Máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider của Northrop Grumman mới xuất hiện gần đây có nhiều nét tương đồng với chiếc B-2 Spirit trước đó, nhưng hai loại máy bay này rất khác nhau về nhiều mặt, trong đó B-21 được quảng bá là máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới. Hiện có rất ít thông tin chi tiết về chiếc máy bay này, nhưng các đối thủ và cả các đồng minh của Mỹ đang theo dõi sát sao chiếc máy bay ném bom tàng hình mới xuất hiện khi nó sắp thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Năm 1997, không lâu sau khi chiếc oanh tạc cơ B-2 được đưa vào hoạt động lần đầu, Không quân Mỹ (USAF) đã tính đến việc thay thế nó, mở đường cho sự ra đời chương trình máy bay ném bom thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, với yêu cầu đề xuất được đưa ra vào tháng 7 năm 2014, chương trình này đã bị hủy bỏ vào năm 2008 và ba năm sau đó được thay thế bằng dự án máy bay ném bom tấn công tầm xa (LRS-B). Northrop Grumman đã đánh bại liên minh 2 tập đoàn Boeing và Lockheed Martin để giành được hợp đồng kể trên vào tháng 10 năm 2015. Thiết kế của Hãng Northrop Grumman mang lại khả năng tàng hình tốt hơn so với đối thủ và đây là một trong những yếu tố chính cho sự lựa chọn này cùng với chi phí, một thông số tham chiếu quan trọng cho quyết định sau trải nghiệm không mấy dễ chịu của Không quân Mỹ với chiếc B-2.

Theo giao thức đặt tên của Không quân Mỹ, đáng lẽ chiếc oanh tạc cơ phải được đặt tên là B-3, nhưng cái tên B-21 muốn nhấn một thực tế rằng nó là máy bay ném bom mới đầu tiên của Không quân Mỹ trong thế kỷ 21 và tên Raider là một sự tôn vinh dành cho chiến dịch Doolittle Raiders của Chiến tranh thế giới thứ hai, khi 16 máy bay ném bom B-25 Mitchell hoạt động trên tàu sân bay tấn công bất ngờ Phát xít Nhật vào tháng 4 năm 1942 để trả đũa vụ Trân Châu Cảng.

Chỉ hơn bảy năm sau khi dự án bắt đầu, Không quân Mỹ và Hãng Northrop Grumman đã chính thức ra mắt chiếc B-21 vào tối ngày 02 tháng 12 năm 2022. Trong số các nhân viên của Northrop Grumman và các quan chức quân sự Mỹ tham dự có một số khách nước ngoài cấp cao của các đồng minh thân cận của Mỹ, bao gồm Tư lệnh Không quân Hoàng gia Australia, Nguyên soái Robert Chipman và Tư lệnh Không quân Hoàng gia Anh, Nguyên soái Mike Wigston.

Buổi lễ ra mắt đã được chuẩn bị cẩn thận để không tiết lộ quá nhiều về chiếc máy bay và những vị khách tại nhà máy Palmdale của Northrop Grumman. Người ta chỉ có thể nhìn thấy mặt trước của chiếc oanh tạc cơ đang trong quá trình chế tạo. Gần như toàn bộ chiếc máy bay ném bom nằm trong nhà chứa máy bay, có vẻ như để tránh lặp lại những sự cố đã làm hỏng buổi giới thiệu chiếc B-2 ba thập kỷ trước đó vào tháng 11 năm 1988: khi đó các phóng viên dũng cảm của Tạp chí Aviation Week đã thuê một chiếc Cessna 172 để chụp ảnh chiếc B-2 từ trên cao, tiết lộ cho cả thế giới biết về thiết kế phía đuôi mới lạ và ống xả của nó.

