Phong cách diễn đạt là một bộ phận cấu thành phong cách Hồ Chí Minh, là lề lối, cách thức, phong thái, phong độ, phẩm cách có tính chất hệ thống, ổn định được thể hiện trong hoạt động diễn đạt nói và viết; có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người đọc, người nghe, tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của Hồ Chí Minh. Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh có ba đặc trưng cơ bản:
Thứ nhất, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh luôn xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích và phương pháp diễn đạt, nghĩa là tìm cách nói, cách viết cho đúng chủ đề, cho phù hợp với đối tượng, nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Hồ Chí Minh luôn xác định: Nói, viết cho ai ? Nói, viết cái gì? Nói, viết để làm gì ? Nói, viết như thế nào? Đây là nguyên tắc định hướng cách diễn đạt của Hồ Chí Minh. Đối với Hồ Chí Minh, mỗi đối tượng khác nhau luôn có cách nói, cách viết khác nhau.
Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn đề cao tính chân thực, bởi nó vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Người thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “Điều gì biết thì nói, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”; “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”[1].
Thứ ba, diễn đạt ngắn gọn trong sáng, giản dị, dễ nhớ, dễ hiểu, có nghĩa là khi viết, khi nói phải rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung, thiết thực, chắc chắn, cô đọng, hàm súc, ý nhiều, lời ít, không có lời thừa, chữ thừa; phải luôn thể hiện “một cái tối đa về ý trong một cái tối thiểu về lời”. Theo Hồ Chí Minh, muốn diễn đạt trong sáng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, trước hết phải học cách nói của quần chúng, phải thấy được cái giản dị, mộc mạc trong cách nói của quần chúng để học, bởi đó là cách nói rất linh hoạt, thiết thực lại giản đơn, không khô khan, cứng nhắc. Người dạy: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”[2]. Để nói, viết được trong sáng, giản dị, Hồ Chí Minh yêu cầu, cần chống căn bệnh nói dài, nói nhiều, chống thói ba hoa, dài dòng, rau muống và chống việc sính dùng các từ ngoại.
Để tiếp tục học tập, rèn luyện, bồi dưỡng theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh, góp phần hoàn thiện phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giảng viên của Khoa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Học viện hiện nay để mỗi bài giảng, mỗi giờ lên lớp, mỗi công trình khoa học thật sự đạt chất lượng tốt nhất, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với việc bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên trong Khoa
Đây là biện pháp có ý nghĩa quyết định đối với việc rèn luyện, bồi dưỡng phong cách diễn đạt cho đội ngũ giảng viên. Theo Hồ Chí Minh: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được”[3]. Do đó, cấp ủy, chi bộ, chỉ huy Khoa và bản thân mỗi giảng viên với tư cách là chủ thể trực tiếp của quá trình bồi dưỡng cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Tuyên truyền, giáo dục làm sâu sắc hơn các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của các cấp, nhất là Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII); Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII); Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc về nhận thức, việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm trong bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh của đội ngũ giảng viên.
Hai là, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên trong Khoa.
Đây là biện pháp vừa cơ bản, cấp bách vừa thường xuyên của quá trình bồi dưỡng phong cách diễn đạt cho giảng viên. Chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh không chỉ phụ thuộc vào khâu lãnh đạo, chỉ đạo, mà còn phụ thuộc rất lớn vào hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện. Vì vậy, các kế hoạch, nội dung bồi dưỡng phải khoa học, rõ ràng, cụ thể, sát với trình độ, khả năng của từng giảng viên; chuyển hóa các đặc trưng trong phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thành những kỹ năng riêng có của từng giảng viên, phù hợp với từng chuyên ngành khác nhau.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp bồi dưỡng như: lồng ghép việc bồi dưỡng với thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; lựa chọn, xây dựng cá nhân điển hình về bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh; kết hợp quá trình bồi dưỡng với quá trình thục luyện, thông qua bài giảng, các đợt thi giáo viên dạy giỏi; biểu dương, khen thưởng, nêu gương người tốt, việc tốt để giảng viên tự giáo dục lẫn nhau; đưa hoạt động bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh trở thành phong trào rộng rãi, thiết thực, hiệu quả và là nhu cầu của mỗi giảng viên trong Khoa.
Ba là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác trong tự bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh của đội ngũ giảng viên .
Việc học tập, bồi dưỡng phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh của giảng viên là tất yếu khách quan. Theo Hồ Chí Minh, việc học tập là chung với tất cả mọi người, và với người làm công tác huấn luyện, học tập lại càng quan trọng, phải “lấy tự học làm cốt”[4], phải kiên trì, bền bỉ, phải chịu khó, chịu khổ. Mỗi giảng viên cần phải xác định tốt mục tiêu, nội dung, phương pháp bồi dưỡng đúng đắn; tận dụng thời gian, các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng kế hoạch tự học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng phù hợp với trình độ, năng lực và thế mạnh của bản thân; tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp sư phạm, các hoạt động dự giờ, bình giảng, rút kinh nghiệm huấn luyện; học hỏi không ngừng để hoàn thiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục đào tạo. Mỗi giảng viên cần phải xây dựng cho mình đức tính cần cù, kiên trì, nhẫn nại, không bảo thủ, tự ti, giấu dốt, hoặc thỏa mãn dừng lại; biết kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, biến quá trình giáo dục, bồi dưỡng thành quá trình tự giáo dục, bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chi bộ và chỉ huy Khoa cần quan tâm hơn nữa nâng cao chất lượng bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên; có kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên, vừa bảo đảm tính kế thừa vừa có sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ giảng viên; lựa chọn cán bộ, giảng viên đi đào tạo, thực tế để nâng cao trình độ và có kinh nghiệm, trải nghiệm thực tiễn. Thường xuyên sơ, tổng kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc bồi dưỡng, phân loại đánh giá chất lượng của từng giảng viên, từ đó có nội dung, biện pháp, kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.
Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Vì vậy, học tập, bồi dưỡng, rèn luyện phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh sẽ giúp cho đội ngũ giảng viên Khoa Mác-Lênin nói riêng và cán bộ giảng viên trong Học viện nói chung hoàn thiện kỹ năng sư phạm, trình độ, khả năng diễn đạt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện trong tình hình mới./.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQGST, Hà Nội 2011, tr. 342.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQGST, Hà Nội 2011, tr. 341.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội 2011, tr. 360
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr. 312.