Sở hữu ngành công nghiệp vũ khí hiện đại và phát triển mạnh mẽ, lại có lợi thế về địa lý với quyền kiểm soát đảo Gotland ở trung tâm Biển Baltic, việc Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến sức mạnh của khối này được củng cố.

Tuy nhiên, theo Foreign Policy, chính hệ thống nghĩa vụ quân sự (NVQS) của quốc gia Bắc Âu này mới là thứ tạo nên thế mạnh của Thụy Điển, là mô hình kiểu mẫu mà các thành viên NATO cần học hỏi.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine nhắc nhở các quốc gia phương Tây rằng, đối diện một cuộc chiến lớn, ngoài năng lực vũ khí và công nghệ thì quy mô và sức mạnh của lực lượng vũ trang (LLVT) vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đây lại là “gót chân Asin” của NATO, bởi sau những năm 90 của thế kỷ trước-khi mối đe dọa từ Moskva được cho là đã bị triệt tiêu-thì để tiết kiệm ngân sách nhằm ưu tiên cho các mục tiêu thời bình, hàng loạt quốc gia phương Tây đã giải giáp vũ khí, cắt giảm mạnh số lượng quân chủ lực xuống mức tối thiểu, chấm dứt chế độ NVQS bắt buộc từng là nền tảng của nhiều quân đội thành viên NATO.

Đến giữa năm 2000, quy mô của Bundeswehr (lực lượng quân đội Đức) chỉ còn bằng 1/2 so với thời Chiến tranh Lạnh, trong khi quân đội Anh chỉ có thể gửi một lữ đoàn duy nhất tới Afghanistan để sát cánh với đồng minh Mỹ. Dù vậy, Đức và Anh đã từng và hiện vẫn được coi là những thành viên “nặng ký” của NATO. Như thế đủ hiểu tình trạng quân đội các thành viên khác của NATO còn “bi đát” hơn nhiều.

Tình hình dường như càng tệ đi trong hai thập kỷ sau đó, khi tính đến giữa năm 2023, Bundeswehr chỉ có hơn 180.000 quân nhân tại ngũ, còn quy mô LLVT Anh đạt mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Napoleon đầu thế kỷ 19, trong khi quân đội Pháp thậm chí còn không thể “triển khai hoạt động quân sự quy mô lớn tại bất kỳ thời điểm nào”, Foreign Policy dẫn nhận xét của một chuyên gia phân tích quân sự. 

Các binh sĩ tham gia một cuộc tập trận ở Kungsangen (Thụy Điển), ngày 27-2.

Giữa hiện thực “mịt mờ” đó, vẫn còn một vài quốc gia thành viên NATO duy trì được LLVT quy mô lớn, song đó không phải là những quốc gia “tiền tuyến”. Có thể kể đến Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, với lực lượng lính nghĩa vụ khá lớn, nhưng đang bị đặt dấu hỏi về “mức độ sẵn sàng chiến đấu” trong trường hợp xảy ra đối đầu trực diện Nga-NATO. Mỹ-quốc gia dẫn đầu liên minh quân sự-luôn tự hào có khoảng một triệu quân nhân tại ngũ, song khả năng trở lại cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến Washington bị nghi ngờ liệu có “sẵn lòng tham chiến” vì các đồng minh hay không, chưa kể Mỹ cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tuyển dụng cho quân đội của chính mình.  

Dân số già và trên đà sụt giảm, phúc lợi xã hội ngày càng mở rộng, cùng với sức hấp dẫn hạn chế của NVQS là những nguyên nhân khiến các quốc gia phương Tây gặp khó trong tuyển dụng nhân sự vào LLVT.

Trong bối cảnh đó, mô hình LLVT Thụy Điển trở thành một điểm sáng. Tương tự Đức và Pháp, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển sở hữu một quân đội hùng hậu có năng lực chiến đấu cao với 850.000 binh sĩ. Ở vị thế trung lập kể từ năm 1812, Thụy Điển coi quân đội mạnh là yếu tố quan trọng để duy trì nền độc lập quốc gia để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và hỗ trợ cho các hoạt động viễn chinh, đa phương khác. Tuy nhiên, từ năm 2010, Stockholm đã đình chỉ chế độ NVQS bắt buộc và giảm quy mô LLVT xuống còn 20.000 quân nhân. Đến năm 2018, chế độ này được khôi phục với nhiều cải tiến và đã chứng minh hiệu quả rõ rệt.

Mỗi năm, khoảng 100.000 thanh niên Thụy Điển trong độ tuổi 18 có lệnh khám tuyển, nhưng chỉ 5% trong số này trúng tuyển, với tiêu chuẩn lựa chọn ngày càng cao song hành với mức độ tinh nhuệ của LLVT được nâng lên đáng kể. Các chính sách và tiêu chí mới phát huy hiệu quả, giúp LLVT Thụy Điển thu hút nhân tài và mở rộng lực lượng dự bị. Số lượng tuyển dụng vào LLVT Thụy Điển đầu năm 2024 đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Từng là một lực lượng “già nua và lạc lõng với xã hội”, LLVT Thụy Điển ngày nay đã giành được sự yêu thích của giới trẻ. Chế độ tòng quân được khôi phục và sự coi trọng quốc phòng của Stockholm cho thấy thực hiện NVQS là danh dự và điều cần phải làm của mỗi công dân.

Theo qdnd.vn