Đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt, trụ cột của Quân đội, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, chỉ huy các cấp và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn quan trọng, chủ yếu tại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ là công việc hệ trọng bởi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong đó, tầm nhìn tốt sẽ giúp người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy nâng cao khả năng nhận diện, dự báo, đánh giá chính xác tình hình; xác định đúng đắn các mục tiêu phát và vị thế của cơ quan, đơn vị cần vươn tới trong tương lai; đề ra các chiến lược và huy động, dẫn dắt các nguồn lực nhằm phát triển cơ quan, đơn vị, phù hợp với đặc điểm,  tình hình,  yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và Quân đội; với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề cập đến nhiều điểm mới, vai trò của tầm nhìn cũng được xác định: “Tầm nhìn là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu về năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo, của một đảng chính trị, nhất là đảng cầm quyền”1.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp dưới tác động của nhiều nhân tố, nhất là do đại dịch Covid-19, sự điều chỉnh và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Từ đó,  đó đặt ra những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, đòi hỏi cán bộ, đảng viên trong Quân đội, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược phải có tầm nhìn. Để xây dựng, phát triển tầm nhìn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Quân đội, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường tính thực tiễn kết hợp bồi dưỡng các phẩm chất tư duy lãnh đạo cho cán bộ, đảng viên.

Bối cảnh thực tiễn và năng lực tư duy lãnh đạo có vai trò quan trọng đối với việc hình thành, thay đổi và hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo. Bề rộng, chiều sâu và tính thực tiễn của tầm nhìn lãnh đạo chịu chi phối mạnh mẽ bởi tình hình thế giới, khu vực, thực tiễn cách mạng, thực tiễn Quân đội và cơ quan, đơn vị; thực tiễn được trải nghiệm của mỗi cán bộ, đảng viên cùng trình độ các phẩm chất tư duy của họ. Do đó, các cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, chú trọng bồi dưỡng các phẩm chất tư duy cho cán bộ, đảng viên, như: Tư duy tổng thể, tư duy phát triển, tư duy sáng tạo, tư duy chiến lược, làm cơ sở xây dựng tầm nhìn có chất lượng, hiệu quả. Cần hình thành ở cán bộ, đảng viên sự nhìn nhận có hệ thống và toàn diện về vị thế cũng như các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, của đất nước, khu vực và thế giới; về tính chất, đặc điểm, điều kiện của cơ quan, đơn vị. Tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên vận dụng các năng lực tư duy vào nắm bắt, đánh giá xu hướng biến đổi của điều kiện khách quan và dự kiến mức độ tác động của nó với cơ quan, đơn vị và xa hơn là Quân đội, đất nước. Chú trọng phát triển năng lực phân tích những ưu điểm, hạn chế, cơ hội và thách thức đặt ra với cơ quan, đơn vị, Quân đội trước các mục tiêu và con đường đi tới vị thế đã xác định; chỉ ra điểm tựa làm đòn bẩy cho sự phát triển đó; đánh giá các nguồn lực để đạt được vị thế trong tương lai.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động thực tiễn cho cán bộ, đảng viên, như: Trải nghiệm; kiểm chứng lý luận; rèn luyện và phát triển các phẩm chất tư duy. Các hoạt động thực tiễn cần gắn với cương vị, chức trách của mỗi cán bộ, đảng viên; với xu hướng và các lộ trình phát triển của mỗi người trong tương lai; với nhiệm vụ chính trị trung tâm và vị thế của cơ quan, đơn vị... Tăng cường luân chuyển, điều động kết hợp mạnh dạn giao các nhiệm vụ khó, với cương vị người chủ trì, người chỉ huy cơ quan, đơn vị ở các khu vực, vùng, miền khó khăn, đặc thù để thúc đẩy mỗi cá nhân nỗ lực, phát huy hết các khả năng, kiểm chứng chính mình và vượt qua các áp lực; vượt qua giới hạn trình độ, năng lực của bản thân. Đẩy mạnh hoạt động tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận và nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác thông tin và khoa học dự báo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên kết hợp khuyến khích mỗi người không ngừng nắm bắt, cập nhật xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực, của đất nước và nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị, từ đó có sự chủ động trong hình thành, phát triển tầm nhìn.

Hai là, phát triển năng lực hiện thực hóa tầm nhìn gắn với ngăn ngừa các rào cản gây hạn chế tầm nhìn của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tầm nhìn của cán bộ, đảng viên gắn với chiều hướng phát triển của tập thể; gắn với các nguồn lực để vươn tới, đạt được mục tiêu; thể hiện ý chí và nguyện vọng chung về tương lai phát triển của tập thể và các thành viên. Thực tiễn chỉ ra, chất lượng tầm nhìn của tập thể phụ thuộc vào tầm nhìn của cán bộ, đảng viên, nhất là người chủ trì, người chỉ huy; chịu ảnh hưởng bởi năng lực hiện thực hóa và các rào cản gây hạn chế tầm nhìn của họ.

