Đội ngũ giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin là lực lượng giảng dạy, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, các giá trị nhân văn, nhân đạo tiến bộ của nhân loại… nhằm tiếp tục bồi đắp nhân cách, phẩm chất đạo đức, niềm tin, lòng yêu nước, yêu chế độ, bảo vệ các giá trị tốt đẹp, góp phần định hướng, xây dựng nền tảng chính trị, tinh thần của xã hội cho các đối tượng học viên. Trong điều kiện hiện nay, vai trò đó càng trở nên quan trọng và cần được phát huy nhằm thực hiện tốt phương châm của Quân ủy Trung ương "Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị" và chủ trương của Đảng ủy Học viện "Chất lượng huấn luyện, đào tạo của Học viện Quốc phòng là khả năng lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, quản lý, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của Quân đội"
Hưởng ứng đợt thi đua cao điểm của Học viện, Khoa Lý luận Mác - Lênin, phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của Quân đội; tôn vinh, tri ân công lao cống hiến của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời cổ vũ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thi đua đúng đắn, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp hướng vào hoạt động hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.Cấp ủy, chỉ huy Khoa đã tập trung quán triệt, nhấn mạnh yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin trong thực hiện các nội dung, chỉ tiêu thi đua nói chung và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy nói riêng, đó là:
Một là, phải có bản lĩnh chính trị và lập trường quan điểm vững vàng.
Giảng dạy là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi giảng viên, tuy nhiên giảng dạy của giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin là truyền bá lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng… Do vậy mỗi giảng viên phải xây dựng lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nhà giáo và tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng; thấm nhuần lý luận Mác - Lênin và có phương pháp luận khoa học, phù hợp thực tiễn, sát đúng, tính khả thi cao.
Hai là, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác trong tự học, tự rèn nâng cao năng lực giảng dạy.
Để nâng cao năng lực giảng dạy, đòi hỏi đội ngũ giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin phải xây dựng tinh thần trách nhiệm tự học tập, tự bồi dưỡng, nghiên cứu tài liệu, giáo trình,nắm vững lý luận; xây dựng cho bản thân đức tính cần cù, kiên trì, bền bỉ, không được tự ti, giấu dốt; không được thoả mãn dừng lại; tích cực, tự giác học hỏi, học ở sách vở, học ở đơn vị, học ở đồng chí, đồng đội, học tập thông qua thực tiễn.; tích cực nghiên cứu thực tiễn từ các phương tiện thông tin, từ các đồng chí học viên, từ trải nghiệm thực tế ở đơn vị cơ sở… để có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong tình hình mới.
Ba là, tham gia xây dựng môi trường văn hóa sư phạm tích cực, lành mạnh,
Thực tiễn cho thấy, môi trường văn hoá sư phạm tốt sẽ thôi thúc người giảng viên tự giác học tập, rèn luyện, lĩnh hội tri thức, trau dồi kỹ năng, kỹ xảo sư phạm, trưởng thành về mọi mặt, vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Đồng thời, trực tiếp góp phần chuẩn hóa các quan hệ xã hội của người giảng viên, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết thống nhất.Vì vậy, giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin cần quan tâm xây dựng các quan hệ văn hóa sư phạm, nhất là quan hệ giữa giảng viên với học viên. Các quan hệ đó phải được xây dựng trên cơ sở pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội, Quy chế giáo dục - đào tạo,… nhưng cũng rất linh hoạt, tạo lập được không khí dân chủ, đoàn kết, kỷ luật và sáng tạo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cán bộ, giảng viên rèn luyện, công tác để phát triển năng lực sáng tạo. Hiện nay, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực len lỏi trong môi trường sư phạm, làm lu mờ các giá trị nhân văn cao cả, hình ảnh mô phạm mẫu mực của người giảng viên. Do vậy, cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hiện tượng tiêu cực; xây dựng hệ thống các chuẩn mực sư phạm; đẩy mạnh các phong trào thi đua, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào “Nói không với tiêu cực”,… tạo môi trường tích cực, lành mạnh.
Tác giả: Đại tá Trần Đăng Hiệp
Khoa Lý luận Mác – Lenin/ Học viện Quốc phòng