Sự phổ biến của các phiên bản xe tăng T-72 trên thế giới, cũng như vai trò của nó là xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô và Liên bang Nga hiện nay khiến nó được lựa chọn sử dụng trong nội dung thi đấu "Xe tăng hành tiến" trong khuôn khổ các kỳ hội thao Quân sự quốc tế (Army Games).

Với những chiếc xe tăng T-72B3 cơ động mạnh mẽ và thể hiện sức mạnh hỏa lực trên thao trường Alabino, Army Games đã thu hút được sự quan tâm của người xem và giới chuyên môn với biệt danh “xe tăng bay”. Tại sao dòng xe tăng Nga T-72B3 lại có thể làm được điều đặc biệt như vậy như vậy? Điều này nằm ở chính tư duy thiết kế và chiến lược sử dụng xe tăng của Liên Xô trước đây và quân đội Nga ngày nay.

T-72B3 – Kỵ binh thời hiện đại

Tư duy phát triển và chế tạo xe tăng có khả năng cơ động cao của Liên Xô và Nga được hình thành trong thực tiễn chiến đấu thời Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Liên Xô và phát xít Đức thời điểm đó đã có cuộc đua phát triển xe tăng với chiến thắng thuộc về Hồng quân.

Liên Xô đã theo đuổi tư duy phát triển cùng lúc 2 dòng xe tăng chiến đấu để đối phó với đội quân hùng hậu được cơ giới hóa của phát xít Đức. Một dòng hạng nặng, hỏa lực mạnh cho nhiệm vụ đấu tăng. Loại còn lại là dòng xe tăng đề cao tính cơ động, dễ chế tạo, sửa chữa để nhanh chóng bù đắp thiệt hại trong chiến đấu. Tư duy này đã được thể hiện qua hướng thiết kế của xe tăng hạng trung T-34 và xe tăng hạng nặng KV (sau này là IS).

Các phiên bản của xe tăng T-72 đóng vai trò là xương sống của lực lượng tăng-thiết giáp Liên Xô và Nga khiến nó được chọn sử dụng trong nội dung Xe tăng hành tiến. Ảnh: Zvezda

Trong thực tiễn chiến đấu đã chứng minh, dù xe tăng T-34 không có vỏ giáp dày hay hỏa lực mạnh hơn các dòng xe tăng Panther, Tiger hay King Tiger của phát xít Đức, nhưng bù lại xe tăng T-34 lại cơ động và linh hoạt hơn trong chiến đấu. Các đội hình xe tăng T-34 thường dùng tốc độ tiếp cận gần nhất các xe tăng Đức để khai hỏa vào các điểm yếu và giành chiến thắng.

Tư duy này tiếp tục được Liên Xô ứng dụng vào các thế hệ xe tăng sau đó như T-54 và IS-7; T-62 và T-64; T-72 và T-80. Trong đó, xe tăng T-72 được coi là thiết kế rất thành công. Dòng xe tăng này bắt đầu được biên chế cho quân đội Liên Xô từ năm 1973. Tới đầu thập niên 1990, tổng cộng đã có gần 20.000 đơn vị T-72 được sản xuất tại Liên Xô và nhiều quốc gia khác. Dòng xe tăng này được Liên Xô cung cấp bản quyền sản xuất và lắp ráp tại Liên bang Tiệp Khắc, Ấn Độ, Rumani và Liên bang Nam Tư… Các biến thể của xe tăng T-72 có mặt trong quân đội 30 quốc gia trên thế giới.

So với các dòng xe tăng của Mỹ và châu Âu cùng thời, xe tăng T-72 có kích thước nhỏ gọn và nhẹ hơn. Thiết kế khoang xe được thu gọn với hệ thống nạp đạn tự động và pháo chính mạnh mẽ cỡ 125mm giúp xe tăng T-72 nên dù chỉ có trọng lượng khoảng 41 tấn, nhưng vẫn đủ uy lực để đánh bại các dòng xe tăng cùng thời của Mỹ và châu Âu, thậm chí ưu việt hơn. Tại các chiến trường ở khu vực Trung Đông trong thập kỷ 1980, xe tăng T-72 đều nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên gia quân sự ở hỏa lực, khả năng cơ động và độ tin cậy.