Để xây dựng tầm nhìn cho cán bộ, đảng viên như một phẩm chất của người lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cần quan tâm nâng cao năng lực hiện thực hóa gắn với tăng cường ngăn ngừa các rào cản gây hạn chế tầm nhìn.

Thứ nhất, để phát triển năng lực hiện thực hóa tầm nhìn, đòi hỏi: nội dung rèn luyện, bồi dưỡng cách xác định mục tiêu tầm nhìn phải có tính thực tế; tránh trừu tượng, mơ hồ, quá ngắn hạn mang tính thiển cận hoặc tương lai quá xa, không thể hình dung ra sự biến đổi. Kế đến, mỗi người biết cách nắm chắc và gắn kết hệ giá trị cốt lõi với niềm tin và sự kỳ vọng của tập thể, phản ánh nó vào quá trình xây dựng và thực thi tầm nhìn. Bồi dưỡng năng lực xây dựng, thay đổi, thực hiện các chiến lược nhằm đạt tới các mục tiêu đã xác định trong các giai đoạn; đồng thời, cần bồi dưỡng năng lực truyền cảm hứng nhằm chuyển hóa tầm nhìn và các giá trị thành những kết quả trong đời sống hiện thực, nhằm huy động được hết tiềm năng trong tập thể cũng như tạo dựng cam kết của các cán bộ, đảng viên với tầm nhìn chung. Mặt khác, cần tránh hiện tượng phát biểu tầm nhìn mang tính hô hào ngẫu hứng hay mệnh lệnh hành chính cứng nhắc; khoán trắng cho cấp dưới trong thực hiện tầm nhìn; nói không đi đôi với làm, không nêu gương trong thực hiện tầm nhìn; cách nghĩ an toàn và thiếu ý chí trong thực hiện tầm nhìn.

 Thứ hai, cần xác định các rào cản với tầm nhìn, như: Hạn chế về thông tin, tri thức, thiếu tư duy hệ thống và cách nhìn tổng thể, biện chứng; hạn chế về cách tiếp cận bền vững; yếu tố lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ địa phương; bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa hoặc giáo điều, thiếu sự chủ động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thiếu kỹ năng truyền cảm hứng về tầm nhìn... Từ đó, tích cực ngăn ngừa các rào cản bằng nhiều hoạt động khác nhau, được thực hiện cả ở cấp độ tập thể cơ quan, đơn vị và cá nhân như: tăng cường cung cấp thông tin, trang bị tri thức mới, tăng cường trải nghiệm thực tiễn, thúc đẩy phát triển các phẩm chất tư duy và nâng cao kỹ năng truyền cảm hứng. Đồng thời, thông qua quán triệt và thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để triệt tiêu sự chi phối của các rào do suy thoái chính trị đạo đức, lối sống, đến tầm nhìn lãnh đạo.

Ba là, phát huy tính tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xây dựng tầm nhìn lãnh đạo.

Để phát huy tính tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong xây dựng tầm nhìn, cần thường xuyên thúc đẩy và tạo điều kiện để mỗi cán bộ thực hiện tốt các nội dung cơ bản sau.

Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức xuyên suốt việc phát triển tư duy, tầm nhìn không dừng lại ở nhận thức cho kịp mà phải có sự vượt trước, bởi thực tiễn có nhiều biến chuyển nhanh chóng và phức tạp. Mỗi người cần tích cực, chủ động học tập quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kiến thức về quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quản lý kinh tế, hành chính, pháp luật; rèn luyện năng lực, kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý, huấn luyện, giáo dục bộ đội; thấu hiểu khu vực phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu, làm nền tảng xác định và phát triển tư duy và hành động của tầm nhìn.

 Thứ hai, nêu cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quán triệt và thực hiện có chất lượng, hiệu quả Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên bên cạnh việc học tập và làm theo các nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách nói chung cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác về tư duy logic và tầm nhìn xa, trông rộng. Học tập phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, thiết thực gắn với thực tiễn quân đội, đất nước và thời đại; học tập phương pháp kết hợp giữa tính cách mạng và tính khoa học, giữa lập trường, quan điểm và phương pháp nhận thức, hành động; tư duy kết hợp giữa tri thức phương Đ ông và Phương Tây, kết hợp giữ gìn và phát huy đạo đức cách mạng trong sáng, từ đó xây dựng, thực hiện tầm nhìn xa, trông rộng, chí công vô tư.

