Trí tuệ nhân tạo được cho là một trong những công nghệ chính trong Thế kỷ XXI có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo giới phân tích, quốc gia nào trên thế giới có khả năng dẫn dắt sự sáng tạo và kiểm soát được công nghệ AI (Artificial Intelligence) - trí tuệ thông minh nhân tạo, sẽ nâng cao được sức mạnh quốc gia, năng lực kinh tế, quốc phòng an ninh, từ đó nâng cao vai trò và vị thế trên trường quốc tế.
Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là AI, cụ thể:
Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, trí tuệ nhân tạo là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Thuật ngữ này thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. (2) Theo Bellman (1978), trí tuệ nhân tạo là tự động hóa các hoạt động phù hợp với suy nghĩ của con người, chẳng hạn các hoạt động ra quyết định, giải bài toán.
Theo Rich anh Knight (1991), trí tuệ nhân tạo là khoa học nghiên cứu xem làm thế nào để máy tính có thể thực hiện những công việc mà hiện con người còn làm tốt hơn máy tính. Các cuộc thảo luận quốc tế về quản trị trí tuệ nhân tạo hiện cũng vẫn thường xoay quanh những thách thức trong việc xác định trí tuệ nhân tạo. Mặc dù nó không có định nghĩa chung, nhưng, AI thường được mô tả là khả năng của các hệ thống máy tính để thực hiện các nhiệm vụ thông thường đòi hỏi trí thông minh của con người (Defense Science Board, 2016). Tuy nhiên, mô tả này được đơn giản hóa quá mức và đặt ra một câu đố rõ ràng: Chính xác thì điều gì tạo nên hành vi thông minh? Do đó, sẽ phù hợp hơn khi sử dụng định nghĩa về AI do Cơ quan Quốc phòng Châu Âu (2020) cung cấp, coi AI là khả năng của các thuật toán để xác định lựa chọn tối ưu hoặc gần như tối ưu nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể.
Mỗi khái niệm, định nghĩa trên đều có điểm đúng riêng, nhưng để đơn giản có thể hiểu trí tuệ nhân tạo là một ngành khoa học máy tính. Nó được xây dựng trên một nền tảng lý thuyết vững chắc và có thể ứng dụng trong việc tự động hóa các hành vi thông minh của máy tính. Giúp máy tính có được những trí tuệ của con người, như: Biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi.
Trong hai thập kỷ qua, trí tuệ nhân tạo đã phát triển nhanh chóng nhờ những tiến bộ to lớn về dữ liệu, sức mạnh xử lý của máy tính và học máy (machine learning là một nhánh của AI, là các kỹ thuật giúp cho máy tính có thể tự học mà không cần phải cài đặt các luật quyết định). Do đó, các công nghệ AI đang trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Xác thực sinh trắc học, tạo lập bản đồ di động và hệ thống định vị dẫn đường, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếp thị trực tuyến có chủ đích là một vài trong số nhiều cách mà công nghệ AI đã được kết hợp vào cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi AI cũng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong quân sự.
Trong lĩnh vực quân sự, mặc dù công nghệ AI vẫn còn sơ khai, nhưng không phải vô lý khi cho rằng nó sẽ tác động đáng kể đến chiến tranh trong tương lai. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, AI là một công nghệ có khả năng gây rối loạn, có thể tạo ra sự gián đoạn rõ rệt trong việc tiến hành chiến tranh và tạo ra những cải tiến đáng kể về hiệu quả quân sự cũng như tiềm năng tác chiến. Thậm chí, có chuyên gia khẳng định rằng các ứng dụng quân sự của AI sẽ gây ra một sự thay đổi địa chấn trên chiến trường và thay đổi cơ bản cách thức tiến hành chiến tranh. Xét về tầm quan trọng của AI, trong một bài phát biểu vào năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng: Trí tuệ nhân tạo là tương lai không chỉ của Nga mà của toàn nhân loại và bất cứ ai trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ trở thành người thống trị thế giới (Gigova, 2017).
