Một trong những thành công nổi bật của Khoa Quân sự địa phương trong những năm qua là tập trung vào đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá kết quả đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện của Học viện Quốc phòng.
Khoa Quân sự địa phương đã chú trọng vào đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng đào tạo; chú trọng vận dụng phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm thực tiễn của người học vận dụng vào nghiên cứu lý luận nâng cao năng lực tư duy trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự và xử lý giải quyết các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra ở địa phương. Quá trình đổi mới, chương trình, nội dung, Khoa Quân sự địa phương luôn bám sát sự phát triển của khoa học nghệ thuật quân sự, nhất là công tác quốc phòng, quân sự ở địa phương.
Lãnh đạo Khoa Quân sự địa phương bồi dưỡng nghiệp vụ cho giảng viên trong khoa. |
Sau 45 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Khoa Quân sự địa phương đã tham gia giảng dạy chuyên ngành quốc phòng, quân sự địa phương cho 10 khóa đào tạo cao cấp chỉ huy - tham mưu cấp chiến dịch - chiến lược; 47 khóa đào tạo cao cấp ngắn hạn chỉ huy tham mưu chiến dịch - chiến lược; 42 khóa đào tạo cao cấp ngắn hạn QSĐP; 18 khóa đào tạo cao cấp ngắn hạn tham mưu tác chiến chiến dịch - chiến lược; 30 khóa đào tạo cao học; 28 khóa đào tạo nghiên cứu sinh; 83 khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đối tượng 1.
Bên cạnh đó, Khoa Quân sự địa phương đã tham gia đào tạo quốc tế được 3 khóa đào tạo ngắn hạn chỉ huy tham mưu cao cấp chiến dịch - chiến lược Quân đội nhân dân Lào; 18 khóa Quân đội Hoàng gia Campuchia; 12 khóa đào tạo thạc sĩ khoa học quân sự và 13 khóa đào tạo tiến sĩ khoa học quân sự cho Quân đội nhân dân Lào. Ngoài ra, Khoa Quân sự địa phương đã cử cán bộ sang chuyên gia cho Học viện Quốc phòng Cay-xỏn-Phôm-vi-hẳn (Lào) theo kế hoạch hợp tác và đối ngoại quốc phòng của quân đội hai nước.
Cùng với làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa đã tập trung đột phá vào những vấn đề mới mà công tác nghiên cứu, giảng dạy và thực tiễn công tác quốc phòng, quân sự đặt ra, nhất là về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; vận hành cơ chế, xử trí giải quyết các vấn đề phức tạp về quốc phòng, an ninh, những tác động phát triển mới về đặc điểm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai tác động đến xây dựng và hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, Khoa Quân sự địa phương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của hội đồng khoa học cấp khoa, khơi dậy tính tích cực, chủ động của cán bộ, giảng viên trong sinh hoạt khoa học, tham gia đóng góp ý kiến vào các tài liệu, đề tài; phân công giảng viên có kinh nghiệm bồi dưỡng giảng viên mới.
Khoa đã biên soạn hàng trăm đầu tài liệu cấp bộ, cấp học viện, cấp khoa phục vụ nghiên cứu, giảng dạy cho các đối tượng đào tạo. Hàng năm, mỗi cán bộ, giảng viên đều viết từ 1 đến 2 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí.
Đến nay Khoa Quân sự địa phương đã nghiên cứu thành công 25 đề tài khoa học cấp Học viện và 15 đề tài cấp ngành; tham gia nhiều đề tài cấp bộ, cấp nhà nước thuộc chuyên ngành quốc phòng và quân sự địa phương, góp phần bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai phục vụ cho công tác giảng dạy của Khoa và hoạt động thực tiễn của các đơn vị, địa phương.
Trong thời gian tới, Khoa Quân sự địa phương tiếp tục bám sát, cập nhật và vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự địa phương vào huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện Quốc phòng. Bên cạnh đó, Khoa Quân sự địa phương tập trung xây dựng, tạo nguồn, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ngang tầm nhiệm vụ. Trọng tâm là xây dựng chuẩn hóa đội ngũ giảng viên bảo đảm về số lượng, chất lượng, trong đó chú trọng cử cán bộ đi học các lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia học các lớp chức danh do Học viện Quốc phòng tổ chức; cử đi dự nhiệm, nghiên cứu thực tế tại các địa phương, đơn vị nhằm củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên.
Khoa Quân sự địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan đào tạo trong xây dựng chương trình, tổ chức huấn luyện cho tất cả các đối tượng học viên trong Học viện theo kế hoạch, chấp hành đúng quy chế, bảo đảm thời gian và chất lượng của từng bài giảng, bảo đảm bài giảng có tính lý luận sâu sắc, thực tiễn phong phú và tính dự báo cao. Tập trung nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu bảo đảm tính cơ bản, thống nhất, chuyên sâu, gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật những phát triển mới, có tính khái quát, liên thông giữa các loại hình đào tạo, phù hợp với từng đối tượng, với tư duy mới về quốc phòng và nghệ thuật quân sự Việt Nam; tranh thủ xin ý kiến tham vấn và mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về công tác quốc phòng, Quân sự địa phương đóng góp ý kiến, bổ sung, hoàn thiện vào các tài liệu, đề tài do Khoa đảm nhiệm.
Thực hiện phương châm “Kết quả huấn luyện ở các học viện, nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị”, Khoa Quân sự địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng Học viện Quốc phòng xứng đáng là trung tâm hàng đầu của quốc gia về đào tạo quân sự-quốc phòng cho cán bộ cấp chiến dịch-chiến lược của quân đội và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị ở nước ta.
0 Thích Trả lời 20/12/2021 09:53:15
1 Thích Trả lời 20/12/2021 09:50:50