Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, được chắt lọc, gạn đục khơi trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là phong tục, tập quán, tính cách, tâm lý, lối sống của con người Việt Nam; là khát vọng, ước mơ, hoài bão của con người được thụ hưởng thành quả lao động do chính mình làm ra; đó còn là sự phong phú, đa dạng của đời sống văn hóa tinh thần mà không một ai có thể cản trở, kìm hãm được. Các nhà hiền triết đã từng nói: Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Văn hóa có sức mạnh có sức mạnh vô biên, vượt không gian, thời gian, đó là những giá trị bất biến không bao giờ thay đổi, đó là ý thức tự tôn dân tộc, niềm kiêu hãnh về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, không bao giờ đầu hàng trước giặc ngoại xâm, cái xấu xa, thấp hèn, ti tiện. Vì thế, dưới gót giày xâm lược của các thế lực ngoại bang, chúng ta vẫn không bị đồng hóa, mai một các giá trị văn hóa, chính điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt như vậy, lại tóa sáng nền văn hoá rực rỡ đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, điều đó có nghĩa là trong mọi hoạt động của con người đều có văn hóa, đều có hồn thiêng của sông núi. Chính vì vậy, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Quan điểm trên của Đảng cho thấy, sự nhận thức về vai trò của văn hóa trong tiến trình phát triển ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; đưa văn hóa đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị, coi đó là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh “mềm”, sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sức mạnh “mềm” hiểu theo nghĩa thông thường có nghĩa là sự mềm hóa của các sự vật, hiện tượng, là khả năng cuốn hút người khác, không phức tạp hóa vấn đề, mọi việc đều có thể giải quyết được trên cơ sở tin cậy, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, đem lại những điều kiện thuận lợi nhất cho con người phát triển. Khi nói đến văn hóa, người ta thường nghĩ đến sự thưởng thức, hưởng thụ nhưng điều đó chưa đủ, đó chỉ là một vế của đời sống văn hóa tinh thần, ẩn ở đằng sau tầng sâu của văn hóa là lối sống văn hóa, con người văn hóa, đạo đức văn hóa, cách đối nhân xử thể, ứng xử giữa con người với xã hội, giữa con người với thiên nhiên, nói rộng hơn là cốt cách, phong thái của một dân tộc có chiều sâu văn hóa. Theo đó, sức mạnh “mềm” của văn hóa là tổng hợp những giá trị văn hóa tinh thần và vật chất được huy động, sử dụng vào các mục đích khác nhau, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển đi lên của đất nước một cách ổn định, bền vững. Sức mạnh mềm của văn hóa không phải là cái gì đó quá cao siêu, xa vời, khó hiểu, rất gần với đời sống sinh hoạt đời thường của mỗi con người, đó là ý thức tự tôn dân tộc, khí phách, bản lĩnh kiêu hãnh không bao giờ lùi bước, đầu hàng trước cuộc đời, số phận; đó là sự khát khao được giao hòa với thiên nhiên, tận hưởng giây phút thăng hoa của cuộc sống sau một ngày làm việc vất vả, áp lực, thưởng thức những món ăn, sản phẩm do chính mình làm ra, hay của xã hội đem lại, được du ngoại, thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh để nâng tầm hiểu biết của bản thân Những giá trị văn hóa đó ở những khía cạnh khác nhau, bối cảnh khác nhau đã trở thành sức mạnh mềm, tạo thành nguồn lực quan trọng để chúng ta chiến thắng tất cả, viết nên bản anh hùng ca về bản lĩnh, ý chí con người Việt Nam ở mọi giai đoạn, thời kỳ lịch sử.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, sức mạnh “mềm” của văn hoá Việt Nam được phát huy ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở thời điểm, giai đoạn khó khăn, thử thách, sức mạnh mềm của văn hóa được nhân lên trở thành động lực chủ yếu của công cuộc dựng nước và giữ nước. Ông, cha ta đã huy động đến mức tối đa truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam vào cuộc đấu tranh cách mạng với các thế lực ngoại bang, mặc dù, quân địch có ưu thế vượt trội về tiềm lực quân sự, khi đặt chân đến Việt Nam đều bị thất bại, bởi tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, cách đánh thông minh, sáng tạo con người Việt Nam. Chúng ta chiến thắng tất cả vì chúng ta có nền văn hóa lâu đời, nền văn hóa đó được đánh thức, khơi dậy, được kết hợp với các yếu tố khác, tạo thành sức mạnh “mềm” vô cùng đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước hiện nay là minh chứng cho việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa vào mỗi lĩnh vực, ngành nghề hoạt động khác nhau, nhiều giá trị văn hóa, con người Việt Nam được huy động, trở thành biểu tượng sáng ngời cho hình ảnh, đất nước con người Việt Nam mến khách, yêu chuộm hóa bình, được thế giới đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, hiện nay trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự ru nhập của văn hóa phương Tây ồ ạt, không có chọn lọc, kế thừa, nhiều giá trị văn hóa của dân tộc đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên, thậm trí là sự lai căng, phản văn hóa, phi văn hóa, thương mại hóa văn hóa; sức mạnh “mềm” của văn hóa không được phát huy đầy đủ, đúng nghĩa, trở thành rào cản ngăn chặn không cho những giá trj văn hóa tốt đẹp của dân tộc được tỏa sáng ở những khu vực, thời điểm nhất định; sức mạnh “mềm” của văn hóa biến thành nơi trao đổi, mua bán, giao dịch... Vì vậy, để phát huy sức mạnh “mềm” của văn hóa xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hóa.