Cuộc đua để trở thành người dẫn đầu toàn cầu về AI đã diễn ra. Một số quốc gia như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Đức đã đưa ra các kế hoạch và chiến lược để thúc đẩy việc sử dụng và phát triển công nghệ AI, bao gồm cả các ứng dụng AI trong quân sự (ro-bot chiến đấu, hệ thống trinh sát AI-based ISR, mô phỏng tác chiến, bảo đảm quân y trong tác chiến, dự đoán lỗi bảo trì vũ khí trang bị, an ninh mạng quân sự). Các hệ thống và nền tảng thông minh sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn so với sự vận hành của con người không còn là điều quá xa vời. Rõ ràng, công nghệ AI ngày nay khác xa với công nghệ được mô tả trong khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, khi công nghệ di chuyển nhanh chóng từ các phòng nghiên cứu sang thế giới vật chất, đòi hỏi các bên liên quan nhất là các nhà hoạch định chính sách cần hiểu rõ hơn về những lợi ích tiềm năng, cũng như các tác động về mặt đạo đức và pháp lý của việc quân sự hóa AI.
Trong lĩnh vực quân sự, AI có tiềm năng rộng lớn hơn nhiều, vượt ra ngoài các hệ thống vũ khí tự động. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ đang được thu thập hàng ngày thì không một nhóm người nào có thể phân tích được chúng mà không có sự hỗ trợ của máy tính. Các ứng dụng AI cung cấp công cụ để giải quyết tình trạng quá tải thông tin, cải thiện cả hiệu suất và tốc độ của các quy trình ra quyết định trong quân sự. Chắc chắn, trong tác chiến sẽ có những tình huống đòi hỏi việc lựa chọn dựa trên cách hành động tốt nhất và nhanh chóng hơn là có lợi. Tuy nhiên, không nhất thiết phải phóng đại tầm quan trọng của việc đẩy nhanh quá trình ra quyết định vì nó có thể tạo ra những rủi ro mới hoặc làm trầm trọng thêm những rủi ro hiện có. Công nghệ AI cũng cho phép cải thiện độ chính xác trong quá trình vận hành hệ thống và giảm thiểu khả năng xảy ra sai sót do con người.
Các hệ thống và nền tảng hỗ trợ AI có thể khắc phục lỗ hổng về tình trạng thiếu nhân lực trong nhiều hoạt động quân sự. Hiện tại có nhiều nhu cầu và yêu cầu chưa được đáp ứng, chưa được triển khai mà đơn giản là do không có đủ nhân nhân lực thực hiện. Ví dụ, do ngày càng có nhiều camera được sử dụng trong giám sát, nhu cầu rõ ràng là phải phân tích hình ảnh và các đoạn phim thu được một cách chuyên nghiệp. Vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa bằng các hệ thống tự động trong thu thập, nhận dạng, phân tích hình ảnh và phát hiện đối tượng, điều mà vượt qua khả năng của con người trong hầu hết các trường hợp. Nếu các hệ thống hỗ trợ AI được áp dụng, các nhà phân tích sẽ giành phần lớn thời gian tham gia vào các hoạt động sáng tạo đòi hỏi trí óc con người. Điều đó nói lên rằng, công nghệ AI cũng có thể giải quyết các vấn đề đòi hỏi nhân lực khác, cho phép các lực lượng vũ trang duy trì hoặc thậm chí mở rộng khả năng tác chiến mà không cần tăng thêm lực lượng. Hơn nữa, việc thay thế nhân công thủ công bằng các hệ thống tự động sẽ có lợi cho quân đội nhờ giảm chi phí lao động trong khi tăng năng suất và tối ưu hóa quy trình.
Với tiềm năng to lớn của AI mang lại, AI đã và đang được triển khai trong nhiều ứng dụng quân sự và ngày càng có nhiều quốc gia, tổ chức nghiên cứu quân sự tăng cường tài trợ để nghiên cứu và phát triển những ứng dụng mới và tiên tiến trên nền tảng AI trong lĩnh vực quân sự. Các lĩnh vực ứng dụng trong quân sự mà AI sẽ thể hiện vai trò quan trọng của mình trong thời gian tới, gồm:
Phương tiện chiến tranh: Quân đội nhiều nước đã và đang tích hợp AI vào các hệ thống vũ khí trang bị hiện đại. Việc sử dụng AI trong các hệ thống quân sự cho phép phát triển các hệ thống tác chiến hiệu quả, ít phụ thuộc hơn vào sự điều khiển của con người. Do vậy AI sẽ giúp tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu suất của các hệ thống tác chiến trong khi yêu cầu bảo trì ít hơn. AI cũng được cho là sẽ trao quyền quyết định cho vũ khí tự động, tốc độ cao trong thực hiện các cuộc tấn công phối hợp.
