LTS: Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan luôn dành sự quan tâm rất đặc biệt đối với Báo Quân đội nhân dân (QĐND). Mỗi khi chúng tôi liên hệ phỏng vấn hoặc đặt bài, ông đều vui vẻ nhận lời. Khi phát hiện những đề tài hay, ông lại chủ động viết và gửi ngay đến Báo. Mới đây, ông có gửi bài viết "Đối ngoại quốc phòng đồng hành cùng đất nước" cho Báo QĐND. Bài viết chưa kịp đăng thì ông đã về cõi vĩnh hằng. Báo QĐND trân trọng giới thiệu bài viết của ông.

Mặc dù năm 2018 Luật Quốc phòng mới quy định đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) là một trong những nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân, song trên thực tế, Quân đội ta đã hoạt động đối ngoại ngay từ khi mới ra đời và suốt trong chiều dài lịch sử, dưới những hình thức hết sức phong phú, hiệu quả.

Về phương thức tiến hành, ngoài những hoạt động đối ngoại thông thường như giao lưu, tiếp xúc, đàm phán... hoạt động ĐNQP còn được thể hiện qua chiến đấu, hy sinh của các đội quân tình nguyện cũng như những thắng lợi vang dội trên chiến trường, từ đó tạo “thế” cho các cuộc hòa đàm trong thời chiến cũng như những đóng góp cho công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước thời bình.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời vào thời điểm Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang tiếp diễn không những ở châu Âu mà cả ở châu Á-Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, phát xít Nhật đã hất cẳng thực dân Pháp và chiếm đóng nước ta. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ đã đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Để phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, Bác Hồ chủ trương tranh thủ sự ủng hộ của các nước thành viên Mặt trận Đồng minh chống phát xít, trong đó có Mỹ. Lúc ấy có một đơn vị không quân của Mỹ đóng ở Vân Nam (Trung Quốc). Sau khi ta cứu sống phi công William Shaw-vốn lái chiếc máy bay của không quân Mỹ bị quân Nhật bắn rơi xuống huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, ta đã trao trả cho Không đoàn 14 của Mỹ. Nhân dịp này, Bác Hồ đã đích thân sang Côn Minh gặp tướng Claire Lee Chennault, Tư lệnh Không đoàn 14, đề nghị ông ta cung cấp thiết bị, vũ khí và huấn luyện viên cho Việt Minh. Đáp ứng đề nghị của Bác, máy bay Mỹ đã thả thiết bị, khí tài và một số sĩ quan xuống “sân bay” Lũng Cò (Tuyên Quang). Hơn thế nữa, hai bên đã lập ra “Đại đội Việt-Mỹ” để hợp đồng tác chiến do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy và Thiếu tá Allison K.Thomas làm cố vấn.

Trong hoạt động quốc tế đầu tiên này có sự đóng góp lớn lao của chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số đội viên, trong đó có các đồng chí: Đàm Quang Trung, Phùng Thế Tài mà sau này đều là Thượng tướng QĐND Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội ta đã triển khai không ít hoạt động ĐNQP, nổi lên là sự hiệp đồng tác chiến với các nước bạn Lào và Campuchia cũng như Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Tháng 12-1947, Ủy ban Giải phóng Việt-Miên-Lào được thành lập và các đội quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh cùng lực lượng kháng chiến của Mặt trận Itxala Lào và Mặt trận Khmer Issarak trong cuộc đấu tranh vì độc lập của mỗi nước. Mở đầu cho hoạt động này là quyết định của Hội nghị liên tịch 3 nước diễn ra vào tháng 3-1951, trong đó nêu rõ quyết định thành lập khối liên minh nhân dân Việt Nam-Lào-Campuchia dựa trên nguyên tắc tình nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau. Một trong những biểu hiện của sự hiệp đồng chiến đấu ấy là Chiến dịch Thượng Lào năm 1953.

Năm 1949, theo đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân đội ta và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thành lập Bộ tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn nhằm tiến hành Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, hình thành Khu giải phóng Ung-Long-Khâm giáp biên giới Đông Bắc nước ta. Sau chiến dịch này, Quân đội ta đã trao cho Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc nhiều vũ khí chiến lợi phẩm.

Khi triển khai Chiến dịch Biên giới năm 1950 và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Quân đội ta đã hợp tác chặt chẽ với các đoàn chuyên gia Trung Quốc do các tướng: Trần Canh, Vi Quốc Thanh chỉ huy. Sau khi giải phóng hoàn toàn các tỉnh biên giới phía Bắc và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu, đặc biệt là sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, miền Bắc được giải phóng thì hoạt động ĐNQP đã được triển khai mạnh mẽ và toàn diện thông qua việc thiết lập quan hệ quốc phòng với các nước anh em, tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ khí tài và đào tạo, huấn luyện cán bộ. Từ ngày ấy, cơ chế trao đổi đoàn và mở các phòng tùy viên quân sự đã được hình thành.