Hãng Northrop Grumman đã tiết lộ rất ít thông tin về chiếc B-21 nhưng công ty mô tả nó là máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới nhờ khả năng tàng hình tiên tiến, ưu thế về thông tin và cấu trúc mở. Thoạt nhìn, có vẻ như mọi thứ càng thay đổi thì chúng càng giữ nguyên. Tuy nhiên, chiếc B-21 đã được lựa chọn từ hàng nghìn thiết kế tiềm năng và dựa trên nhiều thập kỷ cải tiến về kỹ thuật và vật liệu chế tạo, cũng như kinh nghiệm của Hãng Northrop Grumman rút ta từ chiếc B-2 và chiếc X-47B. Các quan chức Không quân Mỹ đã nhấn mạnh rằng sự khác biệt lớn nhất giữa B-2 và B-21 nằm ở lớp vỏ ngoài – chứ không chỉ về vật liệu được sử dụng.

Mặc dù có sải cánh nhỏ hơn một chút so với B-2 (khoảng 45 mét so với 52 mét), Chiếc B-21 Raiders dường như có thân máy bay sâu hơn và rộng rãi hơn, cho thấy sức chứa lớn đáng kể bên trong nó. Tuy nhiên, B-21 được cho là có tải trọng vũ khí chỉ bằng một nửa hoặc bằng hai phần ba so với chiếc B-2 (chiếc sau có tải trọng 18 tấn). Tuy nhiên, vì sẽ có nhiều B-21 hơn nên tải trọng vũ khí nhỏ hơn không phải là vấn đề lớn.

Phi đội B-21 sẽ có khả năng mang vũ khí thông thường và hạt nhân, hình thành một cấu phần trong bộ ba răn đe hạt nhân của quân đội Mỹ gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom hạt nhân. Một số vũ khí mà chiếc B-21 Raiders mang theo sẽ bao gồm bom hạt nhân trọng trường B61-12 và tên lửa tàng hình AGM-181 Tầm xa (LRSO) đang được phát triển bởi Hãng Raytheon.

Mặc dù chiếc B-21 có thể nhỏ hơn chiếc B-2, nhưng nó được cho là có phạm vi hoạt động lớn hơn nhiều và Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho biết loại oanh tạc cơ thế hệ mới này sẽ không cần phải bố trí ngay trên chiến trường. Hãng Northrop Grumman nhấn mạnh rằng chiếc B-21 sẽ có thể ngăn chặn hoặc đánh bại các mối đe dọa “ở bất kỳ đâu trên thế giới”. Tầm bay xa rất có thể là do B-21 được thiết kế để bay ở độ cao lớn, hiệu năng cao. Chiếc B-2, với tầm bay khoảng 11.000 km, đã được chế tạo (mặc dù không có ở phiên bản ban đầu) để có khả năng thâm nhập ở độ cao thấp, điều nay làm giảm tầm bay và ảnh hưởng đến các ống xả động cơ và phần đuôi hình răng cưa làm giảm đi khả năng tàng hình, trong khi B-21 có thiết kế phần đuôi hình chữ W nuột hơn.

Kết xuất một chiếc B-21 tại Căn cứ Không quân Ellsworth. Nguồn: Hãng Northrop Grumman

Phần thiết kế đáng chú ý của chiếc B-21 là cửa hút gió động cơ kiểu dáng thanh thoát và gần như lõm của nó. Ngược lại, chiếc B-2 có cửa hút gió nổi gồ hơn và do đó làm giảm khả năng tàng hình, trong đó rất dễ nhận ra các đường phân chia các bộ phận cấu thành. Theo tiết lộ của một Nghị sĩ vào năm 2018, hãng Northrop Grumman đã đối mặt với một số thách thức trong việc điều chỉnh luồng không khí phù hợp với các cửa hút có cấu trúc thấp – một trong những phần quan trọng nhất của khung máy bay liên quan đến khả năng tàng hình. Chưa có manh mối nào về cấu hình ống xả của B-21 - các bản vẽ không hiển thị ống xả rõ ràng, điều đó cho thấy các ống xả rộng và phẳng của chiếc F-117 Nighthawk của Hãng Lockheed Martin có thể được sử dụng.

