Ngày 11-3, lễ kéo cờ Thụy Điển được tiến hành tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ), đánh dấu việc nước này chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 32 của liên minh quân sự này.

Tư cách thành viên NATO đồng nghĩa với việc Thụy Điển chấm dứt chính sách trung lập mà nước này đã duy trì trong hơn hai thế kỷ. Đối với NATO, việc có thêm quốc gia thành viên thứ 32 chắc chắn mang lại cho khối này “thời khắc tỏa sáng nhất” kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, như bình luận của China Military.

Với 32 thành viên, quy mô của NATO đã chính thức vượt qua dân số 1 tỷ người với diện tích đất liền là 25,5 triệu ki-lô-mét vuông và chi tiêu quân sự của khối chiếm một nửa tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Sự kết hợp của một hệ thống công nghiệp quân sự lâu đời và các sản phẩm vũ khí tân tiến có thể giúp NATO khẳng định vị thế là người dẫn đầu “vô song” trên thị trường buôn bán vũ khí quốc tế.

Tuy nhiên, việc Thụy Điển gia nhập NATO cũng đẩy mâu thuẫn giữa Nga với các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu sang giai đoạn mới, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng an ninh thế giới nói chung, gây bất ổn cho an ninh châu Âu nói riêng ở nhiều góc độ.

Trước hết, đó là các vùng đệm chiến lược giữa NATO và Nga đã bị thu hẹp đáng kể. Việc Phần Lan gia nhập NATO năm ngoái dẫn đến sự mở rộng đột ngột gấp đôi đường biên giới Nga-NATO. Năm nay, sự góp mặt của Thụy Điển biến biển Baltic gần như trở thành “ao làng” của NATO. Đảo Gotland của Thụy Điển-nằm ở vị trí trung tâm biển Baltic-trở thành "hạm đội tàu sân bay không thể đánh chìm" của NATO, trực tiếp nắm giữ cửa ngõ hàng hải quan trọng của Nga ở biển Baltic, đặt các tàu vận tải thương mại và hạm đội tàu chiến khởi hành từ cảng St. Petersburg của Nga dưới sự giám sát chặt chẽ của NATO.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;"  data-cke-saved-href="https://www.qdnd.vn" href="https://www.qdnd.vn"><img  data-cke-saved-src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" alt="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" class="vllogo"></a>

Tàu hải quân các nước thành viên NATO tham gia cuộc tập trận BALTOPS 23 trên biển Baltic, ngày 4-6-2023.

Dĩ nhiên, Nga không thể dễ dàng “bỏ qua” mối đe dọa này. Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh khôi phục lại hai quân khu Leningrad và Moscow từ Quân khu miền Tây, nhằm ứng phó trong trường hợp bị bao vây từ biển Baltic và phía Tây. Bên cạnh đó, tại vùng lãnh thổ Kaliningrad, Nga triển khai tên lửa có khả năng vươn tới Thụy Điển ở khoảng cách 300km qua biển Baltic, khiến cuộc đối đầu vốn đã căng thẳng giữa Nga và NATO thêm trầm trọng.

Tiếp đến là việc cần có thời gian đủ dài để Phần Lan và Thụy Điển hội nhập thành công vào hệ thống quân sự của NATO. Bất chấp thực tế có sự tương đồng đáng kể giữa hai bên, việc hội nhập đòi hỏi NATO phải mở rộng gấp nhiều lần kế hoạch quốc phòng, kết nối hệ thống chỉ huy lực lượng. Bên cạnh đó, sự hội nhập của hai quốc gia Bắc Âu đòi hỏi sự kết hợp rộng rãi của các hệ thống tình báo, chỉ huy và huấn luyện NATO do Mỹ và Anh dẫn đầu. Tất nhiên Nga sẽ đáp lại bằng các biện pháp phòng thủ đối phó. Kết quả là hàng loạt vấn đề nhạy cảm liên quan đến đồn trú, tuần tra, triển khai vũ khí hạng nặng và thậm chí cả vũ khí hạt nhân... có thể nổi lên như những điểm xung đột mới giữa Nga và NATO.

Cũng không loại trừ sự gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển có thể mang lại nhiều bất ổn hơn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi nó giúp NATO nâng cao năng lực cung cấp vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh có thông tin rằng khối này đang xem xét việc tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Khả năng này, nếu xảy ra, có thể thúc đẩy quyết tâm của Nga trong việc giành lấy không gian cơ động chiến lược một cách nhanh chóng, dứt điểm hơn.

Theo qdnd.vn