Bằng cuộc sống thanh cao, giản dị, trong sáng và đạo đức cách mạng mẫu mực của một người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, nhân dân và để lại cho chúng ta một di sản quý báu về tư tưởng và đạo đức của một người cách mạng trong thời đại mới. Phong cách sinh hoạt của Người xuất phát từ một triết lý nhân sinh lấy khiêm tốn giản dị làm nền, lấy chừng mực điều độ làm chuẩn, lấy trong sạch thanh cao làm vui, lấy gắn bó với con người, với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận. Đó là những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng và cuộc đời thanh bạch, giản dị, tao nhã với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất.

Phong cách sinh hoạt giản dị, thanh đạm, thanh cao trong cuộc sống hàng ngày.

Sau gần ba mươi năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân, trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước, Người đã sống ở hang núi Pác Bó (Cao Bằng) trong điều kiện vất vả, khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn giữ vững khí phách và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Khi ở núi rừng Việt Bắc, nơi ở của Người chỉ là một ngôi nhà sàn bé hoặc mái lá đơn sơ. Kháng chiến thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, Người đã chọn nơi ở và làm việc là một ngôi nhà nhỏ vốn của người thợ điện phục vụ cho phủ Toàn quyền Đông Dương cũ. Khi ngôi nhà sàn được xây dựng thì Hồ Chí Minh chỉ dành cho mình một chút riêng ở tầng trên nhà sàn với hai phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng chỉ hơn 10m2 với những đồ vật thật sự cần thiết và hết sức đơn giản. Vào thăm nơi ở của Người, ai cũng thấy nơi đây không có chỗ cho sự xa hoa và cũng chẳng có chỗ cho sự tầm thường. Cuộc sống khiêm tốn, cuộc đời thanh bạch của Người luôn xứng đáng là một tấm gương cho mọi thời đại cách mạng noi theo.

Bữa ăn hàng ngày của Người cũng rất thanh đạm, thường chỉ có canh cua, tương cà, dưa muối, cá kho với lá gừng…, đó là những món ăn quen thuộc mà Người ưa thích. Người nhắc các đồng chí phục vụ bữa ăn cho mình chỉ nấu vừa đủ, không để thừa, tránh lãng phí. Sau các bữa ăn, Người tự mình sắp xếp gọn gàng bát đĩa trên bàn để các đồng chí phục vụ thu dọn đỡ vất vả. Những lần đi công tác cơ sở, Người cũng thường chuẩn bị đồ ăn mang theo vừa tiết kiệm thời gian và trên hết là không muốn gây phiền hà, tốn kém tới các địa phương mà Người đến công tác.

 Trang phục của Người cũng hết sức giản dị. Khi ở Cao Bằng, Người mặc bộ đồ chàm như một ông Ké. Trong những năm kháng chiến, Người mặc như một lão nông. Khi đi ra mặt trận, đi thăm bộ đội hay thanh niên xung phong, Người mặc bộ quần áo lính. Trong những lúc làm việc ở nhà, Người thường mặc bộ quần áo bà ba màu nâu, đi đôi guốc gỗ. Khi tiếp khách, đi công tác, Người thường mặc bộ quần áo ka ki bốn túi và đi đôi dép cao su. Quần áo cũng chỉ vài bộ, tất vài ba đôi, sờn rách thì vá, khi không dùng được mới thay cái mới. Dù ở cương vị nào, Người vẫn sống bình dị như một người dân, một chiến sĩ trong sinh hoạt hàng ngày.

Phong cách sinh hoạt giản dị, thanh đạm của Hồ Chí Minh không phải cố để tạo nên một vỏ bọc bề ngoài cho thấy “gần gũi” với mọi người, mà nó xuất phát từ tính đạo đức nhân văn trong con người của Hồ Chí Minh. Người không cho phép mình ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ khi nhân dân còn nghèo khổ, thiếu thốn. Hồ Chí Minh mong muốn làm sao cho nhân dân từ ăn no, mặc ấm phải đi đến ăn ngon mặc đẹp, đời sống của mỗi người, mỗi gia đình phải không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên Hồ Chí Minh cũng khuyên mọi người phải ít ham muốn về vật chất: “Ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức".