Thứ ba, thiết kế các tương tác xã hội có chủ đích nhằm tạo điều kiện để mỗi cán bộ, đảng viên tích cực tham gia tương tác, giao lưu xã hội qua đó mở rộng tư duy và tầm nhìn; mở rộng các bối cảnh, các mối quan hệ qua lại; các cách diễn đạt và thách thức mới đối với lãnh đạo, chỉ huy và phát triển và lan tỏa tầm nhìn. Đề cao tính hành động của mỗi cán bộ, đảng viên trong học tập, rèn luyện để xây dựng, nâng cao tầm nhìn; trong sự mạnh dạn chuyển ý tưởng thành hiện thực và trong nỗ lực điều chỉnh cách nghĩ, cách hành động của bản thân cho phù hợp với đòi hỏi xây dựng tầm nhìn cho cơ quan, đơn vị.

Bốn là, phát huy dân chủ và xây dựng cơ chế khuyến khích, truyền cảm hứng tầm nhìn cho cán bộ, đảng viên.

Tầm nhìn lãnh đạo của cán bộ, đảng viên được nảy sinh trong tập thể, gắn với vị thế và xu hướng của tập thể. Môi trường dân chủ, cởi mở là điều kiện để phát huy khả năng độc lập suy nghĩ, không bị chi phối bởi những điều có sẵn, mở ra các ý tưởng sáng tạo, ý tưởng vượt trước, góc nhìn mới của tầm nhìn lãnh đạo. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế khuyến khích, truyền cảm hứng cho cán bộ, đảng viên có tầm nhìn tốt là điều kiện thuận lợi để mỗi người nuôi dưỡng, rèn luyện, phát triển ý tưởng, tầm nhìn lãnh đạo.

Phát huy dân chủ trong tập thể và cơ chế thuận lợi sẽ thúc đẩy tầm nhìn của cán bộ, đảng viên hình thành, phát triển.

Thứ nhất, lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng, tin tưởng và đồng cảm với cấp dưới. Mỗi cán bộ, đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần đặt mình vào các vị trí khác nhau, với tâm thế khác nhau, chấp nhận các phản biện, các quan điểm trái ngược với mình để lắng nghe, ghi nhận và bảo vệ những kiểu tư duy mới, độc đáo, những sáng kiến, cách nghĩ mới của cán bộ, đảng viên trong đơn vị; tạo môi trường để các ý tưởng mới, sáng tạo được nảy nở, nuôi dưỡng những tư duy mới, khác biệt và tạo điều kiện cho nó được hiện thực hóa, kết hợp đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng. Trong lãnh đạo, chỉ huy cần sử dụng phong cách dân chủ, linh hoạt, khôn khéo; đồng thời tránh các phong cách dân chủ giả hiệu dẫn tới sự bị phân tán, lãng phí nguồn lực nội sinh, trí tuệ của tập thể. Nâng cao ý thức và trình độ làm chủ của mỗi người; tăng cường sự đồng thuận, đoàn kết, kỷ luật; củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, chiến sĩ vào cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, tính tích cực tư duy và hành động của mọi cán bộ, chiến sĩ với nhiệm vụ, chức trách được giao.

Thứ hai, quan tâm xây dựng cơ chế khuyến khích, truyền cảm hứng tầm nhìn cho cán bộ, đảng viên. Cần phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ, đảng viên tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội và có triển vọng phát triển vào nguồn cán bộ kế cận, kế tiếp các chức danh chủ chốt. Thường xuyên bổ sung, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt và phát triển toàn diện các kỹ năng. Chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát huy có hiệu quả tầm nhìn xa, trông rộng, năng lực dự báo và khả năng sáng tạo trong thực tiễn công tác. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm “Tuyển chọn và tuyển dụng cán bộ, đảng viên có đầy đủ phẩm chất, năng lực, tầm nhìn vào phục vụ quân đội, đi cùng với thực hiện các cơ chế giám sát chặt chẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạ o, quản lý các cấp”2.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay đặt ra những yêu cầu về phẩm chất và năng lực tưởng ứng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội. Trong đó, tầm nhìn lãnh đạo là một phẩm chất có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định vị thế của người lãnh đạo, chỉ huy trong cơ quan, đơn vị. Xây dựng tầm nhìn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là một vấn đề cấp thiết, là trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy và toàn thể cán bộ, đảng viên.

 Để xây dựng tầm nhìn cho cán bộ, đảng viên trong Quân đội, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức, hoạt động thực tiễn, phát triển năng lực, tính tích cực của cá nhân đến phát huy dân chủ trong tập thể.

1. Hội đồng lý luận Trung ương, Những điểm mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr. 17.

2. Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021, Kết luận Hội nghị lần thứ  tư của ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về Đẩy mạnh xây mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Hà Nội, 2021.