56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là những tháng ngày không thể nào quên…. 70 năm đã trôi qua chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước Việt Nam-kỷ nguyên độ lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; là chiến thắng ảnh hưởng sâu sắc đến các nước thuộc địa và làm thay đổi cục diện thế giới, là sự kiện không thể xuyên tạc hay phủ nhận.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 70 năm và trở thành mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử   hào hùng của dân tộc Việt Nam, nhưng giá trị, ý nghĩa tầm vóc của nó vẫn còn nguyên với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Bức tranh "phút giây chiến thắng" tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Tháng 2/1993, tổng thống Pháp Francois Mitterrand thăm chính thức Việt Nam và tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ, phát biểu sau chuyến thăm, tổng thống Pháp cho rằng cuộc chiến của Pháp ở Đông Dương "dường như là sai lầm"; "Chủ nghĩa thực dân Pháp phải hiểu sự cần thiết của việc bước sang trang mới. Kể từ thời điểm chiến tranh kết thúc, tôi nghĩ tất cả đều đáng suy ngẫm lại. Tôi cảm thấy hài lòng khi Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên đến đây để thể hiện mong muốn hòa giải".

Năm 2018, thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã đến thăm Điện Biên Phủ, ông đã nói rằng: “Trận chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ... Nó đã đánh dấu việc Việt Nam giành được nền độc lập hoàn toàn”, đó là tâm sự chân thành để chúng ta khép lại quá khứ và hướng đến tương lai.

  

Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Mitterrand thăm hầm De Castries tại Điện Biên Phủ chiều 10/2/1993

Học giả J.C.Rome (Đại học Tổng hợp Strabua III-Pháp) nhấn mạnh với trận Điện Biên Phủ, năm 1954 trở thành “một năm thay đổi cục diện... Năm 1954 quả là một năm quan trọng đối với lịch sử nước Pháp và lịch sử Việt Nam. Nhưng vượt ra khỏi phạm vi của mảnh đất thuộc địa này, người ta còn coi đây là năm bản lề trong lịch sử xung đột Đông-Tây

Lịch sử đã lùi xa 70 năm, chúng ta thế con cháu, tương lai của đất nước sẽ không được phép lãng quên những bài học từ lịch sử. Chiến thắng Điện Biên Phủ là nhân tố to lớn xóa bỏ chế độ thực dân kiểu cũ trên phạm vi toàn thế giới, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Genever ngày 20/07/1954, lập lại hòa bình tại Đông Dương. Nhìn lại quá khứ, tiếp thu những bài học có ý nghĩa lịch sử phải có cách tiếp cận toàn diện, khách quan, đầy đủ, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước Việt-Pháp trong hiện tại và tương lai, đồng thời không bao giờ để chiến tranh lập lại. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước dân tộc ta đã trải qua hai phần ba thời gian phải chiến đấu bảo vệ sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chúng ta hiểu rõ được sự mất mát, tàn khốc của chiến tranh và yêu chuộng hòa bình hơn bất cứ một dân tộc nào trên thế giới.

70 năm qua, tình hình, cục diện thế giới, khu vực và trong nước đã đổi thay rất nhiều, những giá trị, ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Điện Biên là rất to lớn, được cả thế giới khẳng định. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động và một số kẻ thiếu thiện chí vẫn cố tình tìm mọi cách hạ thấp ý nghĩa, xuyên tạc bản chất, tính chính nghĩa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, chúng cố tình cho rằng “nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài thì Việt Nam không thể chiến thắng”; hay chúng lu loa rằng đó chỉ là cuộc chiến của 2 bên hiếu chiến chứ không phải cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ nền độc lập, tự do.. Mục đích của chúng nhằm xuyên tạc lịch sử, bịa đặt phi lý với tư tưởng của những kẻ vô ơn. Chúng quên rằng tại chiến trường Điện Biên Phủ, quân viễn chinh Pháp đã nhận được sự hỗ trợ khổng lồ về vũ khí và nhân lực bằng cầu hàng không trực tiếp từ quân đội Mỹ. Bản chất của những âm mưu, luận điệu đó nhằm gieo rắc tư tưởng hoài nghi, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng về mọi mặt với Quân đội và nghệ thuật quân sự Việt Nam; hạ thấp uy tín chính trị, vai trò, công lao to lớn của Quân ta đối với nền độc lập dân tộc... Đồng thời từng bước đề cao công lao của các thế lực chính trị khác (như Ukraina hiện nay là một trường hợp điển hình thành công của mưu đồ xét lại lịch xử và lật sử).

Để có được chiến thắng tại Điện Biên Phủ quân và dân ta bằng trí tuệ, sức người, sức của, không tiếc xương máu tiến hành chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 khai thông biên giới Việt - Trung và Chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 làm thất bại Kế hoạch Nava, giải phóng đất đai, tạo thế và lực chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta giành thắng lợi quyết định. Trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, được sự giúp đỡ của một số chuyên gia, cố vấn quân sự Đông Đức, Trung Quốc và vũ khí của Liên Xô chúng ta đã xây dựng được các Đại đoàn, tuy nhiên chiến thắng Điện Biên Phủ hoàn toàn là trí tuệ, sức người, sức của của nhân dân Việt Nam và là kết quả những thắng lợi trong giai đoạn 1950-1953, mà không thể có một lực lượng nào làm được và phủ nhận công sức đó. Khi bước vào chiến dịch, chúng ta xây dựng kế hoạch tác chiến theo phương pháp “đánh nhanh thắng nhanh” của các cố vấn Trung Quốc, tuy nhiên phương pháp đó chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế chiến trường Điện Biên Phủ, chúng ta phải thay đổi bằng kế hoạch “đánh chắc thắng chắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn bạc hoạch định đường lối mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954.

