Chiến dịch mùa xuân năm 1975 là tên gọi của những cuộc Tổng tấn công quân sự cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 và kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngoài Trận Phước Long được coi là trận đánh trinh sát chiến lược, cuộc Tổng tấn công này gồm ba chiến dịch liên tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 24 tháng 3), Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng (từ 21 tháng 3 đến 29 tháng 3) và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26 tháng 4 đến 30 tháng 4). Ngoài ra, còn có những chiến dịch nhỏ hơn nhưng diễn ra trên những địa bàn chiến lược như Long Khánh - Xuân Lộc, Trường Sa và các đảo trên Biển Đông, các trận đánh trên các tuyến phòng thủ từ xa của QLVNCH như Tây Ninh - An Lộc - Dầu Tiếng, Phan Rang - Ninh Thuận. Những chiến dịch này được thực hiện sau khi Hoa Kỳ đã rút quân viễn chinh khỏi Việt Nam, chỉ còn duy trì viện trợ và lực lượng cố vấn. Cán cân lực lượng đã nghiêng hẳn sang phía lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kết quả thắng lợi quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch này đã dẫn đến sự kiện 30 tháng 4, 1975 kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
Lực lượng các bên:
* Quân đội nhân dân Việt Nam:
Các đơn vị chủ lực:
- Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) tham gia giai đoạn cuối chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 312, 320B, sư đoàn phòng không 367, lữ đoàn xe tăng 202, trung đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 299, trung đoàn thông tin.
- Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) tham gia từ đầu chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 304, 325, 324, sư đoàn phòng không 673, lữ đoàn xe tăng 203, lữ đoàn pháo binh 164, trung đoàn đặc công 116, trung đoàn thông tin.
- Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) tham gia từ đầu chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 2, 10, 316, 320A, trung đoàn xe tăng 273, các trung đoàn pháo binh 40 và 575, trung đoàn đặc công 198, các trung đoàn phòng không 232, 234 và 593, các trung đoàn công binh 7 và 576, trung đoàn thông tin.
- Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) tham gia từ đầu chiến dịch gồm: các sư đoàn bộ binh 7, 9, 302, các trung đoàn pháo binh 24, trung đoàn đặc công 429, trung đoàn phòng không 71, trung đoàn công binh 25, trung đoàn thông tin, trung đoàn 26 tăng thiết giáp. Quân đoàn này có tổng quân số 35.112 người, trong đó, quân số trực tiếp chiến đấu 29.034 người.
- Đoàn 232 tham gia giai đoạn cuối chiến dịch gồm: sư đoàn bộ binh 5, 3 trung đoàn chủ lực khu VIII, 2 trung đoàn chủ lực khu IX.
- Các trung đoàn không quân vận tải 918 và 919.
- Các hải đoàn 124, 125, 126 Hải quân.
Các quân khu và Đoàn 559:
- Sư đoàn 3 Sao Vàng (Khu V).
- Sư đoàn 341 (Quân khu IV).
- Trung đoàn bộ binh 271 (Quân khu IV).
- Trung đoàn bộ binh 46 (Quân khu III).
- Trung đoàn An ninh vũ trang thuộc Bộ tư lệnh Miền.
- 2 sư đoàn ô tô vận tải 471, 571.
- 3 trung đoàn công binh 472, 473, 565.
- 4 trung đoàn cao xạ.
- 3 trung đoàn đường ống xăng dầu.
- Lữ đoàn hải quân đánh bộ 171 (chiến đấu tại các đảo trên vịnh Thái Lan).
- Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 (chiến đấu tại Trường Sa).
- Lữ đoàn hải quân vận tải 125 (chiến đấu tại Trường Sa).
- Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn) gồm :
- Sư đoàn 968 (Đoàn 559).
- Sư đoàn phòng không 377 (Đoàn 559).
- Trung đoàn công binh 470.
- 2 trung đoàn cao xạ độc lập.
- 1 trung đoàn vệ binh.
- 1 trung đoàn đường ống xăng dầu.
- 2 trung đoàn thông tin liên lạc.
Theo một số hãng thông tấn phương Tây, Quân đội Nhân dân Việt Nam tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 (kể cả các sư đoàn phòng thủ miền Bắc, không tham gia chiến đấu trực tiếp) gồm 23 sư đoàn bộ binh và các lực lượng khác. Tổng quân số gần 1 triệu.
Theo tướng Võ Nguyên Giáp thì khi tuyển quân tham gia chiến dịch đã có những khó khăn gay gắt bởi số lính nhập ngũ đã chiếm quá nửa số nam thanh niên từ 18-25 tuổi trong cả nước trong khi lại tiếp tục tuyển thêm 170.000 quân năm 1975 (tăng 50% so với 1973 và 1974) tuy là cao nhưng rất cần. Ông yêu cầu bất kỳ tình huống nào cũng phải đủ quân tham chiến ở miền Nam nên để bảo đảm dù có phải tuyển thêm ở độ tuổi 26-30 và kể cả khu vực học sinh, sinh viên và cán bộ, công nhân viên nhà nước cũng phải làm.
Vũ khí và trang thiết bị quân sự:
- Lực lượng tăng thiết giáp của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 320 xe tăng, 250 xe bọc thép gồm các loại xe tăng T-34, T-54/55, pháo tự hành SU-76 của Liên Xô; xe tăng lội nước PT-76 của Ba Lan, các loại xe thiết giáp BTR-40/50/60/152 của Liên Xô, xe tăng T-59, xe thiết giáp K-63 của Trung Quốc. Ngoài ra còn có 679 xe ô tô các loại.
- Pháo binh yểm hộ mặt đất là 88 pháo lớn, 1561 súng chống tăng gồm các loại pháo nòng dài 130 mm, 122 mm và 85 mm; lựu pháo 155 mm, 105 mm; súng cối các cỡ nòng 120 mm, 81 mm; các dàn pháo phản lực H-12 và BM-13.
- Lực lượng phòng không được trang bị tên lửa SAM-2; 343 súng phòng không gồm súng cao xạ các cỡ 100 mm, 57 mm, và 37 mm; súng máy phòng không các cỡ 14,5 mm và 12,7 mm.
- Không quân (tham gia giai đoạn cuối) được trang bị 6 máy bay A-37 chiếm được của Quân lực Việt Nam Cộng hoà tại các sân bay Đà Nẵng và Thành Sơn.
- Hải quân có các tàu phóng lôi, tàu tuần duyên, tàu vận tải và xuồng chiến đấu.
Bố trí binh lực của Quân đội nhân dân Việt Nam:
* Tại Miền Nam:
Ngoài 5 đơn vị cấp quân đoàn lần lượt được thành lập từ năm 1974 đến trước chiến dịch Hồ Chí Minh có vai trò tác chiến chủ đạo tại các mặt trận chính, các đơn vị quân địa phương thuộc các mặt trận và các khu ở miền Nam được bố trí như sau:
+ Trị Thiên Huế (B5):
Ngoài Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) bố trí tại đây, trên địa bàn còn có các đơn vị sau:
- Trung đoàn bộ binh 4.
- Trung đoàn bộ binh 6.
- Trung đoàn đặc công 126.
- Trung đoàn pháo binh 16.
+ Tây Nguyên (B3):
Ngoài Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), trên địa bàn còn có các đơn vị sau đây:
- Trung đoàn bộ binh 25.
- Trung đoàn bộ binh 28.
- Trung đoàn bộ binh 95D.
+ Ven biển miền Trung(Khu 5):
- Sư đoàn bộ binh 2 (chủ lực khu).
- Trung đoàn bộ binh 93 (chủ lực khu).
- Trung đoàn bộ binh 94 (chủ lực khu).
- Trung đoàn bộ binh 96 (chủ lực khu).
- Trung đoàn bộ binh 271 (Quân khu IV tăng cường).
- Trung đoàn bộ binh 46 (Quân khu III tăng cường).
- Trung đoàn pháo binh 572.
- Trung đoàn pháo binh 576.
- Trung đoàn tăng-thiết giáp 574.
- Trung đoàn phòng không 573.
- Trung đoàn công binh 83.
+ Đông Nam Bộ (B2):
Ngoài các đơn vị của Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), trên địa bàn còn có:
- Khối chủ lực miền:
- Sư đoàn bộ binh Phước Long (thành lập tháng 2 năm 1975 từ các đơn vị thuộc C30B).
- Sư đoàn đặc công 2.
- Lữ đoàn biệt động 316.
- Khối chủ lực khu 6:
- Trung đoàn bộ binh 812.
- Tiểu đoàn pháo binh 130.
- Tiểu đoàn đặc công 200C.
- Khối chủ lực khu 7:
- Sư đoàn bộ binh 6.
- Trung đoàn bộ binh 16.
- Trung đoàn bộ binh 271B.
+ Đồng Bằng Nam Bộ (Khu 8 và Khu 9):
Ngoài các đơn vị của Đoàn 235, trên địa bàn còn có:
- Sư đoàn bộ binh 8 (chủ lực Khu 8).
- Sư đoàn bộ binh 4 (chủ lực Khu 9).
- Trung đoàn bộ binh 88 (chủ lực Khu 8).
- Trung đoàn bộ binh 1 (Đoàn Đồng Tháp, chủ lực Khu 8).
- Trung đoàn bộ binh 2 (Đoàn U Minh, chủ lực Khu 9)
- Trung đoàn bộ binh 3 (chủ lực Khu 9).