Thậm chí không rõ B-21 có bao nhiêu động cơ, và tất cả những gì được biết là Pratty & Whitney đang cung cấp cho dự án này các động cơ F135 tương tự như của những chiếc F-35 của hãng Lockheed Martin để giảm chi phí. Ngoài Pratt & Whitney, còn có sự tham gia của các nhà thầu khác bao gồm BAE Systems, GKN Aerospace, Janicki Industries, Orbital ATK (nay là một phần của Northrop Grumman), Rockwell Collins và Spirit AeroSystems – tổng cộng có khoảng 8.000 người và 400 nhà cung cấp đang làm việc trong dự án này.

Rút ra bài học từ B-2 (thường được gọi một cách chế nhạo là nữ hoàng nhà chứa máy bay), từ Raider mang nghĩa là dành nhiều thời gian hơn trên không và ít hơn trên mặt đất. Các quan chức của không quân Mỹ tuyên bố Raider sẽ là một trong những máy bay ném bom dễ bảo trì nhất mà quân chủng này từng sở hữu và bằng cách sử dụng công nghệ đám mây nên có cơ sở hạ tầng hỗ trợ rẻ hơn. B-2 đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt đến lớp sơn phủ tàng hình của nó, bao gồm lớp băng dán đặc biệt bao phủ các đường nối và đường panel, trong khi B-21 bỏ qua điều này nhờ những tiến bộ công nghệ. B-2 yêu cầu nhà chứa máy bay được kiểm soát khí hậu nghiêm ngặt (chiếc oanh tạc cơ này cũng dễ bị tác động bởi thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn) và vào năm 1997, cứ mỗi giờ bay cần phải tối thiểu 50 giờ bảo trì (thậm chí hiện tại cần nhiều thời gian bảo trì hơn khi phi đội máy bay già đi). B-21 sẽ chỉ cần một hầm chứa cơ bản trên sân bay, điều này giúp cho việc triển khai trở nên dễ hơn nhiều.

Để tiết giảm chi phí và thúc đẩy nhanh việc chế tạo, Không quân Mỹ và Northrop Grumman đang tránh những sửa đổi và những cập nhật thiết kế trước khi bắt đầu sản xuất hàng loạt, nhưng nâng cấp chiếc Raider sẽ là một việc tương đối đơn giản hơn. Thay vì thực hiện nâng cấp theo gói như trên hầu hết các máy bay khác, B-21 sẽ có phần mềm kiến ​​trúc mở cho phép nó được cập nhật ngay khi có nhu cầu, chẳng hạn như khi có những loại vũ khí mới được phát triển và các mối đe dọa mới xuất hiện. Một khả năng trong tương lai mà Không quân Mỹ đang xem xét là sử dụng máy bay B-21 không người lái, mặc dù điều đó có thể sẽ chỉ được nghiên cứu đầy đủ sau chuyến bay đầu tiên của chiếc oanh tạc cơ này.

Một trong những tính năng quan trọng nhất và thường bị bỏ qua của chiếc B-21 không nằm ở bộ khung sườn máy bay mà là khả năng kết nối với nhiều hệ thống và tác chiến trong một hệ sinh thái kỹ thuật số. Nó sẽ dựa vào các nền tảng hoặc các hệ thống hỗ trợ bên ngoài, chẳng hạn như từ các máy bay khác, các UAV, các vệ tinh, v.v. Phi đội không người lái là thành phần chính trong khái niệm vận hành của B-21, với việc quân đội Mỹ đang phát triển nhiều phương tiện bay tiềm năng, chẳng hạn như chiếc Kratos XQ-58 Valkyrie.

Kết xuất một chiếc B-21 Raider đang bay. Nguồn: Không quân Mỹ

Mặc dù tên gọi cho thấy B-21 là chiếc máy bay ném bom, nhưng nó có thể thực hiện các nhiệm vụ như thu thập thông tin tình báo, tác chiến điện tử, thông tin liên lạc, kiểm soát chiến đấu, v.v. và được sử dụng để phóng thiết bị gây nhiễu, vũ khí chống bức xạ, mồi nhử và UAV. Chiếc B-21 được thiết kế để “luồn sâu” và có khả năng sống sót trong môi trường được phòng vệ nghiêm ngặt, đồng thời với các hệ thống tiên tiến, nó có thể vượt qua hệ thống phòng không của đối phương trước khi phối hợp tác chiến với các máy bay tiếp sau.

HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT

Trong quá trình giới thiệu chiếc B-21, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J Austin III đã nhấn mạnh một thực tế rằng “máy bay ném bom này được chế tạo nhờ có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội”, điều này sẽ gặp ít trở ngại hơn đối với việc sản xuất trên quy mô lớn, không giống như nhiều loại máy bay khác, các dự án khác, dự án oanh tạc cơ B-21 nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị, ngoài ra cũng được hưởng lợi từ hệ thống giám sát và mua sắm được sắp xếp hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng quan liêu, đồng thời không khuyến khích những thay đổi thiết kế tốn kém và không đúng thời điểm.

Đây là tin tốt cho một trong ba dự án mua sắm hàng đầu của Lực lượng Không quân Mỹ bên cạnh F-35 Lightning II của Hãng Lockheed Martin và máy bay chở dầu KC-46 Pegasus của Hãng Boeing. Sau khi được đưa vào biên chế, B-21 rốt cuộc sẽ thay thế 20 máy bay ném bom B-2 và 61 chiếc Rockwell B-1B Lancer của Không quân Mỹ, đồng thời tác chiến cùng với những chiếc pháo đài bay B-52H Stratofortress đã được hiện đại hóa (hiện có 76 chiếc B-52H nằm trong kho của Không quân Mỹ). Những chiếc B-1B sẽ được cho nghỉ hưu trước, những chiếc B-2 sẽ ngừng hoạt động khi những chiếc B-21 đưa vào biên chế. Việc đưa vào sử dụng được lên kế hoạch vào giữa những năm 2020, với 20 máy bay sẽ được đưa vào biên chế vào khoảng năm 2027.

Một chiếc B-2 bay qua Australia trong Cuộc tập trận Koolendong 2022. Những cuộc tập trận như vậy mở đường cho việc triển khai B-21. Nguồn: Không quân Mỹ

Không rõ Lực lượng Không quân Mỹ sẽ nhận chính xác bao nhiêu chiếc B21-Raider – vào tháng 2 năm 2016, Bộ chỉ huy tác chiến Toàn cầu Mỹ đã đặt hàng ban đầu 100 chiếc, nhưng Lực lượng Không quân Mỹ muốn có được từ 175 đến 200 chiếc, chúng ta cũng cần nhớ rằng kế hoạch mua B-2 ban đầu cũng rất cao (tới 132 chiếc), nhưng cuối cùng chỉ có 21 chiếc được chế tạo.

Hãng Northrop Grumman nhấn mạnh rằng họ đã rút ra những bài học lớn từ sự leo thang chi phí gần như thảm họa của B-2, đã đẩy giá thành lên hơn 1 tỷ USD/chiếc. (Các chương trình tàng hình có người lái khác như F-22 và F-35 của Lockheed Martin có kết quả tốt hơn một chút về mặt chi phí leo thang.) Hiện tại, B-21 ít nhiều nằm trong giới hạn khung thời gian và chi phí chấp nhận được, nhưng máy bay vẫn chưa thực hiện chuyến bay thử nghiệm và nhiều chi tiết tài chính bị giữ kín do tính chất mờ ám của các hệ thống con. Theo Không quân Mỹ, chiếc B-21 sẽ rẻ hơn nhiều (về mặt tương đối) so với chiếc B-2, với đơn giá 639 triệu đô la Mỹ theo đô la vào năm 2019 hoặc 692 triệu đô la Mỹ theo thời giá năm 2022. Khoản tiền 19 tỷ đô la ban đầu đã được phân bổ để mua sắm cho đến hết năm tài chính 2027, mặc dù không rõ bao nhiêu trong khoản tiền đó sẽ được giành để mua sắm loại máy bay này.

