Sự phát triển của thế giới hiện nay cho thấy, xu thế hợp tác là tất yếu khách quan, nhằm huy động sức mạnh và tiềm lực của mọi quốc gia, dân tộc vào giải quyết những vấn đề vừa mạng tính toàn cầu, vừa mang tính quốc gia. Với Quân đội ta, hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự nhằm giải quyết nhu cầu phát triển khoa học quân sự, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, trao đổi khoa học quân sự hiện đại, tiếp cận và ứng dụng khoa học quân sự tiên tiến của quân đội các nước, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây là là vấn đề vừa mang tính truyền thống của Quân đội vừa là vấn đề cấp thiết. Đối với Học viện Quốc phòng (HVQP), hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự thời kỳ mới là một quá trình nghiên cứu, tìm tòi xây dựng mô hình hợp tác thích hợp, hiệu quả; hoàn thiện nội dung, chương trình nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ Quân đội, từng bước nâng cao vị thế, uy tín và năng lực của hệ thống quản lý, xây dựng nhà trường Quân đội nhân dân Việt Nam đạt chuẩn so với khu vực và quốc tế, bảo đảm tăng cường quan hệ đoàn kết quốc tế giữa Quân đội ta với quân đội các nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ mới, trước xu thế hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế về quân sự, quốc phòng, bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề chủ yếu về hợp tác quốc tế đào tạo học viên quân sự ở HVQP để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Một là, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về hợp tác đào tạo quốc tế.
Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã xác định các quan điểm quốc phòng, an ninh (QP, AN) và đường lối đối ngoại quân sự của Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự phù hợp với chiến lược xây dựng và phát triển của Quân đội ta trong thời kỳ mới. Quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng về mở rộng quan hệ nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, theo quan điểm: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển, góp phần củng cố, giữ vững an ninh khu vực và thế giới. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về quân sự với các nước láng giềng, các nước trong Khối ASEAN, các nước bạn bè truyền thống, các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế. Thực hiện liên thông, liên kết đào tạo, xây dựng phương thức hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự trong thời kỳ hội nhập. Thực tiễn, những năm qua, Học viện đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ quân sự cho các nước Cu Ba và Lào. Đồng thời, Học viện đã cử nhiều đoàn cán bộ cấp cao đi tham quan nghiên cứu ở HVQP của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Thông qua hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự thời kỳ mới, tạo cơ hội cho học viên quân sự quốc tế hiểu rõ hơn truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, về đất nước con người, chính sách quốc phòng của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, góp phần vào các hoạt động đối ngoại, nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau trên lĩnh vực quốc phòng, quân sự (QP, QS), an ninh và các lĩnh vực khác. Đồng thời, trên cơ sở đó, giúp cho chúng ta có điều kiện hiểu thêm các quan điểm, chính sách QP, QS, an ninh, nghệ thuật quân sự của các nước thông qua học tập, trao đổi hội thảo và nghiên cứu thực tế...
Hai là, xây dựng nội dung, chương trình hợp tác quốc tế đào tạo học viên quân sự phù hợp.
Trên cơ sở Hiệp định hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự trong thời kỳ mới giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam ký với các nước để xác định rõ nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Có thể hợp tác quốc tế về đào tạo cho các đối tượng cán bộ quân sự, như: Hợp tác đào tạo cán bộ chỉ huy tham mưu cao cấp; hợp tác đào tạo sau đại học (đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ khoa học quân sự); hợp tác đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên về QP, QS; hợp tác đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, văn hóa, hành chính quân sự, luật pháp quốc tế...
Học viên quân sự quốc tế đến học tập nghiên cứu ở HVQP Việt Nam thuộc các lĩnh vực trên, tùy theo điều kiện cụ thể, có thể học tập nghiên cứu trực tiếp bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Học viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu những kiến thức về QP, QS, an ninh và kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của Việt Nam nhằm tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước, góp phần xây dựng và giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh trong khu vực và trên thế giới. Nội dung học tập, nghiên cứu tập trung theo các chuyên đề sau:
Các chuyên đề Việt Nam đổi mới và phát triển tập trung vào: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; Hệ thống chính trị Việt Nam; Phát triển kinh tế ở Việt Nam; Chính sách xã hội của Việt Nam; Khái lược về chính sách quốc phòng và Quân đội nhân dân Việt Nam; Chính sách đối ngoại của Việt Nam; Vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam; Văn hóa quân sự Việt Nam; Chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam...
Các chuyên đề về QP, AN tập trung vào: Tình hình an ninh khu vực, thế giới ngày nay và quan điểm của Việt Nam; An ninh phi truyền thống; Dự báo một số loại hình chiến tranh trong tương lai; Lịch sử và sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; Xây dựng nền Quốc phòng toàn dân ở Việt Nam; Chiến lược an ninh quốc gia Việt Nam; Chiến tranh nhân dân Việt Nam; Quan điểm của Việt Nam trong giải quyết những liên quan về biển với các nước...
