Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước yêu cầu của công cuộc xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quân đội và đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phải có kiến thức toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, có năng lực tư duy trí tuệ cao, hoạt động thực tiễn quân sự ngang tầm nhiệm vụ. Để thực hiện nhiệm vụ đào tạo - bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cao cấp quân đội và kịp thời tổng kết chiến tranh, phát triển hệ thống lý luận khoa học nghệ thuật quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Học viện Quân sự Cao cấp, nay là Học viện Quốc phòng.

Ngày 25/7/1975, Quân uỷ Trung ương ra Nghị quyết về việc thành lập Học viện Quân sự Cao cấp. Chấp hành Nghị quyết của Quân uỷ Trung ương, ngày 21/02/1976, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 38/QĐ-QP về việc thành lập Học viện Quân sự Cao cấp trực thuộc Bộ quốc phòng. Quyết định xác định nhiệm vụ của Học viện là: “Bổ túc, đào tạo cán bộ cao cấp của lực lượng vũ trang; tham gia nghiên cứu các vấn đề khoa học quân sự; giúp bạn bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự”.

Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng được chỉ định kiêm chức Viện trưởng Học viện Quân sự Cao cấp.

Ngày 25/02/1976, Tổng Tham mưu trưởng ra Quyết định số 28/QĐ-TM lâm thời quy định về cơ cấu tổ chức, biên chế Học viện Quân sự Cao cấp gồm Thủ trưởng Học viện, 6 cơ quan và 16 khoa giảng viên.

Về tổ chức Đảng, Quân uỷ Trung ương lâm thời chỉ định thành lập Liên chi uỷ cơ quan Học viện, do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Bí thư.

Ngày 25/6/1976, Tổng Tham mưu trưởng ra Quyết định số 146/QĐ-TM, ban hành biểu biến chế chính thức của Học viện Quân sự Cao cấp, trong đó có sửa đổi, điều chỉnh một số điểm của Quyết định số 28/QĐ-TM là: Đổi tên “Thủ trưởng Học viện” thành “Ban Giám đốc Học viện”, “Phòng Giáo vụ” thành “Phòng Huấn luyện”; bổ sung “Các khung hệ học viên” là: khung Hệ Bổ túc, khung Hệ Đào tạo, khung Hệ Quốc tế.

Từ ngày 08 đến ngày 11/11/1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện lần thứ nhất được tiến hành trọng thể với 72 đại biểu chính thức. Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của Học viện, đánh dấu bước hoàn thành cơ bản về cơ cấu tổ chức của Học viện và về quyết tâm, khả năng của Học viện có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.

Ngày 03/01/1977, Học viện Quân sự Cao cấp tổ chức trọng thể Lễ Khai giảng khoá học đầu tiên (Bổ túc khoá I). Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự Lễ Khai giảng. Phát biểu tại buổi Lễ, Đại tướng nêu rõ: “nhiệm vụ của Học viện Quân sự Cao cấp về lâu dài là đào tạo cán bộ quân sự cao cấp của chúng ta theo một chương trình cơ bản, toàn diện và có hệ thống... Việc thành lập Học viện Quân sự Cao cấp là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng Quân đội nhân dân ta tiến lên chính qui và hiện đại trong giai đoạn mới. Tuy thành lập sau các học viện khác, nhưng vì là Học viện cao nhất của quân đội ta, nên nhiệm vụ của nó rất nặng nề, tiền đồ của nó rất vẻ vang. Cán bộ quân sự cao cấp của ta từ nay về sau phải trải qua Học viện này, do đó mỗi bước tiến lên của Học viện sẽ có ảnh hưởng tích cực đến toàn quân...”.

Lễ Khai giảng Lớp Bổ túc cán bộ cao cấp khoá I là một sự kiện lịch sử quan trọng mở đầu cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp cho quân đội của Học viện Quân sự Cao cấp. Khẳng định sự phát triển mới, hoàn chỉnh hệ thống nhà trường quân sự của quân đội ta, là bước phát triển mới của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam. Từ đó, ngày 03/01 hàng năm được xác định là Ngày Truyền thống của Học viện Quốc phòng.