An ninh mạng: Các hệ thống quân sự hiện đại thường dễ bị tấn công mạng, điều này có thể dẫn đến mất thông tin quân sự đã được phân loại riêng và gây thiệt hại cho các hệ thống quân sự. Tuy nhiên, với các hệ thống được trang bị AI, chúng có thể tự động bảo vệ mạng, máy tính, chương trình và dữ liệu khỏi bất kỳ loại hình truy cập trái phép nào. Ngoài ra, các hệ thống bảo mật web hỗ trợ AI có thể ghi lại các hình thức (mẫu) tấn công mạng và trên cơ sở đó phát triển các công cụ chống tấn công để tăng cường khả năng an ninh mạng.
Hậu cần và vận tải: AI dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong bảo đảm hậu cần và vận tải quân sự. Việc vận chuyển hàng hóa, đạn dược, vũ khí và binh sĩ một cách hiệu quả là một thành phần thiết yếu để đảm bảo các hoạt động quân sự thành công. Tích hợp AI với vận chuyển quân sự giúp giảm chi phí vận chuyển, giảm nhân công và tăng hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần. Đồng thời AI cũng cho phép các đơn vị quân sự dễ dàng phát hiện sự bất thường và nhanh chóng dự đoán hỏng hóc của bộ phận nào đó trong thiết bị quân sự.
Nhận biết mục tiêu: Nhiều kỹ thuật AI đang được phát triển để nâng cao độ chính xác nhận dạng mục tiêu trong môi trường tác chiến phức tạp. Những kỹ thuật này cho phép lực lượng tác chiến hiểu rõ hơn về khu vực tác chiến tiềm năng bằng cách phân tích các báo cáo, tài liệu, tin tức mới nhất và nhiều dạng thông tin phi cấu trúc khác. Ngoài ra, AI trong hệ thống nhận dạng mục tiêu cũng giúp hệ thống này nâng cao hiệu quả của việc xác định vị trí của mục tiêu. Khả năng của hệ thống nhận dạng mục tiêu hỗ trợ AI bao gồm dự báo dựa trên xác suất về hành vi của địch, tổng hợp các điều kiện thời tiết và môi trường, dự đoán và gắn nhãn các vị trí có giá trị trên trục đường cơ động, đánh giá các phương pháp tiếp cận và đề xuất các chiến lược thực hiện nhiệm vụ tối ưu. Công nghệ máy học (machine learning) cũng được sử dụng để học, theo dõi và phát hiện các mục tiêu từ dữ liệu thu được.
Bảo đảm quân y trong tác chiến: Trong khu vực tác chiến, AI có thể được tích hợp với hệ thống phẫu thuật rô -bốt (Robotic Surgical Systems-RSS) và phương tiện rô -bốt hoạt động trên mặt đất (Robotic Ground Platforms - RGP) nhằm cung cấp hỗ trợ phẫu thuật từ xa và các hoạt động vận chuyển thương binh tử sĩ. Hiện đã có nhiều nước tham gia vào việc phát triển RSS, RGP cũng như các hệ thống khác để bảo đảm quân y trong tác chiến. Trong những điều kiện khó khăn, hệ thống được trang bị AI có thể khai thác hồ sơ bệnh án của thương bệnh binh và hỗ trợ chẩn đoán ca bệnh phức tạp.
Mô phỏng và huấn luyện: Mô phỏng và huấn luyện là lĩnh vực đa ngành đòi hỏi kết hợp kỹ thuật hệ thống, kỹ thuật phần mềm và khoa học máy tính để xây dựng các mô hình mô phỏng trên máy tính, nhằm giúp người lính làm quen với các hệ thống chiến đấu khác nhau được triển khai trong hoạt động quân sự. Nhiều nước tiên tiến, phát triển đang đầu tư ngày càng nhiều vào các ứng dụng mô phỏng và huấn luyện quân sự.