 

Kết xuất máy tính của chiếc B-21 Raider - ở dạng thiếu ống xả động cơ. Nguồn: Hãng Northrop Grumman

Chuyến bay đầu tiên của B-21 dự kiến ​​vào khoảng năm nay, có thể là giữa năm 2023, bay từ cơ sở chế tạo Palmdale của Northrop Grumman đến Căn cứ Không quân Edwards, nơi sẽ tiến hành các thử nghiệm rộng rãi. Ban đầu, chuyến bay đầu tiên được xác định là vào cuối năm 2021, nhưng độ trễ vẫn được coi là nằm trong giới hạn chấp nhận được. Quá trình sản xuất ban đầu với tiến độ thấp (LRIP) sẽ diễn ra đồng thời với quá trình bay thử nghiệm, được hỗ trợ bởi các kỹ thuật sản xuất số hóa và việc sử dụng mô hình mô phỏng của chiếc máy bay này.

Các mô phỏng kỹ thuật số có độ chính xác cao đồng nghĩa với việc ít chuyến bay hơn, tăng tốc độ thử nghiệm và giảm chi phí phát triển. Thử nghiệm bay của các hệ thống B-21 đã được thực hiện với máy bay phản lực thương gia Gulfstream GV để tăng tốc độ phát triển nhanh hơn nữa.

Northrop Grumman mô tả B-21 Raider là máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới. Nguồn: Hãng Northrop Grumman

Ngoài chiếc máy bay đang vừa ra mắt, 5 chiếc B-21 khác đang nằm trong các giai đoạn chế tạo khác nhau. Chúng được coi là máy bay thử nghiệm nhưng đang được chế tạo gần với tiêu chuẩn sản xuất nhất có thể. Điều này sẽ cho phép chuyển đổi dễ dàng sang sản xuất quy mô lớn.

CUỘC CẠNH TRANH VỀ MÁY BÁY TÀNG HÌNH

Mặc dù có thể đạt được tiến bộ nhanh nhất, Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đang phát triển máy bay ném bom tàng hình. Trung Quốc đang nghiên cứu Xian H-20, đây cũng sẽ là loại thiết kế máy bay tàng hình có cánh. Quá trình phát triển loại máy bay này được cho là đã bắt đầu ít nhất từ ​​năm 2016. Nó dự kiến ​​sẽ mang theo cả vũ khí hạt nhân và thông thường. Năm ngoái, các quan chức Trung Quốc đã úp mở rằng chuyến bay đầu tiên sẽ sớm diễn ra, nhưng có rất ít thông tin chắc chắn về chiếc H-20.

Trong khi đó, Nga đang nỗ lực phát triển máy bay ném bom tàng hình của riêng mình, đó là chiếc Tupolev PAK-DA (Tổ hợp Hàng không tương lai cho Hàng không Tầm xa). Nó dự kiến ​​sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2035. Mặc dù được suy đoán là sẽ theo thiết kế máy bay có cánh, nhưng không có mô hình hoặc bản phác họa chính thức nào được phát hành. PAK-DA là một trong những dự án máy bay chiến đấu tham vọng nhất của Nga, nhưng một dự án đầy tham vọng như vậy đang tỏ ra khó thực hiện, đặc biệt là khi cuộc xung đột của Nga với Ukraine đang tạo sức ép lên quân đội và tài chính của nước này. Trong tương lai khá lâu nữa, Không quân Nga vẫn tiếp tục dựa vào máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M và Tu-160, và dựa vào những chiếc Tu-160M ​​mới do Tupolev sản xuất.

TRIỂN KHAI Ở CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

Khi B-2 đang được phát triển, mối đe dọa chính của nó là Liên Xô, và sự sụp đổ của Liên Xô cùng với chi phí leo thang đã làm giảm số lượng B-2 được sản xuất. Giờ đây, đối thủ của chiếc B-21 là Nga và Trung Quốc và vì cả hai quốc gia này đều có hệ thống phòng không tối tân, nên B-21 là lựa chọn lý tưởng để tiên phong trước các máy bay ít tàng hình hơn, tác chiến trong không phận có nhiều mối đe dọa và tiêu diệt các loại vũ khí siêu thanh, hệ thống tên lửa.

