Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại, sách được coi là công cụ để lưu giữ và truyền bá tri thức. Sách đã, đang và mãi là người bạn đồng hành thân thiết của con người trong hành trình đi đến sự hiểu biết và những giá trị chân-thiện-mỹ. Ham đọc sách đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam.

Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc - giơ 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó, hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (có một sự trùng lặp đáng nhớ, bởi đó cũng là ngày mất của hai đại văn hào nổi tiếng tiếng giới: Shakespeare và Cervantes).

Hơn 10 năm nay, ở Việt Nam, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4), Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội Thư viện Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức, phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc trên quy mô toàn quốc. Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1862-QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21 tháng 4 hàng năm thay thế cho ngày sách Việt Nam, nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; tạo môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Việc lấy ngày 21/4 là Ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, vì thế các tác phẩm của Người không chỉ có giá trị đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam, các cơ quan đơn vị trong Quân đội đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày hội Sách và Văn hóa đọc nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn quân lên một bước mới, khẳng định ý nghĩa của việc đọc sách với việc nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách. Đặc biệt tuyên truyền, khêu gợi niềm đam mê đọc sách của cán bộ, chiến sĩ để giúp mỗi người bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ chính trị, quân sự, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là cơ hội để bạn đọc tiếp cận với sách và khám phá thêm những điều kỳ diệu còn chứa đựng trong kho tàng tri thức văn hóa của nhân loại. Đồng thời, các hoạt động này còn có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhận thức về vị trí, vai trò của sách và hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc là một hoạt động văn hoá quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện - đào tạo và nghiên cứu khoa học; giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, Quân đội và Học viện, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong việc hưởng ứng và thực hiện tốt Ngày Sách và Văn hóa đọc. Đặc biệt, đã chỉ đạo Phòng Thông tin KHQS tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: trưng bày, giới thiệu sách, báo, tài liệu nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội và Học viện; xây dựng Video clip giới thiệu sách theo chuyên đề; mở chuyên mục “Mỗi tuần một cuốn sách” trên trang web Phòng Thông tin KHQS; biên tập các thư mục giới thiệu sách mới, thư mục chuyên đề; mời báo cáo viên nói chuyện chuyên đề về vai trò của sách và văn hóa đọc; tích cực bổ sung tài liệu phù hợp với chương trình đào tạo; số hóa, đưa vào cơ sở dữ liệu toàn văn của thư viện điện tử trên 01 triệu trang tài liệu, tổ chức Phòng đọc tự chọn… phục vụ công tác HL-ĐT và NCKH của Học viện. Các hoạt động này đã trở thành nền nếp, góp phần tích cực xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Quốc phòng.      

Năm 2024, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 01 tháng 05 với thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay - Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”.

Thực hiện Hướng dẫn số 151/TV-NV, ngày 11 tháng 3 năm 2024 của Thư viện Quân đội về việc triển khai, tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 trong hệ thống thư viện toàn quân, Phòng Thông tin KHQS đã triển khai thực hiện một số hoạt động sau:

1. Tiếp tục củng cố, bổ sung tài liệu vào Phòng đọc tự chọn với hàng nghìn tài liệu như sách tra cứu, từ điển, bách khoa toàn thư và sách tham khảo tổng hợp, được phân loại theo các chủ đề tại Phòng đọc tự chọn để phục vụ bạn đọc.

2. Trưng bày, giới thiệu sách, báo, tạp chí nhân kỷ niệm 49 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024); 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024).

Thời gian: Từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 20 tháng 5 năm 2024.

Địa điểm: Thư viện HVQP, Tầng 4 Trung tâm phức hợp.

3. Tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những cuốn sách giá trị, gắn với những sự kiện lịch sử của đất nước; tuyên truyền về những nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sách tham khảo về kinh tế, chính trị, quân sự vào chuyên mục “Mỗi tuần một cuốn sách” trên trang Web của Phòng Thông tin KHQS để phục vụ cho HLĐT và NCKH của Học viện.

4. Biên soạn Thư mục chuyên đề và Video clip giới thiệu sách, báo, tài liệu nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

5. Giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc tài khoản đọc sách trên mạng Internet của Trung tâm Thư viện và Tri thức số Đại học Quốc gia Hà Nội; Tài khoản tra cứu và sử dụng các cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin KH và Công nghệ Quốc gia; Tủ sách Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tủ sách Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; Kênh Youtube Sách nói của Thư viện Quân đội.  

Đây là những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024. Trân trọng kính mời các thủ trưởng cùng các đồng chí cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ toàn Học viện đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu./.

Một số hình ảnh trưng bày, giới thiệu sách báo, tài liệu: 

  

Thượng tá Đỗ Thị Thu Thủy

                                              PTP Thông tin KHQS, Viện Khoa học NTQS