Trước hết cần khẳng định, những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ về trang bị, vũ khí và đào tạo của các chuyên gia, cố vấn của các nước anh em xã hội chủ nghĩa nhưng xét từ bất cứ phương diện nào mọi sự giúp đỡ dù lớn đến đâu cũng không thể giúp cho sự nghiệp cứu nước của một dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng.

Nếu chiến dịch Điện Biên Phủ không mang tính chính nghĩa, không mang tinh thần tự chủ, thiếu đường lối chính trị đúng đắn, đường lối nghệ thuật quân sự mang bản sắc Việt Nam, không phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc thì không thể giành thắng lợi. Đây là nguyên tắc có tính sống còn, bài học luôn đúng và mang tính giá trị của thời đại. Minh chứng là sau chiến thắng Điện Biên Phủ của ta, sau thất bại từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” buộc phải ký hiệp định Paris với những điều khoản có lợi cho ta và rút quân về nước năm 1973, Mỹ có chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cùng các khoản viện trợ khổng lồ cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn, với nhiều vũ khí, trang thiết bị vượt trội so với Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng cuối cùng vẫn phải chấp nhận thất bại. Bài học cay đắng đó các thế lực thù địch, phản động đến nay chưa thể quên, vì thế chúng đưa ra một số luận điệu xuyên tạc như “thực chất quân đội Mỹ hỗ trợ quân đội Pháp có mặt tại Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác và lúc đó quân đội viễn chinh của Pháp trên toàn thế giới đã suy yếu, kể cả nếu không có trận Điện Biên Phủ thì chưa đầy một năm nữa Pháp sẽ rút quân về nước” hay tráo trở hơn chúng cho rằng “Quân đội nhân dân Việt Nam là lính đánh thuê cho nước ngoài, không phải là những người chiến thắng ở Điện Biên Phủ”. Đây là những luận điệu, hành động không mới nhưng hết sức thâm độc, tạo nên sự hoài nghi, xét lại lịch sử làm phân tâm, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là thế hệ trẻ hiện nay. 

Xe thồ của lực lượng dân công chở gạo ra mặt trận chuẩn bị cho Chiến dịch, với quyết tâm để "bộ đội ta ăn no đánh thắng"

Ngoài ra chúng cho rằng anh hùng, liệt sĩ trong chiến thắng Điện Biên Phủ của chúng ta không có thực, là nhân vật hư cấu, bịa đặt. Với những lý lẽ hết sức vô lý, không có căn cứ, chúng không chịu thừa nhận. Thực tế không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới khi con người rơi vào hoàn cảnh bất thường sẽ có hành động xả thân trên bình thường, phi thường không phải chuyện hiếm gặp. Những anh hùng, liệt sĩ như: Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo… là những con người có tên, có tuổi, có quê quán, địa chỉ rõ ràng; là con của những người mẹ mà sự hi sinh của họ là nỗi đau của một gia đình; được đồng chí, đồng đội trong đơn vị công nhận, không khó để chúng ta tìm hiểu về họ, nên không thể phủ nhận và xuyên tạc được, vì vậy ta phải nêu cao tinh thần tự giác bảo vệ danh dự, mồ hôi, xương máu của đồng bào, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là những tấm gương liệt sĩ tiêu biểu đi vào sử sách và là tấm gương cho bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Vượt qua bom đạn của kẻ thù, vượt qua điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng hàng tấn gạo, thịt, xăng dầu, vũ khí, đạn dược được quân và dân cả nước vận chuyển đến mặt trận Điện Biên Phủ cho bộ đội bằng những phương tiện thô sơ nhất để góp phần vào thắng lợi cuối cùng, kỳ tích đó nằm ngoài suy nghĩ của những người thường lấy lý luận làm cơ sở giải quyết chiến tranh, nằm ngoài suy nghĩ của những kẻ sống chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của nước ngoài mà không thể tự đứng trên đôi chân của mình và trên hết là chưa bao giờ nhận được sự đồng lòng, ủng hộ toàn tâm, toàn ý của cả dân tộc. Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân non trẻ nhưng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi đã được 70 năm, ngày nay chúng ta càng khẳng định những nhân tố làm nên thắng lợi đó chính là sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và dân ta; là sức mạnh của đường lối nghệ thuật, tinh thần quốc tế trong sáng. Sức mạnh đó đã minh chứng cho sức mạnh của một dân tộc anh hùng, với một quân đội anh hùng tất yếu sẽ chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta thêm nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị của chiến công đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Đó là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo những bài học, kinh nghiệm quý báu đã rút được. Từ đó phản bác những luận điệu của các thế lực thù địch, đập tan âm mưu phá hoại nền độc lập, tự chủ của dân tộc, những kẻ cơ hội chính trị đã xuyên tạc, phủ nhận chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ./.

Tin bài và ảnh: Trung tá Phạm Trung Cảnh

Giảng viên Khoa Lý luận Mác – Lênin