Triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được mọi người biết đến lần đầu tiên là ngày 31-5-1946, khi Bác trao đổi với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau.

Người đã có lời căn dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng về kế sách quản lý, điều hành đất nước trong điều kiện chính quyền cách mạng còn non trẻ vừa mới ra đời: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Câu nói tưởng chừng đơn giản ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thực tế lại là kết tinh từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông và giờ đây, một lần nữa trở thành “nguyên tắc vàng”, kim chỉ nam cho nền ngoại giao Việt Nam hiện đại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là lấy cái không thể thay đổi (bất biến) để ứng phó với muôn sự thay đổi (vạn biến). Quan điểm “bất biến” được thể hiện ở câu nói của Người lúc ra đi tìm đường cứu nước: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, đó chính là lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc, mà độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là cốt lõi. Cái “vạn biến” là khả năng ứng phó linh hoạt, mềm dẻo để phục vụ mục tiêu “bất biến”, cao nhất là cách mạng; kết hợp hài hòa với mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo trong tình huống cụ thể, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững nguyên tắc để đạt được cái “bất biến”. Người chỉ rõ: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì phải linh hoạt” (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 8, Nxb. CTQG, H2011, tr. 555).

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đường lối ngoại giao nói chung

Tiếp nối lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và truyền thống ngoại giao ngàn năm lịch sử của cha ông, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vẫn tiếp tục là bản sắc ngoại giao tiêu biểu của Việt Nam. Tính bất biến của bản sắc ngoại giao Việt Nam được thể hiện đậm nét trong đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, kiên trì lập trường nguyên tắc về thúc đẩy hòa bình, độc lập dân tộc, chống chiến tranh, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các nước. “Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc” luôn là mục tiêu bất biến, kim chỉ nam, tiêu chí cao nhất trong triển khai hoạt động đối ngoại và cần được phát huy, thực hiện hiệu quả hơn nữa trong bối cảnh mới.

Hiện nay, trước tác động mạnh mẽ cuộc Cách mạng khoa học công nghệ, dẫn tới khu vực hóa và toàn cầu hóa ngày càng tăng, nhất là trong kinh tế. Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển diễn ra mạnh mẽ trên thế giới đã và đang tạo ra những thời cơ mới, môi trường mới thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nhưng chính quá trình đó đồng thời cũng đem đến những khó khăn, tạo nên nhiều thách thức mới đối với mục tiêu và cách thức hoàn thành mục tiêu cho cách mạng.

Từ nhận thức đúng đắn về cái “bất biến” và cái “vạn biến”, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối ngoại linh hoạt, phù hợp: Từ chủ trương “muốn là bạn” đến “sẵn sàng là bạn”, “là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế; từ quan niệm “địch”, “ta”, chuyển sang cách nhìn nhận về đối tác, đối tượng.

Theo đó, đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức thế giới và khu vực; tham gia nhiều hiệp ước quan trọng vì sự phát triển và tiến bộ chung trong khu vực và thế giới. Tất cả là nhằm tranh thủ cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những thay đổi, điều chỉnh đó đã tạo cho Việt Nam một sức mạnh đối ngoại mềm dẻo, được các nước trên thế giới đánh giá cao.

Đại diện Liên hợp quốc trao Huy chương Vì sự nghiệp GGHB Liên hợp quốc cho các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3, tháng 3-2022.

Phương hướng đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới

Mục tiêu của Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cái “bất biến” của Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; mang tính hòa bình, tự vệ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn là nhân tố quyết định, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, trực tiếp là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân; xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.

Tuy nhiên, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sẽ đòi hỏi những biện pháp “ứng vạn biến”. Giữ vững độc lập, tự chủ không chỉ bao gồm giảm sự lệ thuộc, chống sự áp đặt, lôi kéo, chi phối, mà còn là nêu cao, phát huy tính chủ động trong tham gia vào công việc chung của khu vực và quốc tế.

Sách trắng Quốc phòng 2019 khẳng định, chính sách Quốc phòng Việt Nam kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, nhưng vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, sự biến động phức tạp của tình hình. Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của Việt Nam.

Thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước.

Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thời tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, từ năm 2014 đến nay, QĐND Việt Nam đã tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả này, góp phần quan trọng vào việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc, duy trì hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển, góp phần tích cực vào việc nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam đã cử 533 lượt cán bộ, sĩ quan Quân đội và 4 sĩ quan cảnh sát thuộc Bộ Công an tham gia hoạt động GGHB tại Phái bộ Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Trong đó, 4 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 252 cán bộ, nhân viên y tế; Đội Công binh số 1 với 184 cán bộ, nhân viên và 100 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động này của Việt Nam đạt 16,6%, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của các quốc gia khác. Các lực lượng của Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ; được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao; đồng thời, lực lượng Quân đội tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc đã thể hiện tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt là khả năng thích ứng nhanh trong môi trường làm việc khắc nghiệt tại các phái bộ.

Bộ Quốc phòng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai ký kết 09 Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực GGHB Liên hợp quốc với các nước đối tác, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân; 1 bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 đến Phái bộ Nam Xu-đăng; 1 bản ghi nhớ với EU về triển khai giảng viên hỗ trợ kỹ thuật của EU tại Cục GGHB Việt Nam; 1 Bản ghi nhớ với Liên hợp quốc về triển khai Đội Công binh đến Phái bộ Abyei.

Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á - Thái Bình Dương (AAPTC), đây là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động GGHB Liên hợp quốc năm 2014 và là một thành viên của AAPTC. Tháng 6-2022, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị AAPTC với 18 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế đến trực tiếp tham gia…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia; chủ động, tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Chính trị - An ninh đến năm 2025; tham gia xây dựng và triển khai các quy tắc, luật lệ của ASEAN; đề xuất sáng kiến nhằm duy trì hòa bình, ổn định khu vực; tham gia và đóng góp định hình các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà Việt Nam là thành viên, trước hết là các cơ chế do ASEAN giữ vai trò trung tâm như ADMM, ADMM+ và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” không chỉ là nguyên tắc, phương pháp có giá trị lịch sử, ý nghĩa đối với Việt Nam trong đấu tranh cách mạng, mà còn là nguyên tắc để giải quyết hiệu quả những vấn đề mới với công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam nói riêng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tiếp tục vận dụng, phát huy truyền thống, đổi mới tư duy, hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi quan điểm, phương châm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng