Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 14-9 cho rằng nước Mỹ nên đảm nhận vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu vì lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.

Theo tờ The Business Times, phát biểu trước các sinh viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Purdue, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia vào chính sách ngoại giao công nghiệp bán dẫn, qua đó bảo đảm rằng nước Mỹ luôn có mặt khi ngành này đưa ra các quyết định quan trọng.

Phát biểu của ông Blinken được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước, từ đó hạn chế những vấn đề của chuỗi cung ứng hậu đại dịch Covid-19, đồng thời tránh phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài. Bởi chip bán dẫn là thành phần cần thiết cho nhiều lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất ô tô và điện thoại thông minh. Theo ông Blinken, ngành công nghiệp bán dẫn thậm chí còn ảnh hưởng đến cả chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước Mỹ.

Công nhân làm việc bên trong nhà máy sản xuất chip máy tính ở bang Minnesota, Mỹ. Ảnh: Reuters 

Thực tế cho thấy, những vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Mỹ và cũng chứng tỏ sự phụ thuộc của Mỹ vào các nước khác đối với những thành phần công nghệ.

Theo hãng tin Bloomberg, thị phần chip của Mỹ trên trường quốc tế đã giảm từ 37% trong năm 1990 xuống chỉ còn 12% vào năm 2021. Đầu năm nay, Bộ Thương mại Mỹ cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát, trong đó cảnh báo sự thiếu hụt chip bán dẫn sẽ khiến nhiều ngành sản xuất trọng yếu của Mỹ gặp khó khăn, và tình trạng này sẽ còn kéo dài, buộc giới chức Mỹ phải tìm ra giải pháp khắc phục sớm.

Cũng vì thế mà đầu tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch trị giá khoảng 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ sản xuất chip nội địa và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực trên. Trong đó, khoảng 28 tỷ USD sẽ được dùng để trợ cấp và cho vay nhằm giúp xây dựng các cơ sở sản xuất, lắp ráp và đóng gói một số loại chip tiên tiến hơn trên thế giới; 10 tỷ USD sẽ được dành để mở rộng sản xuất đối với những công nghệ cũ hơn trong ngành ô tô và viễn thông; 11 tỷ USD sẽ được sử dụng để nghiên cứu và phát triển các sáng kiến liên quan đến ngành này. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định khoản hỗ trợ sẽ sớm được giải ngân và đây là cơ hội giúp bảo đảm an ninh quốc gia, thúc đẩy ngành sản xuất, đổi mới, nghiên cứu và phát triển của nền kinh tế số 1 thế giới.

Trước đó, cùng với việc gọi sản xuất chất bán dẫn là vấn đề an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và Chip để thúc đẩy việc sản xuất chip bán dẫn trong nước và các ngành chế tạo công nghệ cao khác. Theo đạo luật này, dự kiến trong vòng 10 năm tới, Mỹ sẽ dành 280 tỷ USD cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học, trong đó riêng ngành sản xuất chip sẽ được đầu tư 52 tỷ USD.

Đáng chú ý, sự ra đời của Đạo luật Khoa học và Chip đánh dấu sự đồng thuận hiếm hoi giữa các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa khi họ đều cho rằng luật này là cần thiết để giúp Mỹ cạnh tranh với các cường quốc khác trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tăng cường an ninh quốc gia.

Theo qdnd.vn