Hoạt động ĐNQP càng được tăng cường và mở rộng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975. Trong thời kỳ này, ĐNQP với các nước xã hội chủ nghĩa càng được tăng cường theo phương cách “cơ động, linh hoạt” trong bối cảnh Liên Xô và Trung Quốc có một số vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung.

Chẳng bao lâu sau ngày thống nhất đất nước, Quân đội ta một lần nữa lại phải xung trận ở biên giới Tây Nam. Vì trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc và trợ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, Quân tình nguyện Việt Nam lại lên đường chiến đấu, được nhân dân Campuchia tôn vinh là “đội quân nhà Phật”, qua đó bằng xương máu của mình góp phần củng cố quan hệ hữu nghị giữa nước ta với nước bạn. Một hoạt động ĐNQP khác ít được đề cập tới là việc huấn luyện các chiến sĩ đấu tranh giải phóng dân tộc từ một số nước thuộc “thế giới thứ ba”.

Vào những thời điểm mang tính bước ngoặt của công cuộc kháng chiến, Bác Hồ và sau khi Bác mất thì có Tổng Bí thư Lê Duẩn, đều đích thân “xuất hành” đến gặp lãnh đạo cấp cao các đảng bạn để thông báo tình hình, phối hợp hành động, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ. Mỗi chuyến đi ấy đều có các tướng lĩnh Quân đội tham gia. Cùng đi với Bác qua Trung Quốc rồi Liên Xô sau khi các tỉnh biên giới phía Bắc được giải phóng vào năm 1950 có đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (sau đổi thành Tổng cục Hậu cần). Hội nghị Trung ương lần thứ 15, khóa II năm 1959 thành công đã mở ra thời kỳ mới của cách mạng miền Nam. Bác Hồ đã sang Trung Quốc và Liên Xô, cùng đi có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương và Thiếu tướng Lê Chưởng, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị). Khi cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam ngày càng căng thẳng, một đoàn đại biểu cấp cao của Đảng ta do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu đã sang Liên Xô trao đổi với lãnh đạo nước bạn, cùng đi có đồng chí Lê Trọng Tấn. Khi hai bên ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác cũng có đại diện của Bộ Quốc phòng tham gia. 

Các chuyến thăm một số nước châu Phi và Cuba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi đất nước thống nhất đã được nhân dân các nước nhiệt liệt đón chào như một vị anh hùng. Các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của ta đã tham gia nhiều cuộc liên hoan thanh niên-sinh viên thế giới cũng như các sự kiện quốc tế khác và luôn trở thành tâm điểm làm rạng rỡ thêm cái tên Việt Nam. Không thể không kể đến hoạt động quốc tế của các đồng chí cựu chiến binh đã góp phần đắc lực vào chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai với những nước từng xâm lược nước ta, làm rạng rỡ thêm tinh thần vị tha, nhân văn của dân tộc.  

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, ĐNQP càng trở nên sôi động, diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú. Trong số những hoạt động ĐNQP nổi lên sáng kiến đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên; nhiều nam, nữ sĩ quan QĐND Việt Nam được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc không chỉ với tư cách đội quân gìn giữ hòa bình mà còn là đội quân công tác và đội quân ngoại giao thông qua “công tác dân vận khéo” với người dân địa phương, góp phần nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của nước ta. Đó là chưa kể những mối quan hệ song phương và đa phương mà Quân đội ta đã thiết lập với quân đội nhiều nước khác nhau được thể hiện qua các cơ chế đối thoại, giao lưu, tuần tra chung, huấn luyện, đào tạo cán bộ, chuyên gia... góp phần tạo dựng và gia tăng lòng tin, mở rộng hợp tác, tạo thuận lợi cho nhiệm vụ củng cố hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh những đóng góp vào việc hình thành đường lối, chính sách tại các kỳ Đại hội Đảng và hoạt động lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương cũng như hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, Quân đội đã đề xuất chủ trương “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, chủ trương trên được đưa ra thật đúng lúc, đồng thời cũng là một trong những phương cách đề phòng từ sớm, từ xa...

Với những đóng góp lớn lao trên, có thể khẳng định Quân đội ta thực sự là “đội quân đối ngoại” bên cạnh những chức năng như “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác” và “đội quân lao động sản xuất”.

Theo qdnd.vn