Trên sơ sở quán triệt, thực hiện mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Để nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đối tượng, Khoa chiến lược đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp huấn luyện, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giờ giảng, bài giảng, gắn truyền thụ kiến thức lý luận với tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tiễn để kịp thời cung cấp kiến thức mới, toàn diện cho người học.

Thực hiện phương châm “Chất lượng huấn luyện của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, các chuyên đề lý luận, bài tập của Khoa luôn được xây dựng trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Lớp Đào tạo dài hạn chỉ huy  -  tham mưu chiến dịch, chiến lược khóa 12 nghiên cứu thực tế tại Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương (ngày 06/10/2023

Để kịp thời cập nhật kiến thức thực tiễn cho người học, lãnh đạo, chỉ huy Khoa chiến lược đã thường xuyên đề xuất với Thủ trưởng Ban Giám đốc Học viện, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp nghiên cứu thực tế phù hợp; phân công, giao nhiệm vụ cho giảng viên xây dựng kế hoạch, liên hệ khảo sát địa bàn trước khi đưa học viên đi nghiên cứu một cách chặt chẽ, đúng kế hoạch. Để triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế cho các đối tượng đào tạo, Khoa tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:

Lựa chọn các chuyên đề nghiên cứu phù hợp với đối tượng học viên: Khoa Chiến lược đảm nhiệm huấn luyện cho nhiều đối tượng khác nhau, trong đó tập trung huấn luyện cho các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; lớp đào tạo chỉ huy tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược; các lớp nghiên cứu sinh và cao học cho cả học viên trong nước và quốc tế. Nội dung huấn luyện đa dạng, tập trung trang bị cho người học những vấn đề lý luận chung về chiến lược; Chiến lược quốc phòng; Chiến lược quân sự và Lịch sử nghệ thuật quân sự.

Đây là những nội dung vừa mang tính lý luận, nguyên tắc, vừa phản ánh thực tiễn công tác quán triệt, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở. Song, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo gắn với chuẩn đầu ra cho từng đối tượng, lãnh đạo, chỉ huy Khoa đã chỉ đạo các bộ môn nghiên cứu, lựa chọn nội dung, lĩnh vực nghiên cứu sát với từng đối tượng học viên, qua đó giúp người học củng cố lý luận, bổ sung kiến thức mới, kinh nghiệm từ thực tiễn để vận dụng sáng tạo vào hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

 

Lớp Cao học khóa 32 và lớp Cao học 26 (Quân đội nhân dân Lào) học tập nghiên cứu tại Lạng Sơn do đ/c đại tá Nguyễn Quốc Thanh - Phó chủ nhiệm Khoa Chiến lược làm trưởng đoàn (ngày 11/10/2023)

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, hệ quản lý học viên và đơn vị, địa phương để xây dựng kế hoạch đi khảo sát, nghiên cứu thực tế, tổ chức tốt các mặt bảo đảm: Trên cơ sở nội dung đã lựa chọn, để tổ chức các buổi đi nghiên cứu thực tế đạt hiệu quả cao, Khoa đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và hệ quản lý học viên, xây dựng kế hoạch đi khảo sát, kế hoạch nghiên cứu, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, lĩnh vực, ngành, địa điểm nghiên cứu, tổ chức thành phần lực lượng, phân công cán bộ phụ trách, triển khai công tác chuẩn bị chặt chẽ. Liên hệ với địa phương, cơ quan và đơn vị cơ sở tạo điều kiện giúp đỡ, cung cấp tình hình địa bàn, hỗ trợ công tác bảo đảm hậu cần, nơi ăn nghỉ và các mặt công tác liên quan khác tạo điều kiện thuận lợi để đoàn nghiên cứu hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Đoàn cán bộ, giảng viên đi khảo sát, liên hệ công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An do đ/c đại tá Ngô Quốc Hải - Chủ nhiệm bộ môn Chiến lược quốc phòng làm trưởng đoàn (ngày 03/10/2023)

Phân công giảng viên chuẩn bị nội dung giới thiệu, vấn đề định hướng người học tìm hiểu, nghiên cứu: Chuẩn bị tốt nội dung, vấn đề nghiên cứu để định hướng người học tập trung làm rõ là một nội dung rất quan trọng, tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động nghiên cứu thực tế. Đây là khâu thể hiện vai trò tổ chức hoạt động học của giảng viên, đồng thời làm tốt khâu này sẽ góp phần phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học trong quá trình nghiên cứu thực tế. Nội dung nghiên cứu là toàn diện, trong đó tập trung làm rõ thực trạng, bài học kinh nghiệm về hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quán triệt, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh; nghiên cứu môi trường tự nhiên, xã hội gắn với phương án tác chiến trên một số địa bàn trọng điểm….Từ các vấn đề lý luận và thực tiễn, giảng viên định hướng học viên tư duy, luận giải các vấn đề về nhận thức, qua đó giúp người học lĩnh hội kiến thức, củng cố lý luận, từ đó góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

          Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của kiến thức thực tiễn đối với công tác đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và cán bộ nghiên cứu khoa học. Trong những năm qua, Khoa Chiến lược đã thường xuyên đổi mới nội dung, vận dụng sáng tạo các hình thức và phương pháp huấn luyện, triển khai đồng bộ, chặt chẽ các nội dung giải pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế, kịp thời cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức thực tiễn cho người học qua đó góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của khoa nói riêng, chất lượng huấn luyện đào tạo của Học viện nói chung./.

                                                                        Trung tá Phan Văn Liêm

                                                            Giảng viên Khoa Chiến lược/HVQP