Phong cách sinh hoạt kỷ luật, ngăn nắp, khoa học, yêu lao động, quý trọng thời gian

Trong sinh hoạt hàng ngày, Người luôn đặt cho mình một kỷ luật hết sức chặt chẽ, giữ nếp trật tự, ngăn nắp gọn gàng, thường xuyên chú ý đến việc rèn luyện sức khoẻ, đồng thời sắp xếp thời gian thực hiện mọi công việc  hợp lý và hiệu quả. Người luôn giữ thói quen đọc báo chí, bản tin trước giờ làm việc hàng ngày, đánh dấu các bài cần chú ý để tiện việc theo dõi, trao đổi ý kiến và sử dụng khi cần thiết. Người đã tặng gần 4000 huy hiệu cho những tấm gương người tốt, việc tốt với hy vọng nhân rộng những bông hoa đẹp đó để “cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.

Với những công việc trong ngày, trong tuần, trong tháng, từ việc họp hành, làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, phụ trách các bộ, ban, ngành, tiếp khách trong nước và quốc tế, đến việc viết báo, đọc và trả lời thư từ, đi thăm cán bộ, nhân dân các địa phương, hay xem phim, xem văn nghệ, v.v… đều được Người bố trí một cách hết sức hợp lý. Người luôn cố gắng để mỗi công việc sao cho tốn ít thời gian, ít làm phiền cơ sở, mà lại thu được kết quả cao nhất.

Người cũng có thói quen tự mình đánh máy lấy những bài báo, bài viết, những thư từ gửi đi các nơi. Những việc cá nhân trong sinh hoạt thường ngày như chuẩn bị chăn màn đi ngủ, sắp xếp gọn gàng sau khi thức dậy Người đều tự mình làm lấy. Thương những đồng chí phục vụ vất vả, những hôm trời mưa to, Người vẫn xắn quần đi đến nhà ăn. Cũng thương đông đảo mọi người phải chờ mình vất vả, dù trời mưa rất to, Người vẫn cố gắng đi đến cho kịp buổi họp.

Trong những năm kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích và cùng anh em trong cơ quan tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hàng ngày, tập võ hay chơi bóng chuyền để nâng cao thể lực và sức khỏe, phòng tránh bệnh tật, ốm đau. Hàng ngày, Người giữ nếp tập thể dục hay quyền thuật buổi sáng và đi bộ buổi chiều đều đặn. Cho đến những năm cuối đời, Người vẫn gắng đi bộ, và mỗi ngày đi thêm mấy chục mét với hy vọng vẫn có sức khoẻ để mong thực hiện khát vọng được vào thăm đồng bào miền Nam. Khi thấy sức khỏe bắt đầu giảm sút dần, Người bắt đầu viết Di chúc. Bốn năm trước lúc đi xa, cứ mỗi năm, Người lại đem ra xem lại vào thời gian nhất định và sửa chữa, bổ sung, để lại cho toàn Đảng, toàn dân những lời dặn dò, những mong mỏi tâm huyết nhất.

Luôn hòa quyện với tình yêu thiên nhiên yêu và gắn bó với thiên nhiên.

Trong sinh hoạt đời thường, Hồ Chí Minh rất yêu thiên nhiên và sống gắn bó, hòa mình vào thiên nhiên. Những người được sống bên Người đều cho biết: chưa bao giờ thấy Người phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

Thiên nhiên mà Người yêu tha thiết là những ao sen, những hàng dâm bụt, giếng Cốc, núi Hồng, sông Lam... ở quê nhà; là những danh lam thắng cảnh của đất nước mà Người đã thấy khi theo cha đi các nơi, trên con đường vào Huế, sau đó là suốt dọc đường dài đi về phía Nam của Tổ quốc. Tất cả đã in đậm vào ký ức, mà sau này Người thường nhắc lại. Trong những năm tháng đi tìm đường cứu nước, dù phải làm việc cực nhọc trên những con tàu vượt đại dương, Người vẫn thường dậy sớm để ngắm trời biển bao la. Dù phải làm đủ mọi nghề để kiếm sống và để hoạt động cách mạng, Người vẫn tìm cách đi thăm nhiều nơi, nhiều cảnh đẹp, nhiều công trình cổ kính và tráng lệ của nước Pháp, chiêm ngưỡng kiến trúc kỳ vĩ của La Mã cổ đại…

