Quân sự thế giới ngày 5-2 có những thông tin đáng chú ý như Mỹ bắn hạ khinh khí cầu nghi có thiết bị do thám, Bắc Mecedonia tăng ngân sách quốc phòng.

* Bắc Macedonia lên kế hoạch tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng từ 317 triệu USD năm 2022 lên 542 triệu USD năm 2027. Theo GlobalData, mặc dù khi mức chi tiêu hiện tại 317 triệu USD của Bắc Macedonia thấp hơn so với nhiều quốc gia NATO khác, tính theo tỷ lệ GDP dành cho quốc phòng lại cao hơn mặt bằng chung và nhiều quốc gia khác trong khối. Trong khi các quốc gia có quy mô kinh tế lớn như Pháp và Đức dành 1,9% và 1,8% GDP cho chi tiêu quốc phòng thì tỷ lệ này của Bắc Macedonia là 2,6%.

Một trong những nguyên nhân khiến Bắc Macedonia gia tăng chi tiêu ngân quốc phòng là do xung đột ở Ukraine khiến nước này khó nhập được phụ tùng thay thế cho vũ khí, khí tài quân sự chủ yếu từ thời Liên Xô. Ngoài ra, Bắc Macedonia cũng đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng vũ trang với các trang thiết bị thay thế cho những gì nước này đã chuyển giao cho Ukraine. Hiện Bắc Macedonia đang nỗ lực nâng cấp khí tài nhằm cải thiện năng lực tác chiến cho các lực lượng trên bộ, tập trung vào mua các loại xe chiến đấu hạng nhẹ và xe bọc thép Stryker của Canada.

Bắc Macedonia đang thực hiện chương trình mua xe bọc thép Stryker của Canada. Ảnh: Army Technology

* Thales bắt đầu bàn giao trạm SatCom mặt đất SYRACUSE IV phục vụ Hải quân Pháp. Chương trình SYRACUSE IV do Tổng cục quân bị (DGA) Pháp thực hiện nhằm hiện đại hóa và tăng cường khả năng liên lạc vệ tinh quân sự (SatCom) và Thales là nhà thầu cung cấp tất cả các trạm liên lạc vệ tinh mặt đất cho Hải quân Pháp. Theo đó, tàu khu trục nhỏ đa nhiệm Lorraine mới hạ thủy tháng 11-2022 sẽ được trang bị trạm SatCom SYRACUSE IV. 

SYRACUSE là chương trình viễn thông vệ tinh an toàn của Pháp, cung cấp thông tin liên lạc quân sự 24/24 giữa Sở chỉ huy trung tâm và các đơn vị triển khai ngoài chiến trường. Chương trình này giúp Pháp tự chủ trong việc đáp ứng các nhu cầu viễn thông đường dài an toàn và giảm nguy cơ bị can thiệp bởi lực lượng tác chiến điện tử của đối phương. Tới từ 1984 đến 2015, đã có 3 thế hệ vệ tinh SYRACUSE được triển khai. SYRACUSE IV được xây dựng nhằm mục đích làm mới các vệ tinh SYRACUSE IIIA và IIIB, đồng thời hiện đại hóa và hoàn thiện các trạm mặt đất. 

* Tân Hoa Xã ngày 5-2 đưa tin Nga và Ukraine vừa thực hiện một đợt trao đổi tù binh cuối tuần này. Thông tin đã được quan chức hai bên khẳng định. Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrei Yermak cho biết đã có 116 tù binh Ukraine và 63 tù bình Nga được hai bên trao trả. Ông Yermak cũng cho biết phía Ukraine đã nhận được thi thể của 2 nhân viên tình nguyện và 1 lính đánh thuê.

* Theo thông báo chính thức của Boeing, hãng đã nhận được hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD ký kết với Không quân Mỹ. Theo hợp đồng, Boeing sẽ hỗ trợ các hệ thống con dẫn đường cho tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III. Thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài 16 năm tính từ 2023. Trong 16 năm đó, Boeing có trách nhiệm đảm bảo các hệ thống luôn trong tình trạng sẵn sàng triển khai với độ chính xác cao 24/7. Tổng thời gian thực hiện hợp đồng là 40 triệu giờ hoạt động không ngừng nghỉ, đảm bảo an toàn và hiệu quả răn đe của hệ thống tên lửa. Hệ thống tên lửa liên lục địa là xương sống trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ và Boeing là công ty duy nhất đã liên tục duy trì hỗ trợ cho tất cả các hệ thống con của hệ thống tên lửa đạn đạo như hệ thống dẫn đường, hệ thống chỉ huy mặt đất, hệ thống phóng và thu hồi.

* Thụy Điển nên đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ ra sao?

Tám tháng sau khi 2 nước Bắc Âu nộp đơn xin gia nhập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chỉ còn Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chưa chấp thuận đơn xin gia nhập NATO. Dự kiến hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra tại Vilnius vào tháng 7 này sẽ bàn định và thống nhất vấn đề này. Hiện tại, Hungary cho biết sẽ không tiếp tục cản đường 2 nước Bắc Âu nữa và điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước duy nhất trong khối cản đường Phần Lan và Thụy Điển.

Thụy Điển nên đối mặt với Thổ Nhĩ Kỳ ra sao? Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng gợi ý rằng sẽ mở đường cho Phần Lan, nhưng câu chuyện sẽ rất khác với Thụy Điển. Vướng mắc chủ yếu của Thụy Điển với Thổ Nhĩ Kỳ là việc nước này khó thực hiện yêu cầu của ông Erdogan liên quan những nhân vật mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Trong bối cảnh đó, Phần Lan, Thụy Điển và cả NATO nên làm gì? 

Có lẽ điều đầu tiên là họ nên đợi đến cuộc bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5 tới đây. Nếu ông Erdogan không tái cử, hoặc liên minh chính trị của ông mất quyền kiểm soát quốc hội, hoặc cả hai điều này xảy ra, thì có thể hy vọng vào quan điểm "dễ thở" hơn với Thụy Điển. Ngay cả khi ông Erdogan tiếp tục thắng cử thì ông ta cũng hoàn toàn có lý do để thay đổi đường lối sau khi chiến dịch tranh cử kết thúc. Dù có xảy ra theo cách nào thì khả năng NATO có thể chính thức chào đón cả Thụy Điển và Phần Lan cũng có thể xảy ra sau tháng 5 này.

Trong trường hợp ông Erdogan tiếp tục tái cử và vẫn không thay đổi quan điểm về Thụy Điển và Phần Lan một mình bước vào khối NATO thì Thụy Điển cần tiếp tục duy trì quan hệ hậu cần chặt chẽ với NATO và thực hiện các hiệp định song phương với Mỹ và các cường quốc phương Tây như thể là một thành viên của khối, dù không chính thức. Việc này giúp dần dần chính thức hóa việc gia nhập NATO càng sớm càng tốt.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo QĐND gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Theo TTXVN