- Trung đoàn đặc công 8 (thuộc Khu 8).
- Trung đoàn pháo binh 6 (thuộc Khu 9).
+ Khu vực Sài Gòn - Gia Định (T-4):
- Trung đoàn bộ binh 1 (Đoàn Gia Định 1).
- Trung đoàn bộ binh 2 (Đoàn Gia Định 2).
+ Tuyến vận tải Trường Sơn:
- Sư đoàn 968 (Đoàn 559).
- Sư đoàn phòng không 377 (Đoàn 559).
- Các Sư đoàn công binh 472, 473, 565.
- 4 trung đoàn cao xạ.
- 2 sư đoàn ô tô vận tải.
- 3 trung đoàn đường ống xăng dầu.
* Tại Miền Bắc:
+ Lực lượng dự bị chiến lược:
- Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) vào Nam tham gia giai đoạn cuối (Chiến dịch Hồ Chí Minh) gồm: các sư đoàn bộ binh 312, 320B, sư đoàn phòng không 367, lữ đoàn xe tăng 202, trung đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 299, trung đoàn thông tin. Riêng Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc.
- Sư đoàn bộ binh 338.
- Sư đoàn bộ binh 350.
+ Lực lượng phòng không-không quân:
- Sư đoàn phòng không 361 (ở Hà Nội).
- Sư đoàn phòng không 363 (ở Hải Phòng).
- Sư đoàn phòng không 365 (ở Nghệ An, Hà Tĩnh).
- 4 trung đoàn không quân tiêm kích.
- 3 trung đoàn và 1 tiểu đoàn radar cảnh giới không phận.
+ Lực lượng phòng thủ bờ biển:
- 2 trung đoàn pháo tầm xa bảo vệ bờ biển.
- 4 hải đội tàu phóng lôi và tuần duyên.
* Quân lực Việt Nam Cộng Hòa:
Binh lực:
- Tổng quân số: 1.351.000 người gồm 495.000 quân chủ lực, 475.000 quân địa phương, 381.000 quân "phòng vệ dân sự" có vũ trang.
- 13 sư đoàn bộ binh và binh chủng đặc biệt gồm: Sư đoàn 1, Sư đoàn 2, Sư đoàn 3, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, Sư đoàn 18, Sư đoàn 22, Sư đoàn 23, Sư đoàn 25, Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân lục chiến.
- Liên đoàn 81 biệt kích dù.
- 18 liên đoàn biệt động quân.
- 65 tiểu đoàn pháo binh.
- 20 thiết đoàn, 3 lữ đoàn và 57 chi đội xe tăng thiết giáp.
- 6 sư đoàn không quân.
- 5 hải đoàn và 4 giang đoàn.
Vũ khí và trang thiết bị quân sự:
- Lục quân Quân lực Việt Nam Cộng hoà có 2044 xe tăng, xe thiết giáp, trong đó có gồm 383 xe tăng (M-48: 162 chiếc, M-41:221 chiếc); xe thiết giáp các loại M-113, V-100 có 1.661 chiếc.
- Pháo binh có 1.556 khẩu các cỡ 175mm, 155 mm, 105 mm.
- Không quân có 1.683 máy bay các loại gồm: 699 trực thăng UH-1; 61 trực thăng CH-47) 61 cường kích cánh quạt A-1; 202 cường kích phản lực A-37; 129 tiêm kích phản lực F-5; 30 máy bay vận tải C-130; 52 vận tải C-47; 62 máy bay trinh sát các loại RC-47, RC-119 và RF-5; 167 máy bay quan sát-liên lạc O-1, 31 máy bay quan sát-liên lạc O-2, 89 máy bay liên lạc U-1 và U17; 46 máy bay huấn luyện T-37 và T-41.
- Phòng không Quân lực Việt Nam Cộng hoà có 167 khẩu cao xạ cỡ nòng 40 mm.
- Hải quân có 579 tàu chiến, tàu chở quân, tàu vận tải, tàu vớt mìn, tàu phóng lôi... trên biển; 1016 tàu xuồng chiến đấu, vận tải, vớt mìn... trên sông.
Bố trí binh lực của Quân lực Việt Nam Cộng hoà:
* Quân khu I (Quân đoàn I):
Lực lượng mặt đất:
- Các sư đoàn bộ binh 1, 2, 3; mỗi sư đoàn được tăng phái 1 thiết đoàn kỵ binh (4, 7, 11) và 4 tiểu đoàn pháo.
- Các liên đoàn biệt động quân 11, 12, 14, 15.
- Các thiết đoàn kỵ binh trực thuộc quân đoàn 17, 18, 20.
- 3 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc quân đoàn (trang bị pháo M-107 và pháo 155 mm).
- 3 tiểu đoàn phòng không trang bị pháo cao xạ 40 mm.
- 4 tiểu đoàn biệt kích thám báo.
- 8 liên đoàn bảo an gồm 50 tiểu đoàn.
- 4 đại đội cảnh sát dã chiến.
- 2 liên đoàn công binh 8 (xây dựng) và 10 (chiến đấu).
Không quân:
- Sư đoàn không quân 1 gồm 5 phi đoàn chiến đấu, 6 phi đoàn trực thăng, 1 phi đoàn vận tải và 1 phi đoàn trinh sát; có căn cứ tại Đà Nẵng.
Hải quân:
- Bộ chỉ huy vùng 1 hải quân có 6 duyên đoàn trực thuộc.
* Quân khu II (Quân đoàn 2):
Lực lượng mặt đất:
- Các sư đoàn bộ binh 22 và 23; ngoài 3 đến 4 trung đoàn bộ binh, mỗi sư đoàn còn có 1 thiết đoàn kỵ binh (3/22, 14/23) và 4 tiểu đoàn pháo binh.
- Các liên đoàn biệt động quân 21, 22, 23, 24, 26 (của quân khu), 4, 6 (của Bộ Tổng tham mưu tăng phái).
- Lữ đoàn kỵ binh thiết giáp số 2 gồm 3 thiết đoàn 8, 19, 21.
- 6 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc quân đoàn.
- 2 tiểu đoàn pháo phòng không 40 mm.
- 4 liên đoàn bảo an.
- 2 tiểu đoàn và 4 đại đội cảnh sát quân cảnh
- 16 đại đội cảnh sát dã chiến.
Không quân:
- Các sư đoàn không quân 2 (căn cứ tại Phù Cát, Pleiku) và 6 (căn cứ tại Nha trang, Phan Rang) gồm 9 phi đoàn chiến đấu, 6 phi đoàn trực thăng và 4 phi đoàn trinh sát, huấn luyện.
Hải quân:
Bộ chỉ huy vùng 2 hải quân có 6 duyên đoàn và 1 hải đội duyên phòng.
* Quân khu III (Quân đoàn III):
Lực lượng mặt đất:
- Các sư đoàn bộ binh 5, 18 và 25; mỗi sư đoàn còn có 1 thiết đoàn kị binh (1, 5, 10) và 4 tiểu đoàn pháo binh.
- Các liên đoàn biệt động quân 31, 32 và 33.
- Lữ đoàn kỵ binh 3 gồm thiết đoàn xe tăng 22 và thiết đoàn kỵ binh 15.
- Chiến đoàn biệt kích thám báo số 1.
- 4 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc quân đoàn.
- 1 tiểu đoàn cao xạ phòng không 40 mm.
- 5 liên đoàn bảo an
- 4 tiểu đoàn và 5 đại đội quân cảnh.
- 33 đại đội cảnh sát dã chiến.
- 2 liên đoàn công binh 5 (xây dựng) và 30 (chiến đấu)
- 2 liên đoàn thông tin.
Không quân:
- Các sư đoàn không quân 3 (tại Biên Hoà) và 5 (tại Tân Sơn Nhất) gồm 5 phi đoàn chiến đấu, 7 phi đoàn trực thăng, 4 phi đoàn vận tải và 2 phi đoàn trinh sát, huấn luyện.
Hải quân:
- Hạm đội trung ương gồm 7 tàu tuần dương và khu trục, 7 tàu hộ tống, hơn 100 tàu nổi khác.
- 4 hải đoàn tuần duyên và 3 hải đội duyên phòng.
- 4 liên giang đoàn và 6 giang đoàn độc lập.
* Quân khu IV (Quân đoàn IV):
Lực lượng mặt đất:
- Các sư đoàn bộ binh 7, 9, 21; ngoài các trung đoàn bộ binh, mỗi sư đoàn còn có một thiết đoàn kỵ binh (2, 6, 9) và 4 tiểu đoàn pháo binh.
- Lữ đoàn kị binh số 4 gồm các thiết đoàn 12 và 16.
- 3 tiểu đoàn pháo binh trực thuộc quân đoàn.
- Các liên đoàn công binh 7 (xây dựng) và 20 (chiến đấu)
- 10 liên đoàn bảo an.
- 5 tiểu đoàn và 1 đại đội quân cảnh.
- 20 đại đội cảnh sát dã chiến
Không quân:
- Sư đoàn 4 không quân gồm 3 phi đoàn chiến đấu, 6 phi đoàn trực thăng, 2 phi đoàn huấn luyện; căn cứ đặt tại Bình Thủy (Cần Thơ) và (Trà Nóc) Sóc Trăng.
Hải quân:
- 4 hải đoàn tuần duyên.
