức, người đứng đầu có ảnh hưởng lớn tới các hoạt động học tập nói chung và học tiếng Anh nói riêng của tổ chức. Trong quyền hạn của mình, người đứng đầu sẽ: (1) quyết định chiến lược, định hướng và tổ chức cách thức xác định nội dung và phương pháp dạy, học tiếng Anh cho đội ngũ; (2) quyết định đầu tư về công nghệ dạy, học và về nội dung học tập; (3) quyết định các cơ chế chính sách, các chỉ số đánh giá nhằm vừa tạo động lực vừa ràng buộc để tạo thói quen học tập, hướng tới dần trở thành nét văn hóa học tập trong đội ngũ, quyết định cơ chế chính sách, cách thức để; (4) xây dựng, duy trì và phát triển kho tri thức, học liệu. Bên cạnh đó, người đứng đầu cần; (5) quán triệt, truyền thông về văn hóa, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu về học tập tiếng Anh để xây dựng dựng đơn vị chính quy, hiện đại. Cùng với việc; (6) tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh để duy trì và phát triển các kỹ năng cho người học.

          Nhân tố “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số”

Con người luôn đóng vai trò quyết định trong mọi hoạt động của các tổ chức. Tuy nhiên, ngày nay yếu tố công nghệ, công nghệ chuyển đổi số không những làm thay đổi đáng kể mà còn đóng vai trò quan trọng ở mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động học tập và đào tạo trong tổ chức, doanh nghiệp cũng không là ngoại lệ. Xu hướng ứng dụng công nghệ trong dạy và học tiếng Anh cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi bởi công nghệ chuyển đổi số giúp bất cứ ai cũng có thể dễ dàng học tập mọi lúc mọi nơi. Do đó, có thể nhận thấy đây là một trong các nhân tố không thể thiếu để xây dựng tổ chức học tiếng Anh thời đại số.

Để ứng dụng công nghệ CĐS vào hỗ trợ quá trình học Tiếng Anh, tác giả nhận thấy một hệ thống phần mềm (Platform) cần đảm bảo có đầy đủ các yếu tố, như: Có kho học liệu đủ lớn; có khả năng đánh giá năng lực đầu vào; có khả năng nhận diện, thiết lập mục tiêu và lộ trình học tập cho người học; cho phép học mọi lúc mọi nơi; có cơ chế nhắc nhở, cảnh báo người học; có khả năng đánh giá năng lực đầu ra; và có báo cáo quản trị cho người quản lý.

Khi ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong dạy, học tiếng Anh, người học sẽ phải tích cực, chủ động học tập, duy trì thường xuyên, tối thiểu từ 20 đến 30 phút một bài học mỗi ngày và dựa trên cam kết thực hiện lộ trình đạt mục tiêu trên Platform, người học sẽ được Platform lưu vết quá trình học theo từng ngày, nhắc nhở, cảnh báo người học; còn tổ chức có thể theo dõi được quá trình và kết quả hoàn thành lộ trình học tập của người học trên hệ thống phần mềm, từ đó có thể đưa ra các quyết định, chính sách và hành động phù hợp hơn để thúc đẩy hoạt động học tiếng Anh trong tổ chức.

Nhân tố “Xây dựng kho học liệu”

Một nhân tố không thể thiếu để thúc đẩy hoạt động học tiếng Anh trong tổ chức chính là việc xây dựng và phát triển kho học liệu gồm những bài học, bài giảng theo các cấp độ, nhóm ngành nghề dựa trên quan điểm tiếp cận “Mỗi ngày một bài học” nhỏ (micro-learning) để người học chủ động duy trì học tập liên tục từ 20 đến 30 phút mỗi ngày trong một khoảng thời gian nhất định và có thể chọn đúng nội dung cần học. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có nhiều chương trình tiếng Anh miễn phí/có tính phí có thể giới thiệu hoặc đầu tư mua ngoài tài khoản học online để cán bộ có thể học mọi lúc mọi nơi (như tiếng Anh mỗi ngày, Elsa Speak, English Discovery, Smartcom, v.v..). Bên cạnh các bài học, cần đầu tư ngân hàng câu hỏi kiểm tra theo từng trình độ để người học tự đánh giá đầu ra theo lộ trình mục tiêu.

Theo phân tích trên, để thực hiện thành công mô hình tổ chức học tiếng Anh cần phải triển khai đồng bộ cả 3 nhân tố này. Do bởi, các nhân tố không tồn tại độc lập mà có quan hệ biện chứng lẫn nhau, như: Từ sự quan tâm, hiện diện của người đứng đầu dẫn đến các chính sách, quy chế được ban hành, việc đầu tư được thực hiện; quá trình đưa vào khai thác công cụ phần mềm hỗ trợ cũng cần được bổ sung, tối ưu tính năng để khai thác hiệu quả hơn; việc học tiếng Anh có đạt được mục tiêu và chất lượng học được nâng cao hay không cũng phụ thuộc vào kho học liệu có thường xuyên được rà soát, cập nhật, bổ sung học liệu mới hay không.

