Ngày 19-6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Hội nghị.

Cùng dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trịTrương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng ban Chỉ đạo; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban Chỉ đạo.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và hơn 2500 đại biểu dự hội nghị trực tuyến kết nối đến các địa phương. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng.

 Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo và các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. 

Quang cảnh hội nghị.

Ngày 10-5-2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ngay sau đó, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2-6-2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (sau đây gọi là Quy định 67-QĐ/TW), tạo thuận lợi cho các tỉnh ủy, thành ủy thành lập các Ban Chỉ đạo.  Đến ngày 5-8-2022, chỉ sau gần ba tháng từ khi có Nghị quyết của Trung ương, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được thành lập, trong đó có 3 địa phương thành lập sớm nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa. Ngay sau khi được thành lập, với sự hướng dẫn kịp thời của Trung ương, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xây dựng chương trình, kế hoạch công tác để thống nhất triển khai hoạt động. 

Báo cáo tóm tắt sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực nhấn mạnh: Mặc dù có những khó khăn, vướng mắc ban đầu, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao, khẩn trương triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được rút ra qua tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng; nhất là đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh vừa tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trước đây, quá trình xử lý kéo dài, có khó khăn, vướng mắc, vừa chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới nảy sinh; vừa quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can. Xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng tiêu cực sai phạm về tham nhũng, tiêu cực, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm một năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng tiêu cực được quan tâm; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã được các Ban Chỉ đạo phát huy. Đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, ngoài Hội nghị toàn quốc do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, đã có 37/63 tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và giá trị cốt lõi của Tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp xã. Việc quán triệt nội dung cuốn sách của Tổng Bí thư đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng.

Dù còn mới mẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, nhưng các Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về cơ bản đã thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc, duy trì nề nếp. Nhiều nơi đã làm tốt vai trò khâu nối giữa các cơ quan tố tụng; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để chủ động đề xuất, tham mưu tháo gỡ. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nề nếp, thực sự là chỗ dựa tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực.

Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sau một năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây.

Điều đó khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn là dấu mốc quan trọng nói lên hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Việt Nam ta được hoàn thiện thêm một bước mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh; xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, nhất là những quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác này. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng tiêu cực, cả phòng ngừa, cả phát hiện, xử lý; thực hiện đồng bộ 4 mục tiêu "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng". Đặc biệt chú trọng giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh nhưng phải nhân văn; có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể khi xem xét xử lý sai phạm...".

Cùng với đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần chỉ đạo, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, báo chí và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Khẩn trương tham mưu cấp ủy có giải pháp chỉ đạo nhằm khắc phục nhanh chóng tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm… 

Theo qdnd.vn