- 2 hải đội duyên phòng.
- 3 liên giang đoàn đặc nhiệm thủy bộ.
- 7 liên giang đoàn đặc nhiệm tuần tra.
- 7 giang đoàn xung kích.
* Biệt khu thủ đô:
Bộ tư lệnh Biệt khu thủ đô gồm các đơn vị:
- Lữ đoàn an ninh thủ đô (gồm 3 tiểu đoàn).
- 2 tiểu đoàn quân cảnh.
- 11 tiểu đoàn bảo an.
- 2 tiểu đoàn công vụ.
Các đảo ở ven bờ biển miền Trung, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc:
- 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến.
- 1 tiểu đoàn bộ binh.
- 1 số dơn vị hỏa lực.
- 4 hải đội tuần duyên, 1 tàu tuần dương, 2 tàu hộ tống, 4 tàu đổ bộ loại LCU (thay phiên tăng phái từ đất liền).
Ý đồ, mục tiêu quân sự, chính trị của các bên:
* Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:
Tháng 4 năm 1974, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã có Nghị quyết 21 yêu cầu các cơ quan chiến lược giúp Quân uỷ Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam chuẩn bị chủ trương và những giải pháp lớn về quân sự, trong đó, tập trung xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Cuối tháng 8 năm 1974, Trung ương Cục miền Nam và Quân uỷ miền cũng gửi ra Hà Nội bản Kế hoạch tác chiến mùa khô 1974-1975 với dự kiến giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Nội dung kế hoạch này cũng được bổ sung vào dự thảo kế hoạch của Quân uỷ Trung ương. Bản kế hoạch sau nhiều lần bổ sung, sửa đổi đã được Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng, trình bày tại Hội nghị ngày 30 tháng 9 năm 1974 giữa Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp tại Hà Nội.
Bản dự thảo kế hoạch chiến lược vạch ra các bước, các đợt hoạt động quân sự, các hướng chiến lược và nhiệm vụ cụ thể của từng chiến trường; dự định hoàn thành trong 2 năm 1975-1976.
- Bước 1 (1975): Kế hoạch dự kiến phát động một cách bất ngờ các hoạt động quân sự trên phạm vi toàn bộ chiến trường miền Nam với ba đợt:
+ Đợt 1 (từ tháng 12 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975): Hoạt động quân sự có mức độ với mục tiêu thăm dò phản ứng của đối phương tại Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Đợt 2 (từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1975): Mở chiến dịch tấn công quy mô lớn ở Nam Tây Nguyên và các chiến dịch phối hợp ở Đông Nam bộ, Bắc Khu V, Trị Thiên, Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Đợt 3 (từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1975): Phát triển tấn công ở Nam Bộ, mở rộng vùng giải phóng ở Trị Thiên, Khu V, tiếp tục chuẩn bị lực lượng, vũ khí, phương tiện.
- Bước 2 (1976): Tiến hành tổng tiến công kết hợp với tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam dựa vào thời cơ có thể xuất hiện trong những giai đoạn sau:
+ Phương án 1: Sau đợt 2 (đợt tấn công chủ yếu của năm 1975).
+ Phương án 2: Đầu đợt 3 (phát triển tấn công ở Nam Bộ trong mùa mưa).
+ Phương án 3: cuối năm 1975 (khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà tổ chức bầu cử Tổng thống).
- Phương châm hành động là tiến công với cường độ tăng dần từ nhỏ đến lớn; hạn chế chiến tranh trong phạm vi chiến trường miền Nam Việt Nam; thăm dò và theo dõi phản ứng và tái can thiệp của Hoa Kỳ; sẵn sàng đối phó với các hành động phản ứng quyết liệt của Hoa Kỳ bằng không quân và hải quân, kể cả bằng lực lượng phản ứng nhanh trên bộ; khai thác khả năng nổi dậy của dân chúng tại các vùng, đặc biệt là Sài Gòn - Gia Định.
Các ý kiến bổ sung của Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp vào bản kế hoạch cũng chỉ rõ: "Mặc dù các năm 1975 và 1976 đều quan trọng nhưng năm 1975 là năm bản lề tạo điều kiện quyết định để năm 1976 đạt mục tiêu cuối cùng. Nếu thời cơ đến vào năm 1975 thì lập tức tiến hành tổng tấn công, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975".
Mọi thành viên bộ chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều nhất trí rằng Mỹ đã rút thì khó quay lại, nếu đánh bằng không quân cũng không thể cứu nổi VNCH. Họ đã giành được quyền chủ động chiến trường, tạo thế chiến lược vững chắc. Lực lượng quân sự, dự trữ vật chất được tăng cường, hệ thống đường chiến lược, chiến dịch đang hoàn chỉnh. Ở các đô thị, phong trào đấu tranh đòi lật đổ Thiệu đang phát triển. Vai trò của Mặt trận giải phóng được nâng cao. VNCH đã suy yếu nghiêm trọng toàn diện và họ khẳng định "Ở miền nam, ta (quân Giải phóng Miền Nam) đã mạnh hơn địch (Việt Nam Cộng Hòa).
Tất nhiên mọi chuyện cũng không hoàn toàn thuận lợi cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù QĐNDVN biết họ đã giành được thế chủ động chiến lược ở miền Nam Việt Nam, kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu vẫn khá thận trọng, bởi họ vẫn đang phải đương đầu với một số vấn đề nghiêm trọng. So với đối phương, họ vẫn kém xa về trang bị hạng nặng, đặc biệt về xe tăng thiết giáp và đại bác - điều kiện cần để tấn công vào các căn cứ ở cấp sư đoàn và trung đoàn vốn được trang bị rất đầy đủ của quân VNCH.
Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt ở danh mục “vũ khí tấn công” (xe tăng và đại bác), đã giảm đáng kể từ sau Hiệp định Paris 1973. Trong 2 năm 1973-1974, VNDCCH chỉ nhận được 330 triệu USD viện trợ, chỉ bằng 19% giai đoạn 1971-1972. Trong khi đó, dù bị cắt giảm so với trước nhưng Việt Nam Cộng hòa vẫn nhận được 2,65 tỷ USD viện trợ từ Hoa Kỳ, tức là nhiều gấp 8 lần so với đối phương.
Do thiếu về trang bị, nhiều đơn vị pháo binh của QĐNDVN, nhất là ở miền Nam, vẫn chỉ được trang bị súng cối hạng nhẹ, súng không giật (DKZ), hoặc súng chống tăng vác vai (B-40). Ở địa bàn hoạt động của Văn phòng Trung ương cục Miền Nam, tức là nửa phía nam của đất nước, bảy sư đoàn bộ binh (số 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9) và khung quân đoàn 4 chỉ được yểm trợ bởi năm tiểu đoàn pháo (hai trong số đó trang bị pháo lấy được của Mỹ nhưng còn rất ít đạn) và ba tiểu đoàn tăng thiết giáp thiếu tổ lái. Cho đến năm 1974, toàn bộ kho đạn pháo và đạn tăng của QĐNDVN, bao gồm tất cả đạn dược của cả các đơn vị chiến đấu ở chiến trường lẫn của các kho dự trữ chiến lược, tổng cộng chỉ được 100.000 viên, không đủ để đánh lớn quá 2 tháng. Tình hình đạn dược nghiêm trọng tới mức các chỉ huy pháo binh phải thay pháo lớn ở một số đơn vị bằng các khẩu sơn pháo lỗi thời 76,2mm và 57mm, lấy từ kho ra. Trong khi đó, quân đội VNCH dù bị giảm viện trợ song vẫn có dự trữ vật tư chiến tranh dồi dào, lên tới 1.930.000 tấn với hàng triệu viên đạn pháo.
Vì những vấn đề này, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN ban hành sắc lệnh rằng tất cả các vũ khí hạng nặng và đạn dược còn lại phải được sử dụng thật tiết kiệm, để dành cho một đòn quyết định, chỉ tiến hành khi trận cuối cùng diễn ra. Kế hoạch 1975-76 chỉ cho phép dùng hơn 10% kho đạn tăng-pháo còn lại của QĐNDVN trong cả chiến dịch 1975. 45% được phân phối cho chiến dịch 1976, phần còn lại để dự trữ.
Sau này, giới sử học phương Tây chủ yếu tìm hiểu xem tình trạng thiếu đạn dược trong quân đội VNCH tác động như thế nào đến sự sụp đổ của nó, mà họ không biết rằng chính QĐNDVN còn chịu thiếu hụt nghiêm trọng hơn nhiều. Sự sụp đổ nhanh chóng của quân VNCH, thực tế không nằm ở hỏa lực, mà theo đánh giá của Merle L. Pribbenow thì "Đòn tiêu diệt mạnh nhất chính là tâm lý choáng váng mà chiến lược tài ba và đầy bất ngờ của QĐNDVN đã nện vào tổng tư lệnh Việt Nam Cộng hòa".
* Phía Việt Nam Cộng hoà:
Đầu tháng 8 năm 1974, tại Sài Gòn đã diễn ra phiên họp quan trọng của Hội đồng An ninh quốc gia Việt Nam Cộng hoà dưới sự chủ trì của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trung tướng Đặng Văn Quang, phụ tá đặc biệt của Tổng thống, đã trình bày bản Kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt 1975 do Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà soạn thảo. Mục tiêu chiến lược của bản kế hoạch này không đề cập đến các hoạt động tấn công rộng rãi để "tràn ngập lãnh thổ" như các các kế hoạch Lý Thường Kiệt 1973 và 1974 mà tập trung vào nhiệm vụ giữ vững những vùng chiếm đóng, tiếp tục xoá các điểm "da báo", xoá các "lõm" của quân giải phóng miền Nam.
Một trong các nhiệm vụ lớn được bàn thảo là việc ngăn chặn tiếp tế của Quân đội nhân dân Việt Nam từ miền Bắc vào miền Nam. Ý kiến của Phó đô đốc Chung Tấn Cang, tư lệnh Hải quân, cho rằng tiếp liệu qua đường biển của đối phương gần như đã bị Hải quân Việt Nam Cộng hoà cắt đứt hoặc ít nhất cũng bị gián đoạn trong thời gian dài; do dó, khả năng đối phương đánh lớn trong năm 1975 là hạn chế. Trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh Không quân, đưa ra những kết quả trinh sát đường không và cho biết đã có hàng chục vạn tấn tiếp liệu được đối phương đưa vào miền Nam qua hàng vạn km đường hành lang Đông và Tây Trường Sơn. Hệ thống ống dẫn dầu đã vào đến Bến Giàng (Quảng Nam) và đang tiếp tục được nối qua Hạ Lào và Cao nguyên trung phần và đến địa đầu Quân khu III. Như vậy, nếu không đánh lớn trong năm 1975, họ sẽ đánh lớn vào năm sau.
Đối với Quân khu I, Trung tướng Ngô Quang Trưởng cho rằng có hai vùng có thể trở nên nguy hiểm:
- Huế và vùng phụ cận (Nam Quảng Trị) với binh lực đối phương lên đến gần 100.000 người và họ cũng rất dễ đưa quân tăng viện từ phía Bắc vào.
- Sau trận Nông Sơn - Thượng Đức, vùng Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ cũng bị uy hiếp với 3 sư đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn chiến xa và các đơn vị tăng phái khác của đối phương.
Ngô Quang Trưởng đề nghị bổ sung thêm quân tăng phái ngoài các sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến hiện có.
Đối với Quân khu II, Thiếu tướng Phạm Văn Phú cũng yêu cầu cho giữ lại 3 liên đoàn biệt động quân do Bộ Tổng tham mưu đã tăng phái và nếu có thể thì tăng phái thêm với lý do địa bàn rộng, dài, khó kiểm soát; lực lượng đối phương mạnh hơn năm 1972 và được tiếp tế đầy đủ.
Trung tướng Dư Quốc Đống cho rằng tình hình Quân khu III cũng không kém nguy hiểm vì đối phương đang có những lực lượng rất mạnh ở Lộc Ninh, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Kiến Tường, Rừng Sác... Trong cuộc thảo luận này, chỉ có tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân khu IV, là không có ý kiến về phối trí lại lực lượng.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phân tích hai khả năng về quân sự:
- Một là đối phương sẽ duy trì cuộc chiến với cường độ tiệm tiến trên toàn lãnh thổ để đòi thi hành Hiệp định Paris. Thật ra thì họ đã áp dụng các giải pháp này từ giữa năm 1974, phù hợp với nhu cầu và thực trạng của họ. Khả năng này có thể tiếp diễn một thời gian nữa.
- Hai là đối phương sẽ mở cuộc tấn công tổng lực để quyết định nhanh chiến cuộc. Nhưng khả năng này là thấp vì đối phương còn phải để ý đến phản ứng của đồng minh Hoa Kỳ.
Nguyễn Văn Thiệu kết luận: Đối phương có thể mở cuộc tấn công vào đầu sang năm với quy mô lớn hơn năm 1972 và kéo dài cả năm; có thể chiếm Quảng Trị, cô lập Huế, Đà Nẵng, lấy Kontum để gây áp lực với Pleiku; lấy Tây Ninh làm thủ đô đồng thời đẩy mạnh hoạt động du kích ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng sẽ khó giữ được Vùng I nên chỉ thị rằng "giữ được phần nào thì giữ" nhưng phải giữ vùng duyên hải miền trung và Vùng II nếu có thể được vì tiềm năng dầu hoả ngoài khơi. Ở Tây Nguyên thì Buôn Ma Thuột quan trọng hơn Kontum và Pleiku do tài nguyên dồi dào và dân số đông hơn hai vùng trên. Nguyễn Văn Thiệu kết luận: Phương án tốt nhất là giữ được Đà Nẵng, nếu được cả Huế càng tốt. Phương án thứ hai là lùi về Quảng Nam, lấy Chu Lai làm căn cứ tiền tiêu. Phương án thứ ba là lui về Tuy Hoà. Ngoài các lý do về quân sự thuần tý, một trong những lý do buộc Nguyễn Văn Thiệu phải tính đến khả năng thu hẹp vùng lãnh thổ là để tương xứng với viện trợ từ Hoa Kỳ bị cắt giảm từ hơn 1 tỷ USD xuống còn 700 triệu USD trong năm tài khoá 1975. Thực chất, đây là cốt lõi của bản kế hoạch tái phối trí lại binh lực của Quân lực Việt Nam Cộng hoà do Đại tướng Cao Văn Viên đệ trình hồi tháng 1 năm 1974 nhưng đã bị Nguyễn Văn Thiệu gạt qua một bên.
Do không thể tự sản xuất vũ khí và phải nhập 100% từ bên ngoài, khả năng chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn phụ thuộc vào mức viện trợ của Mỹ. Trong một tài liệu do tướng John Murray và Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa trình lên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tháng 10 năm 1974 cũng chỉ rõ:
- "Nếu mức viện trợ quân sự là 1,4 tỷ USD thì có thể giữ được các vùng đông dân cư tại bốn vùng chiến thuật.
- Nếu mức viện trợ xuống 1,1 tỷ USD thì có thể không giữ được Quân khu I.
- Nếu mức Viện trợ còn 900 triệu USD thì khó giữ được Quân khu I, Quân khu II và khó đương đầu với cuộc tổng tấn công của Bắc Việt.
- Nếu viện trợ chỉ còn 750 triệu USD thì chỉ có thể phòng thu một vài khu vực và sẽ khó điều đình với Bắc Việt.
- Nếu viện trợ chỉ còn 600 triệu USD thì chỉ còn có thể giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long".
Diễn biến quốc tế có liên quan đến Chiến dịch Mùa xuân 1975:
* Liên Xô và Trung Quốc:
Cũng vẫn như năm 1972, Liên bang Xô Viết hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam dân chủ cộng hoà (VNDCCH) về nguyên tắc. Những thiệt hại vật chất của phía VNDCCH được bù đắp dần dần bằng những khoản viện trợ lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ viện trợ kinh tế và viện trợ quân sự đã khác trước. Theo ước tính của CIA, trong 2 năm 1973 - 1974, VNDCCH nhận được từ Liên Xô và Trung Quốc khoản viện trợ trị giá 2.525 triệu USD trong đó có 730 triệu USD là viện trợ quân sự. Tổng số viện trợ tuy cao hơn 2 năm 1971 - 1972 (2.525 triệu USD/2.220 USD) nhưng phần viện trợ quân sự chỉ bằng 68,3% so với 2 năm trước đó, (730 triệu USD/1.065 triệu USD)[24]. Còn theo thống kê được VNDCCH công bố thì giá trị viện trợ quân sự của họ thấp hơn nhiều. Trong 2 năm 1973-1974, họ nhận được 114.532 tấn viện trợ quân sự từ các nước XHCN (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc) trị giá 339.355.353 rúp (~330 triệu USD), bằng 19% so với 2 năm 1971-1972.
Để tăng cường năng lực hậu cần của mình, VNDCCH đã tự tổ chức sản xuất vũ khí và phương tiện. Điều này họ đã làm từ năm 1957 để giảm bớt phụ thuộc vào viện trợ. Trong 3 năm 1973 đến 1975, VNDCCH đã tự sản xuất được 3.409 tấn vũ khí đạn dược, 1.863 tấn phụ tùng xe, máy và 26.074 tấn quân trang, quân dụng khác. Vừa dựa vào viện trợ, vừa dựa vào sức mình, đến giữa năm 1974, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xây dựng lại nền kinh tế của mình với tổng lượng bằng mức năm 1965.
Về ngoại giao, các đồng minh Liên Xô và Trung Quốc không còn nhiều ràng buộc với Hoa Kỳ như hồi năm 1972 và họ vẫn ủng hộ VNDCCH với những cách thức và mục tiêu khác nhau. Trong khi Liên Xô công khai khuyến khích VNDCCH giải phóng miền Nam bằng chuyến đi thăm hữu nghị đến Hà Nội của Thứ trưởng Bộ quốc phòng, đại tướng Victor Kulikov ngày 22 tháng 12 năm 1974 thì Trung Quốc không hẳn muốn VNDCCH sớm giành thắng lợi mặc dù họ biết đó là xu thế khó có thể đảo ngược. Tháng 1 năm 1974, họ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hoà. Theo đánh giá của Henry Kissinger, người Trung Hoa không muốn có một nước Việt Nam thống nhất mạnh ở biên giới phía nam của họ và cả Trung Quốc lẫn Liên Xô đều không muốn Việt Nam dân chủ cộng hoà gây lại chiến sự ác liệt ở miền Nam Việt Nam.
* Hoa Kỳ:
Về quân sự, Hoa Kỳ tiếp tục có những động thái làm cho Việt Nam Cộng hoà tin rằng họ sẽ được hỗ trợ về hải quân. Ngày 4 tháng 1 năm 1974, Hạm đội 7 hải quân Hoa Kỳ đã điều động một lực lượng tàu tuần dương và tàu khu trục đến vùng giữa biển Đông. Tuy nhiên Mỹ đã từ chối cho Hải quân của mình yểm trợ Hải quân Việt Nam Cộng hòa khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa trong các ngày từ 17 đến 19 tháng 1 năm 1974. Về ngoại giao, trong dịp thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hoà đã ra thông cáo chung San Clemente ngày 4 tháng 4 năm 1973, trong đó, Hoa Kỳ cam kết ủng hộ Việt Nam Cộng hoà và chỉ công nhận Chính phủ Việt Nam Cộng hoà là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam.
Ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Richard Nixon buộc phải từ chức sau vụ bê bối Watergate. Phó tổng thống Gerald Ford kế nhiệm chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ vẫn cam kết ủng hộ đồng minh Việt Nam Cộng hoà nhưng với những giới hạn cho phép vì nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong giai đoạn khó khăn sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 và phải tập trung viện trợ quân sự cho Israel khoảng 1,5 tỷ USD để giữ đồng minh chiến lược này ở Trung Đông. Trong lá thư ngày 10 tháng 8 năm 1972 của Tổng thống Hoa Kỳ do phó đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn W.J.Lehman trao tận tay Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, ông Gerald Ford nhắc nhở Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sử dụng viện trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh một cách hữu hiệu hơn để có thể đưa lại một nền kinh tế tự túc trong vài năm tới. Nếu như trong tài khoá 1972-1973, Việt Nam Cộng hoà còn nhận được 1.614 triệu USD thì đến tài khoá 1973-1973, Sài Gòn chỉ còn nhận được 1.026 triệu USD và đến tài khoá 1974-1975 thì chỉ còn 780 triệu USD. Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, đó là số viện trợ của Hoa Kỳ cho cả Việt Nam Cộng hoà, Cam pu chia và Lào và đó cũng chỉ là con số trên giấy tờ. Trên thực tế, sau khi trừ đi các khoản của Cam pu chia và Lào, số viện trợ Hoa Kỳ vào miền Nam chỉ còn lại 313 triệu USD. Số đô la mua được từ nguồn dịch vụ cho trụ sở các cơ quan Hoa Kỳ và các đồng minh cũng sụt giảm từ 300-400 triệu/năm xuống còn 97 triệu (năm 1974).
Ở thời điểm 1974-1975, đối với Hoa Kỳ, việc giải quyết khủng hoảng dầu lửa và vấn đề Trung Đông cùng với việc tái tạo trang bị cho đồng minh Israel sau khi họ thua trận trước đối thủ Ai Cập trên bán đảo Sinai tháng 10 năm 1973 là vấn đề quan trọng hơn so với việc viện trợ cho đồng minh Việt Nam Cộng hoà. Mặt khác, do những ràng buộc của Hiệp định Paris và không được sự ủng hộ cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ nên khả năng can thiệp bằng quân sự ở Việt Nam của Chính phủ Hoa Kỳ là rất thấp.
* Các nước khác và các tổ chức quốc tế:
Sau khi Quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến, Quân lực Việt Nam Cộng hòa không chỉ mất đi hỏa lực yểm hộ từ trên không, dưới mặt đất và ngoài biển mà còn thiếu hụt một khoản ngân sách lớn do viện trợ bị cắt giảm. Cuộc khủng hoảng dầu lửa thế giới năm 1973 đã chất thêm gánh nặng về chi phí nhiên liệu cho các hoạt động quân sự, dù chỉ là giới hạn trong tập luyện, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện quân sự theo quy định của Hiệp định Paris và các văn kiện kèm theo. Cơ số đạn dược các loại được cấp giảm từ 50% đến 65%; một nửa số chiến xa không thể ra khỏi căn cứ và khoảng 200 máy bay không thể cất cánh vì không đủ xăng dầu. Giá cả tiêu dùng tăng từ 2 đến 4 lần đối với lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và một số hàng tiêu dung thiết yếu đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của dân chúng.
Để bù đắp thiếu hụt ngân sách và cân bằng cán cân thanh toán; ngoài việc yêu cầu một số nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ khuyến cáo Quốc hội nương tay, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phái tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng và một số quan chức khác tìm kiếm các nguồn kinh phí để ổn định tình hình kinh tế xã hội, chi phí cho bộ máy chính quyền và duy trì lực lượng quân sự. Tuy nhiên, việc tìm vay từ các nguồn vốn khác ngoài Hoa Kỳ cũng khó khăn như việc thuyết phục Quốc hội Hoa Kỳ không cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hoà. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã ví việc này với "Cái nhục của kẻ đi cầu xin".
Sau chuyến đi không thành công của đại tướng Cao Văn Viên và tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sang Hoa Kỳ tháng 5 năm 1974 với kết quả là sự cắt giảm 50% viện trợ Hoa Kỳ cho Việt Nam Cộng hoà và Tu chính án Kennedy cũng cấm sử dụng ngân sách riêng của Bộ Quốc phòng đề chi tiêu nhân danh các nước Đông Nam Á; Chính quyền Việt Nam Cộng hoà phải tìm đến các nguồn tài chính ngoài Hoa Kỳ. Trớ trêu thay, những nguồn này hoặc không đủ thời gian để triển khai hoặc người lãnh đạo nó tỏ thái độ không hợp tác hoặc các nước cho vay có những điều kiện không nhằm chi tiêu cho quân sự (kể cả trực tiếp và gián tiếp). Tại Ngân hàng thế giới (WB) ông Nguyễn Tiến Hưng đã vấp phải thái độ thờ ơ và lãnh đạm của ngài chủ tịch Robert MacNamara, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ dưới thời Linden B. Johnson.
Đối với Cộng hoà Pháp thì trở ngại chính là ODA của chính phủ với lãi suất thấp và dài hạn lại phải gắn với việc cho vay của ngân hàng tư nhân với lãi suất cao và ngắn hạn theo luật của Pháp. Phía Pháp cũng yêu cầu phải sử dụng khoản vay ưu đãi này vào các công trình phúc lợi xã hội chứ không thể chi phí cho việc khác nhưng phía Việt Nam Cộng hoà không chịu nên khoản viện trợ 130 triệu fr Pháp bị đình lại. Nhật bản cũng có thái độ tương tự. Các nguồn viện trợ khác khá nhỏ và có khuynh hướng thiên về viện trợ nhân đạo. Chỉ có Quốc vương Arab Saudi là có một thoả thuận đáng kể và bí mật về đầu tư dài hạn mấy trăm triệu USD vào thăm dò và khai thác dầu mỏ với lãi xuất nhẹ (có thể vay bằng chính dầu mỏ, cái mà VNCH đang thiếu), khi nào có sản phẩm mới phải trả nợ. Nhưng sự việc đang tiến triển thì ông này bị ám sát và hy vọng cuối cùng của phía Việt Nam Cộng hòa có được một ngân khoản vài trăm triệu USD để bổ sung và duy trì trang bị cho quân đội cũng tan vỡ.
Diễn biến chính tại các mặt trận:
* Chiến dịch Đường 14 - Phước Long:
Trận Phước Long chưa phải là trận mở màn cho Chiến dịch Mùa xuân 1975 nhưng nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến dịch này và được coi như một trận trinh sát chiến lược. Ngoài mục tiêu đánh chiếm hoàn toàn một tỉnh không gần và không xa trung tâm chỉ huy QLVNCH (cách Sài Gòn khoảng 120 km về phía Bắc), cắt đứt điểm nối giữa Sài Gòn với Nam Tây Nguyên, phía Bắc đông Nam Bộ và Đông Bắc Cam pu chia qua đường 331 và quốc lộ 14; đây còn là một hoạt động quân sự mạnh của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ cũng như khả năng ứng cứu, phản kích, giải tỏa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và khả năng giữ vững những vùng đã chiếm lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trước khi bước vào chiến dịch lớn.
Từ đêm 13 rạng ngày 14 tháng 12 đến ngày 26 tháng 12 năm 1974, lần lượt các chi khu quân sự Đức Phong, Bố Đức, Đôn Luân (Đồng Xoài) là những cứ điểm phòng ngự vòng ngoài của thị xã Phước Long bị tấn công và rơi vào tay Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ sáng ngày 31 tháng 12 năm 1974 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975, đến lượt quận lỵ Phước Bình và thị xã Phước Long bị Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công từ bốn phía đánh vào và đặc công Quân giải phóng từ trong đánh ra. Các cứ điểm quan trọng như sân bay Long Bình, trung tâm hành quân, trận địa pháo lần lượt bị tràn ngập. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đồn trú tại đây tổ chức nhiều cuộc phản kích nhưng đều bị những lực lượng mạnh hơn của đối phương đẩy lùi. Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa lệnh cho Quân đoàn III điều động Liên đoàn biệt kích dù số 81 đổ bộ đường không xuống tăng phái cho quân dồn trú tại Phước Long nhưng không xoay chuyển được tình hình. Sau nhiều cố gắng đột phá vòng vây, chỉ có 850 người trong số 5.400 quân nhân đủ loại của Quân lực Việt Nam Cộng hòa phòng thủ Phước Long rút ra hậu cứ an toàn.
Đối với phía Việt Nam Cộng hòa, đây cũng là dịp để họ xem xét phản ứng của phía Hoa Kỳ theo lời cam kết sẽ hỗ trợ tối đa mà Tổng thống Gerald Ford đã hứa trong thư gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 10 tháng 8 năm 1974 và kiểm nghiệm khả năng tác chiến của mình nhưng kết quả đã không được như mong đợi. Đại tá Phạm Bá Hoa, phụ tá hành quân của đại tướng Cao Văn Viên nhận xét: "Có thể nói, Phước Long là một đòn thử sức đôi bên và kết quả đã quá rõ ràng".
* Chiến dịch Tây Nguyên:
Từ tháng 2 năm 1974,hướng mặt trận Tây Nguyên đã được Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam dự kiến là hướng đột phá chủ yếu trong chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam trong 1975-1976. Dự kiến này được cụ thể hoá thành kế hoạch tác chiến, ban hành kèm theo Nghị quyết của Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên (B3) tháng 12 năm 1974.
Thực hiện kế hoạch này, từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 3 năm 1975, các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh B3 QĐNDVN tiến hành các hoạt động kiềm chế chủ lực Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Bắc Tây nguyên: Pháo kích khu vực Pleiku, Kontum trong 6 ngày; cắt đứt đường 19 tại ba điểm ở cả phía Đông và Tây Pleiku, cắt đường 14 ở Ea H'Leo, cắt đường 21 ở phía Đông Chư Cúc. Các cứ điểm phòng ngự từ xa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa lần lượt bị đánh chiếm: Azun hạ, đèo Thượng An (ngày 4 tháng 3); Chư Sê (ngày 7 tháng 3); Thuần Mẫn (ngày 8 tháng 3); Núi Lửa, Đức Lập (ngày 9 tháng 3). Quân lực Việt Nam Cộng hòa sử dụng không vận đưa Liên đoàn 21 biệt động quân từ Pleiku về Buôn Ma Thuột. Đơn vị này phối hợp với 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 53 (sư đoàn 23 QLVNCH) hành quân lên Buôn Hồ để bảo vệ phía Bắc Buôn Ma Thuột nhưng không lấy lại được Đức Lập. Đến chiều ngày 9 tháng 3, Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn bị cô lập về đường bộ với các khu phòng thủ khác trên địa bàn Quân khu II (Quân đoàn II - QLVNCH).
2 giờ sáng ngày 10 tháng 3, lực lượng bộ binh của các sư đoàn 10 và 316 QĐNDVN được tăng cường Trung đoàn 198 đặc công và trung đoàn tăng-thiết giáp 273 dưới hỏa lực yểm hộ của hai trung đoàn pháo binh của các sư đoàn tấn công Buôn Ma Thuột. Ngày 11 tháng 3, thị xã này thất thủ. Ngày 12 tháng 3, Quân đoàn II (QLVNCH) điều động các trung đoàn bộ binh 44, 45 (sư đoàn 23), liên đoàn 21 biệt động quân và bộ phân còn lại của trung đoàn 53 với sự yểm hộ của sư đoàn 6 không quân phản kích nhằm tái chiếm Buôn Ma Thuột. Cuộc phản kích không thu được kết quả do các trung đoàn 44, 45 bị sư đoàn 320A (QĐNDVN) phản đột kích vào phía sau đội hình hành quân và cầm chân tại Cẩm Ga, Thuần Mẫn trên đường 14 ; liên đoàn 21 biệt động quân và tiểu đoàn còn lại của Trung đoàn 53 bị các lực lượng của sư đoàn 10 và sự đoàn 316 đã đánh chiến Buôn Ma Thuột tấn công chính diện, bao vây và tiêu diệt tại sân bay Hòa Bình (Phụng Dực). Ngày 17 tháng 3, những cố gắng cuối cùng để tái chiếm Buôn Ma Thuột của QLVNCH thất bại.
Sáng 14 tháng 3, tại Cam Ranh, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lệnh cho trung tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh Quân đoàn II - Quân khu II triệt thoái các lực lượng QLVNCH khỏi Tây Nguyên. Do thời gian quá gấp gáp, không giữ được bí mật hành quân, tổ chức không chặt chẽ và sai lầm trong việc chọn đường rút quân; phần lớn các lực lượng này bị các sư đoàn 320A, 316 của QĐNDVN truy kích suốt dọc đường số 7 và bị tan rã và thiệt hại đến 75% quân số và và phương tiện. Kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, Quân lực Việt Nam Cộng hòa gần như mất toàn bộ địa bàn Tây Nguyên (trừ tỉnh Lâm Đồng). Quân đoàn II hầu như không còn binh lực, trừ sư đoàn 6 không quân còn nguyên vẹn tại Phan Rang, liên đoàn 6 biệt động quân và thiết đoàn 19 rút trước nên về được Tuy Hoà, Nha Trang[13]. Chiến dịch này tạo nên bước ngoặt đánh dấu giai đoạn bắt đầu sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa cùng với quân đội của họ.
* Chiến dịch Huế-Đà Nẵng:
Chiến dịch Huế-Đà Nẵng được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam phát động ngày 5 tháng 3, gần như đồng thời với Chiến dịch Tây Nguyên. Khi nhận thấy QLVNCH đang tan vỡ trên đường số 7, QĐNDVN liền chuyển ngay sang phương án thời cơ, sử dụng Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) phối hợp với Quân khu Trị-Thiên, Quân khu 5 tiến công chiếm cố đô Huế và ngay sau đó là Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai của miền Nam và là trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế lớn nhất của Quân khu 1. Chiến dịch này được tổ chức rất nhanh chóng, tiến hành theo chỉ thị từ xa và trực tiếp từ Bộ Tổng Tư lệnh tại Hà Nội vừa thông qua Bộ Tư lệnh chiến dịch, vừa truyền đạt trực tiếp đến các đơn vị quân đoàn, sư đoàn. Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức tấn công trong hành tiến, vừa đánh vừa trinh sát chiến trường, triệt để tận dụng sự rối loạn chỉ huy của QLVNCH để liên tục tăng cường các mũi đột kích sâu, hợp vây các đơn vị của QLVNCH tại Quân khu I.
Việc Quân đội Nhân dân Việt Nam phát động tấn công gần như cùng lúc trên các mặt trận ở miền Nam đã làm cho Quân lực Việt Nam Cộng hoà không thể điều động các lực lượng trù bị chiến lược đi ứng cứu cho các địa bàn then chốt. Sức tấn công liên tục của bộ binh với hỏa lực của mạnh của xe tăng và pháo binh QĐNDVN trong điều kiện ít bị uy hiếp từ trên không đã nhanh chóng đẩy các đơn vị QLVNCH vào thế bị động chống đỡ. Sự rối loạn trong chỉ huy tác chiến các cấp của QLVNCH đã làm cho các đơn vị vốn thiện chiến và được trang bị tốt cũng không thể kháng cự lâu dài một cách có tổ chức. Trong khi tình hình nguy ngập thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lại ra lệnh rút các sư đoàn dù và thủy quân lục chiến ra khỏi Quân khu I, nói là để bảo vệ các mục tiêu quan trọng hơn. Việc điều quân này đã làm cho Quân đoàn I QLVNCH suy yếu. Trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I lần lượt phải cho quân rút bỏ Quảng Trị, sau đó đến Huế và ra lệnh tử thủ tại Đà Nẵng. QĐNDVN đã nhanh chóng cơ động lực lượng cắt đứt giao thông trên bộ ở Bắc đèo Hải Vân, hất các đơn vị cánh Bắc của Quân đoàn I QLVNCH chạy ra cửa biển Thuận An và Tư Hiền để chờ tàu hải quân đến cứu. Cuộc tháo chạy đã diễn ra hoảng loạn vô tổ chức. Các đơn vị QĐNDVN đã khóa chặt hai cửa biển này bằng pháo binh và bộ binh. Những đơn vị QLVNCH thoát được lên tàu chạy vào đến Đà Nẵng cũng không còn là đơn vị chiến đấu nữa mà còn làm cho rối loạn thêm tình hình tại Đà Nẵng. Các lực lượng còn lại bỏ vũ khí hoặc đầu hàng hoặc tan rã. Ngày 26 tháng 3, Huế thất thủ.
Ngay sau khi chiếm cố đô Huế, QĐNDVN hợp vây Đà Nẵng từ ba phía Tây, Nam, Bắc và bắt đầu tấn công ngay từ ngày 26 tháng 3. Thành phố hỗn loạn. Quân lính rã ngũ từ Huế kéo vào trở thành một đám cướp bóc. Sĩ quan và binh lính cùng với dân cố gắng thoát khỏi thành phố bằng tàu hải quân. Phái bộ MAACV tại Sài Gòn thì lập một cầu hàng không để di tản người Mỹ và các đồng minh của họ. Các tuyến phòng thủ của QLVNCH quanh Đà Nẵng lần lượt tan vỡ sau hai ngày giao chiến trong tuyệt vọng. Các đơn vị QĐNDVN bỏ qua vòng ngoài nhanh chóng đánh chiếm trung tâm thành phố mà không gặp kháng cự nào đáng kể. Ngày 29 tháng 3, Đà Nẵng thất thủ. Tại đây khoảng 14 vạn sĩ quan, binh lính QLVNCH đã ra hàng. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng kết thúc.