Bằng cách công bố chiếc B-21 nhiều năm trước khi đưa vào sử dụng, Mỹ đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các đối thủ tiềm tàng để kiềm chế mọi hành vi gây hấn. Điều này thậm chí còn phù hợp hơn sau cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan cũng như việc quân đội nước này đang phát triển nhanh chóng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã nhấn mạnh oanh tạc cơ B-21 là con át chủ bài trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương; một báo cáo tháng 11 năm 2022 của Mỹ về quân đội Trung Quốc cho biết mục tiêu của nước này là phát triển năng lực để tiến hành xâm lược Đài Loan vào năm 2027 và có quân đội hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2049.

Đáp trả việc ra mắt chiếc B-21, các quan chức Trung Quốc đã nhấn mạnh tới năng lực tên lửa to lớn và sức mạnh của không quân nước này, đồng thời, họ cũng ngụ ý rằng lập trường hiếu chiến liên quan tới chiếc B21-Raider đối với Trung Quốc chỉ là một cách để hợp lý hóa khoản chi khổng lồ cho máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới. Trung Quốc khẳng định việc thổi phồng mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra đối với Đài Loan cũng là một chiến lược của Mỹ nhằm lôi kéo các đồng minh.

Trong khi lựa chọn tốt nhất để Trung Quốc đối phó với chiếc B-21 – ngoài việc thả khinh khí cầu – là tấn công các căn cứ không quân của Mỹ bằng tên lửa tầm xa, thì B-21 được thiết kế để có tầm bay xa đến mức không cần thiết phải triển khai tại chiến trường. Tuy nhiên, khả năng cao là B-21 sẽ được triển khai tới đảo Guam và Australia. Các máy bay B-2 nhiều lần được triển khai trước đó tới Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam và vào tháng 3 năm 2013, một chiếc B-2 đã bay từ Missouri để thả đạn trơ trong các cuộc tập trận ở Hàn Quốc – đây là lần đầu tiên một chiếc B-2 bay qua Bán đảo Triều Tiên, nó gây ra sự tức giận cho Bắc Triều Tiên.

Hai chiếc B-2 của Không quân Mỹ bay cùng với F-35As của Không Quân Hoàng Gia Australia trong Cuộc tập trận Koolendong 2022. Nguồn: Tech Sgt Dylan Nuckolls - CoA

Những chiếc B-2 đã được triển khai tới nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới, bao gồm Vương quốc Anh, cũng như tiến hành các cuộc không kích vào Libya, Afghanistan, Iraq và Nam Tư. Gần đây nhất, vào tháng 7 năm 2022, bốn chiếc B-2 đã bay đến Căn cứ Amberley của Không quân Hoàng gia Australia trong chuyến thăm kéo dài một tháng trong đợt triển khai lớn đầu tiên các máy bay ném bom tới Australia. Được hỗ trợ bởi những chiếc KC-135 Stratotankers, những chiếc B-2 đã tham gia một số cuộc tập trận của Úc và đặt nền móng cho các hoạt động cất cánh từ Úc và ném bom tàng hình của Không quân Mỹ trong tương lai.

Kích thước sải cánh của B-21 được thể hiện rõ ràng trong buổi ra mắt. Nguồn: Không quân Mỹ

Oanh tạc cơ B-21 hứa hẹn sẽ là một trong những khí tài quan trọng nhất của Mỹ trong việc chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Nếu Lực lượng Không quân Mỹ thực sự có thể triển khai nhiều chiếc B-21 Raider như dự kiến, phi đội này sẽ mang lại cho Mỹ một hệ thống vũ khí hạt nhân và thông thường mạnh mẽ đáng kể. Quả thực, nếu quá trình bay thử nghiệm và sản xuất diễn ra như kế hoạch, B-21 sẽ là vũ khí tấn công xương sống chiến lược của Không quân Mỹ trong phần lớn thế kỷ 21./.

Tác giả: Guy Martin – Johannesburg

    Biên dịch: Đại tá, ThS Đinh Thanh Hoàng/Khoa Trinh Sát