Cục Huấn luyện - Đào tạo (HL-ĐT), Học viện Quốc phòng, tiền thân là Phòng Phòng Giáo vụ (25/02/1976), Phòng Huấn luyện (25/6/1976), Cục Huấn luyện (30/8/1978), Học viện Quân sự Cao cấp; Cục Huấn luyện - Đào tạo (07/11/1995), Học viện Quốc phòng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, là cơ quan trung tâm hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ HL-ĐT của Học viện Quốc phòng; có chức năng tham mưu với Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện về nghiên cứu, xây dựng nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp HL-ĐT cho các đối tượng; trực tiếp triển khai, tổ chức điều hành và bảo đảm toàn diện cho công tác HL-ĐT của Học viện.
Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành dưới ánh sáng Nghị quyết của các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Học viện; sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; qua các thời kỳ, Cục HL-ĐT luôn đoàn kết, thống nhất quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, của Học viện; chủ động, sáng tạo phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, triển khai tổ chức thực hiện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng nhất là các chủ trương, biện pháp đổi mới công tác HL-ĐT theo hướng tích cực nâng cao toàn diện chất lượng HL-ĐT đáp ứng kịp thời sự phát triển của thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới; thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Đội ngũ cán bộ, nhân viên luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và nhân dân; xây dựng nên truyền thống: “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, liên tục là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng của Học viện. Đã tổ chức điều hành HL-ĐT cho 412 khóa (29 khóa NCS), đào tạo được 15.576 học viên với 16 loại hình đào tạo, 50 đối tượng học viên; 103 quan chức quốc phòng quốc tế đa quốc gia; 243 học viên Quân đội Hoàng gia Căm-pu-chia; 232 học viên QĐND Lào. Tổ chức hơn 100 cuộc diễn tập tác chiến chiến dịch - chiến lược; hàng nghìn đợt đi học tập, nghiên cứu thực tế trong và ngoài nước. Giới thiệu kinh nghiệm chiến tranh 10 khóa, 41 đoàn Quốc tế. Bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đối tượng 1 được 85 khóa (5.109 đồng chí). Học viện có 02 Nhà giáo nhân dân, 29 Nhà giáo Ưu tú và hàng trăm đồng chí là Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng, Giảng viên giỏi cấp Học viện. Đào tạo sau đại học được: 464 đồng chí Tiến sĩ quân sự; 1.050 đồng chí Thạc sĩ khoa học quân sự; 9.103 đồng chí thuộc các đối tượng còn lại theo đúng kế hoạch. Trong đó có trên 700 đồng chí đã trở thành sĩ quan cấp tướng, đảm nhiệm những trọng trách cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đồng thời, bảo đảm phục vụ kịp thời, chu đáo, toàn diện cho mọi nhiệm vụ HL-ĐT của Học viện. Kết quả đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Cục HL-ĐT là cơ quan trung tâm phối hợp, hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện.
Với thành tích xuất sắc đã đạt được trong 45 năm qua, Cục HL-ĐT đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nay là Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba, hạng Nhì; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; 02 lần đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng cấp Bộ Quốc phòng, 02 lần đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng cấp Học viện; 17 lần được nhận cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Thủ tướng chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; 08 lần được nhận cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Học viện Quốc phòng; 24 lần được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ tổng Tham mưu và Học viện tặng Bằng khen. Đảng bộ Cục 02 lần được Đảng ủy quân sự Trung ương nay là Quân ủy Trung ương tặng cờ và 08 lần được Thường vụ Đảng ủy Học viện tặng Bằng khen về thành tích xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh
Phát huy truyền thống đã được các thế hệ cán bộ, nhân viên xây dựng và vun đắp suốt 45 năm qua, trong những năm tiếp theo Đảng ủy, chỉ huy Cục HL-ĐT quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
TỔ CHỨC BIÊN CHẾ CỦA CỤC HUẤN LUYỆN - ĐÀO TẠO
1. Thủ trưởng Cục (Cục trưởng, Phó Cục trưởng)
2. Phòng Kế hoạch (Trưởng Phòng, Phó Trưởng phòng, trợ lý, nhân viên)
a) Ngày thành lập: 25/6/1976
b) Chức năng, nhiệm vụ
Tham mưu, đề xuất giúp Đảng uỷ, chỉ huy Cục HL-ĐT và Thường vụ, Ban Giám đốc Học viện về xây dựng chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp HL-ĐT cho các đối tượng, đồng thời theo chỉ đạo của Thủ trưởng Cục trực tiếp chủ trì xây dựng kế hoạch, lịch huấn luyện; phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan tổ chức triển khai, duy trì, điều hành thực hiện quy chế, quy trình, quy định trong quá trình HL-ĐT.
Thay mặt Thủ trưởng Cục tổ chức điều hành đi nghiên cứu học tập thực tế, diễn tập; thi môn học, thi tốt nghiệp, thi cuối khoá; quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học viên; in Bằng, Chứng nhận tốt nghiệp và phiếu học viên; quản lý văn bằng, chứng nhận tốt nghiệp theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm về HL-ĐT; tổng hợp tình hình, định mức thời gian giảng dạy, kết quả.
3. Phòng Sau đại học (Trưởng Phòng, Phó Trưởng phòng, trợ lý, nhân viên)
a) Ngày thành lập: 09/11/1986
b) Chức năng, nhiệm vụ
Phòng Sau đại học là cơ quan làm tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện về công tác đào tạo, bồi dưỡng sau đại học. Tổ chức xây dựng kế hoạch, chương trình, quản lý và điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Học viện.
Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên Học viện.
4. Ban Vật chất huấn luyện (Trưởng ban, nhân viên)
a) Ngày thành lập: 25/6/1976
b) Chức năng, nhiệm vụ
Tham mưu giúp Đảng ủy, Thủ trưởng Cục về công tác bảo đảm cho các đối tượng học viên về HL-ĐT, nghiên cứu khoa học; Bồi dưỡng kiến thức QPAN; đào tạo Quốc tế đa quốc gia; liên hệ với Cục Nhà trường, Cục Tài chính về công tác bảo đảm huấn luyện và một số nhiệm vụ khác của Học viện.
Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ Thủ trưởng Cục giao; lập dự toán và kế hoạch sử dụng kinh phí năm; bảo đảm tiêu chuẩn chế độ, định mức, vật tư - tài chính; học cụ - học liệu, cơ sở vật chất trang thiết bị; giảng đường, phòng học; quản lý kho vật tư và xăng - dầu phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện; bảo đảm phục vụ cho các lớp đi học tập, nghiên cứu thực tế tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn cả nước...
5. Ban Công nghệ thông tin (Trưởng ban, Trạm trưởng đảm bảo kỹ thuật, trợ lý, nhân viên)
a) Ngày thành lập: 18/12/2003
b) Chức năng, nhiệm vụ
Là cơ quan quản lý nhà nước về tác chiến không gian mạng và công tác công nghệ thông tin của Học viện.
Tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện công tác tác chiến không gian mạng, quản lý, phát triển ứng dụng, bảo đảm kỹ thuật cho các trang bị công nghệ thông tin.
Làm nhiệm vụ quốc tế khi có yêu cầu của Bạn.
6. Ban Bản đồ (Trưởng ban, nhân viên)
a) Ngày thành lập: 19/12/2001
b) Chức năng, nhiệm vụ
Làm tham mưu về địa hình, thông tin địa lý cho Học viện. Chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Cục Bản đồ/BTTM, có trách nhiệm cung cấp về địa hình và thông tin địa hình lên Bộ Quốc phòng (qua Cục Bản đồ).
Quản lý tư liệu địa hình (có số hóa bản đồ số), tiếp nhận, khai thác, sử dụng các thông tin địa lý (bao gồm cả nhận, chuyển giao và ứng dụng) tại Học viện Quốc phòng. Cập nhật thông tin địa lý, địa hình trên địa bàn; nghiên cứu đánh giá tiềm năng địa hình. Lập bản đồ số chuyên dùng cho công tác HL-ĐT và nghiên cứu của Học viện. Cung cấp tư liệu địa hình, bản đồ địa hình cho Bộ Quốc phòng (qua Cục Bản đồ); bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên về nghiệp vụ công nghệ bản đồ, địa hình.
7. Trung tâm Mô phỏng tác chiến CD-CL (Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng, trợ lý, nhân viên)
a) Ngày thành lập: Lâm thời 28/12/2012; chính thức 18/4/2020.
b) Chức năng, nhiệm vụ
Ứng dụng CNTT, công nghệ mô phỏng vào công tác HL-ĐT và NCKH nghệ thuật quân sự cấp chiến dịch - chiến lược tại Học viện Quốc phòng, phục vụ diễn tập các cấp.
Nghiên cứu, phát triển các ứng dụng phần mềm, các trang thiết bị phần cứng ngành công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng phục vụ công tác HL-ĐT và nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự cấp chiến dịch - chiến lược tại Học viện Quốc phòng.
Huấn luyện, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật CNTT, công nghệ mô phỏng cho các đối tượng cán bộ, giảng viên, học viên trong toàn Học viện.
8. Bộ phận in
a) Ngày thành lập: 18/4/2018
Tiền thân là Tổ in (25/6/1976) Sau được quyết định thành Xưởng in thuộc Ban Vật chất huấn luyện/Phòng Huấn luyện, đến năm 1998 điều chuyển về Cục Chính trị; ngày 18/4/2018 được điều về Cục HL-ĐT thành Bộ phận in.
b) Chức năng, nhiệm vụ
Thực hiện nhiệm vụ in tài liệu, tạp chí Nghệ thuật quân sự Việt Nam, do Thủ trưởng Cục HL-ĐT chỉ đạo và triển khai trực tiếp; ngoài ra được ủy quyền làm việc với các cơ quan, khoa, hệ trong Học viện để giải quyết công việc liên quan đến công tác bảo đảm in.
9. Trợ lý Chính trị
a) Chức trách
Trợ lý Chính trị là cán bộ thuộc quyền của chỉ huy Cục, chịu trách nhiệm trước thủ trưởng Cục về xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện CTĐ,CTCT và công tác nội bộ của Cục. Tổng hợp báo cáo các mặt công tác, hoàn thành nhiệm vụ thủ trưởng Cục giao cho.
b) Nhiệm vụ
Căn cứ vào chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên về CTĐ, CTCT và công tác nội bộ. Chủ động tham mưu đề xuất và xây dựng các kế hoạch, triển khai thực hiện CTĐ, CTCT theo chỉ đạo của thủ trưởng Cục, tổng hợp báo cáo thủ trưởng Cục phê duyệt và gửi báo cáo lên cơ quan cấp trên.
Thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, nhân viên trong cơ quan, kịp thời báo cáo thủ trưởng Cục giải quyết các vấn đề nội bộ.
Tham mưu đề xuất thủ trưởng Cục về việc triển khai các hoạt động của các tổ chức quần chúng trong cơ quan đạt hiệu quả cao nhất.