Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cả nước đang đứng trước nguy cơ thiếu điện. Trong tháng 4 và tháng 5, nước về các hồ thủy điện chỉ đạt dưới 50% mức trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nước nghiêm trọng cho phát điện.

Tại miền Bắc, 17/47 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết. EVN đang triển khai các biện pháp để bổ sung nguồn cung từ nhiệt điện, nhưng nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng nhu cầu. 

Do thiếu hụt nguồn cung sản xuất điện trong nước nên EVN đã phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, tuy nhiên vẫn chưa đủ để bù đắp. Tình hình thiếu hụt điện đáng ngại đến mức EVN đã đề xuất với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tạm dừng hoạt động hai nhà máy đạm Phú Mỹ và Cà Mau để nhường khí cho sản xuất điện. Tại khu vực phía Nam, thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu có chi phí đắt đỏ đã được huy động để bảo đảm cung ứng điện.

Đến lúc này, một câu hỏi được đặt ra từ nghị trường Quốc hội cho đến xã hội là: Tại sao điện đang thiếu hụt như vậy mà khoảng 4.600MW điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đã hoàn thành lại chưa được hòa vào lưới điện quốc gia, để lãng phí?

Theo giải thích của cơ quan chức năng, có rất nhiều khó khăn khiến chưa thể huy động điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo. Ấy là tính pháp lý của nhiều nhà máy chưa được bảo đảm (thiếu thủ tục hồ sơ, một số dự án vi phạm về quy hoạch, thiết kế, chưa bảo đảm yêu cầu về phòng cháy...). Ấy là đường truyền tải điện của nhiều dự án năng lượng tái tạo chưa được xây dựng để nối vào lưới điện quốc gia. Ấy là chưa thống nhất được phương án tính giá điện... Cũng có lo ngại rằng, Bộ Công Thương hay Chính phủ mà cho phép ký hợp đồng mua điện với các dự án này thì liệu có phải là hợp thức hóa các sai phạm của chủ đầu tư không? 

Thực tiễn nêu trên đang diễn ra cho thấy, dù là nguyên nhân gì nhưng nguồn điện năng lượng tái tạo đang có sẵn lại chưa thể sử dụng, thậm chí có nguy cơ bị lãng phí là điều vô cùng đáng tiếc! Đành rằng EVN và các cơ quan chức năng đang rất cố gắng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ sản xuất và đời sống người dân; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Vì vậy, trong thời điểm này, có lẽ cơ quan quản lý nên đề xuất các biện pháp cấp bách như tạm khoanh vùng, cho nợ một số thủ tục pháp lý mà dự án chưa hoàn thành, thương lượng một mức giá mua điện tạm thời mà cả EVN và nhà đầu tư đều chấp nhận được. Mục tiêu là huy động được nguồn điện năng lượng tái tạo đã có sẵn, có thể hòa lưới quốc gia ngay. Các biện pháp cấp bách, tạm thời này không phải là sự hợp thức hóa các thiếu sót, vi phạm của các dự án năng lượng tái tạo (nếu có), mà chỉ là để tận dụng tối đa nguồn lực năng lượng điện mà quốc gia có thể huy động, không để việc thiếu điện dẫn tới nhiều ngành phải ngừng sản xuất, gây tổn thất lớn cho đất nước, cho doanh nghiệp và người dân. Trong quá trình vận hành, nhà đầu tư có thể tiếp tục hoàn thiện các thủ tục; nếu phát hiện các vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý thì vẫn cần xử lý nghiêm.

Nền kinh tế Việt Nam đang rất nhạy cảm, nên hết sức tránh để thiếu điện tạo thêm rủi ro. 

Theo qdnd.vn