Ngày 30/8/1978, để tiếp tục kiện toàn về tổ chức các học viện, viện nghiên cứu, Thường vụ Quân uỷ Trung ương ra Nghị quyết số 294-NQ-QUTW về việc hợp nhất Học viên Quân sự Cao cấp và Viện Khoa học quân sự lấy tên là Học viện Quân sự Cao cấp nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo - bồi dưỡng cán bộ cao cấp.

Ngày 26/02/1979, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Học viện xây dựng hoàn chỉnh khung cơ quan Quân đoàn 5. Cũng trong dịp này, Bộ Quốc phòng điều động một số cán bộ, giáo viên của Học viện đi xây dựng Quân đoàn 6. Chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh của trên, Thường vụ Đảng uỷ quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, xác định những biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm bảo đảm đúng thời gian, đủ quân số và chất lượng; làm cho mọi người thông suốt. Chỉ sau một tuần làm công tác chuẩn bị gần 100 cán bộ, chiến sĩ đã phấn khởi lên đường nhận nhiệm vụ. Trong điều kiện chiến tranh, Học viện vừa là nơi huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học, đồng thời tăng cường lực lượng cán bộ cao cấp cho toàn quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu.

Ngày 16/12/1981, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 423/QĐ-QP đổi tên Học viện Quân sự Cao cấp thành Học viện Quân sự Cấp cao.

Nhiệm vụ của Học viện được xác định: “Đào tạo cán bộ chỉ huy, tham mưu cấp chiến dịch - chiến lược là chính; đồng thời tiếp tục đào tạo ngắn hạn cán bộ chỉ huy, tham mưu cao cấp binh chủng hợp thành, cán bộ khoa học quân sự, quân sự địa phương...”. Thực hiện nhiệm vụ mới, Học viện đã chuyển hướng đào tạo, từ đào tạo sư đoàn trưởng binh chủng hợp thành (đào tạo theo chức vụ) sang đào tạo theo trình độ học vấn cao cấp, cấp chiến dịch - chiến lược.

Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong thời kỳ mới, thời kỳ CNH-HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, ngày 20/12/1994, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Nghị định 188/CP về việc thành lập Học viện Quốc phòng trên cơ sở Học viện Quân sự Cấp cao, Nghị định nêu rõ: Học viện Quốc phòng trực thuộc Chính phủ, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể, nghiên cứu khoa học quân sự. Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, các cơ quan Nhà nước theo chức năng có trách nhiệm tham gia xây dựng Học viện. Hoạt động của Học viện Quốc phòng theo qui chế riêng do Thủ tướng Chính phủ qui định. Học viện Quốc phòng có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan chỉ huy, tham mưu cao cấp chiến dịch chiến lược, quân sự địa phương, cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu khoa học quân sự, đào tạo cao học và nghiên cứu sinh về khoa học quân sự theo qui chế, văn bằng của Nhà nước; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và tương đương, cán bộ lãnh đạo thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể; nghiên cứu khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự; hợp tác quốc tế về đào tạo bồi dưỡng cán bộ cao cấp quân sự.

Ngày 22/12/1994, đồng chí Nông Đức Mạnh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thăm Học viện Quốc phòng, dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam - Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1944- 22/12/1994). Tại buổi Lễ này, Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Quốc phòng được công bố. Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nông Đức Mạnh nêu rõ: “Việc Nhà nước ta quyết định thành lập Học viện Quốc phòng là nhằm thực hiện một chủ trương hết sức đúng đắn, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó vừa là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho Học viện Quốc phòng. Nhiệm vụ của Học viện không chỉ đào tạo sĩ quan chỉ huy cao cấp của quân đội theo yêu cầu mới, mà còn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể Trung ương và địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng và Nhà nước ta, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Học viện Quốc phòng Việt Nam được thành lập thể hiện sự phát triển tư duy mới về nhiệm vụ quân sự và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Sự ra đời của Học viện Quốc phòng Việt Nam đánh dấu bước trưởng thành mới về nội dung, chất lượng đào tạo của Học viện; là kết quả xây dựng, tích luỹ nhiều năm về học vấn và kinh nghiệm đào tạo cán bộ quân sự có trình độ cao trong quân đội nhân dân Việt Nam, là bước tiếp nối của quá trình phát triển từ Học viện Quân sự Cao cấp, Học viện Quân sự Cấp cao; đồng thời là bước hoàn chỉnh sự phát triển của hệ thống nhà trường quân đội của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Ngày 07/11/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Qui chế tổ chức và hoạt động của Học viện Quốc phòng”, gồm 06 chương, 18 điều, đây là cơ sở pháp lý để Học viện tiến hành biên chế tổ chức, xây dựng nội dung, chương trình dạy học, nghiên cứu khoa học và xây dựng Học viện trong giai đoạn mới. Song song với các lớp đào tạo cán bộ quân sự cao cấp là quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt để mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ngày 08/6/1998, Học viện Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ Khai giảng Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh khoá I. Đồng chí Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và nhiều đại biểu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể Trung ương, Bộ Quốc phòng đến dự và chỉ đạo khoá học. Phát biểu tại buổi Lễ Khai giảng, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: "Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố và các ngành, các đoàn thể ở Trung ương là một chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhằm tích cực thực hiện chiến lược cán bộ trong giai đoạn mới, giai đoạn CNH-HĐH đất nước theo con đường XHCN, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự có mặt của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Đảng uỷ quân sự Trung ương và các cơ quan Trung ương trong lễ khai giảng hôm nay đã chứng tỏ sự quan tâm của Bộ Chính trị, Nhà nước và Đảng uỷ quân sự Trung ương đối với chủ trương này...”.

Từ đây Học viện Quốc phòng thực hiện đầy đủ 4 nhiệm vụ mà Nghị định 188/CP của Chính phủ đã xác định. Kết quả đó đã góp phần đổi mới tư duy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Đồng thời trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định để xây dựng đất nước.

Ngày 10/4/1999, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 463/CT-BQP về việc tổ chức thực hiện chuyển giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ cấp sư đoàn từ Học viện Quốc phòng sang Học viện Lục quân. Đây là quyết định rất quan trọng và rất cần thiết đối với nhiệm vụ huấn luyện - đào tạo cấp chiến dịch - chiến lược ở Học viện Quốc phòng, tập trung nghiên cứu những vấn đề mới ở tầm chiến lược, đặc biệt là những nội dung về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Ngày 10/9/2001 Học viện tổ chức Lễ Khai giảng khoá I đào tạo chiến dịch - chiến lược với mục tiêu là đào tạo ra những nhà lãnh đạo, chỉ huy có tầm nhìn chiến lược về chính trị, quân sự, nắm vững đường lối quan điểm quân sự, quốc phòng của Đảng; có khả năng tư duy và hành động để đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong các cơ quan, đơn vị chiến dịch, chiến lược; có khả năng phát hiện, đề xuất, tổ chức giải quyết các vấn đề lớn về xây dựng và tác chiến của lực lượng vũ trang hiện nay và mai sau.

Ngày 18/7/2003, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 673/QĐ-TM về Tổ chức biên chế Học viện Quốc phòng. Theo đó, tổ chức biên chế mới của Học viện bao gồm: Ban Giám đốc Học viện (Giám đốc và các Phó Giám đốc), đến tháng 4 năm 2006, thực hiện Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị, Học viện có Chính uỷ và Phó Chính uỷ.

 Khối cơ quan gồm có: Cục Huấn luyện - Đào tạo, Cục Chính trị, Văn phòng, Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Viện Khoa học - Nghệ thuật quân sự, Phòng Sau đại học, Phòng Thông tin khoa học quân sự, Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng huấn luyện - đào tạo.

