MỘT SỐ THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO MỚI TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG THỜI GIAN GẦN ĐÂY:
1. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cắt ghép hình ảnh của người dân/quân nhân (gọi tắt là nạn nhân) vào các hình ảnh, video clip nhạy cảm... sau đó nhắn tin, gọi điện uy hiếp, yêu cầu chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân (số điện thoại, tài khoản mạng xã hội,...) và hình ảnh công khai của nạn nhân, sau đó tìm cách lồng ghép vào các hình ảnh, video clip nhạy cảm thông qua các trang Web, ứng dụng hỗ trợ AI. Thông qua các số điện thoại lạ hoặc tài khoản mạng xã hội ảo, các đối tượng sẽ gửi hình ảnh, video clip cho nạn nhân kèm theo lời đe dọa sẽ phát tán lên mạng xã hội, gửi cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cơ quan công tác nếu nạn nhân không chuyển tiền theo yêu cầu vào tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử do chúng cung cấp.
2. Lừa đảo làm nhiệm vụ “việc nhẹ, lương cao” qua mạng để nhận hoa hồng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng tiếp cận qua tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, mời gọi tham gia làm nhiệm vụ online với cam kết thu nhập cao. Khi đồng ý tham gia, nạn nhân có thể nhận được tiền lãi sau một số nhiệm vụ ban đầu với số tiền nhỏ. Dần dần, chúng sẽ yêu cầu nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn hoặc lấy nhiều lý do để “giam tiền” như: cơ quan thuế nước ngoài phong tỏa, thao tác sai, lỗi giao dịch... và yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để có thể rút toàn bộ vốn về. Sau khi đạt được mục đích, các đối tượng cắt đứt liên lạc.
3. Lừa nạn nhân truy cập vào đường link giả mạo nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội.
Các đối tượng giả làm “hotgirl”, bạn bè... kết bạn online với nạn nhân, dẫn dụ nạn nhân truy cập vào các đường link có giao diện giống mạng xã hội (Facebook, Zalo.) do chúng tạo dựng. Khi nạn nhân đăng nhập tài khoản mạng xã hội sẽ bị chúng thu thập lại tài khoản, mật khẩu. Sau khi chiếm được quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, chúng sẽ nhắn tin, gọi điện đánh lừa người thân, quen của nạn nhân vay, mượn tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.
4. Giả danh cơ quan chức năng (công an, tòa án, viện kiểm sát,...) gọi điện hoặc nhắn tin thông báo rằng nạn nhân có liên quan đến vụ án rửa tiền, buôn bán ma túy... để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thông thường, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân gọi video trực tuyến, thậm chí chúng còn tạo dựng không gian làm việc giống trụ sở cơ quan công quyền nhằm lấy niềm tin. Trong quá trình trao đổi, các đối tượng dẫn dắt, gây sức ép tâm lý, làm nạn nhân hoang mang, lo sợ và cách ly nạn nhân với người thân để dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó chúng sẽ gửi link cài ứng dụng, phần mềm chứa mã độc. Các ứng dụng, phần mềm này hoạt động ngầm, đánh cắp mã OTP, thông tin đăng nhập, mật khẩu và chuyển tiền khỏi tài khoản của nạn nhân.
5. Giả mạo nhân viên công ty điện lực, công ty nước sạch... để lừa đảo.
Các đối tượng thường giả danh nhân viên công ty điện lực, nước sạch... gọi điện hoặc nhắn tin với nạn nhân thông báo khách hàng nợ tiền điện, nước hoặc sử dụng dịch vụ bất thường, đe dọa nếu không thanh toán ngay sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ. Tiếp đó, các đối tượng đề nghị khách hàng kết bạn qua ứng dụng nhắn tin (Zalo, Viber,...), hướng dẫn tải ứng dụng giả mạo của công ty điện lực, công ty nước sạch hoặc gửi mã QR yêu cầu nạn nhân thanh toán qua các kênh đó. Khi nạn nhân truy cập vào đường link tải ứng dụng giả mạo hoặc quét mã QR thì sẽ bị các đối tượng chiếm quyền điều khiển thiết bị và dễ dàng “đánh cắp” số tiền trong tài khoản ngân hàng.
