Trong bối cảnh tình hình căng thẳng giữa Israel và Palestine gia tăng nhanh chóng thời gian qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, không để bạo lực bùng phát trở lại ở khu vực Trung Đông.

Đợt căng thẳng mới nhất bắt đầu từ ngày 26-1, khi Quân đội Israel thực hiện một cuộc đột kích-được cho là nhằm chống khủng bố-vào một trại tị nạn ở thành phố Jenin, khiến 9 người Palestine thiệt mạng. Cùng ngày, một người đàn ông Palestine bị binh lính Israel bắn chết tại thị trấn al-Ram, phía Bắc Jerusalem, đánh dấu một trong những ngày đẫm máu nhất ở khu vực Bờ Tây. Sau đó một ngày, một tay súng người Palestine đã bắn chết 7 người Israel tại một giáo đường Do Thái ở Đông Jerusalem. Cũng trong ngày 27-1, Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào dải Gaza. Ngày 28-1, một thiếu niên Palestine đã nổ súng làm bị thương 2 người Israel tại khu phố Silwan của người Palestine, gần thành phố cổ Jerusalem. Trước tình hình đó, Quân đội Israel đã triển khai thêm 3 tiểu đoàn tới khu vực Bờ Tây để củng cố lực lượng. Nội các của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, gồm các chính trị gia theo đường lối cứng rắn, cũng đã phê chuẩn các biện pháp trừng phạt đối với người Palestine nhằm đáp trả các vụ tấn công.

Al Jazeera ngày 28-1 dẫn lời Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tuyên bố, "vụ tấn công khủng bố" bên ngoài giáo đường Do Thái ở Jerusalem khiến 7 người thiệt mạng là "đặc biệt ghê tởm" vì nó xảy ra tại một nơi thờ cúng linh thiêng đúng vào Ngày tưởng niệm các nạn nhân Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai (Holocaust). Văn phòng nhân quyền của LHQ kêu gọi chấm dứt “chu kỳ bạo lực bất tận” ở khu vực Bờ Tây, đồng thời bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng số người thiệt mạng ở Palestine sau một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất của Quân đội Israel trong nhiều năm.

Bạo lực bùng phát ở khu vực Trung Đông: Một góc thành phố Jenin ở khu vực Bờ Tây sau cuộc đột kích của Quân đội Israel hôm 26-1. Ảnh: AP

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell lên án mạnh mẽ “các hành động bạo lực và thù hận điên cuồng” sau “vụ tấn công khủng bố kinh hoàng” bên ngoài giáo đường Do Thái. Ông cũng phản ứng trước cuộc đột kích vào trại tị nạn Jenin, nhấn mạnh rằng "vũ lực sát thương chỉ được sử dụng như là phương sách cuối cùng khi không thể tránh khỏi để bảo vệ tính mạng". Theo ông Borrell, hơn 30 người Palestine đã bị giết hại bởi binh lính Israel kể từ đầu năm nay. Ông kêu gọi tất cả các bên “đảo ngược vòng xoáy bạo lực và tham gia vào những nỗ lực có ý nghĩa để khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu về vụ tấn công ở Jerusalem cướp đi sinh mạng của 7 người Israel. Theo ông Biden, vụ việc "là một cuộc tấn công chống lại thế giới văn minh", đồng thời nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ đối với Israel và nhất trí duy trì liên lạc thường xuyên với người đồng cấp Israel.

Bộ Ngoại giao Nga cũng ra lời kêu gọi "kiềm chế tối đa" đối với cả Israel và Palestine: “Chúng tôi quan sát những sự kiện mới nhất với sự quan ngại sâu sắc. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa và ngăn chặn căng thẳng leo thang”. Phía Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương khởi động lại cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Palestine và Israel.

Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, các cuộc tấn công “khủng khiếp” ở Jerusalem đã “gây sốc nặng nề” cho cá nhân ông và không quên nhấn mạnh rằng, “đối thoại và hợp tác giữa chính quyền Israel và Palestine là cần thiết hơn bao giờ hết”.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 29-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bắt đầu chuyến công du tới Ai Cập, Israel và Bờ Tây. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Blinken tới khu vực này kể từ khi chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Netanyahu lên nắm quyền sau cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái. Trong các cuộc gặp với Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Blinken sẽ thảo luận về tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Theo qdnd.vn