Ngoài 3 nhân tố nêu trên, việc xây dựng môi trường rèn luyện, sử dụng tiếng Anh để cán bộ, học viên học và thực hành tiếng Anh thường xuyên trong quá trình làm việc là rất cần thiết, như: Sử dụng tài liệu tiếng Anh trong các buổi họp/giao ban (chiếu slide, phụ đề tiếng Anh cho các phim phóng sự); sử dụng tiếng Anh trên các biển bảng, ấn phẩm truyền thông, phần mềm nội bộ); xây dựng sổ tay thuật ngữ tiếng Anh theo chuyên ngành; tổ chức sự kiện, cuộc thi nói bằng tiếng Anh;... để mọi cán bộ, giảng viên có cơ hội vận dụng và ngày một nâng cao trình độ tiếng Anh của mình.

Hai là, giải pháp đối với người học

Phải tự nâng cao ý thức về việc học tiếng Anh. Coi đây là một nhiệm vụ quan trọng;

Phải tự xác định mục tiêu học tập, tự đưa ra lộ trình học cụ thể và cam kết thực hiện với chính mình và với người quản lý trực tiếp trước mục tiêu đó;

Chủ động tìm kiếm và lựa chọn nguồn học liệu phù hợp với nhu cầu, năng lực hiện tại của bản thân (ví dụ cài đặt ứng dụng phần mềm và mua tài khoản học tiếng Anh trực tuyến có sẵn trên thị trường);

Phải chủ động tự học và học mọi lúc mọi nơi, cân bằng giữa công việc và học tập để duy trì thường xuyên 20 phút đến 30 phút học mỗi ngày;

Khi tự học thì rèn luyện kỹ năng nghe trước - nghe thật nhiều khi có thể và tập phát âm trước khi rèn luyện các kỹ năng còn lại.

Bà là, giải pháp đối với từng đơn vị

Xác định đối tượng cần phải học tiếng Anh, xác định trình độ hiện tại của người học và cùng ký cam kết thực hiện theo mục tiêu với người học.

Ban hành quy chế, chính sách về nâng cao trình độ tiếng Anh, ví dụ như: Người đứng đầu đơn vị, trong đó có cán bộ quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả (sự tiến bộ) học tập tiếng Anh của các cán bộ, học viên trong đơn vị mình quản lý; mỗi cán bộ, học viên có trách nhiệm tự học, tự đảm bảo yêu cầu tiếng Anh trong công việc; công khai các hình thức khen thưởng, xử phạt theo cam kết thực hiện mục tiêu học tập.

Tổ chức hướng dẫn cách học tiếng Anh để cán bộ, học viên có thể tự học với một số nguồn học liệu phổ biến hiện nay.

Kiểm soát sự duy trì học và sự tiến bộ của mỗi cá nhân theo định kỳ tháng/quý/năm để có cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy, hoặc thay đổi quy chế, chính sách.

Tổ chức thi tập trung (có giám sát) theo định kỳ tháng/quý/năm để đánh giá kết quả học tập theo lộ trình đã cam kết.

Mặc dù yếu tố công nghệ có giúp ích tích cực trong việc học tập nói chung, học tiếng Anh nói riêng, nhưng để làm chủ được tiếng Anh cần giải quyết rất nhiều yếu tố khách quan khác, như: môi trường công tác, môi trường sử dụng tiếng Anh, sự chỉ đạo, dẫn dắt của lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, sự cân bằng giữa công việc và học tập, và đặc biệt là ý thức duy trì thường xuyên, liên tục để đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, còn phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp.

Thông qua việc đề xuất “Mô hình tổ chức học tiếng Anh” và các giải pháp nêu trên, hy vọng có thể gợi mở, tham vấn cho các thủ trưởng và các cơ quan, đơn vị chức năng đưa ra quyết định, nhằm bám sát và thực thi tốt các nhiệm vụ đã được chỉ đạo tại Chỉ thị số 89/CT-BQP và 105/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc học tập, nâng cao trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thành công cho Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” trong Quân đội, và góp phần thiết thực vào việc nâng chất lượng dạy và học môn tiếng Anh tại Học viện Quốc phòng trong bối cảnh CĐS./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bộ Quốc phòng (2016), Chỉ thị số 89/CT-BQP về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong hệ thống nhà trường Quân đội.

Bộ Quốc phòng (2020), Chỉ thị số 105/CT-BQP về việc tăng cường học tập Tiếng Anh và tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ Quốc phòng (2020), Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập Tiếng Anh cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” trong Quân đội.

Bùi Quang Tuyến (2020), Hành trình tri thức thời kinh tế số, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

        Đại tá, Ths Đinh Thanh Hoàng

     Giảng viên Ngoại ngữ, Khoa Trinh sát/ Học viện Quốc phòng