Thực hiện chủ trương tăng cường học tập, nghiên cứu thực tế làm cơ sở nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, theo Kế hoạch đã được Giám đốc Học viện phê duyệt và sự tạo điều kiện của các đơn vị thuộc Quân khu 3, Bộ đội Biên phòng và Quân chủng Hải quân, Đoàn công tác Khoa Hậu cần - Kỹ thuật do đồng chí Đại tá, PGS, TS Nguyễn Long, Chủ nhiệm Khoa làm trưởng đoàn đã đến tham quan, nghiên cứu thực tế tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 (Đoàn 327) Quân khu 3, Đồn Biên phòng Pò Hèn, Lữ đoàn Tàu tuần tiễu đổ bộ 169/Vùng 1 Hải quân với mục đích tìm hiểu nhiệm vụ, phương thức hoạt động của những đơn vị đóng quân vùng ven biên giới, cửa biển để tăng cường kiến thức, nhãn quan quân sự cho cán bộ, giảng viên của Khoa.

Làm việc với đồng chí Đại tá Phạm Khắc Dũng, Đoàn trưởng Đoàn 327, Khoa đã có cơ hội tìm hiểu rõ hơn nhiệm vụ của các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng trong toàn quân, đó là lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng được Quân đội giao triển khai xây dựng khu kinh tế - quốc phòng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt phù hợp với chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, phòng thủ quân khu và phòng thủ tỉnh, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đó tạo sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tại khu vực biên giới, góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Khoa Hậu cần – Kỹ thuật đã trực tiếp tiếp xúc, tham quan, nghiên cứ thực tế tại Lâm trường 27 và Trung đoàn bộ binh 42, hai trong những đơn vị trực thuộc Đoàn 327. Tại đây, cán bộ, giảng viên của Khoa đã được Chỉ huy các đơn vị giới thiệu về lịch sử hình thành cũng như nhiệm vụ của đơn vị mình, qua đó tìm hiểu được kỹ hơn các mặt công tác của Đoàn 327.

Tại Lâm trường 27, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Nông trường có nhiệm vụ triển khai, thực hiện có hiệu quả dự án phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức xây dựng, duy trì các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, nhân rộng cho nhân dân tham quan, học tập. Đơn vị thường xuyên thực hiện tốt công tác Đảng, công tác chính trị, hậu cần, kỹ thuật, dân vận, chính sách và các mặt công tác khác cũng như tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Tại Trung đoàn 42, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, đơn vị còn tham gia tích cực vào các hoạt động dân vận, giúp đỡ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển mô hình kinh tế mới, từ đó cải thiện đời sống người dân tại các khu vực khó khăn​. Cùng với các đơn vị khác thuộc Đoàn 327, Trung đoàn đã tham gia xây dựng các điểm dân cư mới, tu sửa, chỉnh trang khuôn viên trường học và giúp đỡ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình nghèo. Những hoạt động này không chỉ củng cố an ninh quốc phòng mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biên, là một biểu tượng của sự kết hợp giữa nhiệm vụ quân sự và phát triển kinh tế, phản ánh đúng tinh thần của Đoàn 327, Quân khu 3.    

Khoa Hậu cần – Kỹ thuật đã thăm, dâng hương tại di tích lịch sử Khe Tù (thực dân Pháp xây dựng năm 1943, với các máy chém lộ thiên ngoài trời. Những chiến sĩ công sản chúng bắt được sẽ bị hành quyết rồi đem xác cho vào bao tải quẳng xuống sông) hiện đang do Trung đoàn quản lý. Đây là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh và nhân dân trên địa bàn.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại vùng biên giới phía Bắc, Khoa Hậu cần - Kỹ thuật đã có dịp đến làm việc với Đồn Biên phòng Pò Hèn và thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Nơi đây, ngày 17/2/1979, 86 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh), cán bộ Lâm trường Hải Sơn và nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã anh dũng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.      

Ngay khi đặt chân đến Khu di tích, đoàn công tác đã tổ chức lễ thắp hương, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Không khí trang nghiêm, thành kính bao trùm lên toàn bộ buổi lễ, từng nén hương được thắp lên mang theo lời nguyện cầu cho sự bình an của các anh hùng đã yên nghỉ nơi đây.

Sau lễ thắp hương, đoàn công tác đã có buổi làm việc với đơn vị biên phòng đang trông coi Khu di tích. Các cán bộ biên phòng đã cung cấp những thông tin quý giá về lịch sử của Khu di tích cũng như quá trình hình thành và bảo vệ khu vực biên giới này. Đoàn đã lắng nghe về trận chiến ác liệt diễn ra tại Pò Hèn, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Những câu chuyện về lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ Pò Hèn được kể lại, như một lời nhắc nhở về sự hy sinh lớn lao mà họ đã cống hiến cho đất nước. Cuộc trao đổi không chỉ giúp đoàn hiểu rõ hơn về lịch sử mà còn củng cố thêm tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ và gìn giữ những di tích lịch sử quý báu này.

Sau khi kết thúc chuyến thăm quan Đoàn 327, Khoa Hậu cần – Kỹ thuật tới thăm và làm việc với Lữ đoàn 169/Vùng 1 Hải quân tại cảng Vạn Hoa, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đơn vị có tuổi đời trẻ nhất của Quân chủng Hải quân, được thành lập ngày 23/02/2023. Đồng chí Đại tá Hoàng Ngọc Tuấn, Lữ đoàn trưởng đã trực tiếp trao đổi, giới thiệu về nhiệm vụ của Lữ đoàn, đó là bảo vệ chủ quyền biển, đảo; vận tải chi viện đảo; vận tải đổ bộ; tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.     

Dù mới thành lập trong thời gian ngắn nhưng Lữ đoàn đã chỉ đạo hơn 223 lượt tàu, xuồng thực hiện các nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó Lữ đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác dân vận để xây dựng địa bàn đóng quân an toàn, tạo được mối quan hệ tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương nơi đơn vị đóng quân như kết nghĩa với 17 tổ chức chính trị - xã hội trên các địa bàn đóng quân; cán bộ, chiến sỹ đơn vị tích cực tham gia các hoạt động “Tết hải đảo thắm tình quân dân”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, hỗ trợ các gia đình cận nghèo, ra quân làm sạch biển bảo vệ môi trường…; từ đó góp phần củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn, làm cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Tại Lữ đoàn, đoàn công tác Khoa Hậu cần – Kỹ thuật đã thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Hải đội tàu pháo 07, đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tiễu, tuần tra, quản lý vùng biển khu vực phía Bắc Tổ quốc.

Kết thúc chuyến công tác, Khoa Hậu cần – Kỹ thuật không những được nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm về công tác kinh tế - quốc phòng, sự kết hợp giữa nhiệm vụ quân sự và phát triển kinh tế, công tác dân vận, củng cố quốc phòng an ninh trên các địa bàn trọng yếu, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, mà còn được tri ân và nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Những trải nghiệm tại các đơn vị ven biên giới, ven biển cũng như tại Di tích Quốc gia Pò Hèn đã tạo động lực cho đoàn công tác tiếp tục nỗ lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc giữ gìn và phát huy giá trị của những di tích lịch sử này không chỉ là trách nhiệm của các thế hệ hiện tại mà còn là sứ mệnh đối với tương lai của dân tộc.

Tin, bài và ảnh: Thiếu tá, ThS Phạm Hồng Hải

Khoa Hậu cần – Kỹ thuật/ Học viện Quốc phòng