Kết hợp chặt chẽ giữa học tập, nghiên cứu lý luận với các hình thức huấn luyện khác như: Hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, xử lý một số vấn đề về QP, AN; nghiên cứu, học tập thực tế ở một số cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội và địa phương của nước Việt Nam theo các chuyên đề. Coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu; chú trọng khuyến khích học viên tự nêu vấn đề, tự thuyết trình, đề xuất và giải quyết các vấn đề Quốc tế. Kết thúc khóa học, học viên viết thu hoạch cuối khóa, học xong chương trình, học viên được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp HVQP Việt Nam.
Yêu cầu xây dựng nội dung, chương trình phải khoa học, đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia, thể hiện quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng và tuân thủ các quy chế đối ngoại của Bộ Quốc phòng. Các nội dung giới thiệu, hội thảo, thảo luận rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực phù hợp với những vấn đề đang được trong nước và quốc tế quan tâm. Phù hợp với từng đối tượng và hình thức hợp tác cụ thể, nhằm tạo ra sự quan tâm, hứng thú của học viên quốc tế.
Ba là, hợp tác nghiên cứu những vấn đề liên quan đến QP, QS; ngoại giao quốc phòng.
Ngoài việc hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự, việc hợp tác nghiên cứu các vấn đề về QP, QS, ngoại giao quốc phòng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, rất nhiều vấn đề về QP, QS hết sức nóng bỏng, cấp thiết nảy sinh, có tính khu vực và tính toàn cầu, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu thấu đáo để có giải pháp đối phó thích hợp. Các vấn đề đang thu hút sự quan tâm chung của các nhà lý luận quân sự, như: An ninh quốc tế, khu vực và mối quan hệ tới an ninh quốc gia; chiến lược biển, đảo, quy tắc quốc tế về ứng xử trên biển, đảo; vấn đề hợp tác quốc tế về QP, QS; các quan điểm về chiến tranh tương lai, chiến tranh công nghệ cao, tác chiến hiện đại và sự phối hợp diễn tập song phương, đa phương; vấn đề dân tộc, tôn giáo, sắc tộc và những giải pháp ngăn ngừa các hoạt động dân tộc, tôn giáo cực đoan; vấn đề khủng bố và hợp tác chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn bán ma túy; hợp tác chống thiên tai, thảm họa môi trường, xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự... Sự phối hợp nghiên cứu giữa các học giả, các nhà khoa học, các giảng viên hoặc các nhà lãnh đạo chính khách về các vấn đề trên sẽ tạo điều kiện cho các nước thêm hiểu biết lẫn nhau, có thể đề xuất các vấn đề cấp thiết cho các nhà lãnh đạo cao nhất xem xét giải quyết trong mối quan hệ giữa các quốc gia, góp phần củng cố hòa bình, ngăn chặn các nguy cơ hoạt động bất hợp pháp... Các hình thức có thể vận dụng trong hợp tác nghiên cứu các vấn đề về QP, QS, ngoại giao quốc phòng, như: Tổ chức các lớp học ngắn hạn về QP, AN, ngoại giao QP, QS; tổ chức các cuộc hội thảo...
Bốn là, tích cực tổ chức tham quan, nghiên cứu và trao đổi.
Trong những năm gần đây, Học viện đã đón tiếp nhiều đoàn đại biểu quân sự của các nước như Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Liên bang Nga, ấn Độ, Austraylia, Thái lan, Malaysia, Inđonesia, Singapore... đến tham quan nghiên cứu, trao đổi học thuật. Đồng thời, Học viện cũng đã cử nhiều đoàn, nhiều cán bộ trực tiếp đi tham quan, nghiên cứu, học tập, trao đổi tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Việc hợp tác tham quan, trao đổi giữa HVQP các nước, các viện nghiên cứu là một hình thức tích cực, góp phần nâng cao hiểu biết, tăng cường củng cố lòng tin giữa quân đội các nước, tạo điều kiện cho các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có điều kiện nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tạo điều kiện cho cán bộ đi nghiên cứu thực tế ở địa phương hoặc một số nước điển hình trên thế giới để nghiên cứu trực tiếp sự phát triển quan điểm tư duy quân sự, chiến lược QP, QS trong thời đại ngày nay, đó cũng là hình thức tăng sức thuyết phục bài giảng cho học viên quân sự quốc tế. Các hình thức hợp tác tham quan, nghiên cứu và trao đổi có thể vận dụng, như: Tổ chức các đoàn đại biểu, cá nhân tham quan, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm, học thuật; tổ chức các đoàn đại biểu hoặc cá nhân tham dự các hoạt động QP, QS (huấn luyện đào tạo, diễn tập, giao lưu trại hè...
Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
Để nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế đào tạo học viên quân sự trong thời kỳ mới, HVQP phải tiến hành đồng bộ các giải pháp, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp đối với nhiệm vụ hợp tác quốc tế đào tạo học viên quân sự; nâng cao năng lực, vị thế, vai trò quản lý cơ sở đào tạo; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy và cơ chế chính sách hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự ở Học viện; đổi mới công tác quản lý trong hợp tác quốc tế về đào tạo; xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học; đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học trong quá trình hợp tác quốc tế về đào tạo học viên quân sự; mở rộng hợp tác chuyển giao công nghệ và nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo; hoàn thiện nội dung và cơ chế quản lý, huấn luyện - đào tạo học viên quân sự quốc tế.