Sáng 1/11, trên 6,7 triệu cử tri tại Israel đã bắt đầu đến các điểm bỏ phiếu trên cả nước để bầu Quốc hội (Knesset) khóa 25, cuộc bầu cử lần thứ 5 trong vòng chưa đầy 4 năm tại nước này. (Nguồn: CNN)

Ngày 3/11, Ủy ban Bầu cử Trung ương Israel (CEC) đã công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Knesset (Quốc hội) lần thứ năm chỉ trong vòng bốn năm.

Theo đó, liên minh cánh hữu do cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn đầu đã giành đa số ghế trong Quốc hội khóa mới.

Mặc dù kết quả kiểm phiếu cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 6/11 tới, song sự chênh lệch lớn trong kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho phép liên minh cánh hữu tự tin chiến thắng. Dự kiến, phe của ông Netanyahu sẽ giành khoảng 64/120 ghế trong Quốc hội khóa 25 của Israel, trong đó, đảng Likud của chính trị gia này chiếm 32 ghế.

Ở chiều ngược lại, đối thủ của ông Netanyahu, Thủ tướng lâm thời Yair Lapid chỉ giành 51 ghế. Số ghế còn lại thuộc về một đảng Arab nhỏ. Ông Lapid đã chúc mừng chiến thắng của ông Netanyahu và chỉ đạo các trợ lý chuẩn bị chuyển giao quyền lực một cách bài bản.

Ông Lapid khẳng định: “Nhà nước Israel đứng trên mọi toan tính chính trị. Tôi chúc ông Netanyahu thành công vì lợi ích của nhân dân và nhà nước Israel”.

Ngày 1/11, Israel bước vào cuộc bầu cử Knesset (Quốc hội) lần thứ năm chỉ trong vòng bốn năm, sau khi chính phủ từ chức và quốc hội giải tán vào tháng Sáu vừa qua.

Mặc dù vậy, sự hiện diện của phe cực hữu trong liên minh của đảng Likud đã khiến Mỹ và đồng minh, đối tác mới của Israel lo ngại. Chủ tịch đảng Otzma Yehudit, ông Itamar Ben-Gvir và ông Bezalel Smotrich, Phó Chủ tịch đảng Chủ nghĩa phục quốc tôn giáo được đánh giá có quan điểm quyết liệt về nhiều vấn đề.

Bản thân ông Ben Gvir là nhân vật gây tranh cãi, không chỉ ở Israel mà cả đối với dư luận quốc tế, khu vực. Ông tự nhận là học trò của Giáo sĩ Do Thái cực đoan Meir Kahane, nhân vật bị cả Israel cùng Mỹ coi là khủng bố và cấm hoạt động chính trị từ năm 1980. Bản thân ông Ben Gvir từng bị kết án tù với tội danh khủng bố và kích động phân biệt chủng tộc năm 2007.

Trong phát biểu hồi tuần trước, chính trị gia này đã tuyên bố: “Đã đến lúc chúng ta trở thành lãnh chúa trên mảnh đất của mình”. Ông Ben-Gvir cũng gây tranh cãi khi khẳng định sẽ miễn trừ cho các binh sĩ Israel nổ súng vào người Palestine và sẵn sàng trục xuất các nhà lập pháp ông cho là “theo chủ nghĩa khủng bố”.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Sullivan đã bày tỏ quan ngại rằng, đảng của hai chính trị gia cực đoan này sẽ giành nhiều sự ủng hộ. Ngoài ra, ít nhất có hai nghị sĩ cấp cao của đảng Dân chủ Mỹ đã công khai bày tỏ quan ngại về lập trường chính trị của hai nhân vật này.

Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed thẳng thắn bày tỏ việc sẽ xem xét lại quan hệ với Israel nếu ông Benjamin Netanyahu tiến tới thành lập chính phủ với ông Ben Gvir và ông Smotrich.

Đồng thời, nhiệm vụ dành cho ông Netanyahu không dễ dàng. Israel giờ đây đang phải đối mặt với những thách thức mới. Mối đe dọa an ninh từ các cuộc tấn công của lực lượng Palestine, lạm phát và giá sinh hoạt cao chưa từng có do xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi hệ quả nghiêm trọng từ dịch Covid-19 vẫn còn đó.

Nhiều người hoài nghi về việc ông Netanyanhu có thể xoay chuyển tình hình. Ông Yohanan Plesner, Chủ tịch Viện Dân chủ Israel, cựu nghị sĩ Quốc hội Israel nhận định: “Quốc hội mới của Israel và chính phủ mới, có thể của ông Netanyahu, sẽ có xu hướng sùng đạo hơn và thiên hữu hơn”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, nó không đồng nghĩa với việc chính phủ mới sẽ “điều chỉnh lớn về chính sách kinh tế, đối ngoại hay an ninh. Thay vào đó, có thể là một số thay đổi về mặt Hiến pháp hay quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo”.

Liệu “người cũ trong bối cảnh mới” có mang lại điều người dân Do Thái mong muốn ở thời điểm hiện tại? Câu trả lời còn ở phía trước.

baoquocte.vn