Giám sát mối đe dọa và nhận thức tình huống: Giám sát mối đe dọa và nhận thức tình huống chủ yếu dựa vào các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (Intelligence, Surveillance, and Reconnaissance - ISR). Các hoạt động của ISR được sử dụng để thu thập và xử lý thông tin nhằm hỗ trợ hoạt động quân sự. Máy bay không người lái (UAV) được tích hợp AI có thể tuần tra các khu vực biên giới, xác định các mối đe dọa tiềm ẩn và truyền thông tin về các mối đe dọa này về sở chỉ huy. Do đó, sử dụng UAV có thể giúp tăng cường an ninh cho các căn cứ quân sự, cũng như tăng cường độ an toàn và hiệu quả của các quân nhân. ứng dụng AI có thể thay thế con người trong thực hiện các nhiệm vụ được cho là buồn tẻ, bẩn thỉu và nguy hiểm nhằm tránh gây nguy hiểm cho tính mạng. Với sự phát triển của công nghệ, các phương tiện không người lái và hệ thống vũ khí tự động sẽ cho phép quân đội hoạt động ở những vị trí xa xôi hoặc môi trường chống tiếp cận /từ chối khu vực (Anti-Access/Area-Denial - A2/D2), vốn có thể gây chết người.
Xử lý thông tin dữ liệu và AI: AI đặc biệt hữu ích để xử lý nhanh chóng và hiệu quả khối lượng lớn dữ liệu nhằm thu được thông tin có giá trị. AI có thể hỗ trợ phân tích, chọn lọc và tổng hợp thông tin từ nhiều bộ dữ liệu khác nhau, cũng như thu thập và tổng hợp các bộ siêu thông tin từ nhiều nguồn tin khác nhau. Phân tích chuyên sâu và nâng cao này cho phép giúp chúng ta nhận ra các mẫu và tìm ra các mối tương quan giữa chúng trong nhận thức và giải quyết vấn đề.
Khi ứng dụng AI trong quân sự, sẽ không thực tế nếu cho rằng là không có rủi ro. Do vậy đòi hỏi cả chính phủ và lực lượng vũ trang phải cùng nhau giải quyết. Chắc chắn trong tương lai, các hệ thống quân sự và nền tảng AI sẽ ngày càng tinh vi, khiến chúng trở nên kém minh bạch hơn đối với người dùng. Nghĩa là khó có thể biết liệu hệ thống có tích hợp AI có đang hoạt động như mong đợi hoặc như kỳ vọng hay không và điều này có thể chưa đựng nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là việc sử dụng công nghệ AI trong quân sự, đặc biệt là các hệ thống vũ khí tự động trong xung đột vũ trang. Theo Điều 36 của Nghị định thư bổ sung AI của Công ước Geneva, các quốc gia phải đánh giá xem những công nghệ mới này có tuân thủ Luật Nhân đạo Quốc tế (International Humanitarian Law -IHL) hay bất kỳ quy tắc nào khác của luật pháp quốc tế hay không. Do đó, câu hỏi cần được đặt ra là liệu các hệ thống AI có đủ khả năng để tuân thủ khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện hành hay không. Những quy tắc này đưa ra các nghĩa vụ pháp lý đối với người lính tham chiến và nó không thể được chuyển giao cho máy móc, chương trình máy tính hoặc hệ thống vũ khí. Vì rằng một cỗ máy sẽ không có máu và không có đạo đức hoặc tử vong nên không thể hiểu được tầm quan trọng của việc giết chết hoặc duy trì sự sống của một con người. Do đó, đây là một lỗ hổng về trách nhiệm pháp lý được tạo ra, cho phép các quốc gia vi phạm các quy tắc xung đột vũ trang thông qua sử dụng vũ khí tự động.
Cũng như các công nghệ mới nổi khác, AI là một con dao hai lưỡi. Để giảm thiểu rủi ro của quá trình quân sự hóa AI, cần có nhiều cách tiếp cận quản trị khác nhau, bao gồm tính minh bạch và các biện pháp xây dựng lòng tin, cũng như sự hợp tác giữa các chính phủ, các lực lượng vũ trang và khu vực tư nhân. Ngoài ra, mặc dù các hệ thống AI sẽ có vai trò to lớn trong các cuộc chiến tranh trong tương lai, nhưng con người sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định trong sự phân định giữa con người và máy móc. Do đó, trên quan điểm quân sự, cách tốt nhất là kết hợp tối ưu giữa trí thông minh của con người và máy móc.