Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry đang có chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc để tham gia các cuộc đàm phán nhằm khôi phục nỗ lực của hai bên trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh thế giới ghi nhận những tuần nắng nóng kỷ lục ở nhiều nơi do tác động ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Kyodo News ngày 17-7 nhận định, chuyến thăm của ông John Kerry nằm trong một loạt các tương tác cho thấy mối quan hệ Washington-Bắc Kinh đang tích cực được hàn gắn. Còn theo Reuters, cuộc gặp giữa Đặc phái viên về biến đổi khí hậu (BĐKH) của Trung Quốc Giải Chấn Hoa và người đồng cấp Mỹ John Kerry diễn ra khi Bắc Kinh và Washington tăng tốc đàm phán nhằm chuẩn bị cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, dự kiến có thể diễn ra vào cuối năm nay.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa tại một cuộc thảo luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, tháng 5-2022

Ông John Kerry là quan chức cấp cao thứ ba của Mỹ đến thăm Trung Quốc trong những tuần gần đây, sau Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Các nguồn tin cho hay, Bắc Kinh và Washington cũng đang sắp xếp chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Một loạt chuyến công du của các quan chức cấp cao Mỹ tới Bắc Kinh phần nào hé mở nỗ lực của hai bên trong việc hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương. Bất chấp những bất đồng còn tồn tại, cả Bắc Kinh và Washington đều cho rằng hai bên có thể tiếp tục thúc đẩy hợp tác về BĐKH. Reuters dẫn lời chuyên gia Li Shuo của tổ chức Greenpeace ở Bắc Kinh cho biết, các cuộc đàm phán theo lịch trình cho thấy BĐKH được coi là “một nền tảng cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới”.

Dự kiến, các cuộc hội đàm song phương của Đặc phái viên John Kerry với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa sẽ tập trung vào các vấn đề bao gồm: Giảm phát thải khí methane, hạn chế sử dụng than đá, kiềm chế nạn phá rừng và giúp các nước nghèo giải quyết vấn đề BĐKH.

Ông John Kerry và ông Giải Chấn Hoa-những người đã vun đắp mối quan hệ nồng ấm trong hơn 20 năm hoạt động ngoại giao-cũng có thể sẽ thảo luận về sự phản đối của Trung Quốc đối với chính sách thuế quan của Mỹ và các hạn chế khác đối với việc nhập khẩu các thành phần sản xuất pin xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời từ Trung Quốc.

CNN cho hay, trong khi Trung Quốc đã tích cực đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo với sản lượng lớn hơn cả phần còn lại của thế giới, nước này cũng đã có bước đột phá mạnh mẽ trở lại với than đá, xuất phát từ mối lo ngại về an ninh năng lượng. Mùa hè năm ngoái, hàng triệu người dân Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng bị cắt điện liên tục sau những đợt nắng nóng kéo dài dẫn đến khan hiếm nguồn cung cấp điện.

Theo lộ trình, Trung Quốc sẽ đạt mức phát thải carbon dioxide (CO2) cao nhất vào năm 2030 và cam kết hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Còn Mỹ đặt mục tiêu khử CO2 cho nền kinh tế Mỹ vào năm 2050. Năm ngoái, Mỹ ban hành Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó áp đặt phí đối với khí thải methane từ ngành dầu khí bắt đầu từ năm 2024. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra một quy tắc ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, theo đó yêu cầu các nhà khai thác dầu khí phản hồi những báo cáo từ các nhà môi trường về mức độ phát thải khí methane-loại khí thải đóng góp tới 30% sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, cũng theo Đạo luật Giảm lạm phát, Washington dành các khoản tín dụng thuế ưu đãi cho ngành sản xuất năng lượng sạch trong nước nhằm chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này-một vấn đề khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc càng thêm tăng nhiệt.

Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu. Điều này có nghĩa là nỗ lực ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ cần phải có sự bắt tay của hai cường quốc này. Tuy nhiên, quá nhiều bất đồng cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa hai bên không dễ được hóa giải một sớm một chiều. Đó là lý do khiến giới phân tích đánh giá sẽ không có nhiều đột phá trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông John Kerry. David Sandalow, Giám đốc Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu, Đại học Columbia (Mỹ) nhận định: “Sẽ không có nhiều đột phá trong các cuộc gặp này, song hy vọng nó có thể giúp hai bên khôi phục sự kết nối và góp phần đưa quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung về mức bình thường”.

Theo qdnd.vn