Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này có nhiều điểm đặc biệt, thể hiện sự trọng thị và kỳ vọng lớn cho quan hệ hai nước, theo chuyên gia.

Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam ngày 12-13/12, vào dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện. Đây là lần thứ ba ông Tập thăm Việt Nam ở cương vị người đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc.

"Điều này vừa thể hiện mức trọng thị đặc biệt mà lãnh đạo Trung Quốc dành cho quan hệ song phương, vừa chứng tỏ vị thế Việt Nam đã được nâng tầm và thật sự trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế - an ninh của khu vực qua những chuyển động ngoại giao gần đây", tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị, Phó khoa phụ trách Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM, nói với VnExpress.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ông Tập Cận Bình đi dạo trong khu Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ông Tập thăm Việt Nam năm 2017.

Chuyến thăm Việt Nam lần này được thúc đẩy bởi xu thế "hướng nam" trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc, theo ông Nghị. Bắc Kinh những năm qua chú trọng phát triển quan hệ và tăng cường giao lưu hợp tác với các nước ASEAN, được thể hiện qua thỏa thuận miễn visa với Malaysia và Singapore. Việt Nam cũng là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chung.

Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, coi đây là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại. Phía Trung Quốc cũng xác định quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, theo bình luận ngày 9/12 của Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn.

Ông Nguyễn Vinh Quang, cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, ngày 10/12 nhận định "lòng tin chiến lược giữa hai nước chính là lòng tin giữa hai Đảng". Quan hệ giữa hai Đảng trên thực tế đã có lịch sử 100 năm và hợp tác giữa hai Đảng định hướng cho quan hệ giữa hai nước.

"Trong tổng thể ba kênh ngoại giao Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân, trên thế giới không có nước nào có quan hệ ngoại giao kênh Đảng và giao lưu nhân dân có từ lâu đời và sâu đậm như hai nước Việt Nam và Trung Quốc", ông Quang nhấn mạnh.

'Định vị mới' và 'tầm mức mới'

Trả lời phỏng vấn ngày 10/12, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam chỉ ra 4 điểm mới trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, gồm "tình hình mới, phương hướng mới, triển vọng mới và động lực mới". Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng cho hay Việt Nam và Trung Quốc đều kỳ vọng chuyến thăm của ông Tập sẽ mang đến "định vị mới" và "tầm mức mới" của quan hệ song phương.

Theo các chuyên gia, chuyến thăm của ông Tập diễn ra đúng thời điểm thuận lợi cho việc thúc đẩy và củng cố quan hệ Việt - Trung. Chuyến thăm Trung Quốc cuối năm 2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiếp nối bằng loạt hoạt động trao đổi cấp cao hai nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh sáng 20/10.

Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị, "định vị mới" có thể được diễn giải là xác định lại vị trí của đối tác trong chính sách đối ngoại, hoặc rộng hơn là xác định các khuôn khổ và hướng hợp tác mới.

Bên cạnh tăng cường mức độ hợp tác giữa hai đảng, hai chính phủ và các cơ quan lập pháp như quốc hội, Việt Nam và Trung Quốc có thể đang kỳ vọng quan hệ song phương không chỉ bó hẹp ở tiếp xúc ở tầm trung ương và các vấn đề vĩ mô, mà còn làm bền chặt hơn quan hệ ở cấp địa phương và các lĩnh vực cụ thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong các chuyến thăm Trung Quốc gần đây đều đề cập đến việc thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" với Sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng cường kết nối giao thông, thúc đẩy thương mại biên giới.

Sáng kiến "Hai hành lang, một vành đai kinh tế" được đưa ra từ năm 2004, gồm hai hành lang kinh tế "Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng", hành lang "Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng" và một "Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ", nhằm hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kết nối hạ tầng giao thông, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, "định vị mới" có thể mang hàm ý kỳ vọng làm rõ và tăng cường hợp tác giữa các đơn vị và địa phương của hai nước, mang đến một "khẩu vị mới" trong quan hệ song phương.

Kỳ vọng về "tầm mức mới" có thể mang hàm ý về nâng cao hơn nữa niềm tin chiến lược giữa hai nước, khi thực tế quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vốn đã ở mức cao nhất trong phân cấp đối tác của chính sách đối ngoại Việt Nam trong 15 năm qua.

Niềm tin này cần được chứng minh đạt "tầm mức mới" thông qua việc Trung Quốc cởi mở hợp tác thực chất với Việt Nam ở những lĩnh vực chiến lược mà Trung Quốc đang có vị thế dẫn đầu toàn cầu như mạng 5G, trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ xanh và chuyển đổi xanh.

Xu Liping, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Global Times rằng khai thác tiềm năng trong hợp tác quốc tế đường sắt Việt - Trung có thể là một lĩnh vực quan trọng sẽ được hai bên thảo luận trong chuyến thăm.

Gặp tại Bắc Kinh hồi tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 6 từng đề nghị với Chủ tịch Tập Cận Bình về việc hai bên nghiên cứu khả năng phát triển tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tốc độ cao kết nối Việt - Trung. Thủ tướng cũng mong muốn Trung Quốc cấp thêm hạn mức hàng hóa Việt Nam quá cảnh đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba.

"Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước chúng ta đều rất coi trọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này", Đại sứ Hùng Ba nói, thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng dùng khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng.

Lãnh đạo hai nước có thể nhân chuyến thăm này thẳng thắn trao đổi về nhu cầu và nguồn lực mỗi bên, chuyển hóa cam kết thành hợp tác hiệu quả ở những lĩnh vực mang tính quyết định cho tương lai phát triển của hai nước, khu vực và thế giới.

Ở chuyến thăm Việt Nam gần nhất của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hai bên đã nhất trí nỗ lực vun đắp môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông. "Từ khóa 'đồng chí, anh em' được các bên sử dụng trong các thông điệp về chuyến thăm lần này thể hiện kỳ vọng về trao đổi chân thành những vướng mắc còn tồn đọng trong quan hệ", ông Nghị nhận định.

Theo VnExpress