Cũng trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975, lần lượt các tỉnh thành phố ven biển miền trung gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà bị bỏ lại. QLVNCH gom tất cả các đơn vị còn lại của các quân đoàn (quân khu) I và II, lập phòng tuyến ngăn chặn tại Phan Rang và giao cho Tư lệnh Quân đoàn 3 QLVNCH chỉ huy. Kết thúc chiến dịch, QĐNDVN đã chiếm được 14 tỉnh tại miền Nam Việt Nam với 50% đất đai và 40% dân số. Phía trước họ đã là Đông Nam Bộ và Sài Gòn.
* Chiến dịch Trường Sa và các đảo trên Biển Đông:
Quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam Biển Đông từ kinh tuyến 111 độ 30 phút Đông đến kinh tuyến 117 đô 20 phút Đông; từ vĩ tuyến 6 độ 50 phút Bắc đến vĩ tuyến 12 độ Bắc; cách bán đảo Cam Ranh 480 km, cách đảo Hải Nam 1.150 km, cách đảo Đài Loan 1.780 km. Với hơn 100 đảo có diện tích đất nổi không quá 200 km vuông nhưng bao trùm diện tích mặt nước và các bãi đá ngầm có diện tích đến 180.000 km vuông; đây là vùng đảo có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng.[36] Vào thời điểm đầu năm 1975, QLVNCH chiếm giữ 5 đảo trong số 11 đảo có người ở gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn. Tổng số quân 160 người thuộc tiểu đoàn 371 địa phương quân tỉnh Phước Tuy. Tuy số quân không đông nhưng lực lượng này được một tàu tuần dương và hai tàu hộ tống yểm hộ bằng hỏa lực hạm tàu, lập thành vành đai phòng ngự cơ động trên biển xung quanh các đảo. Ngoài ra còn có 4 tàu vận tải đậu tại các bãi để chuyển quân khi cần thiết.
Ngày 25 tháng 3 năm 1975, Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN có kiến nghị trình lãnh đạp Đảng và Nhà nước về việc đánh chiếm Trường Sa. Ngày 30 tháng 3, Bộ tư lệnh Quân khu 5 được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân lập kế hoạch và tổ chức đánh chiếm Trường Sa. Ngày 10 tháng 4 năm 1974, dưới sự chỉ huy của trung tá Mai Năng, các tàu vận tải 673, 674, 675 của Hải đoàn 125 chở các đơn vị thuộc Đoàn 126 đặc công hải quân, tiểu đoàn 471 Quân khu 5 xuất phát từ quân cảng Đà Nẵng hướng về đảo Song Tử Tây, mục tiêu tấn công đầu tiên.
Sau 20 ngày vừa hành quân, vừa tổ chức chiến đấu, hồi 9 giờ 30 ngày 29 tháng 4 năm 1975, QĐNDVN đã lần lượt làm chủ các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa lớn và một số đảo khác. Cũng trong tháng tư, các đảo ven biển miền Trung, Côn Đảo cũng lần lượt rơi vào tay QĐNDVN, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trong các cuộc nổi dậy, có sự phối hợp của lực lượng vũ trang địa phương.[38] Riêng tại đảo Phú Quốc và các đảo nhỏ trên vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của Việt Nam, QĐNDVN phải dùng lực lượng quân sự mạnh để đánh đuổi quân Khmer đỏ lợi dụng sự suy yếu và tan rã của QLVNCH để chiếm đóng các đảo này.
* Trên tuyến phòng thủ Phan Rang - Xuân Lộc:
Để giữ được phần đất còn lại trong một kế hoạch được gọi là "nỗ lực tối đa", Quân lực Việt Nam Cộng hòa dồn mọi cố gắng cuối cùng của vào các tuyến phòng thủ Phan Rang (tuyến phòng ngự từ xa) và Xuân Lộc - Long Khánh (tuyến phòng ngự tử thủ). Tại các tuyến phòng ngự này đều có một lực lượng lớn bộ binh, không quân, biệt động quân địa phương quân. Một số tướng lĩnh QLVNCH như Lê Nguyên Khang, phụ tá hành quân của Tổng tham mưu trưởng), Nguyễn Văn Minh (Tư lệnh biệt khu thủ đô), không muốn giữ Phan Rang vì tuyến đó ở khá xa, quân số đang thiếu trầm trọng; trong một trận tuyến bị dàn mỏng, rất dễ bị đánh từ bên sườn. Theo các viên tướng này, phương án tốt nhất hiện nay là bỏ Phan Rang và Tây Ninh, dồn lực lượng về giữ vùng xung quanh Sài Gòn. Tướng Nguyễn Văn Toàn (Tư lệnh quân khu III) được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hậu thuẫn cho rằng cần phải phòng thủ từ xa và lấy những nơi đó làm bàn đạp để phản kích, chiếm lại một số vùng đã mất. Đề nghị lấy Phan Rang làm tuyến phòng thủ từ xa của Nguyễn Văn Thiệu đã được tướng Fredrick C. Weyand đang đi thị sát miền Nam Việt Nam ủng hộ. Lý do của sự ủng hộ này là bản phúc trình lên Quốc hội Hoa Kỳ về một khoản viện trợ quân sự khẩn cấp 722 triệu đô la đang được bàn thảo. Theo ông này, QLVNCH ít nhất cũng phải một lần chiến đấu, thắng một trận càng tốt; nếu tiếp tục rút lui nữa, sẽ làm mất phiếu ủng hộ của Quốc hội Hoa Kỳ.[41]. Tuy nhiên, đến ngày 16 tháng 4, tuyến phòng thủ Phan Rang bị QĐNDVN phá vỡ chỉ sau 24 giờ giao chiến. Không chỉ có thế, từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4, các tiền đồn của QLVNCH tại Tây Ninh, An Lộc, Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán lần lượt thất thủ. QLVNCH tại mặt trận Xuân Lộc rơi vào thế hở cả ba sườn phía Bắc, phía Tây và Tây Nam.
Chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh bắt đầu từ ngày 9 tháng 4 giữa cụm quân mạnh nhất của QLVNCH gồm sư đoàn 18 bộ binh, lữ đoàn dù số 1, lữ đoàn 3 thiết giáp, chiến đoàn 52 (sư đoàn 5 bộ binh, liên đoàn 3 biệt động quân với Quân đoàn 4 QĐNDVN gồm 3 sư đoàn bộ binh, 4 lữ đoàn pháo binh và phòng không, 2 tiểu đoàn xe tăng, 2 tiểu đoàn địa phương Long Khánh. Đến ngày 11 tháng 4, QLVNCH tiếp tục tung vào mặt trận Xuân Lộc hai lữ đoàn dù, một lữ đoàn thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động quân, một trung đoàn bộ binh, hai thiết đoàn xe tăng và tám tiểu đoàn pháo binh. Đây là trận đánh dài ngày có tổ chức cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng hòa trong Chiến tranh Việt Nam. Mặc dù QLVNCH đã tập trung tại đây 50% bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết lực lượng xe tăng - thiết giáp của Quân đoàn III và 1/2 lực lượng tổng trù bị chiến lược, sử dụng không quân yểm trợ ở mức cao nhất trong đó có cả loại bom CBU-55 có sức tàn phá rất lớn nhưng không giữ được Xuân Lộc. Ngày 21 tháng 4, "cánh cửa thép" Xuân Lộc bị vỡ. QĐNDVN đã có mặt ở cửa ngõ Sài Gòn.
Ngay trước ngày bắt đầu trận Xuân Lộc, phi công Nguyễn Thành Trung là người của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cài vào hàng ngũ QLVNCH đã lái máy bay F-5E ném bom Dinh Độc Lập. Sự kiện này càng làm nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa thêm rối loạn. Thất bại tại mặt trận Xuân Lộc đã dẫn đến sự từ chức của Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 21 tháng 4 năm 1975 sau 10 năm giữ ghế tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Phía Hoa Kỳ hy vọng với sự ra đi của Nguyễn Văn Thiệu, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam sẽ chấp nhận một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
* Chiến dịch Hồ Chí Minh:
Để đảm bảo chắc thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Quân đội nhân dân Việt Nam đưa thêm Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết thắng), gồm các sư đoàn 312 và 320B cơ động bằng đường biển và đường không vào chiến trường. Sư đoàn 308 (còn gọi là Sư đoàn Quân Tiên phong) được để lại để bảo vệ miền Bắc.
Tại khu vực xung quanh Sài Gòn, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có 13 đơn vị cấp sư đoàn và các lữ đoàn, trung đoàn độc lập của các binh chủng bộ binh, pháo binh, thiết giáp, phòng không, đặc công, công binh... Tất cả lực lượng này có quy mô tương đương một tập đoàn quân với bốn quân đoàn và một đơn vị tương đương quân đoàn (các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232), được bố trí thành 5 hướng tấn công chính vào Sài Gòn. Ngay từ ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam đã chính thức đặt tên cho chiến dịch này là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra chỉ vẻn vẹn trong 4 ngày từ ngày 26 tháng 4 đến khi các đơn vị của Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) và lữ đoàn xe tăng 203 Quân đội nhân dân Việt Namchiếm được Dinh Độc Lập và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975.
