Theo The New York Times, mùa hè đã đến với tỉnh Sistan và Baluchestan-mảnh đất nghèo khó, nứt nẻ và nắng nóng ở phía Đông Nam của Iran. Người dân khu vực này đang ngày đêm mong mỏi nước.

Trong nhiều tuần nay, các vòi nước ở những thành phố như Zahedan-thủ phủ của tỉnh Sistan và Baluchestan-không mang lại kết quả gì ngoài một dòng nước nhỏ, mặn và loãng. Tại những ngôi làng mà đường ống dẫn nước chưa bao giờ đến được, một số ít cư dân còn ở lại nói rằng họ hầu như không thể tìm đủ nước để giặt giũ hoặc tắm rửa chứ chưa nói đến việc đánh bắt cá, trồng trọt hoặc chăn nuôi gia súc. Setareh, 27 tuổi, sinh viên đại học ở Zahedan, cho biết: “Đôi khi chỉ rửa bát thôi mà chúng tôi phải đợi rất lâu. Tất cả mọi thứ từ nấu ăn đến các công việc khác đều là một thử thách đối với chúng tôi”.

Trong một bức thư gần đây, các thành viên của Quốc hội Iran cho rằng, trữ lượng nước của tỉnh Sistan và Baluchestan sẽ cạn kiệt vào giữa tháng 9 tới, khiến khoảng 2 triệu người dân tỉnh này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi. Không chỉ tỉnh Sistan và Baluchestan, các khu vực lân cận cũng đối mặt với hạn hán nghiêm trọng. 

Hạn hán khiến đất đai ở Iran nứt nẻ.

Hạn hán đã rình rập Iran trong nhiều thế kỷ. Mối đe dọa ngày càng gia tăng ở quốc gia Trung Đông này trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu và vấn đề quản lý nước không hợp lý. Để ứng phó với các lệnh trừng phạt, giới lãnh đạo Iran đã tập trung thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển để sản xuất tất cả các loại lương thực mà nước này cần thay vì phải nhập khẩu. Những khoản trợ cấp cho nông nghiệp giúp nông dân ở các vùng nông thôn có việc làm. Tuy nhiên, điều này làm cạn kiệt các tầng ngậm nước nhanh hơn mức có thể bổ sung. Thêm vào đó, việc nông dân khoan giếng bất hợp pháp khi nguồn nước ngầm cạn kiệt càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Chính phủ Iran đang xây dựng một đường ống để đưa nước khử muối từ biển Oman đến tỉnh Sistan và Baluchestan cũng như các vùng khác của Iran. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, biện pháp này khó có thể nhanh chóng đảo ngược tình trạng thiếu nước ở Iran. Chuyên gia về công trình thủy lợi Mohsen Moosavi nhận định, để giải quyết gốc rễ của vấn đề, Chính phủ Iran nên nhanh chóng tạo ra các cơ hội việc làm khác ngoài nông nghiệp để cuộc sống của người dân không bị ràng buộc với các công việc phụ thuộc nhiều vào nước. Trong khi đó, ông Kaveh Madani, chuyên gia về nước tại Liên hợp quốc và Đại học New York (Mỹ)-người từng là Phó tổng thống Iran-cho rằng trừ khi cắt giảm lượng nước tiêu thụ, nếu không tình hình sẽ không khá hơn.

Theo VnExpress.vn