6. Lừa đảo các gói “combo” du lịch nghỉ hè hấp dẫn.
Thủ đoạn lừa đảo này lợi dụng nhu cầu “săn vé máy bay” giá rẻ và “voucher” du lịch của người dân. Các đối tượng lập các hội nhóm bán vé máy bay, thanh lý “voucher” du lịch, quảng cáo các gói khuyến mãi, giảm giá tour du lịch tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Khi khách hàng liên hệ, chúng yêu cầu chuyển khoản đặt cọc một phần tiền (thường từ 50% trở lên). Sau khi nhận tiền, trang web hoặc hội nhóm bán “voucher” này sẽ không còn tồn tại và nạn nhân không th ể liên lạc lại được.
7. Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo với lợi nhuận cao.
Các đối tượng lập các website và ứng dụng đầu tư tài chính giả mạo, hứa hẹn lãi suất cao và khả năng rút vốn dễ dàng. Ban đầu, chúng trả lãi đầy đủ để tạo lòng tin từ nạn nhân. Tuy nhiên, khi nạn nhân tiếp tục đầu tư với số tiền lớn hơn, các đối tượng lập tức chặn tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà nạn nhân đã đầu tư.
8. Mạo danh dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa.
Đánh vào tâm lý hoang mang của những người vừa bị lừa đảo qua mạng, các đối tượng đóng vai luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ thông tin...quảng cáo rằng có thể giúp những người từng bị lừa đảo lấy lại tiền đã mất. Chúng liên tục gọi điện, nhắn tin và yêu cầu nạn nhân phải trả trước “phí dịch vụ”. Sau khi thu được tiền từ nạn nhân, các đối tượng cắt đứt liên lạc và không hoàn lại số tiền đã chiếm đoạt.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 29/CĐ-TTg ngày 03/4/2025, Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 181/BQP-ĐTHS ngày 13/01/2025, Công văn số 2308/BQP-ĐTHS ngày 29/4/2025 của Bộ Quốc phòng liên quan đến đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên KGM để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cẩm nang Dấu hiệu nhận biết và phòng tránh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên KGM ban hành kèm theo Công văn số 65/BTL-TM ngày 08/01/2025 của Bộ Tư lệnh 86 đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động.
2. Sử dụng các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân như mật khẩu phức tạp (có chữ thường, chữ hoa, số và ký hiệu đặc biệt), xác thực hai yếu tố; kiểm tra và quản lý quyền truy cập của các ứng dụng điện thoại và máy tính để ngăn chặn việc thu thập thông tin trái phép.
3. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân và người thân (giấy tờ tùy thân, địa chỉ, số điện thoại,...) cho các trang web, trang mạng xã hội khi chưa xác định chính xác mức độ uy tín để phòng tránh việc bị lừa đảo cũng như các mục đích xấu khác.
4. Giữ cảnh giác và không quá tin tưởng vào một người mới gặp qua mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác. Kiểm tra, xác minh danh tính của người mà mình mới kết nối online trước khi tiến xa hơn trong các mối quan hệ.
5. Cảnh giác khi nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên online từ các tài khoản hoặc bạn bè ảo trên mạng xã hội. Tuyệt đối không chuyển tiền trước để thực hiện các nhiệm vụ, công việc tìm kiếm qua mạng khi chưa xác thực chính xác danh tính của công ty chủ quản.
6. Cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, nhân viên ngân hàng, nhà mạng, công ty điện, nước sạch... đề nghị cung cấp thông tin cá nhân. Tuyệt đối không chia sẻ, cung cấp thông tin của bản thân cho người khác qua điện thoại hoặc mạng xã hội.
7. Không cài đặt ứng dụng, phần mềm lạ vào điện thoại và kết nối ứng dụng, phần mềm đó với tài khoản ngân hàng cá nhân. Không thực hiện các đề nghị quét mã QR, quay video khuôn mặt khi không biết rõ mục đích. Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, thông tin thẻ tín dụng cho người lạ.
8. Trường hợp quân nhân bị đe dọa:
- Khẩn trương báo cáo lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, liên hệ ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ, xử lý. Lưu giữ tất cả các bằng chứng liên quan (tin nhắn, hình ảnh, email, số điện thoại.) để phục vụ quá trình điều tra, xử lý và tuyệt đối không trả tiền chuộc vì điều này có thể khuyến khích các đối tượng xấu tiếp tục đe dọa người bị hại.
Biện pháp kỹ thuật: Gỡ bỏ phần mềm độc hại, sao lưu dữ liệu điện thoại, đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản mạng xã hội, cài đặt lại máy điện thoại.
Chia sẻ, tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ gia đình, bạn bè, chỉ huy, đồng đội để vượt qua các tổn thương tâm lý.
Bộ Tư lệnh 86 trân trọng thông báo và đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên thuộc quyền nhằm nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên KGM để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản./.