Đại hội VII (6/1991), Đảng ta xác định: “tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội VII cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011) một lần nữa khẳng định điều này. Đó là kết luận rút ra từ kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử của Đảng ta và cách mạng Việt Nam từ khi thành lập đến nay.

Đảng ta xác định tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng bởi xuất phát từ những cơ sở sau:

- Thứ nhất, từ nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời trên cơ sở nguồn gốc tư tưởng lý luận và thực tiễn. Trong đó nguồn gốc tư tưởng lý luận bao gồm 3 yếu tố cơ bản: lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong đó lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vai trò quyết định.

Vì sao lý luận Mác - Lênin giữ vai trò quyết định?

Học thuyết Mác - Lênin là một học thuyết cách mạng và khoa học. Với bản chất cách mạng và khoa học, từ khi ra đời đến nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho giai cấp vô sản và những người cộng sản trên thế giới. Đối với cách mạng Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận thống nhất được hình thành từ ba bộ phận: triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất nêu lên mục tiêu, con đường, lực lượng và phương pháp thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người; là sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan và phương pháp luận; là một học thuyết mở, không cứng nhắc, không bất biến và không ngừng đổi mới trong dòng trí tuệ của nhân loại.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là nhân tố quyết định bản chất giai cấp của tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyết định việc xác lập thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn trong tư duy và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh; quyết định nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh như việc xác định mục tiêu lý tưởng của cách mạng; xác định chiến lược, sách lược của cách mạng; quyết định bản chất giai cấp và tính chất của tư tưởng Hồ Chí Minh đó là bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Trên nền tảng chủ nghĩa yêu nước và giá trị truyền thống Việt Nam, từ tinh hoa triết học và giá trị văn hóa Đông - Tây, Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin không phải theo lối giáo điều, dập khuôn mà là sự chắt lọc và hòa quyện những tinh hoa của chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin theo phương pháp “đắc ý, vong ngôn”, nghĩa là nắm lấy cái thần, cái cốt lõi, cái bản chất nhất của vấn đề. Trên cơ sở đó vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn, để từ đó đề ra đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

- Thứ hai, từ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; từ mục tiêu, phương hướng cách mạng đến phương pháp cách mạng; từ lĩnh vực chính trị, đến kinh tế, văn hoá, xã hội…Từ xây dựng Đảng đến xây dựng Nhà nước, xây dựng Mặt trận…

Những nội dung chủ yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang; về phát triển kinh tế, văn hoá không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Trong đó nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

- Thứ ba, từ giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta đi đến thắng lợi.

- Thứ tư, từ thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng đã vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng đất nước. Đặc biệt, từ thực tiễn phong phú, sinh động và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được trong công cuộc đổi mới đất nước.

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, những biến đổi tình hình trên thế giới rất mau lẹ và phức tạp, khó lường; những vấn đề mới đặt ra trong đời sống xã hội ngày càng nhiều, đòi hỏi phải có những giải đáp thuyết phục, có cơ sở lý luận và thực tiễn hết sức thuyết phục.

Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi thủ đoạn hòng xuyên tạc, phủ nhận những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tiến tới xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng và nhân dân ta. Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu nhằm khẳng định, bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đang trở thành quan trọng, cấp bách trong công tác tư tưởng lý luận hiện nay.

Đại tá, ThS Nguyễn Đình Năng

Giảng viên Khoa lý luận Mác-Lênin, HVQP