Nước ta với 54 dân tộc anh em, 60% dân số sống ở nông thôn, bức tranh văn hóa làng quê ở nước ta rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có sức lôi cuốn rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, du ngoại, thưởng thức văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa của dân tộc ta rất gần gũi, giản dị với con người, được sáng tạo, đúc kết từ chính thực tiễn đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, chống lại thiên nhiên, có tác dụng rất tích cực để gắn kết con người lại với nhau, hướng đến xây dựng một cuộc sống văn minh, tốt đẹp, hạnh phúc bền vững ở tương lai. Do vậy, các tổ chức, lực lượng ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân về công trình văn hóa vật thể, phi vật thể, đó chính là sức mạnh “mềm” của nền văn hóa dân tộc cần phải được gìn giữ, lưu truyền và phát triển ở mọi lúc, mọi nơi; đa dạng hoá các nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục; tổ chức những hoạt động văn hóa thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa mới, những phong trào thi đua yêu nước ở địa phương gắn với xây dựng văn hoá gia đình, văn hóa nông thôn; khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội để cổ vũ cái hay, cái tiến bộ, đẩy lùi cái lạc hậu, phản văn hóa, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Hai là, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, biện pháp phát huy sức mạnh “mềm” của văn hóa.

Nhân dân là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa vật thể và phi vật thể, đến lượt mình nền văn hóa đó lại phục vụ cho chính cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, thể hiện ở nhiều cung bậc, cảm xúc, nấc thang phát triển khác nhau. Sức mạnh mềm của văn hóa không những thể hiện ở sự thưởng thức văn hóa, hưởng thụ văn hóa mà con được biểu hiện ở tâm lý, tính cách, bản lĩnh, niềm tin và sự khát khao vươn lên của mỗi con người. Đó chính là sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với xã hội, do vậy, nội dung tuyên truyền, giáo dục sức mạnh mềm của văn hóa là sự thống nhất giữa tính dân tộc và thời đại, giữa kế thừa và phát triển, cập nhật, bổ sung nội dung mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động trong và ngoài nước trên lĩnh vực văn hóa; quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; văn hóa vùng miền Về hình thức, biện pháp được thực hiện thông qua lễ hội truyền thống, sáng tác của giới văn nghệ sĩ, thông qua truyền hình Trung ương, địa phương; tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh văn hóacủa dân tộc; giới thiệu danh lam, thắng cảnh, văn hóa con người Việt Nam

Ba là, có những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để phát huy sức mạnh “mềm” của văn hóa.

Sức mạnh “mềm” của văn hóa chỉ được phát huy đầy đủ, hiệu quả khi chủ thể quản lý là Đảng, Nhà nước có những cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, kịp thời. Mặc dù nhân dân lao động là chủ nhân của nền văn hóa, sáng tạo ra văn hóa, nhưng không có những cơ chế, chính sách giữ gìn, bảo tồn thì không thể phá huy được sức mạnh mềm của văn hóa. Theo đó, Đảng, Nhà nước cần rà soát, đánh giá lại hệ thống những văn bản, chỉ thị, hướng dẫn về văn hóa, con người Việt Nam còn phù hợp, hợp lý không, nếu không phù hợp thì xóa bỏ, ban hành văn bản mới; phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, chức năng, ban ngành quản lý các hoạt động văn hóa ở địa phương, chấn chỉnh những hoạt động văn hóa không lành mạnh, ảnh hưởng đến phong tục, truyền thống của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hoá ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương theo những tiêu chí, quy định cụ thể cho từng đối tượng; việc tổ chức những hoạt động văn hoá ở địa phương phải bảo đảm vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, cỗ vũ, động viên con người phát triển đi lên, đẩy lùi những tiêu cực, hạn chế trong xã hội.

Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, giản dị, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, giản dị có ý nghĩa rất quan trọng để phát huy sức mạnh mềm của văn hoá. Theo đó, cần ngăn chặn không cho văn hóa phẩm đồi truỵ, những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa, vô văn hóa xâm nhập vào trong đời sống của con người; kiên quyết đấu tranh loại bỏ những cái xấu xa, thấp hèn, việc làm ti tiện, đớn hèn về văn hóa; khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, các loại hình văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa vui tươi, lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân; quan tâm, chăm lo đến đời sống gia đình khó khăn, thiếu thốn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, thưởng thức nhu cầu văn óacho các tầng lớp nhân dân; xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp với địa phương, yêu cầu, nhiệm vụ, bảo đảm tính linh hoạt, sáng tạo trong mỗi suy nghĩ, hành động của con người. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau một cách chân tình trong cuộc sống, cũng như trong công việc; không tạo ra những áp lực cho nhau, xô đẩy con người vào ngõ cụt, tìm mọi cách để đấu đá, hạ bệ, nói xấu nhau, không cho con người có điều kiện, cơ hội phát triển. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng. Đảng ta cũng nhấn mạnh: Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hoá thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Môi trường văn hóa phải thật sự thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc, tất cả vì con người, hướng đến con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Có như vậy, sức mạnh “mềm” của văn hóa mới được khơi dậy, phát huy một cách mạnh mẽ, trở thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Văn hóa là tấm thẻ căn cước để phân biệt, nhận biết giữa người này với người khác, gia đình này với gia đình khác, địa phương này với địa phương khác; do đó, phát huy sức mạnh “mềm” của văn hóa, chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến những yếu tố bên trong thể hiện ở những suy nghĩ, hành động của con người với văn hóa đó chính là sức mạnh nội sinh, nguồn gốc quan trọng để chúng ta khơi dậy, ý chí khát vọng của cả dân tộc, thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu, nội dung của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, nhất là những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, để công tác văn hoá sẽ có những chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Đại tá Nguyễn Văn Hùng

 Khoa Binh chủng, Trường Sĩ quan Lục quân 1