Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh sự tham gia đông đảo của các diễn giả, chuyên gia, các Đại sứ và nhà hoạt động tại hội thảo lần này cho thấy sự coi trọng đối với chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1325 về phụ nữ, hòa bình và an ninh; cho đến nay, phụ nữ, hòa bình và an ninh tiếp tục là chủ đề rất quan trọng, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm cả ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, nhận thức của công chúng về phụ nữ, hòa bình và an ninh đã được nâng lên rộng khắp; vai trò của phụ nữ được công nhận rộng rãi, các quyền của phụ nữ ngày càng được bảo vệ và phụ nữ thực sự đã đóng vai trò quan trọng như là “tác nhân thay đổi” vì một xã hội công bằng và hòa bình. Trên thực tế, ASEAN đã có những nỗ lực to lớn trong thực hiện chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh như Tuyên bố chung về thúc đẩy phụ nữ, hòa bình và an ninh tại ASEAN được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua hồi năm 2017, Nhóm phụ nữ ASEAN vì hòa bình (AWPR) được thành lập hồi năm 2018, Nghiên cứu khu vực ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh được công bố hồi năm 2021... Phụ nữ, hòa bình và an ninh cũng được chú trọng trong các kế hoạch hành động trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đối với Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững, Đối thoại ASEAN - Ô-xtrây-li-a về phụ nữ, hòa bình và an ninh với những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đã lồng ghép chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào thực tế; một ví dụ điển hình là việc cử các nữ quân nhân tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng nêu rõ những nguyên nhân gốc rễ vốn cản trở việc thực hiện đầy đủ chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh vẫn chưa được giải quyết triệt để như bất bình đẳng giới, sự phân biệt đối xử với phụ nữ hay tỉ lệ phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo còn thấp... Trong khi đó, bạo lực và xung đột tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, sự xuất hiện của những thách thức an ninh mới như đại dịch, khủng hoảng biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực đối với phụ nữ và việc thực hiện chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Điều này đòi hỏi cần phải có hành động cấp bách cả ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. “Bối cảnh đó đòi hỏi nỗ lực và hành động chung. Hội thảo này chính là một trong những nỗ lực như vậy. Tôi trông đợi các đối tác đối thoại của ASEAN và các tổ chức quốc tế có liên quan có thể hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực này” - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Việt Nam chụp ảnh chung.
Hội thảo ASEAN về Lồng ghép Nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh vào các trụ cột Cộng đồng ASEAN được chia làm 2 phiên. Tại phiên thứ nhất, các đại biểu thảo luận, đánh giá những nỗ lực và thành tựu của ASEAN cũng như toàn cầu trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Tại phiên thứ hai, các đại biểu thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh trong thời gian tới.