Đề cập đến vai trò của công tác nghiên cứu lịch sử đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự, Lê - nin đã khẳng định: “Nghiên cứu lịch sử không phải để tìm ra những mẫu mực sẵn có trong quá khứ cho hoạt động thực tiễn của mình, mà để có một tư duy sáng tạo - phẩm chất không thể thiếu của người chỉ huy quân sự”[1]. Như vậy, công tác nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học lịch sử quân sự (LSQS) nói riêng có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với công tác giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội. Đối với các học viện, nhà trường trong quân đội, hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ chính trị trung tâm. Hai nhiệm vụ đó luôn có mối quan hệ biện chứng, đó là mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, tác động qua lại lẫn nhau. Mục đích nghiên cứu khoa học trước hết là nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy.
Học viện Quốc phòng (HVQP) là học viện hàng đầu của quốc gia về nghiên cứu khoa học và giảng dạy về quốc phòng, quân sự. Nhiệm vụ chính trị chủ yếu của Học viện là trang bị kiến thức quân sự, quốc phòng cho đội ngũ cán bộ cao cấp cho Đảng, Nhà nước và quân đội. Các học viên học tập ở Học viện, sau khi ra trường thường đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của đất nước, trực tiếp làm tham mưu và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng của Đảng, Nhà nước. Trong hệ thống những tri thức cần thiết được trang bị đối với học viên cần thì tri thức về lịch sử quốc phòng, quân sự của dân tộc và nhân loại đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, nghiên cứu lịch sử quân sự cũng là nhằm vận dụng thiết thực vào hoạt động giảng dạy, làm cho mỗi học viên thấm nhuần và vận dụng sáng tạo những tri thức, kinh nghiệm về quân sự, quốc phòng của dân tộc và nhân loại vào hoạt động thực tiễn, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để đáp ứng yêu cầu nêu trên, những năm qua Học viện đã chú trọng gắn nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự với công tác giảng dạy, truyền thụ kiến thức lịch sử quân sự, góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hoạt động nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự gắn với giảng dạy ở Học viện được thể hiện như sau:
Trước hết, đội ngũ các nhà khoa học chuyên ngành LSQS đã tích cực tiến hành nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn để tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình giảng dạy bộ môn LSQS cho các đối tượng học viên bảo đảm tính khoa học, phù hợp, có tính thiết thực cao. Thời gian qua, Bộ môn LSQS đã tiến hành nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong thực tế nhằm nâng cao chất lượng công tác giảng dạy LSQS tại Học viện với 02 đề tài cấp Bộ Tổng tham mưu: Đề tài “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học LSQS ở HVQP” và đề tài “Nâng cao chất lượng dạy, học môn Lịch sử quân sự cho đối tượng đào tạo cao cấp chỉ huy, tham mưu cấp chiến dịch, chiến lược ở Học viện Quốc phòng”. Trên cơ sở nghiên cứu nội dung học tập LSQS được tiến hành ở các bậc học, các nhà khoa học đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện - đào tạo nhằm tránh sự trùng lặp về kiến thức, bằng cách bảo đảm tính liên thông giữa các bậc học, đồng thời đề cao tính khái quát, cũng như làm rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm của các vấn đề nghiên cứu. Thông qua đó, Học viện đã đưa những nội dung chính về lịch sử quốc phòng, quân sự vào nghiên cứu, giảng dạy ở HVQP bao gồm: Các kinh nghiệm, bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân giành và giữ độc lập dân tộc của các nhà nước Việt Nam trong lịch sử; những bài học, nguyên nhân thắng lợi và thất bại trong các cuộc chiến tranh; lịch sử tư tưởng quân sự, học thuyết quân sự trên thế giới và ở Việt Nam; truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam; lịch sử nghệ thuật quân sự của Việt Nam... Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã đề xuất những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm đẩy mạnh áp dụng những phương pháp dạy học tích cực vào thực tiễn dạy học môn học LSQS tại Học viện, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện - đào tạo của Học viện.
Nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thời gian qua Đảng ủy, Ban Giám đốc HVQP luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu LSQS trên cơ sở bám sát và phục vụ cho công tác giảng dạy về LSQS. Kế hoạch công tác nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự hàng năm luôn bám sát nội dung, chương trình huấn luyện - đào tạo, hướng tới luận giải làm rõ tính khoa học của các nội dung trong từng bài giảng LSQS đặt ra. Hàng năm, đội ngũ cán bộ, giảng viên trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy LSQS mặc dù còn thiếu so với biên chế, đa số không được đào tạo bài bản về chuyên ngành LSQS, song đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, hoàn thành kế hoạch nghiên cứu khoa học đề ra với nhiều đề tài, chuyên đề LSQS và tài liệu giảng dạy cho các đối tượng học viên. Riêng trong năm 2022, Bộ môn LSQS đã hoàn thành và nghiệm thu 01 đề tài cấp Bộ Tổng tham mưu đạt kết quả xuất sắc, 08 chuyên đề LSQS và 02 tài liệu dạy học LSQS có hàm lượng trí tuệ cao, đáp ứng yêu cầu đề ra. Những kết quả nghiên cứu đã được đội ngũ cán bộ, giảng viên vận dụng sáng tạo vào hoạt động giảng dạy LSQS, làm cho mỗi bài giảng đều chứa đựng những vấn đề lý luận và thực tiễn sâu sắc, tích cực góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện - đào tạo của Học viện.
Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện đã và đang góp phần không nhỏ vào việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành LSQS. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Học viện đã đào tạo được 19 tiến sỹ quân sự và 54 thạc sỹ khoa học quân sự chuyên ngành LSQS cho các học viện, nhà trường và các đơn vị trong toàn quân. Riêng trong năm 2022, HVQP đã có 01 đồng chí bảo vệ thành công tiến sĩ quân sự chuyên ngành LSQS. Hiện nay, toàn HVQP có 03 nghiên cứu sinh chuyên ngành LSQS, trong đó có 01 nghiên cứu sinh dự kiến bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện vào tháng 3/2023. Thông qua công tác đào tạo sau đại học đã giúp cho đội ngũ giảng viên chuyên ngành LSQS không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy với yêu cầu cao cho các đối tượng học viên tại Học viện. Thực tiễn cho thấy, chất lượng giảng dạy của những giảng viên đạt trình độ tiến sĩ chuyên ngành LSQS hơn hẳn so với chính họ trước khi đạt trình độ tiến sĩ.
Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Học viện, việc gắn kết công tác nghiên cứu khoa học LSQS với giảng dạy còn một số hạn chế nổi lên đó là:
- Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu LSQS ở một số cán bộ, giảng viên chưa cao dẫn tới tư tưởng cho rằng việc nghiên cứu khoa học LSQS là của đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành mà chưa chú trọng nghiên cứu LSQS liên quan đến chuyên ngành của mình nhằm áp dụng cho việc nâng cao chất lượng bài giảng.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học có lúc còn chưa thực sự bám sát và phục vụ cho nhiệm vụ giảng dạy. Chất lượng một số công trình nghiên cứu khoa học LSQS chưa cao.
- Việc vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học LSQS vào giảng dạy ở một số cán bộ, giảng viên còn nhiều hạn chế. Một số đề tài, chuyên đề nghiên cứu về LSQS chưa có sự liên hệ vận dụng sát với tình hình nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Những hạn chế nêu trên phần lớn do một số cấp ủy, chỉ huy chưa nhận thức rõ vai trò của sự vận dụng công tác nghiên cứu khoa học vào giảng dạy chuyên ngành LSQS. Đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên ngành LSQS chưa được đào tạo bài bản, năng lực trình độ có mặt còn hạn chế. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, HVQP xác định nhiều giải pháp, trong đó tập trung làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ số lượng so với biên chế, có chất lượng cao về trình độ chuyên môn, với tinh thần trách nhiệm cao, lòng yêu nghề nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện - đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thực tiễn đã khẳng định: Không có ngành khoa học nào không xuất phát từ lịch sử. Khoa học lịch sử là khoa học của những khoa học, nó phản ánh những nhận thức, tư duy và thực tiễn của xã hội loài người. Khoa học Lịch sử quân sự Việt Nam là một khoa học phản ánh những vấn đề về lý luận và thực tiễn trong đấu tranh quân sự, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Những vấn đề khoa học này cần phải được trân trọng, nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chức năng chuyển tải những giá trị lịch sử này thuộc trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên ngành LSQS. Vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy môn học LSQS, thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Một là, cấp ủy Đảng, chỉ huy các cơ quan, khoa, hệ cần nhận thức đúng và lãnh đạo, chỉ đạo để các lực lượng thuộc quyền nhận thức đúng về nghiên cứu, học tập và vận dụng, phát triển những giá trị của LSQS vào thực tiễn hiện nay. Quan tâm đảm bảo kinh phí, trang bị cho hoạt động nghiên cứu, học tập lịch sử nói chung, LSQS nói riêng.
Hai là, Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên trong toàn Học viện nói chung, giảng viên bộ môn LSQS nói riêng có đủ về số lượng với chất lượng cao. Tạo nguồn giảng viên có đủ điều kiện đi nghiên cứu sinh mã số LSQS, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên LSQS.
Ba là, Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề và năng lực sư phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Thường xuyên làm tốt công tác thông qua bài giảng, giảng thử, dự giảng, thi giảng viên giỏi… kịp thời đánh giá đúng chất lượng đội ngũ giảng viên để có biện pháp bồi dưỡng cụ thể, thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Bốn là, Không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động đào tạo sau đại học. Có kế hoạch nghiên cứu khoa học phù hợp; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học LSQS với hoạt động giảng dạy; kết quả nghiên cứu khoa học phải thiết thực nâng cao chất lượng từng bài giảng LSQS.
Năm là, Đấu tranh chống tư tưởng coi nhẹ vai trò của hoạt động học tập, nghiên cứu và vận dụng khoa học LSQS vào hoạt động thực tiễn. Tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử, viết lại lịch sử nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta.
[1] Cục Nhà trường, Giáo trình lịch sử quân sự, tập I, Nxb QĐND, HN, tr.9.