Những năm tháng ở Thủ đô Hà Nội, Người sống trong ngôi nhà sàn dưới bóng cây râm mát, rộn rã tiếng chim, có ao nuôi cá. Mảnh đất nhỏ trước nhà sàn, Người trồng đủ các loại hoa, có hàng rào hoa dâm bụt bao quanh như ở làng Sen quê nhà. Phía sau nhà là vườn cam quê hương, bên kia bờ ao cá là vườn trồng rau xanh và một số cây ăn quả như cam, bưởi, hồng, táo, xoài, dừa… Đầu nhà sàn là cây vú sữa, trước nhà là những cây dừa của đồng bào miền Nam tặng Người. Những lúc mát trời, Người ngồi đọc sách, tiếp khách bên giàn hoa giấy phía sau tòa nhà Phủ Chủ tịch, không gian thiên nhiên thoáng đãng.

 Hồ Chí Minh luôn chú ý bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái. Người đã đề xướng phong trào “Tết trồng cây”, vì “việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc do Người phát động ngày nay đã trở thành một phong tục tập quán tốt đẹp trong nhân dân. Ở Hồ Chí Minh, tình yêu thiên nhiên gắn liền và xuất phát từ tình yêu đất nước, tình yêu con người; vì hạnh phúc của con người, vì sự phồn vinh của đất nước. Vì vậy, Người đã gắn việc trồng cây với trồng người, sự nghiệp mười năm phải kết hợp với sự nghiệp trăm năm, một tư tưởng lớn có ý nghĩa chiến lược không những đối với dân tộc mà còn đối với cả loài người.

Cho đến năm cuối đời, Người còn đi trồng cây trên đồi Vật Lại và mời một số cán bộ có trách nhiệm đến bàn tiếp về vấn đề trồng người. Phải bắt đầu từ việc chăm sóc từng cây mới trồng, từng con người mới lớn, nâng niu từng tấm gương người tốt, việc tốt xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu quần chúng nhân dân. Phải có nhiều cây mới thành rừng, phải có nhiều người mới thành một xã hội tốt đẹp. Hồ Chí Minh là người khởi xướng, cổ vũ, tổ chức và mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi thế hệ trong sự nghiệp trồng cây, trồng người của đất nước và dân tộc.

Dù bộn bề công việc, Người vẫn quan tâm đến đời sống riêng tư của các đồng chí phục vụ. Những khi đi công tác xa, Người không quên bố trí cho cán bộ không phải đi công tác được phép nghỉ về thăm gia đình. Những ngày lễ, tết, mọi người quây quần bên nhau như trong một gia đình đầm ấm, đầy tình cảm yêu thương. Người coi trung với nước, hiếu với dân là cao hơn tất cả, nhưng không vì thế mà quên hai chữ hiếu đễ trong gia đình. Những năm tháng xa quê hương, hay những lúc gia đình gặp biến cố, Người luôn trăn trở, day dứt vì chưa thể làm tròn bổn phận của mình với người thân ruột thịt… Tuy nhiên vì sự nghiệp cách mạng, Người đã phải hy sinh tình nhà và gác nỗi buồn riêng để lo việc dân, việc nước, và cũng từ đó, Người tìm thấy niềm vui lớn trong cuộc sống hàng ngày, sống luôn lạc quan và tràn đầy tin tưởng.

Cùng với sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách sinh hoạt là một phần tạo nên sự toàn vẹn, tầm vóc vĩ đại của danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong lòng dân tộc, mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi lớp người đang phấn đấu cho một thế giới ngày tốt đẹp hơn.

                                                  Trung tá, ThS Nguyễn Xuân Vinh

Giảng viên Khoa lý luận Mác-Lênin