Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu có cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin. Trong cuộc gặp tại Lầu Năm Góc, hai bên nhất trí nỗ lực tăng cường liên minh an ninh Mỹ-Nhật trên các lĩnh vực.

Kyodo News ngày 15-9 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, một trong những lĩnh vực được Bộ trưởng Hamada và người đồng cấp Austin nhấn mạnh là đối phó với các tên lửa siêu thanh. Các tên lửa siêu thanh thường bay với tốc độ tối thiểu là Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh). Theo Reuters, đây là loại vũ khí thuộc thế hệ tiếp theo được phát triển với mục đích “tước đoạt thời gian phản ứng cũng như các cơ chế đánh chặn truyền thống” của đối phương.

CNN cho biết, trên thế giới hiện chỉ có Nga và Trung Quốc được biết đến là hai quốc gia đang sở hữu các tên lửa siêu thanh “có thể được triển khai”. Bộ trưởng Hamada và người đồng cấp Austin nhất trí rằng Tokyo và Washington sẽ hợp tác nghiên cứu chung về các công nghệ cần thiết cho việc phát triển vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh.

  Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc.Ảnh: Kyodo News.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Hamada cũng khẳng định quyết tâm của Nhật Bản tăng cường tiềm lực quốc phòng thông qua việc cập nhật các tài liệu an ninh quốc gia và gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Theo The Japan Times, lần đầu tiên kể từ khi được thông qua hồi năm 2013, Nhật Bản dự kiến cập nhật Chiến lược an ninh quốc gia vào cuối năm nay. Trong đề xuất ngân sách cho tài khóa 2023 (bắt đầu từ tháng 4-2023), Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề nghị ngân sách quốc phòng cao kỷ lục 5,59 nghìn tỷ yên (hơn 40 tỷ USD) với nhận định thế giới đang bước vào “một kỷ nguyên khủng hoảng mới”.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Hamada cho biết, người đồng cấp Mỹ bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết tâm nói trên của Nhật Bản. Bộ trưởng Hamada và người đồng cấp Austin khẳng định Nhật Bản và Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn những ý đồ “đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho đây là những hành vi “không thể chấp nhận được”.    

Trong khi đó, theo Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản được ràng buộc bởi “tình hữu nghị và lòng tin sâu sắc cùng những lợi ích chung”, đồng thời bày tỏ “vô cùng tự hào” về những gì mà liên minh Mỹ-Nhật đã đạt được. Bộ trưởng Austin tái khẳng định cam kết “không lay chuyển” của Mỹ đối với việc bảo vệ Nhật Bản trước các mối đe dọa tiềm tàng, nêu rõ Washington sẵn sàng “sử dụng toàn bộ năng lực vũ khí thông thường và hạt nhân” để bảo vệ Tokyo. Theo ông chủ Lầu Năm Góc, Mỹ và Nhật Bản cùng chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. “Liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng bảo đảm cho hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Austin tuyên bố.

Những phát biểu của Bộ trưởng Hamada và người đồng cấp Austin được đánh giá là tương đồng với những gì mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhất trí trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm Tokyo của ông chủ Nhà Trắng hồi tháng 5 vừa qua. Theo đó, Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Joe Biden cam kết tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Mỹ-Nhật. Tổng thống Joe Biden đánh giá cao quyết tâm của Thủ tướng Kishida Fumio về việc củng cố tiềm lực quốc phòng của Nhật Bản và bảo đảm sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng để thực hiện điều này. Thủ tướng Kishida Fumio kêu gọi Nhật Bản và Mỹ đi đầu trong việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Theo qdnd.vn