Nhỏ nhưng có võ

Thiết kế của xe tăng T-72, trong đó có phiên bản nâng cấp mới nhất T-72B3, đều có trọng tâm thấp giúp xe ổn định hơn ở tốc độ cơ động cao với mục tiêu sử dụng hỏa lực và khả năng cơ động cao để tạo lợi thế trên chiến trường.

Cùng với đó, ở phiên bản T-72B3, xe tăng Nga được trang bị động cơ diesel tăng áp V-84-1 công suất 840 mã lực, đạt tỷ lệ công suất động cơ trên tổng trọng lượng 43 tấn là 1/19. Tỷ số này kết hợp với hệ thống hộp số tự động 8 cấp (7 số tiến và 1 số lùi) và hệ thống treo tối ưu cho hoạt động ở địa hình dã chiến chính là những yếu tố giúp xe tăng T-72B3 thực sự giống một chiếc xe đua hơn là một chiếc xe tăng.

Ở phiên bản nâng cấp mới nhất T-72B3 mod 2017, động cơ V-84-1 được thay thế bằng động cơ V-92S2F công suất 1.130 mã lực giúp xe tăng còn có khả năng cơ động và đạt tốc độ cao hơn. Đây có thể coi là yếu tố giúp giải thích tại sao xe tăng T-72B3 lại có thể lập các kỷ lục về tốc độ khi được điều khiển bởi các kíp điều khiển dày dạn kinh nghiệm và thuần thục trong thao tác.

Điều này cũng tạo sự khác biệt so với các dòng xe tăng của Mỹ và phương Tây. Trong khi các dòng xe tăng Leopard-2, Challenger-2, AMX-56 Leclerc hay M1A2 Abrams đều có động cơ rất mạnh tới 1.500 mã lực, tuy nhiên, trọng lượng các xe tăng của Mỹ và châu Âu đều chạm và vượt qua ngưỡng 60 tấn khiến chúng không thể có khả năng cơ động cao như xe tăng T-72B3. Các dòng xe tăng của Mỹ và phương Tây đều được giới thiệu là có khả năng đạt tốc độ di chuyển tối đa 70-80km/giờ. Tuy nhiên, thông số này chỉ đúng trên đường giao thông. Tốc độ cơ động của xe sẽ bị giảm hơn nhiều so ở địa hình dã chiến. Trong khi đó, tại các trận thi đấu thuộc nội dung “Xe tăng hành tiến”, xe tăng T-72B3 đều chứng minh được khả năng cơ động với tốc độ cao ở điều kiện dã chiến.

Đội tuyển Xe tăng Việt Nam sử dụng xe tăng T-72B3 tại nội dung "Xe tăng hành tiến", Army Games 2022. Ảnh: Phú Sơn

Không chỉ có khả năng cơ động, xe tăng T-72B3 còn được cải thiện đáng kể về hỏa lực và vỏ giáp bảo vệ so với các phiên bản tiền nhiệm. Dù vẫn dùng pháo chính cỡ 125mm, nhưng T-72B3 đã có thể sử dụng các loại đạn pháo tăng thế hệ mới vốn được trang bị cho dòng xe tăng T-90, trong đó đáng kể nhất là các loại tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo chính như 9M119 Svir hoặc 9M119M Refleks giúp mở rộng tầm bắn lên tới 5-6km. Để nâng cao hiệu quả chiến đấu, T-72B3 còn được trang bị hệ thống hỗ trợ ngắm bắn Sosna-U giúp trưởng xe và xạ thủ có thể phối hợp tác chiến trong điều kiện chiến đấu bất kể ngày đêm.

Về vỏ giáp bảo vệ, xe tăng T-72B3 được gia cường thêm lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-5 giúp nâng cao khả năng sống sót trước đạn chống tăng nổ lõm hoặc đạn thanh xuyên dưới cỡ. Hệ thống giáp của T-72B3 liên tục được nâng cấp dựa trên kinh nghiệm thực chiến quân đội Nga thu được trong các cuộc xung đột.

Xét về tổng thể, xe tăng T-72B3 có thể coi là người kế thừa xứng đáng di sản về tư duy và chiến thuật tác chiến xe tăng cơ động cao Liên Xô với những nâng cấp để phù hợp với chiến tranh hiện đại.

Theo qdnd.vn