Hiện nay, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đặt ra cho nhiệm vụ giáo dục - đào tạo toàn quân nói chung, Học viện Quốc phòng nói riêng yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quốc phòng xác định: phải tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết số 29/NQ-TW (Hội nghị Trung ương 8, khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Nghị quyết 1657/NQ-QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng dạy và học là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu phấn đấu của Học viện Quốc phòng. Học viện tích cực tiến hành đổi mới nội dung, chương trình và đẩy mạnh phương pháp dạy học tích cực; gắn thực hiện phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị” với thực hiện chủ trương “Ba thực chất”, “Hai thiết thực”, luôn chú trọng đổi mới khâu đánh giá chất lượng huấn luyện, nhất là tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả cho học viên góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện - đào tạo trong tình hình mới.
Buổi thi hết môn Quốc phòng an ninh của học viên lớp Đào tạo cao cấp ngắn hạn CH-TM cấp CD-CL khóa 49A
Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục - đào tạo, từ Học kỳ II năm học 2022 - 2023, Học viện Quốc phòng đã tiến hành đưa hình thức thi tự luận kết hợp trắc nghiệm khách quan vào thi hết môn học cho đối tượng đào tạo theo chức vụ với 5 môn thi (QPAN, CH-TM, NTCD, CLQS); thời gian làm bài 03 tiết, trong đó 02 tiết làm bài tự luận và 01 tiết làm bài trắc nghiệm khách quan.
Trước đây, hình thức thi chủ yếu là thi đề đóng với cách ra đề là trình bày hoặc nêu một vấn đề nào đó trong chương trình học thì hiện nay hình thức thi phong phú hơn, gồm thi đề mở, thi vấn đáp, thi tự luận kết hợp trắc nghiệm. Đổi mới hình thức thi không chỉ thể hiện ở sự đa dạng hình thức thi mà còn thể hiện cả ở cách thức tổ chức thi. Nội dung câu hỏi thi có sự đổi mới theo hướng lý luận gắn với thực tiễn hoặc đi sâu vào bản chất của vấn đề được nghiên cứu chứ không đơn thuần trình bày lại các nội dung của chương trình học. Từ đó giúp gợi mở, phát triển tư duy, chủ động, sáng tạo của người học. Đổi mới thi cử còn thể hiện việc thực hiện đúng quy chế của Học viện Quốc phòng từ khâu ra đề, đáp án và bảo đảm bí mật đề thi. Đổi mới hình thức thi như trên đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Học viện. Cụ thể:
Phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm khách quan
Thứ nhất, ý thức học tập của học viên được nâng lên. Nếu trước đây, không ít học viên học theo kiểu qua loa, chiếu lệ, chưa đầu tư thời gian nghiên cứu, học tập, chưa thật sự chú ý nghe giảng, đào sâu suy nghĩ thì hiện nay, đại đa số học viên đều nhận thức rằng nếu chỉ kiểm tra kiến thức đã học, không tự nghiên cứu mở rộng, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn sẽ không thể đạt kết quả tốt trong học tập. Từ nhận thức đó, bản thân mỗi học viên đều đã phấn đấu nghiên cứu học tập tốt, lắng nghe giảng, chủ động trong nghiên cứu học tập. Đây là sự thay đổi lớn về ý thức học tập của học viên.
Thứ hai, tạo sự phân hóa rõ hơn trong đánh giá chất lượng học viên. Kết quả thi là một căn cứ quan trọng trong đánh giá chất lượng học viên, phân loại học viên. Học viên nào đầu tư nghiêm túc cho việc nghiên cứu, học tập thì kết quả nhận được tốt và ngược lại. Hiện nay, điểm thi của các lớp đã có sự chuyển biến rõ nét. Nếu trước đây ít có học viên không đạt yêu cầu khi thi, điểm khá, giỏi nhiều thì hiện nay có nhiều loại điểm hơn: Trung bình khá, Khá, Giỏi, Xuất sắc. Những bài điểm giỏi tăng lên. Các bài thi của học viên cũng không còn “khuôn mẫu cứng” nữa mà đã có phạm vi bao quát rộng, dự báo xa của tư duy cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; thể hiện được nhận thức riêng của bản thân khá rõ nét.
Đồng chí Trưởng phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng GD-ĐT quán triệt trước khi thi.
Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua học tập sôi nổi. Do cách thức tổ chức thi tự luận kết hợp trắc nghiệm, số lượng câu hỏi của bài thi nhiều, đề thi không trùng lặp, tổ chức thi nghiêm túc nên không còn hiện tượng sử dụng tài liệu trong phòng thi. Mặc dù đối tượng học viên của Học viện là cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ nguồn của các cơ quan, ban ngành và của cấp cơ sở, nhưng trong một môi trường sư phạm đề cao chất lượng học tập, các đề thi đòi hỏi người học phải độc lập trong tư duy. Do đó đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và công tác tốt” gắn với thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục - đào tạo” trong toàn Học viện.
Thứ tư, chất lượng sau đào tạo được nâng cao. Chất lượng sau đào tạo chính là khả năng vận dụng kiến thức được trang bị ở nhà trường vào quá trình công tác ở đơn vị. Chất lượng sau đào tạo chỉ có được trên cơ sở các kiến thức và phương pháp tư duy học viên được trang bị trong quá trình tham gia học tập. Muốn các kiến thức đó khắc ghi, trở thành kỹ năng, kỹ xảo thì học viên phải biến nó thành của mình, nghĩa là phải học tập thực sự. Việc đổi mới hình thức thi hết môn học trong thời gian vừa qua bước đầu đã góp phần hiện thực được yêu cầu trên đối với học viên.
Nhận thức ý nghĩa của việc đổi mới hình thức thi đến việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, trong thời gian tới Học viện tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, những hình thức thi khoa học, phù hợp với trình độ của học viên để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo xứng đáng là một trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước./
Đại úy QNCN, Phạm Thị Thanh Nga
Nhân viên Phòng Khảo thí & ĐBCLGD-ĐT