Ngày nay, cùng với sự chuyển đổi và phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và các quy luật kinh tế thị trường, nhất là quy luật giá trị đã ảnh hưởng trực tiếp đến những biến đổi trong các quan niệm về hạnh phúc, nghĩa vụ, lẽ sống và nhân cách con người Việt Nam, trong đó đã có sự xuất hiện của lối sống thực dụng.

Mặt trái nền kinh tế thị trường (KTTT) tác động đến nhân cách và vai trò của nhân cách thông qua việc giải quyết mối quan hệ giữa các lợi ích. Trong nền KTTT, lợi ích cá nhân được thừa nhận và coi trọng. Nó trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy mọi cá nhân phát huy tính tích cực, năng động và sáng tạo. Những cá nhân khi thực hiện hành vi theo đuổi lợi ích của mình, với một ý thức rõ rệt phải tỏ rõ khả năng và dám đối mặt, tự chịu trách nhiệm trong giới hạn pháp luật để giành lấy quyền lợi chính đáng của mình. Hành vi đó, tuy chưa nói đến tính cao thượng đạo đức nhưng ít nhất là nó bớt đi một số tính giả dối về đạo đức. Để thực thi lợi ích của mình, mỗi học viên phải tự vươn lên bằng nỗ lực trong học tập, rèn luyện bản thân, lao động và sáng tạo. Nó đào thải rất nghiêm khắc đối với sự trì trệ, bảo thủ và lạc hậu. Nhưng khi đề cao lợi ích cá nhân tới mức cực đoan và chỉ chú trọng những lợi ích vật chất sẽ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Đó là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng suy thoái, biến chất về đạo đức. Biểu hiện cụ thể ở lối sống thực dụng đó là: Luôn đặt lợi ích của mình lên trên mọi lợi của tập thể, cộng đồng và lợi ích của người khác, thậm chí, họ có thể chà đạp lên lợi ích của người khác. Để thoả mãn lợi ích vật chất, họ chạy theo đồng tiền, lao vào làm giàu bất chấp kỷ cương pháp luật, bất chấp đạo lý, tình người. Điều đó đã làm suy yếu mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội vốn là nền tảng trên đó hình thành những giá trị đạo đức và nhân cách.

Học viên đào tạo Sau đại học ở hệ 5, Học viện Chính trị có chức trách, nhiệm vụ là học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Chính trị. Tuy nhiên, trước sự tác động nhiều chiều của đời sống kinh tế, văn hoá - xã hội của đất nước, nhất là tác động tiêu cực từ mặt trái của nền KTTT cùng với những hạn chế trong tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, một số học viên đào tạo Sau đại học vẫn còn những biểu hiện do ảnh hưởng của lối sống thực dụng cả trong nhận thức, tư tưởng, hành vi. Ảnh hưởng của lối sống thực dụng đối với học viên Sau đại học còn biểu hiện trong tu dưỡng, rèn luyện, ý thức tổ chức kỷ luật và trong quan hệ xã hội có liên quan đến lợi ích của họ. Tâm lý so bì lợi ích giữa quân nhân trong đơn vị và người cùng trang lứa ở môi trường dân sự; tâm lý nghi kỵ, mất đoàn kết trong đơn vị; chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần dễ dẫn đến hành vi vi phạm kỷ luật buộc thôi học 02 trường hợp vay nợ không có khả năng chi trả. Nguyên nhân chính thuộc về nhận thức chưa tốt, trách nhiệm còn chưa cao trong việc rèn luyện ý thức tự giác chấp hành kỷ luật, tự học tự rèn, tự nghiên cứu và tự nâng cao năng lực của bản thân trong quá trình học tập công tác tại Học viện.

Ảnh minh họa (dangcongsan.vn)

Đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh là một trong những phẩm chất tiêu biểu của người cán bộ quân đội nói chung, người cán bộ chính trị, nhà khoa học nói riêng, đức tính này được biểu hiện ở sự đề kháng với mọi tình huống chính trị phức tạp từ tác động mặt trái của nền KTTT. Do đó, để khắc phục ảnh hưởng lối sống thực dụng trước tác động của mặt trái nền KTTT đến học viên đào tạo Sau đại học ở hệ 5, Học viện Chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tại đơn vị, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:

 Thứ nhất, phải làm tốt công tác giáo dục nhận thức, đặc biệt là giáo dục đạo đức lối sống cho học viên

Nội dung giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống là lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, những tiêu chuẩn xây dựng con người mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) như: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp. Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực... Trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng cũng nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hoá, nghĩa tình…”[1]. Từ đó để mỗi học viên luôn ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề của họ với Tổ quốc, với nhân dân và quân đội, khơi dậy ở họ niềm vinh dự, tự hào của “Bộ đội cụ Hồ” để mỗi người tự nguyện học tập, nghiên cứu khoa học phấn đấu sao cho xứng đáng với danh dự đó.

Thứ hai, xây dựng môi trường văn hoá quân sự trong sạch, lành mạnh trong tập thể quân nhân

Môi trường văn hoá quân sự đóng vai trò rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách người học viên. C.Mác cho rằng, hoàn cảnh tạo ra con người và trong một chừng mực nhất định, con người tạo ra hoàn cảnh. V.I.Lênin cũng khẳng định, giáo dục không nằm ngoài mối liên hệ hữu cơ với một hệ thống các mối quan hệ xã hội, không thể nằm ngoài một hoàn cảnh xã hội nhất định. Những chỉ dẫn kinh điển đó đem lại cho chúng ta ý tưởng về việc không thể xây dựng con người trong một môi trường xấu, một môi trường mà ở đó có những hành vi phản giáo dục, không có tính làm mẫu, nêu gương, không dân chủ, không có kỷ luật, kỷ cương, thiếu văn hoá, thiếu công bằng xã hội, vi phạm nhân cách con người, không có lối sống và nếp sống tốt đẹp…

Do đó, nội dung của xây dựng môi trường văn hoá ở Hệ Sau đại học, Học viện Chính trị hiện nay phải là xây dựng con người văn hoá, xây dựng hệ thống các quan hệ ứng xử văn hoá, xây dựng các hệ thống hoạt động văn hoá, các thiết chế văn hoá và hệ thống cảnh quan văn hoá. Trong đó, việc xây dựng con người với các quan hệ ứng xử có văn hoá giữa lãnh đạo với chỉ huy, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ, giảng viên với học viên, giữa đơn vị với chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực của mặt trái nền KTTT đến sự phát triển nhân cách học viên hiện nay.

Ngoài ra, thường xuyên quan tâm xây dựng dư luận tích cực trong tập thể đơn vị. Xét ở trong chừng mực nhất định thì dư luận luôn có vai trò to lớn trong việc cổ vũ, khích lệ hành vi tích cực; đồng thời ngăn chặn, đấu tranh, với những nhận thức và hành vi tiêu cực trong lối sống của quân nhân. Vì vậy, việc xây dựng dư luận tích cực trong tập thể các lớp học viên là một nội dung quan trọng trong xây dựng môi trường văn hoá trong sạch, lành mạnh. Đồng thời, thông qua đó nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của KTTT đến phát triển nhân cách học viên hiện nay.

Thứ ba, làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội và những tiêu cực, lạc hậu trong tập thể học viên hiện nay

Việc khắc phục những tác động mặt trái của nền KTTT đến sự phát triển nhân cách của học viên là kết quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập nền kinh tế quốc tế, cùng với sự nảy sinh và phát triển những nhân tố của lối sống xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong xã hội vẫn còn tồn tại, đan xen của những tư tưởng, đạo đức và lối sống cũ; trên mặt trận đấu tranh tư tưởng lý luận, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vừa ra sức tuyên truyền, cổ động cho lối sống tư sản phản động, vừa kích động, lôi kéo quay trở lại với những tập tục lạc hậu của lối sống cũ. Cùng với đó, sự hoà nhập với vòng xoáy chung của KTTT thì hiện nay cũng đã xuất hiện một số biểu hiện của tệ nạn xã hội trong đơn vị như cắm ký, vay nợ nặng lãi, lô đề… Chính vì vậy, bên cạnh việc đấu tranh nhằm cải tạo những tiêu cực, lạc hậu, những thói quen tập quán cũ trong lối sống của học viên cũng cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện của lối sống thực dụng phương Tây. Đây là cuộc đấu tranh rất gay go, quyết liệt, phức tạp đòi hỏi cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và có sự tham gia của các tổ chức, lực lượng trong toàn Học viện.

Trong quản lý học viên cần phải có nội dung toàn diện, sử dụng nhiều hình thức, biện pháp để quản lý, nắm chắc những biểu hiện lối sống thực dụng của họ để có những biện pháp tác động phù hợp. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi để nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật của học viên, khi phát hiện có những biểu hiện của lối sống thực dụng trong học viên cần phải đấu tranh, phê phán và xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc nhằm làm trong sạch đội ngũ và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của nó gây ra. Mọi sự bao che, dung túng cho những biểu hiện của lối sống thực dụng hoặc xử lý thiếu kiên quyết đều có tác động, ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học viên hiện nay. Làm tốt việv này đ òi hỏi phải dày công với sự tham gia của nhiều tổ chức, lực lượng, với nội dung, hình thức, biện pháp luôn được đổi mới và bổ sung kịp thời đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa nhằm phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

 Tác giả: Thiếu tá, ThS Trần Đình Quý, Hệ Sau đại học, Học viện Chính trị

            Thiếu tá, ThS Nguyễn Thanh Trà, Hệ Sau đại học, Học viện Chính trị

 

 

[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội – 2011, trang 76, 77.