17 giờ ngày 26 tháng 4, pháo binh tầm xa của Quân đội nhân dân Việt Nam bố trí tại Hiếu Liêm, Tân Phước Khánh, Tân Phước Trung, Mỹ Hạnh, Việt Cần, Nhơn Trạch đã bắn vào các mục tiêu: Căn cứ quân sự Đồng Dù, Căn cứ quân sự Bến Lức, Căn cứ quân sự Long Thành, trận địa pháo binh QLVNCH ở Thành Tuy Hạ, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH... trong hơn một giờ. Bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam có xe tăng-thiết giáp yểm hộ đồng loạt tiến quân trên hướng Đông và Đông Bắc Sài Gòn. Đến ngày 27 tháng 4 tất cả các lực lượng ở các hướng còn lại cũng phát động tiến công.
Trên hướng Đông, hồi 16 giờ cùng ngày, căn cứ Nước Trong và chi khu quân sự Long Thành nằm trên đường số 15 thất thủ sau một ngày chống cự. Đến trưa ngày 28 tháng 4, số quân còn lại của Sư đoàn 18 QLVNCH mặc dù có trong tay 26 khẩu pháo và một tiểu đoàn xe tăng mới được tăng phái nhưng dưới sức ép tấn công như gió lốc của QĐNDVN đã phải bỏ chi khu quân sự Trảng Bom, rút về Hố Nai. Bộ Tổng tham mưu QLVNCH định lập tuyến trì hoãn chiến Long Bình - Long Thành nhưng không thể thực hiện được vì đã mất Long Thành từ chiều hôm trước. Bộ tư lệnh Quân đoàn III - QLVNCH phải di tản khẩn cấp về Gò Vấp. Sân bay Biên Hòa cũng bị bỏ ngỏ từ chiều 28 tháng 4, một số máy bay của sân bay này được đưa về Tân Sơn Nhất, số bị bỏ lại lên đến hàng trăm chiếc. Cũng trong ngày 28 tháng 4, sư đoàn 325 và các đơn vị địa phương Quân khu 7 của QĐNDVN chiếm lĩnh toàn bộ tỉnh Phước Tuy và thành phố Vũng Tàu.
Đến cuối ngày 28 tháng 4, Quân đoàn 2 đã bao vây Long Tân, áp sát xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa ở hướng Đông. Trên hướng Bắc, Quân đoàn 4 đã chiếm Trảng Bom, tấn công Biên Hoà. Các chi đội đặc công phái đi trước của cánh quân này đã chiếm cầu Xa Lộ bắc qua Sông Sài Gòn. Ở hướng Tây Nam, Đoàn 232 cắt đứt quốc lộ số 4, mở thêm bàn đạp tấn công nội đô Sài Gòn. Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 cắt đứt đường số 1B đi Phnompeng và đường số 22 đi Tây Ninh. Hướng Bắc, Quân đoàn 1 dã có mặt tại cửa ngõ Thủ Dầu Một. Chiều ngày 28 tháng 4, ngay khi nhậm chức và tiếp tục kêu gọi đàm phán, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ ra đi. Sài Gòn trở thành một vùng lãnh thổ cô độc của VNCH, nằm cách đối phương không quá 30 km và thực sự đang ở trong tình thế chờ đợi đối phương "bấm nút". Và như để khẳng định điều đó, 5 giờ 15 phút chiều 28 tháng 4, 5 chiếc máy bay cường kích A-37 của Không lực Việt Nam Cộng hòa do những phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam cùng một phi công Sài Gòn đầu hàng điều khiển đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Người Mỹ hiểu rằng, họ không thể di tản bằng máy bay có cánh cố định được nữa. Ngày 29 tháng 4, cùng với việc lên Đài truyền hình quốc gia trực tiếp tuyên bố Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với người Mỹ, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford phát động chiến dịch "Gió lốc", di tản khẩn cấp người Mỹ khỏi Sài Gòn bằng trực thăng trong vòng 24 giờ.
Để không gây các rắc rối với Hoa Kỳ, tránh động chạm đến tự ái dân tộc của họ, Quân đội Nhân dân Việt Nam dừng lại bên ngoài thành phố một ngày để cho người Mỹ di tản hết. Trong các ngày 28, 29 tháng 4, từ các tàu sân bay ngoài biển, lính thủy đánh bộ Mỹ dùng trực thăng di tản người nước ngoài và một số người Việt đã từng cộng tác sâu sắc với họ. Cuộc di tản đã diễn ra trong lộn xộn, có rất nhiều người muốn ra đi nhưng không thể đáp ứng hết được. Tại các điểm đỗ của trực thăng, người ta chen chúc nhau đến mức hỗn loạn để kiếm được một chỗ trên máy bay. Tại các điểm di tản này, lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ dùng báng súng để cản những người Việt Nam tuyệt vọng gây tắc nghẽn đường thoát và lính Việt Nam Cộng hòa nổ súng vào đám người Mỹ ra đi, tạo nên một hình ảnh bi đát có ý nghĩa như một cột mốc đánh dấu chấm hết cho sự dính líu kéo dài 21 năm của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Lúc 4 giờ 45 phút sáng 30 tháng 4, Đại sứ Graham Martin và đoàn tùy tùng lên máy bay trực thăng rời Sài Gòn với bức điện: "Lady 09 đã lên không trung với Cottu".
8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến nhanh vào Sài Gòn và hầu như không gặp phải sức kháng cự lớn và có tổ chức nào. Tổng thống Dương Văn Minh hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón quân đối phương vào Sài Gòn để bàn giao chính quyền nhưng vị đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt tại Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 phút, đại uý Phạm Xuân Thệ đã tuyên bố rằng: "Các ông chẳng còn gì để bàn giao, các ông phải đầu hàng vô điều kiện". 11 giờ 45 phút 30 tháng 4 1975 các sĩ quan Quân đội giải phóng đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 21 năm đã chấm dứt. Giống như Chiến dịch Điện Biên Phủ trước đó 21 năm, Chiến dịch Mùa Xuân 1975 cũng kết thúc thắng lợi sau 55 ngày đêm.
Nhận định:
* Tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam:
- "Toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đã đưa Việt Nam tới đỉnh cao của giải phóng dân tộc và uy tín của quốc tế. Thắng lợi của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ là một tác nhân đưa đến những thay đổi rất quan trọng trong chiến lược của các nước lớn mà còn làm chuyển đổi cục diện chính trị khu vực Đông Nam Á." (Trần Quang Cơ).
- "Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 là một thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho Tổ quốc ta." (Văn Tiến Dũng).
- "Mùa Xuân năm 1975, quân và dân cả nước ta đã hái bó hoa Toàn Thắng tươi ngát sắc hương nở trong ánh hào quang chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"...Từ chân trời, đã ánh lên vừng dương sáng hồng như chân lý cách mạng và Mùa Xuân Đại thắng mà dân tộc ta đã sống." (Văn Tiến Dũng).
- "Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ" (Võ Nguyên Giáp).
* Sử gia Hoa Kỳ:
- "Không còn nghi ngờ gì nữa đối với các ý đồ của Bắc Việt Nam. Họ sẽ tấn công Nam Việt Nam khi nào có thời cơ thuận lợi; nhưng lần này sẽ là 1 cuộc tấn công quân sự với khí thế áp đảo!" (William Colby).
- "Chiến tranh Việt Nam, theo phân tích cuối cùng, là một trận đấu giữa Mỹ và người được họ bảo vệ và trợ cấp dồi dào với phong trào cách mạng mà gốc rễ giai cấp và cơ sở tư tưởng đưa lại cho họ một sức bật và một sức mạnh to lớn. Cách mà những cá nhân xử sự trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, phản ánh những tiêu chuẩn xã hội và tính chất của hai chế độ đang đối địch nhau. Nguồn sức mạnh quan trọng nhất của Đảng Cộng sản trên ba mươi lăm năm qua là quan niệm của họ về một đạo đức cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nhấn mạnh của họ đối với ý nghĩa hàng đầu của mọi hành động và giá trị đưa đến một xã hội xã hội chủ nghĩa. Khả năng của Đảng phát triển một tổ chức mà cuộc sống của những thành viên phù hợp với những nguyên tắc nói trên, đã làm cho họ đạt được mục tiêu của họ". Gabriel Kolko.
- “Sau những năm dài tìm cách khuất phục những dân tộc nghèo khổ bằng sự tàn bạo của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước Mỹ, một nước giàu mạnh nhất trên quả đất này, cuối cùng có thể bị những người cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu đúng như vậy, thì thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc” (Neil Sheehan).
- "Chính quyền Việt Nam Cộng hoà sụp đổ chỉ sau 55 ngày kể từ khi quân giải phóng bắt đầu tấn công. Điều này cũng chứng minh cho căn bệnh mà chính quyền này đã bị nhiễm phải ngay từ khi thành lập: sự manh mún về chính trị; tình trạng thiếu các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và có năng lực; một tầng lớp trên mệt mỏi và tham nhũng không có khả năng điều chỉnh cho thích nghi đã tạo nên một cơ sở quốc gia yếu kém đến mức nguy hiểm... Trước những thực tế khắc nghiệt này, nỗ lực nhằm tạo nên một thành trì chống chủ nghĩa cộng sản ở ngay phía nam vĩ tuyến 17 đã có mầm mống thất bại ngay từ đầu." George C. Herring.