Khối khoa giáo viên gồm 10 khoa: Khoa Chiến lược, Khoa Chiến dịch, Khoa Quân sự địa phương, Khoa Trinh sát, Khoa Quân chủng, Khoa Binh chủng, Khoa Mác - Lênin, Khoa Công tác đảng - công tác chính trị, Khoa Chỉ huy bộ đội và Khoa Hậu cần - Kỹ thuật.

Khối hệ quản lý học viên: Hệ Chiến dịch - chiến lược, Hệ Sau đại học, Hệ Quốc phòng, Hệ Quốc tế.

Từ ngày 11 đến ngày 13/10/2005, Học viện Quốc phòng được Bộ Quốc phòng giao cho nhiệm vụ tổ chức Hội nghị quốc tế “Những người đứng đầu Học viện Quốc phòng (ARF) lần thứ 9 tại Hà Nội”. Với cương vị là Chủ tịch Hội nghị, Học viện đã điều hành tiến trình Hội nghị đúng kế hoạch, xử trí tốt những phát sinh, chuẩn bị nơi hội thảo, nơi ăn ở, nơi tham quan chu đáo, hợp lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được các nước đến dự Hội nghị đánh giá cao.

Ngày 26/12/2006, Học viện tổ chức nghiệm thu và tổ chức Lễ khánh thành công trình văn hoá Nhóm tượng đài Bác Hồ với chiến dịch Biên giới 1950. Công trình thể hiện tính tư tưởng, tính giáo dục, tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật cao, phù hợp với vị trí, vai trò của Học viện Quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Bằng khen về giá trị mỹ thuật.

Ngày 03/01/2007, Học viện long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến dự và trao phần thưởng cao quý, Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước phong tặng cho Học viện.

Từ năm 2008, Học viện được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ mở lớp đào tạo Quan chức quốc phòng quốc tế đa quốc gia. Đây là một trong những nhiệm vụ mới và khó khăn đối với Học viện, bởi học viên là những quan chức có trình độ học vấn và tính chuyên nghiệp rất cao trên nhiều lĩnh vực, nhất là về quốc phòng, quân sự; đồng thời, học viên ở những nước có thể chế chính trị khác nhau, trong đó có cả những nước đã trực tiếp phát động chiến tranh hoặc là đồng minh tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, như: Pháp, Mĩ, Ốt-xtrây-li-a, Phi-líp-pin, Niu-di-lân, Thái Lan, Hàn Quốc... Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, ngày 04/03/2008, Học viện tổ chức Khai giảng Lớp Đào tạo quan chức quốc phòng quốc tế khóa I cho các học viên của 14 quốc gia, đánh dấu bước phát triển mới trong đào tạo và quan hệ đối ngoại của Học viện.

Ngày 20/9/2009, tại Hà Nội, Học viện Quốc phòng Việt Nam tổ chức Lễ Kết nghĩa với Học viện Quốc phòng Cay-xỏn Phôm-vi-hản của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Ngày 03/01/2017, Học viện long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, đến dự và trao Huân chương cho Học viện tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhấn mạnh: Học viện Quốc phòng với vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội có vai trò rất quan trọng đối với “công việc gốc” của Đảng, đồng thời đã và đang đặt ra những yêu cầu mới ngày càng nặng nề, là vinh dự và trách nhiệm của Học viện trong thời kỳ mới”.

Thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, ngày 28/12/2017 của Ban Bí thư, Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 09/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương và Quyết định của Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Học viện đào tạo, hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lí luận chính trị. Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, ngày 01/10/2018, Học viện khai giảng khóa I lớp Hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị. Đến nay, Học viện đào tạo được 05 khóa hoàn chỉnh và 04 khóa đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho gần 1.000 học viên bảo đảm đạt chất lượng cao, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh ở các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Quán triệt Nghị quyết của Đảng về xây dựng các tổ chức, các lực lượng tinh, mạnh, gọn, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ sẵn sàng chiến đấu ngày càng nâng cao; thực hiện quyết nghị của Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc tổ chức lại và ban hành biểu tổ chức, biên chế Học viện Quốc phòng, ngày 17/4/2020, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1254/QĐ-BQP về việc tổ chức lại Học viện Quốc phòng (thời bình). Trên cơ sở quyết định của Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng đã ban hành biểu tổ chức biên chế 1842 kèm theo Quyết định số 264/QĐ-TM, ngày 18/4/2020 về việc tổ chức biên chế Học viện Quốc phòng (thời bình). Cơ bản các cơ quan, khoa, hệ vẫn giữ nguyên như trước đây, điều chuyển, sáp nhập một số phòng, ban, bộ phận giữa các cơ quan, khoa giáo viên bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Từ ngày thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng trên 400 lớp với 18 loại hình đào tạo và 53 đối tượng học viên. Hàng vạn cán bộ cao cấp đã tốt nghiệp tại Học viện, trong đó có trên 1.000 đồng chí trở thành tướng lĩnh Quân đội, hơn 500 đồng chí là Ủy viên BCHTW Đảng, nhiều đồng chí đã và đang đảm nhiệm những trọng trách cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Cùng với việc đào tạo cán bộ CH-TM cao cấp, Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo cán bộ nghiên cứu Khoa học Nghệ thuật Quân sự, đã đào tạo được 913 Thạc sỹ, 473 Tiến sỹ, 187 Phó Giáo sư, 14 Giáo sư KHQS, có những đồng chí trở thành nhà khoa học đầu ngành về Khoa học NTQS của Quân đội và Quốc gia.

Từ năm 1998 đến nay, Học viện đã tổ chức tốt cho 84 khoá bồi dưỡng kiến thức QP - AN với trên 5.000 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thuộc diện Trung ương quản lý. Các lớp bồi dưỡng kiến thức QP - AN tại Học viện đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tư duy lý luận và năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tham gia hoạch định các chủ trương về xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để đất nước ta tham gia hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Là trung tâm nghiên cứu phát triển Khoa học Nghệ thuật quân sự hàng đầu của Quân đội và Quốc gia, Học viện luôn bám sát sự vận động của thực tiễn và lý luận, đã chủ động, tích cực nghiên cứu gần 1.000 đề tài khoa học các cấp, trong đó có gần chục đề tài cấp Quốc gia, hàng trăm đề tài cấp Bộ Quốc phòng, cấp ngành; nghiên cứu, biên soạn gần 900 tài liệu cấp Bộ, trên 5.000 tài liệu cấp Học viện; nhiều đề tài, tài liệu có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao, nhất là đề tài “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới” được đánh giá xuất sắc, góp phần phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và chủ trương hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ quân sự cao cấp, Học viện đã hoàn thành 81 khoá đào tạo, bồi dưỡng cho trên 700 cán bộ cao cấp của quân đội Lào, Campuchia, Cu Ba và quân đội của một số nước trên thế giới, trong đó có gần 80 sĩ quan cấp tướng; tổ chức thành công 05 khoá đào tạo quan chức quốc phòng quốc tế cho trên 100 học viên của 34 quốc gia trên thế giới. Đồng thời, Học viện đã đón tiếp, làm việc với hàng trăm đoàn của nhiều quốc gia và cử hàng trăm đoàn cán bộ đi nghiên cứu, trao đổi, thỉnh giảng ở các nước trên thế giới; tích cực tham gia diễn đàn giám đốc các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu quốc phòng các nước thành viên ARF thường kỳ.

Học viện thường xuyên chú trọng xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, gắn với xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực và phát triển bền vững. Đảng bộ Học viện luôn giữ vững định hướng lãnh đạo đối với mọi hoạt động của Học viện, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Toàn Đảng bộ Học viện tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Thực sự là pháo đài kiên định về chính trị, mục tiêu lý tưởng, sáng tạo trong thực hiện đường lối của Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.